Thứ hai, 00/00/2023
°

Cơ hội và thách thức để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam

Ngày 29/10/2023 - 17:53:00 | 2919 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Trong khuôn Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam diễn ra chiều ngày 29/10/2023 dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và tổ chức bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, các diễn giả tham dự hai phiên tọa đàm đều đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn.

Tọa đàm “Cơ hội và thách thức để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”. Ảnh: MPI

Tại phiên Tọa đàm “Cơ hội và thách thức để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, ông Ace Wilson, Giám đốc Tài chính Intel Products Việt Nam nêu rõ, Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn khi tốc độ tăng trưởng đang trên đà tích cực, lực lượng lao động dồi dào trong các lĩnh vực và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.

Intel Products Việt Nam đưa ra kiến nghị rằng, Chính phủ Việt Nam cần xác định rõ các trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên rõ ràng, như mong muốn thu hút phát triển những lĩnh vực nào, phân khúc sản phẩm nào của ngành để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Ông SH Kim, Tổng Giám đốc Amkor Việt Nam cho biết, Lễ khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh diễn ra thành công, là cứ điểm quan trọng của Tập đoàn Amkor trong thời gian tới để xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Bắc Ninh có cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại, nguồn lao động chất lượng cao và có thể dễ dàng thu hút nhân tài từ các địa phương lân cận dễ dàng.

Ông cho rằng, các công ty bán dẫn cần có sự hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để đưa ra hướng đi, giải pháp phù hợp về logistic, đảm bảo đầy đủ lực lượng lao động, thu hút nhân tài và phát triển hệ sinh thái kết nối cho các nhà cung cấp.

Amkor Technology Việt Nam cam kết tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Bắc Ninh nhằm phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn khu vực miền Bắc và đào tạo, tận dụng nguồn lực chuyên gia ban đầu để phát triển địa phương.

Ông Noriaki Sakamoto, Tổng Giám đốc Renasas Design Việt Nam cho biết, hiện nay, công ty đang hợp tác với nhiều trường đại học để cung cấp các khóa đào tạo về thiết kế chip vi mạch; đồng thời cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc kết nối, chia sẻ thông tin với các trường đại học và chính quyền địa phương.

Ông GC Lee, Phó Chủ tịch Tập đoàn Qorvo kiến nghị, Việt Nam cần có các ưu đãi để tiếp tục thu hút nhân tài và xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng để đáp ứng được các yêu cầu về thiết kế phòng thí nghiệm đạt đủ tiêu chuẩn.

Qorvo cam kết tiếp tục hợp tác với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, NIC và các trường đại học để hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chúng ta phải nhận thấy được tính phát triển của công nghệ khi Việt Nam sở hữu nhiều công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu như FPT, Viettel,… và sẽ có thể là lực lượng hàng đầu cho sản xuất vi mạch và sản phẩm bán dẫn.

Với số lượng đội ngũ kỹ sư đông đảo, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực, như thành lập các Trung tâm đào tạo; chuẩn bị hạ tầng phù hợp với nhu cầu sản xuất; có cách tiếp cận phù hợp để phát triển.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng cho biết, Thành phố xác định vi mạch bán dẫn sẽ trở thành một trong những động lực mới để phát triển kinh tế thành phố, vì vậy thành phố đã triển khai xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp hàng đầu đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Với nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng đồng bộ, các cảng hàng không, đường cao tốc, các khu công nghệ hiện đại, trường đại học lớn, Thành phố Đà Nẵng luôn khuyến khích, cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Tại phiên Tọa đàm “Cơn khát nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn trên thế giới và chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam”, các diễn giả tham dự đã chia sẻ các kinh nghiệm để giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình giảng dạy và xây dựng phòng thí nghiệm sản xuất linh kiện bán dẫn và vi mạch, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang triển khai xây dựng các chính sách nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài trong việc xây dựng phòng nghiên cứu chip bán dẫn; hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu và thực hành bán dẫn và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của trường.

Ông Phạm Bảo Sơn khẳng định, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng về khoa học - công nghệ đến cơ sở Đại học Quốc gia Hoà Lạc; đồng thời nhấn mạnh mong muốn trở thành một nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với NIC.

Ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng Đại học Bang Arizona đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn, cụ thể như có chương trình trao đổi sinh viên ngành công nghệ, hợp tác với các công ty ở Việt Nam trong sản xuất chip bán dẫn.

Với các ưu thế, kinh nghiệm dồi dào khi sở hữu nhiều kỹ sư công nghệ, Đại học Bang Arizona tin rằng có thể hợp tác với các cơ quan của Việt Nam phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và cải thiện các kỹ năng của các ngành hiện có.

Ông Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, Đại học Bách Khoa đã triển khai nhiều sáng kiến để phát triển ngành bán dẫn và thiết kế chip, trong đó tập trung phát triển mạng lưới doanh nghiệp và kết nối với các KKT, KCN liên quan đến công nghiệp và ngành bán dẫn; đồng thời có mạng lưới các trường đại học có thể chia sẻ thông tin về chương trình đào tạo và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đại học Bách Khoa sẽ tham gia mạnh mẽ để góp phần trong việc xây dựng và triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực, đào tạo khoảng 30.000-50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác