(MPI) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xin ý kiến các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế đặc thù để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, đã đạt được một số kết quả bước đầu: Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản được ban hành đầy đủ; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%; cả nước có 73,65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới;...
Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu do một số khó khăn, vướng mắc cần phải được kịp thời gỡ về: Phân bổ giao dự toán ngân sách trung ương (chi thường xuyên) hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất;…
Do đó, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế đặc thù nhằm xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Về quan điểm xây dựng Nghị quyết, bảo đảm tuân thủ các quy định Hiến pháp năm 2013, phù hợp với chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia tại các Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, số 24/2021/QH15 và số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu của Đại biểu Quốc hội và của cử tri cả nước.
Đồng thời, quy định một số cơ chế đặc thù nhằm để thể chế hóa đầy đủ các quy định, chính sách về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo hướng tăng cường phân cấp, trao quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu từng chương trình theo yêu cầu của Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra mục tiêu, nội dung của 07 chính sách, giải pháp thực hiện chính sách, cụ thể: (1) Cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (2) Cơ chế giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; (3) Cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng; (4) Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản (nếu có) sau khi kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; (5) Cơ chế ủy thác vốn đầu tư công nguồn tự cân đối cả ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; (6) Cơ chế giao danh mục dự án đầu tư công đối với các dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, có sự tham gia của người dân; (7) Cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, nguồn lực và điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết không thay đổi so với quy định tại các Nghị quyết 120/20202/QH14 ngày 19/6/2020, số 24/2021/QH15 và số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện các cơ chế đặc thù để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến./.
Thục Anh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư