Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng năm 2023

Ngày 04/07/2023 - 16:42:00 | 2049 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tác động, ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu, trong đó có nước ta. Ở trong nước, tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn thách thức. Trước bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tinh thần khởi sự kinh doanh và tình hình đăng ký doanh nghiệp đã có những tín hiệu khả quan hơn trong tháng 6/2023.

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 113.550 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022 (93.377 doanh nghiệp).

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 là 75.874 doanh nghiệp, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2021 (67.371 doanh nghiệp). Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 707.457 tỷ đồng, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 là 1.666.115 tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022). Có 25.187 lượt doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 6 tháng đầu năm 2023 (giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2022), với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 958.658 tỷ đồng (giảm 48,1% so với cùng kỳ năm 2022). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Có 9/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có: Giáo dục và đào tạo (tăng 43,6%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 21,9%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 21,7%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 21,3%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 11,3%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 8,9%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 7,1%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 6,6%); Thông tin và truyền thông (tăng 3,1%);

Có 8/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022: Kinh doanh bất động sản (giảm 58,9%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 25,5%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 14,2%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 10,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 8,6%); Vận tải kho bãi (giảm 7,6%); Xây dựng (giảm 4%); Khai khoáng (giảm 1,8%).   

Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 69.590 doanh nghiệp (chiếm 91,7%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 57.008 doanh nghiệp, chiếm 75,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,1% so với năm ngoái. Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 18.067 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 799 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 là 509.870 lao động, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022.

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023 là 37.676 doanh nghiệp, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,4 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (26.006 doanh nghiệp).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 7/17 lĩnh vực, cụ thể như sau: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (187 doanh nghiệp, tăng 14,7%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (354 doanh nghiệp, tăng 6,6%); Thông tin và truyền thông (769 doanh nghiệp, tăng 3,2%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (2.747 doanh nghiệp, tăng 2,3%); Giáo dục và đào tạo (992 doanh nghiệp; tăng 1,5%); Khai khoáng (293 doanh nghiệp, tăng 0,7%); Kinh doanh bất động sản (1.416 doanh nghiệp, tăng 0,5%);

Ngược lại, 10/17 lĩnh vực có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2022, bao gồm: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.929 doanh nghiệp, giảm 18,3%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (13.494 doanh nghiệp, giảm 12,3%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.023 doanh nghiệp, giảm 8,7%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (318 doanh nghiệp, giảm 7,6%); Vận tải kho bãi (1.786 doanh nghiệp, giảm 6,8%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (614 doanh nghiệp, giảm 5,8%); Hoạt động dịch vụ khác (1.064 doanh nghiệp, giảm 5,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.285 doanh nghiệp; giảm 4,6%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (539 doanh nghiệp, giảm 4,3%); Xây dựng (4.866 doanh nghiệp, giảm 3%).

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 100.026 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 60,2%), cụ thể:

- Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 60.172 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 28.949 doanh nghiệp (chiếm 48,1%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 53.584 doanh nghiệp (chiếm 89,1%, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2022).

- Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 31.023 doanh nghiệp, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 27.342 doanh nghiệp (chiếm 88,1%, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022).

- Số doanh nghiệp giải thể là 8.831 doanh nghiệp, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 12/17 ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 6 tháng đầu năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 6.124 doanh nghiệp (chiếm 69,3%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 7.596 doanh nghiệp (chiếm 86%, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022).

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6/2023

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tháng 6/2023 có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 138.746 tỷ đồng, tăng 4,8% về số doanh nghiệp và tăng 14,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6/2023 là 103.887 người, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 6/2023 ghi nhận có 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022.

2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 6/2023, cả nước có 12.333 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có:

- 5.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022;

- 5.749 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022;

- 1.482 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2022.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng việt có dấu.
Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Tin khác