(MPI) - Trong khuôn khổ sự kiện của APEC năm 2023, ngày 21/8/2023, theo giờ địa phương, Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) APEC lần thứ 29 đã được tổ chức tại Seattle, Washington (Hoa Kỳ). Tham dự Hội nghị có đại diện một số nền kinh tế APEC như Chile, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… và về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự Hội nghị.
 |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu. Ảnh: APEC |
Tại Hội nghị, các nền kinh tế đã trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tập trung vào các ưu tiên phát triển về kết nối, đổi mới và bao trùm. Thứ trưởng Trần Duy Đông đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận về “Trao quyền cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và nhỏ (MSMEs) trên thị trường toàn cầu thông qua công cụ và công nghệ kỹ thuật số”.
Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế trong thập kỷ qua. Trong bối cảnh ngày càng nhiều các hoạt động diễn ra trực tuyến, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ sang các hoạt động trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là MSMEs còn gặp phải nhiều rào cản trong tiến trình chuyển đổi số hoạt động của mình. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 09 rào cản chính các SMEs phải đối mặt, bao gồm khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số (chiếm 60.1%); khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh (52.3%); thiếu nguồn nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ chuyển đổi số (45.4%); thiếu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số (40.4%).
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đối mặt với khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số trong hoạt động của doanh nghiệp (38.5%); thiếu cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp (32.1%); thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động (26.6%); và Lo sợ về sự rò rỉ dữ liệu cá nhân và dữ liệu doanh nghiệp (23.4%).
Từ năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược kinh tế số; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông qua “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tích hợp và ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Sau hơn 2 năm thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai một loạt các hoạt động, tập trung vào việc xây dựng các công cụ, tài liệu đào tạo, hướng dẫn lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp; xây dựng sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số trong lĩnh vực: nông nghiệp, chế biến chế tạo, thương mại dịch vụ, logistic, du lịch…; đào tạo cho khoảng 10.000 doanh nghiệp tại 40 tỉnh, thành phố; hơn 2.000 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số.
Mạng lưới hơn 100 chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số trong nước cũng đã được thành lập, và xây dựng tài liệu, video hướng dẫn chuyển đổi số công bố trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, theo đó các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các tài liệu, kiến thức, mạng lưới chuyên gia, giải pháp chuyển đổi số và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam nhận thấy có tiềm năng lớn và cam kết mạnh mẽ vì một nền kinh tế phát triển bền vững và trung hòa carbon. Chuyển đổi số tạo cơ hội để xây dựng các mô hình kinh doanh sáng tạo và bền vững, đặc biệt đối với các MSMEs. Tầm quan trọng của “chuyển đổi kép” bao gồm chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong các ngành kinh tế và trong SMEs được khẳng định trong nhiều chiến lược như Chiến lược tăng trưởng xanh.
Việt Nam luôn tin tưởng và sẵn sàng hợp tác với các nền kinh tế APEC để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong các doanh nghiệp, đóng góp chung cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, Thứ trưởng khẳng định.
Hội nghị cũng nhận được các chia sẻ về việc trao quyền cho MSMEs trên thị trường toàn cầu thông qua tiếp cận chuỗi giá trị, chuyển đổi xanh cho MSMEs và những cơ hội mở ra cho các kinh tế tiềm năng chưa được khai thác./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư