(MPI) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 05/8/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kết quả xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn |
Về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 93,8 nghìn tỷ đồng, trong đó, cho vay 05 chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 19,8 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 2,15 nghìn tỷ đồng; Hỗ trợ tiền thuê nhà đạt gần 3,7 nghìn tỷ đồng; Hỗ trợ 2% lãi suất đạt khoảng 590 tỷ đồng; Giảm thuế, phí, lệ phí là 60,2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.
Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176 nghìn tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đạt trên 175,2 nghìn tỷ đồng. Ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình đến ngày 31/7/2023 đạt khoảng 30,26 nghìn tỷ đồng.
Về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 707,04 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 31/7/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết gần 646,73 nghìn tỷ đồng, đạt 91,5%. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 60,31 nghìn tỷ đồng (chiếm 8,5%), bao gồm: vốn NTSW là 23,77 nghìn tỷ đồng (của 20/51 bộ, cơ quan trung ương và 32/63 địa phương), vốn cân đối NSĐP là 36,54 nghìn tỷ đồng (của 13/63 địa phương).
Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2023 là 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%), về số tuyệt đối cao hơn gần 81 nghìn tỷ đồng. Có 08 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%; 43 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (37,85%).
Về triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ quy định quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đến ngày 31/7/2023 vẫn còn một số thông tư chưa sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 666/TTg-QHĐP ngày 18/7/2023; một số văn bản của địa phương đang sửa đổi để phù hợp với thẩm quyền phân cấp mới tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ.
Căn cứ Nghị quyết 93/2023/QH15 của Quốc hội, đến ngày 31/7/2023 Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia. Đầu tháng 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn năm 2023; Bộ Tài chính đang rà soát, hoàn thiện dự thảo Quyết định giao bổ sung dự toán NSTW năm 2023 để trình Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSTW, dự toán NSNN năm 2023 của 03 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số vốn là 23,25 nghìn tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch; chưa phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 961,87 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% kế hoạch.
Về rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn NSTW năm 2023, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 44 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 97/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 4801/BKHĐT-TH ngày 21/6/2023 đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất phương án xử lý đối với kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 đến nay chưa phân bổ hết, đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Theo đó, đến ngày 31/7/2023, có 19 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023; có 02 cơ quan trung ương và 10 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án.
Về kết quả xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương theo quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 504 kiến nghị của địa phương, tổng hợp sơ bộ, các bộ, cơ quan đã trả lời 249 kiến nghị (gần 50%); trong đó, có 133 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 116 kiến nghị thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu các nhiệm vụ, giải pháp về rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; về triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể như các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động nắm bắt tiến độ thực hiện; khẩn trương ban hành các Thông tư, văn bản sửa đổi, bổ sung, sổ tay hướng dẫn chi tiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tổng hợp, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tại cấp cơ sở.
Khẩn trương hoàn thành phân bổ kế hoạch vốn đã được giao và thực hiện, giải ngân; đôn đốc tiến độ thực hiện đối với các dự án còn chưa đủ điều kiện phân bổ vốn; quyết liệt rà soát danh mục các dự án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, điều chỉnh kịp thời; phân cấp quản lý đầu tư nhưng phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún.
Tiếp tục chủ động, tích cực rà soát kiến nghị của các địa phương theo Quyết định số 435/QĐ-TTg, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trả lời đúng hạn./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư