(MPI) - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023 diễn ra chiều ngày 03/3/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã làm rõ vấn đề được nhà báo quan tâm liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công; bài học kinh nghiệm đã có từ năm 2022 để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những năm vừa qua. Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề, 5 Công điện, 1 Chỉ thị và thành lập 6 tổ công tác để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời cho rằng, kết quả giải ngân đầu tư công năm 2022 là con số rất tích cực.
Hai tháng đầu năm 2023, trách nhiệm nặng nề hơn khi đã giao cho các bộ, ngành địa phương với quy mô vốn đầu tư công tăng khoảng 130 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 250 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, ngay từ đầu năm đã tổ chức Hội nghị toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, trong những ngày đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã đi thị sát và chỉ đạo tiến độ các dự án lớn tại nhiều địa phương, thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ khó khăn các công trình trọng điểm quốc gia.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, để giải ngân được số vốn này, kinh nghiệm từ năm 2022 có một số bài học. Thứ nhất là, thực hiện hiệu quả 6 tổ công tác do Thủ tướng thành lập, đôn đốc các bộ, ngành, tháo gỡ các khó khăn. Thứ hai là, chuẩn bị tốt các dự án đầu tư từ khâu phê duyệt, lựa chọn, để khi có vốn giao thì giải ngân được ngay. Thứ ba là, tập trung giải quyết các khó khăn liên quan đến thể chế (nếu có) về công tác giải phóng mặt bằng.
Trong 03 chương trình mục tiêu quốc gia, ngày 23/02/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Quyết định 04/2023/QĐ-TTg về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt), Dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc) của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Như vậy, hiện nay tất cả các văn bản pháp quy hướng dẫn 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều đẩy nhanh việc phân bổ chi tiết xuống cấp huyện, cấp xã để tổ chức giải ngân.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng nhấn mạnh đến các khó khăn về nguyên, nhiên vật liệu, điều chỉnh giá; vướng mắc liên quan đến ODA;… Đồng thời bày tỏ tin tưởng, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, tổ công tác… chúng ta sẽ nỗ lực để cố gắng giải ngân cao nhất số vốn 700 nghìn tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế và hỗ trợ các ngành kinh tế khác./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư