Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 01 năm 2023

Ngày 06/02/2023 - 16:54:00 | 1586 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 01/2023

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng đầu tiên của năm 2023 là 25.910 doanh nghiệp, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, con số này vẫn cao hơn 1,3 lần so với bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 01 giai đoạn 2018-2022 (19.887 doanh nghiệp). Nếu so sánh cùng kỳ các năm thì số liệu này chỉ thấp hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 01/2022.  

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 01/2023 là 10.843 doanh nghiệp, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường của cùng kỳ các năm từ 2021 trở về trước và của tháng 12/2022 (10.769 doanh nghiệp).

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 01/2023 là 378.109 tỷ đồng (giảm 29,5% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 99.104 tỷ đồng (giảm 48,5% so với cùng kỳ năm 2022). Đây cũng là mức vốn đăng ký mới thấp nhất trong tháng 01 kể từ năm 2019 đến nay[1]. Có 4.541 lượt doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong tháng 01/2023 (giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2022), với số vốn đăng ký tăng thêm là 279.005 tỷ đồng (giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2022). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 01/2023 đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh; khó khăn trong duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp.

Chỉ có 05/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022, bao gồm: Giáo dục và đào tạo (tăng 31%); Dịch vụ việc làm; du lịch (tăng 25,2%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 15,4%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 15,2%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 2,6%).

Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 9.809 doanh nghiệp (chiếm 90,5%, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 8.178 doanh nghiệp, chiếm 75,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 2.540 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 125 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cả 06 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2022: Tây Nguyên (277 doanh nghiệp, giảm 35,1%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.295 doanh nghiệp, giảm 29,8%); Đồng bằng Sông Cửu Long (785 doanh nghiệp, giảm 29,2%); Trung du và miền núi phía Bắc (522 doanh nghiệp, giảm 21,3%); Đông Nam Bộ (4.593 doanh nghiệp, giảm 11,3%) và Đồng bằng Sông Hồng (3.371 doanh nghiệp, giảm 10,8%).

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 01/2023 là 68.583 người, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022.

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 01/2023 là 15.067 doanh nghiệp, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn cao hơn 1,6 lần so với bình quân giai đoạn 2018-2022 (9.429 doanh nghiệp). 

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 03 lĩnh vực so với cùng kỳ năm ngoái: Hoạt động dịch vụ khác (456 doanh nghiệp, tăng 92,4%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (256 doanh nghiệp, tăng 82,9%); Giáo dục và đào tạo (458 doanh nghiệp, tăng 12,5%).

So sánh với cùng kỳ các năm có thể thấy, tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 01/2023 dù có những tín hiệu khả quan, tuy nhiên, vẫn có sự sụt giảm khi so sánh với cùng kỳ năm 2022. Ngoài các yếu tố liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp đã diễn ra từ Quý IV/2022 đến nay thì một phần nguyên nhân của sự giảm sút này là do tháng 01/2022 là thời điểm nước ta chưa chịu ảnh hưởng từ lạm phát và bối cảnh chính trị biến động phức tạp, khó lường trên thế giới. Cùng với đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ bước đầu được triển khai, nền kinh tế được mở cửa trở lại, qua đó lan tỏa hiệu ứng tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khơi dậy tinh thần khởi sự kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này đã khiến số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 01/2022 tăng cao đột biến so với cùng kỳ các năm nói chung và tháng 01/2023 nói riêng.[2]

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 01/2023 có 43.873 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 79,8%), cụ thể:

- Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 01/2023 là 34.994 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022, là mức cao nhất trong một tháng từ trước đến nay. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 01/2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 17.083 doanh nghiệp (chiếm 48,8%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 31.639 doanh nghiệp (chiếm 90,4%, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Những số liệu này đã phần nào cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động... Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn việc tạm ngừng hoạt động trong ngắn hạn tại thời điểm trước Tết Nguyên đán để chờ đợi và tìm hướng đi, đối tác phù hợp nhằm triển khai kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.

- Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 6.841 doanh nghiệp, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 6.041 doanh nghiệp (chiếm 88,3%, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022).

- Số doanh nghiệp giải thể trong tháng 01/2023 là 2.038 doanh nghiệp, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 08/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong tháng 01/2023 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 1.522 doanh nghiệp (chiếm 74,7%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 1.761 doanh nghiệp (chiếm 86,4%, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022).

[1] Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 01/2018 là 98.272 tỷ đồng

     Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 01/2019 là 151.117 tỷ đồng.

[2] Tháng 01/2022 có 32.125 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác