Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2023 của tỉnh Ninh Bình

Ngày 28/03/2023 - 14:49:00 | 406 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Trong quý I năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn và cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, lạm phát tăng cao dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Trong nước, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ thu hẹp, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm, hoạt động thương mại bị ảnh hưởng... Trên địa bàn tỉnh, các hoạt động kinh tế - xã hội cũng gặp không ít khó khăn do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ. Dưới đây là một số kết quả đã đạt được:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Quý I năm 2023, sản xuất nông lâm nghiêp, thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các địa phương trong tỉnh tập trung thu hoạch cây vụ Đông, nhất là với diện tích canh tác trên đất lúa, tạo quỹ đất để triển khai sản xuất vụ Xuân theo đúng tiến độ; chăn nuôi lợn tiếp tục đà phục hồi; công tác trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng tiếp tục được quan tâm; sản xuất thủy sản phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra.

1.1. Nông nghiệp

1.1.1. Trồng trọt

Sản xuất vụ Đông tiếp tục phát triển theo hướng thực chất với quy mô hợp lý, sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông năm 2022 - 2023 trên địa bàn toàn tỉnh đạt 7,8 nghìn ha, giảm 3,7% (- 0,3 nghìn ha) so với cùng vụ năm trước. Kết quả sản xuất một số cây trồng chủ yếu trong vụ như sau:

Cây ngô: diện tích gieo trồng đạt trên 1,4 nghìn ha, giảm 3,4% (- 0,05 nghìn ha); năng suất ước đạt 39,5 tạ/ha, tương đương với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt trên 5,6 nghìn tấn, giảm 3,4% (- 0,2 nghìn tấn).

Cây khoai lang: diện tích gieo trồng đạt trên 0,3 nghìn ha, giảm 24,6% (- 0,1 nghìn ha); năng suất ước đạt 103,3 tạ/ha, tăng 8,6% (+ 8,2 tạ/ha); sản lượng ước đạt gần 3,3 nghìn tấn, giảm 18,1% (- 0,7 nghìn tấn).

Cây đậu tương: diện tích gieo trồng đạt trên 59 ha, tăng 1,7% (+ 1,0 ha); năng suất ước đạt 14,3 tạ/ha, tăng 0,7% (+ 0,1 tạ/ha); sản lượng ước đạt 84,0 tấn, tăng 1,2% (+ 1,0 tấn).

Cây lạc: diện tích gieo trồng đạt gần 0,2 nghìn ha, giảm 19,5% (- 0,04 nghìn ha); năng suất ước đạt 25,6 tạ/ha, tăng 2,8% (+ 0,7 tạ/ha); sản lượng ước đạt trên 0,4 nghìn tấn, giảm 17,1% (- 0,09 nghìn tấn).

Rau các loại: diện tích gieo trồng đạt gần 4,9 nghìn ha, giảm 1,3% (- 0,06 nghìn ha); năng suất ước đạt 221,0 tạ/ha, tăng 2,3% (+ 5,0 tạ/ha); sản lượng ước đạt gần 108,1 nghìn tấn, tăng 1,0% (+ 1,1 nghìn tấn) so với cùng vụ năm trước.

Sản xuất vụ Xuân: các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc gieo cấy lúa và tiếp tục trồng màu vụ Xuân. Đến ngày 22/3/2023, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Xuân ước đạt 45,5 nghìn ha, trong đó lúa đạt gần 39,6 nghìn ha; ngô đạt trên 1,3 nghìn ha; khoai lang đạt gần 0,3 nghìn ha; lạc đạt gần 1,8 nghìn ha; rau, đậu các loại và cây khác đạt trên 2,5 nghìn ha.

Hiện nay, thời tiết ấm áp, thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển; sâu bệnh xuất hiện rải rác, mức độ hại nhẹ. Vụ Xuân năm nay, việc ứng dụng kỹ thuật mạ khay cấy máy để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy tiếp tục được thực hiện với diện tích trên 2.000 ha. Đến ngày 22/3/2022 diện tích lúa được chăm sóc đợt 2 đạt 3,2 nghìn ha, bằng 8,1% diện tích lúa đã cấy.

1.1.2. Chăn nuôi

Trong quý I năm 2023, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tương đối tốt, dịch tả lợn Châu Phi được khống chế hoàn toàn, bệnh cúm gia cầm xuất hiện rải rác (số con phải tiêu huỷ là trên 6,1 nghìn con) nhưng đã được xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi yên tâm đầu tư phát triển đàn vật nuôi.

Tại thời điểm báo cáo, đàn trâu ước đạt 12,7 nghìn con, tăng 0,3% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò ước đạt 35,3 nghìn con, tăng 0,5%; đàn lợn ước đạt 274,7 nghìn con, tăng 1,7%; đàn gia cầm ước đạt gần 5.951,0 nghìn con, tăng 3,4%; trong đó đàn gà ước đạt 4.126 nghìn con, tăng 4,0%.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong quý I ước đạt trên 16,8 nghìn tấn, tăng 4,0% (+ 0,6 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 0,3 nghìn tấn, tăng 3,5%; thịt bò hơi ước đạt 0,8 nghìn tấn, tăng 3,7%; thịt lợn hơi ước đạt 11,3 nghìn tấn, tăng 4,5%; thịt gia cầm hơi ước đạt 3,8 nghìn tấn, tăng 3,6%. Sản lượng trứng gia cầm ước đạt gần 41,0 nghìn quả, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

1.2. Lâm nghiệp

Thực hiện Chỉ thị số 8733/CT-BNN-TCLN ngày 23/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Quý Mão và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2023; ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ thông báo số 490-TB/TU ngày 09/01/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Quý Mão năm 2023, số cây trồng phân tán trong tháng ước đạt 86,0 nghìn cây, tăng 1,8% (+ 1,5 nghìn cây) so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả quý I, ước tính toàn tỉnh trồng được 271 nghìn cây, tăng 0,4% (+ 1,0 nghìn cây).

Tại khu vực Cồn Nổi, huyện Kim Sơn, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, UBND tỉnh Ninh Bình, Ban Quản lý dự án Lâm nghiệp phối hợp tổ chức Lễ khởi động trồng rừng trong khuôn khổ Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ (thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc KFS).

Trong tháng, diện tích trồng rừng mới tập trung ước đạt 27,8 ha, giảm 10,0% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2,4 nghìn m3, tăng 0,3%; sản lượng củi khai thác ước đạt 1,7 nghìn ste, giảm 1,4%. Tính chung lại, trong quý I năm 2023, diện tích rừng mới tập trung ước đạt 36,8 ha, giảm 10,0% so với quý I năm 2022; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 6,1 nghìn m3, tăng 1,0%; sản lượng củi khai thác ước đạt 5,6 nghìn ste, giảm 2,0%.

Trong quý I năm 2023, trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy rừng nào xảy ra, có 03 vụ phá rừng phòng hộ trái phép diễn ra trên địa bàn Kỳ Phú ở huyện Nho Quan, xã Đông Sơn, phường Tân Bình ở thành phố Tam Điệp với diện tích thiệt hại là 0,08 ha.

1.3. Thuỷ sản

Trong quý I/2023, các hộ nuôi thủy sản tập trung thu hoạch diện tích nuôi cá ruộng để thực hiện công tác gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2023, đồng thời thu hoạch những ao nuôi đạt kích cỡ thương phẩm và tiếp tục chăm sóc các diện tích đang thả nuôi để cung cấp thực phẩm cho thị trường.

Tại vùng nước lợ huyện Kim Sơn, các hộ nuôi thủy sản thực hiện vệ sinh, cải tạo ao đầm, rải vôi, xử lý và gây màu nước chuẩn bị cho việc thả giống thủy sản vụ 1 với đối tượng nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Các cơ sở nhập tôm giống đã qua kiểm dịch và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để ương dưỡng.

Sản lượng thủy sản trong tháng Ba ước đạt 5,5 nghìn tấn, tăng 5,1%           so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 4,9 nghìn tấn, tăng 5,6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 0,6 nghìn tấn, tăng 0,8%. Tính chung lại, sản lượng thủy sản quý I năm 2023 ước đạt 16,0 nghìn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 14,3 nghìn tấn, tăng 4,5%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1,7 nghìn tấn, tăng 5,0%.

2. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp trong quý I trên địa bàn tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương, nhưng đạt mức thấp, do gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thu hẹp, tính cạnh trạnh trong nước cao, thiếu nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất cũng như khó khăn về vốn, tỷ lệ sản phẩm tồn kho cao, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng Ba ước tính tăng 12,1% so với tháng trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 14,63%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,88%; sản xuất và phân phối điện tăng 30,04%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,97%.

So với cùng tháng năm trước, chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 3,19%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 12,14%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,59%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,80%; sản xuất và phân phối điện giảm 41,52%.

Tính chung quý I năm 2023, chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 0,36%. Trong đó, khai khoáng tăng 9,35%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,26%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,33%; riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm 31,78%.

Giá trị sản xuất: Tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng Ba ước đạt 8.244,3 tỷ đồng, tăng 6,1% so với tháng 3/2022. Trong đó: khai khoáng ước đạt 50,0 tỷ đồng, tăng 13,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo 8.122,0 tỷ đồng, tăng 6,5%; sản xuất và phân phối điện 45,2 tỷ đồng, giảm 43,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 27,1 tỷ đồng, tăng 11,6%.

Tính chung lại, giá trị sản xuất công nghiệp quý I năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 23.416,6 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khai khoáng ước đạt 146,8 tỷ đồng, tăng 9,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo 23.035,0 tỷ đồng, tăng 3,7%; sản xuất và phân phối điện 155,6 tỷ đồng, giảm 29,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 79,2 tỷ đồng, tăng 9,4%.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện tháng Ba năm 2023 tăng khá so với cùng kỳ như: đá các loại 0,3 triệu m3, tăng 11,7%; ngô ngọt đóng hộp 0,2 nghìn tấn, tăng 12,8%; thức ăn cho gia súc 3,5 nghìn tấn, gấp 3,8 lần; nước khoáng không có ga 0,3 triệu lít, tăng 56,6%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 23,9 tấn, tăng 33,5%; tai nghe điện thoại di động 0,3 triệu cái, tăng 19,5%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 4,5 nghìn chiếc, tăng 21,6%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 21,2 nghìn chiếc, tăng 20,5%; búp bê 15,0 triệu con, gấp 2,9 lần; nước máy thương phẩm 2,4 triệu m3, tăng 19,6%;... Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: dứa đóng hộp 0,4 nghìn tấn, giảm 64,0%; quần áo các loại 5,2 triệu cái, giảm 36,9%; giày dép các loại 4,9 triệu đôi, giảm 22,5%; phân Ure 28,4 nghìn tấn, giảm 32,9%; phân NPK 8,0 nghìn tấn, giảm 13,0%; phân lân nung chảy 13,1 nghìn tấn, giảm 39,4%; clanke 0,1 triệu tấn, giảm 70,5%; kính máy ảnh 0,1 triệu cái, giảm 6,5%; xe ô tô chở hàng 0,7 nghìn chiếc, giảm 29,2%; cần gạt nước ô tô 0,5 triệu cái, giảm 45,4%; đồ chơi hình con vật 1,0 triệu con, giảm 18,1%; điện sản xuất 13,2 triệu KWh, giảm 75,1%...

Tính chung quý I năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ là: đá các loại 0,8 triệu m3; tăng 9,0%; ngô ngọt đóng hộp 0,5 nghìn tấn, tăng 22,7%; thức ăn cho gia súc 9,2 nghìn tấn, gấp 2,2 lần; nước khoáng không có ga 0,8 triệu lít, tăng 34,2%; phân NPK 21,9 nghìn tấn, tăng 10,6%; tai nghe điện thoại di động 1,2 triệu cái, tăng 10,1%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 12,9 nghìn chiếc, tăng 7,8%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 61,0 nghìn chiếc, tăng 11,1%; búp bê 47,7 triệu con, gấp 2,4 lần; nước máy thương phẩm 7,2 triệu m3, tăng 15,4%… Tuy nhiên, một số sản phẩm lại có mức sản xuất giảm như: dứa đóng hộp 1,3 nghìn tấn, giảm 37,1%; hàng thêu 0,1 triệu m2, giảm 77,5%; quần áo các loại 13,3 triệu cái, giảm 46,2%; giày dép các loại 13,7 triệu đôi, giảm 8,7%; phân Ure 85,3 nghìn tấn, giảm 27,9%; phân lân nung chảy 36,1 nghìn tấn, giảm 26,6%; xi măng 1,5 triệu tấn, giảm 17,1%; clanke 0,3 triệu tấn, giảm 65,6%; kính máy ảnh 0,2 triệu cái, giảm 25,6%; xe ô tô chở hàng 2,2 nghìn chiếc, giảm 20,5%; cần gạt nước ô tô 1,5 triệu cái, giảm 46,2%; đồ chơi hình con vật 2,7 triệu con, giảm 22,0%; điện sản xuất 65,7 triệu KWh, giảm 51,6%..

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Ba năm nay giảm 24,08% so với tháng 3/2022, tính chung quý I/2023 giảm 23,06% so với cùng kỳ. So với quý I/2022, các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh đều có chỉ số tiêu thụ giảm sút như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 10,61%; sản xuất trang phục giảm 45,94%; sản xuất giày dép giảm 4,38%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 22,72%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 33,56%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 32,07%; sản xuất xe có động cơ giảm 10,69%; sản xuất đồ chơi giảm 13,1%...

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Ba tăng 30,97% so với tháng trước và tăng 78,86% so với cùng tháng năm trước. Trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng kỳ năm 2022 như: sản xuất trang phục tăng 27,90%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện gấp 2,9 lần; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy gấp 4,3 lần; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất gấp 2,8 lần; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học gấp 2,0 lần; sản xuất xe có động cơ gấp 6,0 lần...

Sản lượng tồn kho một số sản phẩm chủ yếu đến 28/02/2023: giày, dép 1,8 triệu đôi; đạm urê 40,9 nghìn tấn; phân NPK 37,7 nghìn tấn; phân lân nung chảy 23,5 nghìn tấn; kính xây dựng 80,5 nghìn tấn; xi măng 20,5 nghìn tấn; thép cán các loại 15,7 nghìn tấn; bản vi mạch điện tử 18,3 triệu chiếc; modul camera 15,3 triệu cái; xe ô tô lắp ráp 2.613 chiếc...

Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo:    

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2023 cho thấy: Có 16,44% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 47,95% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,61% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý II so với quý I năm nay, có 46,58% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19,18% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,24% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I năm nay, có 45,2% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 52,1% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 34,3% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 19,2% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 31,5% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 24,7% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng và 26,0% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên vật liệu.

3. Vốn đầu tư phát triển

Tổng số vốn đầu tư phát triển tháng Ba năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 2.243,0 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng tháng năm trước. Trong đó: vốn Nhà nước đạt 373,7 tỷ đồng, giảm 8,0%; vốn ngoài Nhà nước đạt 1.806,7 tỷ đồng, tăng 4,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 62,6 tỷ đồng, giảm 86,9%.

Tính chung lại, tổng vốn đầu tư phát triển quý I năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 6.676,5 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: vốn Nhà nước đạt 1.221,0 tỷ đồng, tăng 1,5%; vốn ngoài Nhà nước đạt 5.239,3 tỷ đồng, tăng 3,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 216,2 tỷ đồng, giảm 82,5%.

Một số dự án, công trình có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn trong quý I năm 2023 là:

- Khu vực đầu tư công: Dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình ước đạt 173,5 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 và kết nối quốc lộ 10 với quốc lộ 12B ước đạt 70,0 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Ninh Bình (Giai đoạn 1) ước đạt 45,0 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường T21, đường Lê Duẩn (Giai đoạn 1) ước đạt 39,3 tỷ đồng; dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ - tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn ước đạt 35,1 tỷ đồng; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại khu dân cư phía sau Trường THPT Yên Khánh A ước đạt 31,5 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường kết nối Quốc lộ 12B với Quốc lộ 21B đoạn từ cầu Tu đến cầu Cọ, huyện Yên Mô ước đạt 19,2 tỷ đồng; dự án xây dựng đường Quyết Thắng, huyện Yên Khánh (Giai đoạn 1) ước đạt 18,6 tỷ đồng; dự án xây dựng Trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Kim Sơn ước đạt 14,6 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đê Bình Minh 4, huyện Kim Sơn ước đạt 14,0 tỷ đồng;...

- Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước: dự án xây dựng mạng lưới đường ống nước sạch của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình ước đạt 34,0 tỷ đồng; dự án sửa chữa lớn, nâng cấp hệ thống máy móc dây chuyền sản xuất xi măng của Công ty Cổ phần Vissai Ninh Bình ước đạt 10,0 tỷ đồng; dự án xây dựng khu trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân Golf hồ Yên Thắng của Công ty Cổ phần đầu tư PV- Inconess ước đạt 20,7 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Hạ tầng ô tô Thành Công ước đạt 5,0 tỷ đồng …

- Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: dự án đầu tư xây dựng Nhà máy HTMV số 2 phục vụ lắp ráp, sản xuất ô tô của Công ty Cổ phần Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam ước đạt 98,0 tỷ, dự án mua tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất camera module của Công ty TNHH MCNEX Vina ước đạt 45,0 tỷ đồng; dự án sửa chữa lớn tài sản cố định của Công ty Cổ phần Hyundai Thành Công Thương mại ước đạt 15,1 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất linh kiện ô tô của Công ty TNHH Winnercom Vina ước đạt 8,4 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất ghế ngồi ô tô của Công ty TNHH Deawon Auto Vina ước đạt 3,3 tỷ đồng…

Một số dự án được khởi công xây dựng mới trong quý: dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây sông Vân với tổng mức đầu tư 340,0 tỷ đồng; dự án xây dựng hệ thống kênh thoát lũ phía đông thành phố Tam Điệp (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu Quyết Thắng) với tổng mức đầu tư 130,0 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường WB đoạn qua xóm Phụ Cấp, xóm An Hải, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn với tổng mức đầu tư 90,0 tỷ đồng; dự án cải tạo nâng cấp kết hợp đường giao thông trục sông Chanh xã Khánh Hòa - Khánh An, huyện Yên Khánh với tổng mức đầu tư 60,0 tỷ đồng; dự án xây dựng Trường Tiểu học  - THCS xã Yên Bình, thành phố Tam Điệp với tổng mức đầu tư 57,9 tỷ đồng; dự án xây dựng Trường Tiểu học - THCS phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp với tổng mức đầu tư 50,3 tỷ đồng; dự án cải tạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, thành phố Tam Điệp với tổng mức đầu tư 40,7 tỷ đồng..

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

Tiếp đà phục hồi của năm 2022, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng Ba và quý I năm 2023 diễn ra sôi động, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

4.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng Ba ước đạt trên 5.184,1 tỷ đồng, tăng 44,7% so với tháng 3/2022. Tính chung lại cả quý I năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hoá toàn tỉnh đạt gần 15.510,0 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các nhóm hàng hoá đều có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó các nhóm hàng hoá có tốc độ tăng cao là: lương thực, thực phẩm ước đạt 4.378,3 tỷ đồng, tăng 63,6%; hàng may mặc 1.068,4 tỷ đồng, tăng 54,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 1.496,3 tỷ đồng, tăng 37,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục 170,3 tỷ đồng, tăng 44,2%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) 132,3 tỷ đồng, tăng 37,2%; hàng hoá khác 335,6 tỷ đồng, tăng 37,8%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 469,5 tỷ đồng, tăng 44,8%...

Du lịch tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng cao là điều kiện quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối với các hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng và dịch vụ du lịch. Trong tháng Ba, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống toàn tỉnh ước đạt 700,0 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần so với tháng 3/2022; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,9 tỷ đồng, tăng 22,2%; doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt 504,3 tỷ đồng, tăng 72,4%. Tính chung quý I năm nay, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống thực hiện trên toàn tỉnh ước đạt trên 1.987,5 tỷ đồng gấp trên 2,0 lần so với cùng kỳ năm trước (doanh thu dịch vụ lưu trú 280,8 tỷ đồng, gấp 2,8 lần; doanh thu dịch vụ ăn uống 1.706,7 tỷ đồng, tăng 92,9%); doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành 2,1 tỷ đồng, gấp 3,0 lần; doanh thu một số ngành dịch vụ khác 1.476,4 tỷ đồng, tăng 62,0%.

4.2. Chỉ số giá

Sau 02 tháng đầu năm tăng liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ chung trên địa bàn tỉnh trong tháng Ba đã ghi nhận mức giảm 0,12% so với tháng trước. Tuy nhiên so với năm trước, CPI tháng này tiếp tục tăng, cụ thể: so với tháng 12/2022, CPI tăng 0,55% và so với cùng tháng năm trước tăng 2,48%. Bình quân quý I/2023, CPI tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2022.

So với tháng trước (tháng 02/2023), trong số 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng có 03 nhóm có chỉ số giá giảm, 04 nhóm có chỉ số giá tăng và 04 nhóm giữ chỉ số ổn định. Ba nhóm có chỉ số giá giảm gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,52%, trong đó: nhóm lương thực tăng 0,77%;  nhóm thực phẩm giảm 0,92% nguyên nhân chủ yếu do giá thịt lợn và các sản phẩm liên quan đều giảm khi nguồn cung nội địa và nhập khẩu đều tăng trong khi sức mua thấp (giá thịt lợn giảm 3,76%; giá nội tạng động vật giảm 4,21% kéo theo giá thịt gia súc giảm 3,06%; giá thịt chế biến giảm 3,18%), cùng với đó giá thuỷ sản tươi sống giảm 1,61%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,01%; nhóm giao thông giảm 0,07% do giá xăng được điều chỉnh giảm 0,21% và giá dầu diezel giảm 8,2% đẩy giá nhóm nhiên liệu giảm 0,27%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%. Bốn nhóm có chỉ số giá tăng gồm: nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng và nhóm hàng hoá và dịch vụ khác cùng tăng 0,32%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,23%; nhóm giáo dục tăng nhẹ 0,01%. Bốn nhóm còn lại giữ chỉ số ổn định là: nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép, nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông.

CPI bình quân quý I/2023 tăng 3,62% so với quý I/2022. Trong đó, có đến 09/11 nhóm có chỉ số giá tăng gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 6,14% (lương thực tăng 4,92%; thực phẩm tăng 6,09%; ăn uống ngoài gia đình tăng 6,79%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,06%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 5,69%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 2,94%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,01%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,57%; nhóm giáo dục tăng 1,41%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,72% và nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng nhẹ 0,02%. Chỉ có 02 nhóm có chỉ số giá giảm là: nhóm giao thông giảm 1,66% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,19%.

Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ: Chỉ số giá vàng tháng Ba năm nay tăng 1,59% so với tháng trước, tăng 2,42% so với tháng 12/2022 và tăng 0,01% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng này tăng 0,04% so với tháng 02/2023, tăng 0,39% so với tháng 12 năm trước và tăng 5,25% so với tháng 3/2022. Bình quân quý I năm 2023, chỉ số giá vàng giảm 0,53%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,69% so với quý I năm 2022.

4.3. Xuất, nhập khẩu

Giá trị xuất, nhập khẩu quý I năm nay sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là do áp lực lạm phát từ nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam dẫn đến nhu cầu về hàng hoá suy giảm, do đó, từ cuối năm 2022 rất nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoãn hủy, nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới.

Xuất khẩu: Tổng trị giá xuất khẩu tháng Ba năm 2023 ước đạt gần 242,5 triệu USD, giảm 13,8% so với cùng tháng năm trước. Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu trong quý I ước đạt gần 678,6 triệu USD, giảm 9,9% so với quý I năm 2022. Trong đó các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: linh kiện điện tử 21,3 triệu USD; quần áo các loại đạt 59,8 triệu USD; xi măng và clanke đạt 155,9 triệu USD; giầy dép các loại đạt 175,8 triệu USD; camera và linh kiện 178,3 triệu USD;…

Trong quý I năm nay, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm sút, đáng chú ý là một số mặt hàng chủ lực và truyền thống giảm sâu so với cùng kỳ năm trước như: quần áo các loại 13,2 triệu chiếc, giảm 46,9%; camera và linh kiện 54,1 triệu chiếc, giảm 40,1%; giày dép các loại 14,1 triệu đôi, giảm 24,0%; dứa, dưa chuột đóng hộp 957,7 tấn, giảm 77,1%; nước dứa cô đặc 349 tấn, giảm 19,2%; sản phẩm cói khác 300,6 nghìn sản phẩm, giảm 34,0%; kính quang học 0,2 triệu chiếc, giảm 14,9%; đồ chơi trẻ em 2,0 triệu chiếc, giảm 11,2%.... Tuy nhiên một số mặt hàng xuất khẩu vẫn tăng khá như: hàng thêu 16,2 nghìn chiếc, tăng 6,5%; xi măng, clanke 3,7 triệu tấn, tăng 27,7%; phân ure 34,3 nghìn tấn, gấp 38,1 lần; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 14,6 triệu USD, tăng 20,6%.

Nhập khẩu: Giá trị nhập khẩu trong tháng ước đạt trên 216,9 triệu USD, giảm 20,7% so với tháng Ba năm 2022. Tổng giá trị nhập khẩu quý I năm nay ước đạt gần 681,5 triệu USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giá trị các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: vải may mặc 19,3 triệu USD; ô tô 60,7 triệu USD; phụ liệu sản xuất giầy dép 97,8 triệu USD; linh kiện điện tử 173,5 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô các loại 253,0 triệu USD.

4.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách: ước thực hiện trong tháng Ba đạt trên 3,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 70,2% so với tháng 3/2022 và luân chuyển gần 161,3 triệu lượt khách.km, tăng 57,9%. Tính chung quý I năm nay, khối lượng hành khách vận chuyển thực hiện toàn tỉnh ước đạt trên 11,3 triệu lượt khách, tăng 95,0% và luân chuyển gần 542,6 triệu lượt khách.km, tăng 76,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chủ yếu là vận tải đường bộ ước đạt 8,9 triệu lượt khách, tăng 69,7% và 532,8 triệu lượt khách.km, tăng 76,7%; vận tải đường thủy nội địa 2,4 triệu lượt khách, gấp 4,2 lần và 9,8 triệu lượt khách.km, gấp 4,2 lần.

Vận tải hàng hóa: trong tháng Ba, khối lượng hàng hóa vận chuyển toàn tỉnh ước thực hiện gần 11,0 triệu tấn, tăng 68,5% so với tháng 3/2022 và luân chuyển gần 1.453,7 triệu tấn.km, tăng 32,4%. Tính chung cả quý I, khối lượng hàng hoá vận chuyển toàn tỉnh đạt gần 35,7 triệu tấn, tăng 64,3% và luân chuyển trên 4.797,0 triệu tấn.km, tăng 35,6% so với quý I năm 2022. Trong đó: vận tải đường bộ ước đạt 13,1 triệu tấn, tăng 57,8% và  595,8 triệu tấn.km, tăng 31,9%; vận tải đường thủy nội địa 20,8 triệu tấn, tăng 74,1% và 3.194,2 triệu tấn.km, tăng 41,5%; vận tải biển 1,8 triệu tấn, tăng 23,0% và 969,6 triệu tấn.km, tăng 22,1%...

Doanh thu vận tải: Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải toàn tỉnh thực hiện trong tháng ước đạt gần 1.312,1 tỷ đồng, tăng 41,3% so với cùng tháng năm trước. Tính chung quý I, doanh hoạt động vận tải ước đạt gần 4.302,8 tỷ đồng, tăng 45,4% so với quý I/2022. Trong đó phân theo loại hình vận tải: vận tải hành khách ước thực hiện 539,2 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần; vận tải hàng hóa 3.399,3 tỷ đồng, tăng 44,3%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải 360,9 tỷ đồng, tăng 5,2%; bưu chính chuyển phát 3,4 tỷ đồng, tăng 57,7%.

4.5. Hoạt động du lịch

Sau ba năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong những tháng đầu năm 2023, du lịch Ninh Bình đã phục hồi mạnh mẽ. Các đơn vị kinh doanh du lịch đã chủ động nắm bắt cơ hội, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiều sản phẩm du lịch mới được đầu tư đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với Ninh Bình. Hoạt động du lịch của tỉnh trong quý I năm nay đã đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng Ba đạt 882,4 nghìn lượt khách, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước, chia ra: khách trong nước 846,7 nghìn lượt, gấp 3,1 lần; khác quốc tế 35,7 nghìn lượt, gấp 9,8 lần. Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 117,6 nghìn lượt khách, gấp 2,7 lần; số ngày khách lưu trú ước đạt 164,7 nghìn ngày khách, gấp 2,9 lần. Doanh thu du lịch trong tháng ước đạt 714,6 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với cùng tháng năm trước.

Tính chung quý I năm nay, số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch ước đạt gần 3.211,1 nghìn lượt khách, gấp 4,9 lần so với quý I năm 2022, chia ra: khách trong nước 3.085,2 nghìn lượt khách, gấp 4,7 lần; khách quốc tế 125,9 nghìn lượt, gấp 14,4 lần. Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh trong quý I ước đạt trên 380,8 nghìn lượt khách, gấp 3,6 lần; số ngày khách lưu trú ước đạt 528,0 nghìn ngày khách, gấp 3,8 lần. Doanh thu du lịch quý I ước đạt gần 2.487,3 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu khách sạn 130,0 tỷ đồng, tăng 94,6%; doanh thu nhà hàng 1.226,3 tỷ đồng, gấp 6,1 lần.

5. Một số vấn đề xã hội

5.1. Đời sống dân cư

Trong quý I năm nay, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới biến động không thuận lợi ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do đó cắt giảm giờ làm, ngày công của lao động. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp người lao động ổn định cuộc sống, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có những giải pháp kịp thời như thăm hỏi, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, tết; hỗ trợ thanh toán bảo hiểm thất nghiệp; cho vay vốn để giải quyết việc làm...

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công đoàn các cấp đã tổ chức thăm, tặng quà, cùng với các đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân tặng 119.474 suất quà bằng tiền và hiện vật cho đoàn viên, công nhân viên chức và người lao động có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí 54.542 triệu đồng. Trong quý I, đã hỗ trợ 700 lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp và 2.500 lao động được vay vốn giải quyết việc làm. Ngoài ra Liên đoàn lao động tỉnh còn tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” tại công ty TNHH Nam&Co London. Tại chương trình đã trao tặng 197 suất quà, với số tiền là 136 triệu đồng, 30 mũ bảo hiểm, phát hành 1000 phiếu tặng quà miễn phí và phiếu mua hàng trị giá 50 nghìn đồng/phiếu; thăm tặng 350 suất quà cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ốm đau dài ngày và có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết, với số tiền 175 triệu đồng.

Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa cũng luôn được quan tâm thực hiện. Trong quý I năm nay đã hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho 516.696 đối tượng; giải quyết cho 329 lượt đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới vươn lên thoát nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, với tổng kinh phí 23.860 triệu đồng; 06 hộ vay vốn nhà ở xã hội, với kinh phí 2.640 triệu đồng; 1.200 lượt người vay vốn giải quyết việc làm, với tổng kinh phí 78.800 triệu đồng.

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, để mọi người, mọi nhà đều được vui Tết đón Xuân đầm ấm, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đã quan tâm động viên thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội...với tổng số kinh phí là 61.487,7 triệu đồng, tặng cho 150.069 đối tượng. Trong đó: quà của Chủ tịch nước 8.379,3 triệu đồng, tặng cho 27.308 lượt đối tượng; quà của tỉnh 18.503,4 triệu đồng, tặng cho 47.225 lượt đối tượng; quà của huyện, xã 15.986,3 triệu đồng, tặng cho 51.053 lượt đối tượng; quà xã hội hoá 18.618,7 triệu đồng, tặng cho 24.483 lượt đối tượng.

5.2. Hoạt động giáo dục

Trong quý, ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo với tinh thần chủ động, linh hoạt, các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Tham gia và tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt được nhiều kết quả, cụ thể:

 Tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2022-2023, tham dự kỳ thi có 68 học sinh ở 10 môn thi (Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Pháp). Kết quả: 39 học sinh đạt giải, chiếm tỷ lệ 57,4%; trong đó có 01 giải Nhất (môn Sinh học), 07 giải Nhì, 14 giải Ba, 17 giải Khuyến khích; có 02 học sinh môn Sinh học được vào tham gia vòng dự tuyển quốc tế.

Tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 THPT cấp tỉnh năm học 2022-2023, tham dự có 876 học sinh/học viên dự thi. Kết quả: có 1.690 giải, trong đó có 365 giải tổ hợp môn, đạt tỷ lệ 46,14% (16 giải Nhất, 120 giải Nhì, 143 giải Ba, 86 giải Khuyến khích) và 1.325 giải đơn môn, đạt tỷ lệ 53,95% (44 giải Nhất, 460 giải Nhì, 550 giải Ba và 271 giải Khuyến khích).

Tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2022-2023, có 702 thí sinh đăng ký dự thi 9 môn (Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh). Kết quả: có 451 thí sinh đạt giải, chiếm tỷ lệ 64,25%, gồm: 19 giải Nhất, 158 giải Nhì, 175 giải Ba, 99 giải Khuyến khích.

Tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng giáo dục về văn hóa năm học 2022-2023 đối với học sinh lớp 9 THCS, lớp 11 THPT và học viên lớp 11 GDTX; tổ chức thi khảo sát, đánh giá chất lượng giáo dục toàn bộ học sinh/học viên lớp 12 THPT, GDTX năm học 2022-2023; tổ chức Hội thi thể dục thể thao học sinh trung học cấp tỉnh; tổ chức giao lưu “Tài năng Tiếng Anh tiểu học” cấp tỉnh năm học 2022-2023; tham dự cuộc thi vẽ tranh Quốc tế Toyota “Chiếc ô tô mơ ước” lần thứ XII, đạt 01 giải Nhì và 04 giải Khuyến khích; tham dự Cuộc thi Quốc tế về Sở hữu trí tuệ, Sáng chế, Đổi mới và Công nghệ iPITEx năm 2023, tại Bangkok, Thái Lan. Tỉnh Ninh Bình có 09 học sinh ở các trường THPT Nguyễn Huệ, THPT Đinh Tiên Hoàng và THPT Ninh Bình - Bạc Liêu tham gia đoàn tuyển Việt Nam. Kết quả, đoàn Việt Nam đã xuất sắc đạt 07 huy chương Vàng, 01 giải Đặc biệt của cuộc thi, 02 giải Đặc biệt từ Hiệp hội Phát minh và Sáng chế Indonesia INNOPA, 01 giải Đặc biệt từ Singapore. Trong đó, 09 học sinh Ninh Bình đều đạt huy chương Vàng và giấy chứng nhận vì sản phẩm yêu thích của Hàn Quốc và Hồng Kông. Tham dự Cuộc thi Sáng chế Quốc tế PRIX EIFFEL tại Paris, bằng hình thức trực tuyến, có 05 học sinh của các trường THPT Nho Quan B, THPT Chuyên Lương Văn Tụy, THPT Đinh Tiên Hoàng tham dự, kết quả đoàn tuyển Ninh Bình đạt huy chương Vàng. Tham dự Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn tiểu học cấp toàn quốc, kết quả đoàn tuyển Ninh Bình xếp loại xuất sắc, được tặng mô hình thiết bị dạy ATGT trị giá 100 triệu đồng. Tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia với 02 dự án của trường THPT Ninh Bình – Bạc Liêu và trường THPT Hoa Lư A.

 5.3. Hoạt động Y tế

Trong quý I, ngành Y tế đã chủ động trong công tác giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, hóa chất phòng, chống dịch; tăng cường giám sát phát hiện kịp thời các bệnh xuất hiện nhiều vào mùa đông như: cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng; tuyên truyền về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Covid-19, sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ, bệnh dịch mùa mưa lũ, cúm A(H5)…; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi.

Trong hai tháng đầu năm nay đã xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm làm 34 người bị ngộ độc phải nhập viện và 34 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm; 08 ca sốt xuất huyết; 496 ca tiêu chảy; 52 ca thủy đậu; 1.625 ca cúm…

Công tác khám chữa bệnh luôn đ­ược quan tâm thực hiện: Tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh trong hai tháng đã khám bệnh cho 178 nghìn lượt bệnh nhân; điều trị nội trú cho 26,9 nghìn l­ượt bệnh nhân; khám thai 10 nghìn lượt; đặt dụng cụ tử cung 185 ca, triệt sản 08 ca.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong hai tháng, phát hiện mới 09 người nhiễm HIV, có 08 trường hợp tử vong do AIDS.

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, trong quý còn số ít ca mắc mới, tuy nhiên công tác phòng, chống dịch và tiêm phòng vắc xin vẫn được triển khai nghiêm túc.

5.4. Văn hoá thông tin

Hoạt động Văn hóa - Thông tin trong quý I diễn ra với nhiều nội dung và hình thức phong phú, hoạt động thông tin tuyên truyền và cổ động trực quan tập trung thực hiện sâu rộng, nêu bật được ý nghĩa của các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và địa phương. Các hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền và cổ động trực quan như: kẻ vẽ, chăng treo khẩu hiệu, tranh cổ động, các cụm cổ động, cổng chào lớn, các bảng điện tử, nhất là ở các trung tâm đô thị, các trục đường giao thông chính; tổ chức triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh; biểu diễn nghệ thuật; trưng bày bảng ảnh; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tệ nạn xã hội ...

Trong quý, Nhà hát chèo đã thực hiện 45 buổi biểu diễn nghệ thuật và chương trình ca múa nhạc phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ Nhân dân. Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng  tổ chức 75 buổi chiếu phim lưu động phục vụ Nhân dân; Bảo tàng tỉnh đã hướng dẫn và đón tiếp 2,2 nghìn lượt khách thăm quan; Thư viện tỉnh luân chuyển 130,2 nghìn lượt sách, báo, tạp chí phục vụ gần 81,5 nghìn lượt bạn đọc.

5.5. Thể dục thể thao

Trong quý, tiếp tục duy trì đào tạo, huấn luyện nâng cao thành tích cho vận động viên các tuyến, tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng, đồng thời cử các đoàn vận động viên đi thi đấu các giải thể thao trong nước. Cụ thể:

- Tổ chức thành công các giải thể thao quần chúng như: giải Việt giã xã, phường, thị trấn tỉnh Ninh Bình lần thứ VII năm 2023 - Cup SHB; giải Bóng đá thanh niên Ninh Bình lần 2 tranh cup Sacombank; giải Bóng đá tuổi trẻ Công an tỉnh mở rộng năm 2023; giải chạy “Vạn trái tim - một niềm tin” của ngân hàng Vietcombank; tổ chức Lễ phát động tháng hoạt động thể dục thể thao và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân...

- Các đoàn vận động viên thể thao của tỉnh đi thi đấu các giải thể thao trong nước, đạt 15 huy chương các loại gồm 03 HCV, 04 HCB và 08 HCĐ; đội Bóng chuyền nam Ninh Bình LienVietPostBank đạt chức Vô địch và Đội Bóng chuyền nữ Ninh Bình LienVietPostBank đạt giải Ba tại giải Bóng chuyền cúp Hoa Lư - Bình Điền lần thứ XVII năm 2023; đội bóng chuyền nữ Ninh Bình LienVietPostbank thi đấu Vòng I giải Bóng chuyền vô địch quốc gia cúp Hóa chất Đức Giang năm 2023 tại Bắc Ninh xếp thứ Nhất bảng A.

5.6. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Lực lượng Công an tỉnh chủ động nắm, kiểm soát tốt tình hình, chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi cộm liên quan đến an ninh trật tự (ANTT). Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ thực hiện quyết liệt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; đảm bảo ANTT, an toàn cho du khách và Nhân dân tại các điểm tham quan du lịch, lễ hội và các sự kiện tập trung đông người; tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vi phạm nồng độ cồn; phòng chống cháy nổ; xử lý nghiêm các loại tội phạm…

Tính từ 15/02/2023-14/3/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 01 người và 05 người bị thương; xảy ra 29 vụ phạm pháp hình sự với 46 đối tượng; phát hiện 14 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý với 14 đối tượng.

Tính chung lại từ 15/12/2022 - 15/3/2023 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 07 người và 14 người bị thương (giảm 04 vụ, giảm 02 người chết so với cùng kỳ năm 2022); xảy ra 87 vụ phạm pháp hình sự với 202 đối tượng; phát hiện 72 vụ buôn bán, vận chuyển và tàng trữ ma tuý với 79 đối tượng. Xảy ra 02 vụ cháy, gây thiệt hại 20 triệu đồng./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác