Thứ hai, 00/00/2023
°

Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Ngày 16/01/2024 - 11:03:00 | 2536 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Theo nội dung làm việc của Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 16/01/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, về thẩm quyền và hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, căn cứ điểm b khoản 2, Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định hiện hành”, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết là đúng thẩm quyền.

Hồ sơ trình của Chính phủ  đã cơ bản tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc (HĐDT); hồ sơ hoàn thiện theo quy định tại khoản 3, Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ, trình tự theo quy trình rút gọn. Vì vậy hồ sơ của Chính phủ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định.

Về sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết như trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các CTMTQG.

Về tên gọi của Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, tên gọi của Nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo kết luận của UBTVQH. Tên gọi sau khi tiếp thu là: “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”,  tên gọi như trên là phù hợp, đảm bảo ngắn gọn, xúc tích và có tính khái quát cao.

Có ý kiến cho rằng, tên của Nghị quyết không nên có từ “cơ chế” để đảm bảo theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thẩm tra một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là: “Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”. HĐDT thấy rằng, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH, bỏ điểm b và sửa lại điểm a ngắn gọn hơn.

Có ý kiến cho rằng, để tránh hiểu Nghị quyết này áp dụng cho các CTMTQG trong thời gian tới, đề nghị chỉnh lý là: “Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện 03 CTMTQG đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư”. 

Đa số ý kiến của HĐDT thống nhất dự thảo và thấy rằng không cần thiết dẫn chiếu các Nghị quyết của Quốc hội vì giai đoạn hiện nay chỉ có 03 CTMTQG đang thực hiện. Mặt khác tại Điều 6, đã có quy định khá rõ thời gian áp dụng đối với Nghị quyết này.  

Về các cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Điều 4), tại khoản 1, về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Hội đồng dân tộc cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ là phù hợp; tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch, dự toán, nội dung chi thường xuyên vốn sự nghiệp. Mặt khác chính sách này cũng thể hiện tinh thần phân cấp, trao quyền theo Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt Chủ trương đầu tư các CTMTQG.

Hội đồng Dân tộc đề nghị nên cân nhắc bổ sung quy định phân cấp giao cho cấp tỉnh thông báo số dự kiến vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm tiếp theo để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tại khoản 2, về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, Hội đồng Dân tộc thống nhất với nội dung điểm a của dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh sửa của Chính phủ. Cơ chế này tạo thuận lợi cho địa phương được phép sử dụng nguồn ngân sách đã được phân bổ đến hết năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023).

Một số ý kiến cho rằng, cần có quy định nguyên tắc cho việc phân bổ, quy định tỷ lệ nhất định trong các nhóm lĩnh vực để tránh tùy tiện, không bảo đảm mục tiêu cơ bản của các CTMTQG.

Khoản 4, về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, Chính sách này Chính phủ cũng đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH và ý kiến thẩm tra của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên cần quy định đơn giản về quy trình, thủ tục và cụ thể để thực hiện ngay. Nghiên cứu thêm cơ chế hỗ trợ khoán trọn gói đối với cộng đồng dân cư.

Khoản 5, về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Dự thảo Chính phủ đưa ra 02 phương án, trong đó phương án 2, cơ bản vẫn giữ nguyên như dự thảo ban đầu trước khi báo cáo UBTVQH. Đa số ý kiến của HĐDT thống nhất lựa chọn theo hướng của phương án 1. Vì phương án này kế thừa được kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án cộng đồng của Chương trình 135 trước đây. Tuy nhiên, cần phải có nghiệm thu trước khi giao cho cộng đồng, chủ trì liên kết quản lý. 

Khoản 6, về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, hiện Luật đầu tư công và Luật ngân sách nhà nước chưa có quy định cụ thể về bố trí vốn đầu tư công tự cân đối của địa phương để ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội. Chính phủ đề xuất chính sách trên để cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… tương tự chính sách quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH 15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Đa số các ý kiến đều thống nhất và cho rằng, quy định ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội là phù hợp, để tăng vốn cho vay ưu đãi.

Hội đồng Dân tộc nhất trí với đề xuất của Chính phủ với chính sách này, và thấy rằng nguồn cấp ngoài các quy định bao gồm, vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên và cần xác định rõ thêm nguồn các khoản, mục dư vốn không thực hiện được từ các chương trình mục tiêu cần được sắp xếp, điều chỉnh. Đặc biệt, đối với các địa phương dư vốn do không còn đối tượng (do độ trễ chính sách), cần tăng tỷ lệ bổ sung cho ngân hàng chính sách từ khoản dư trên để tăng hiệu quả sử dụng ngân sách cũng như bảo đảm công bằng giữa các địa phương. Vì hầu hết các tỉnh vùng miền núi vùng dân tộc thiểu số đều không có khả năng cân đối từ các nguồn hiện có.

Khoản 7, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, Dự thảo của Chính phủ đã tiếp thu Báo cáo thẩm tra sơ bộ của HĐDT, ý kiến của UBTVQH và sửa theo hướng giao cho cấp tỉnh lựa chọn 1 huyện tiến hành làm thí điểm để bảo đảm thống nhất và giao cho cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định nội dung phân cấp đối với cấp huyện.

Hội đồng Dân tộc thống nhất lựa chọn phương án 2 quy định: “Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025”.

Khoản 8, về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn đầu tư công hàng năm đối vơi dự án đầu tư xây dựng công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, Chính phủ đã bổ sung, sửa đổi chính sách này theo báo cáo thẩm tra của HĐDT và ý kiến của UBTVQH. Cơ bản HĐDT thống nhất với dự thảo chính sách, tuy nhiên nên quy định Ủy ban Nhân dân tỉnh phải có danh mục dự kiến kèm theo kinh phí để có cơ sở phân bổ vốn.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ các nội dung liên quan đến tổ chức thực hiện (Điều 5); Điều khoản thi hành (Điều 6). Hội đồng Dân tộc thống nhất với Dự thảo, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến trong báo cáo thẩm tra của HĐDT và ý kiến của UBTVQH.

Tham gia thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Quốc hội tập trung một số nội dung về sự cần thiết, phạm vi, giải thích từ ngữ, thời gian thực hiện Nghị quyết; Về các chính sách cụ thể tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết, cụ thể: về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác