Thứ hai, 00/00/2023
°

Quảng Trị phấn đấu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh năng động của khu vực Bắc Trung Bộ

Ngày 02/01/2024 - 15:22:00 | 5860 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) – Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1737/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, quan điểm phát triển Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đó là quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và các quy hoạch, kế hoạch liên quan. Bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và phát triển.

Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính (kinh tế số, xã hội số, chính quyền số), phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và các ngành kinh tế khác. Phát triển theo hướng xanh và bền vững, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bối cảnh phát triển, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thu hút nguồn lực từ bên ngoài kết hợp với phát huy nội lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực được xác định trọng điểm và đột phá. Phát triển đa dạng, tạo cơ hội thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, phù hợp với mục tiêu và tầm nhìn đã xác định. Khai thác, phát huy sớm nhất thời cơ, lợi thế trong kỳ quy hoạch.

Phát huy vị trí trung tâm liên kết nội vùng khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ với ngoại vùng theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam; tăng cường liên kết giữa các tiểu vùng trong tỉnh, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển; tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng và quốc tế.

Phát triển hài hòa, toàn diện, tổng thể, bao trùm các lĩnh vực văn hóa, xã hội, gắn với bảo tồn giá trị di sản, văn hóa, lịch sử; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với nước bạn Lào; chủ động hội nhập quốc tế.

Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê Kông (GMS). Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Về mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,2%/năm; GRDP bình quân đầu người người đạt khoảng 140 - 170 triệu đồng/người; Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 434 nghìn tỷ đồng.

Quy hoạch cũng xác định các khâu đột phá phát triển của tỉnh Quảng Trị là, tập trung huy động đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh năng động của khu vực Bắc Trung Bộ; thực hiện chuyển đổi số cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, gắn kết với cải cách hành chính và đô thị thông minh, đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo, trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển và đổi mới sáng tạo, trong môi trường số an toàn, rộng khắp. Tạo môi trường sinh sống và làm việc hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Quảng Trị xác định các nhiệm vụ trọng tâm là phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, trụ cột, trong đó xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng sạch của miền Trung; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng kết cấu hạ tầng logistic chất lượng và hiệu quả; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, kết hợp khai thác phát huy các giá trị sinh thái đặc thù. Phát triển bao trùm, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ thành quả phát triển, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo; an sinh xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các dự án trọng điểm, dự án có tính chất liên kết vùng, tạo động lực phát triển.

Thực hiện các chính sách thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức, huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào xây dựng hạ tầng, vào các dự án về năng lượng và các dự án động lực, công trình giao thông trọng điểm, phát triển văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa.

Khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu tốt, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư ở những quy mô khác nhau.

Huy động nguồn lực từ tài chính đất đai để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất là tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để bố trí, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, có hiệu quả; đồng thời, khai thác nguồn lực tài chính từ quỹ đất dôi dư, không có nhu cầu sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác