Thứ hai, 00/00/2023
°

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 03/01/2024 - 08:54:00 | 5680 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1747/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 - 2023 là 11%/năm

Đắk Lắk phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 - 2030 là 11%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 131 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20,6%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 39,5%, khu vực dịch vụ chiếm 35%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,9%.

Tỷ trọng kinh tế số đạt 20%. Huy động GRDP vào ngân sách khoảng 13% - 14%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 40% - 41% GRDP giai đoạn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 3,5% - 4,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47%.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) hàng năm 1,5% - 2%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 3% - 4%/năm trong cả thời kỳ 2021 - 2030. Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 0,81%.

Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động hoạt động kinh tế còn khoảng 52%. Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 2% - 3%. Nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25% - 30%. 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển

Về nhiệm vụ trọng tâm, cơ cấu lại các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao. Hình thành các chuỗi sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn hướng tới các thị trường trong nước và xuất khẩu. Ưu tiên các ngành sản xuất và dịch vụ theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Phát triển mạng lưới đô thị, mà trước hết ưu tiên nguồn lực đầu tư, mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột để thành phố Buôn Ma Thuột xứng tầm một đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Xây dựng, nâng cấp thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị loại III. Đầu tư nâng cấp hạ tầng và phát triển huyện Ea Kar đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã.

Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý, bảo vệ, phục hồi rừng và sử dụng hiệu quả quỹ đất. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa.

Tăng cường kết nối liên vùng, liên tỉnh. Phát triển hạ tầng giao thông trên diện rộng, đa phương thức kết hợp hiệu quả các dịch vụ logistics tiếp cận với xuất, nhập khẩu hàng hóa thông qua các cảng biển vùng Duyên hải miền Trung.

Về các đột phá phát triển, đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, phân cấp quản lý. Tập trung xây dựng chính sách đào tạo, thu hút nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, các vùng trong cả nước và quốc tế; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng điểm; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, du lịch, công nghiệp.

Tập trung phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hình thành các cụm dịch vụ, kỹ thuật nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các địa bàn, hướng dẫn mô hình sản xuất, liên kết đầu mối thu mua, bảo quản chế biến, kiểm định chất lượng sản phẩm.

Tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục, đào tạo và y tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực quan trọng; có cơ chế thu hút, sử dụng, đãi ngộ nhân tài.

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại liên kết với các vùng động lực, các hành lang kinh tế và giữa các tiểu vùng trong tỉnh; mở rộng cơ hội thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn dịch vụ logistics, hạ tầng đô thị thông minh, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin.

Một trọng điểm - ba cực - ba hành lang - ba tiểu vùng

Theo Quy hoạch, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo cấu trúc không gian “một trọng điểm - ba cực - ba hành lang - ba tiểu vùng”.

Về một trọng điểm là thành phố Buôn Ma Thuột và phụ cận: Trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, vùng Tây Nguyên, đô thị đi đầu trong phát triển các ngành kinh tế mới, chuyển đổi số gắn với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, bản sắc trên nền tảng ứng dụng công nghệ số và quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc các ngành kinh tế đô thị hướng vào chất lượng, bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

Về ba cực phát triển, gồm: Thị xã Buôn Hồ (cực tăng trưởng trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh) đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo, thương mại, dịch vụ, du lịch, sinh thái, văn hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Thị xã Ea Kar (cực tăng trưởng phía Đông): Là trung tâm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gắn với vùng sản xuất lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc... chất lượng cao. Có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ thương mại với lợi thế về giao thông; Thị trấn Ea Drăng và phụ cận, huyện Ea H’leo (cực tăng trưởng mới phía Bắc): Đóng vai trò là đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, kết nối với địa bàn tỉnh Gia Lai thông qua hành lang Quốc lộ 14.

Về ba hành lang động lực, gồm: Hành lang kinh tế tổng hợp (Quốc lộ 14): Có vai trò thúc đẩy phát triển liên kết, trung chuyển, giao thương kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk. Phát triển về nông nghiệp và công nghiệp, thương mại - đô thị - dịch vụ; Hành lang nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế dịch vụ và du lịch (Quốc lộ 29): Là trục chính phát triển kinh tế - xã hội quan trọng phía Đông Bắc tỉnh; Hành lang phía Đông (Quốc lộ 26 và đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột): Hình thành các chức năng dịch vụ du lịch và trung chuyển hàng hóa.

Về ba tiểu vùng, gồm: Tiểu vùng Trung tâm, gồm thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Ana và Buôn Đôn là tiểu vùng động lực đóng vai trò quan trọng nhất của tỉnh, vùng đô thị hóa tập trung của tỉnh với thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm và các các khu vực phụ cận; Tiểu vùng phía Bắc: Gồm thị xã Buôn Hồ và các huyện: Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk là tiểu vùng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong liên kết phát triển giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Bắc Tây Nguyên, đồng thời là cửa ngõ quan trọng của tỉnh kết nối với các tỉnh vùng Duyên hải Miền Trung gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam; Tiểu vùng phía Đông Nam: Gồm các huyện: Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông, Lắk có vai trò quan trọng về văn hóa và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch, nông lâm nghiệp của tỉnh./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác