(MPI) - Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, sau một buổi làm việc diễn ra chiều ngày 14/10/2024, Hội đồng thẩm định đã tiến hành thẩm định các nội dung của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp.
|
|
Tại phiên họp, sau khi nghe Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; báo cáo kết quả thẩm tra của tư vấn thẩm tra; dự thảo báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Hội đồng thẩm định đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của hồ sơ thẩm định. Theo đó, Hội đồng thẩm định đã thẩm định các nội dung như đánh giá về hồ sơ Dự án: căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ theo quy định; việc đáp ứng các tiêu chí xác định dự án là dự án quan trọng quốc gia; sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư, đánh giá về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; đánh giá về dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ và dự kiến mục tiêu đầu tư, quy mô và hình thức đầu tư (trong đó, về dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ.
Về mục tiêu đầu tư, cơ bản bám sát Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2024 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, trong đó có căn cứ xác định sơ bộ tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn; phân tích sơ bộ tính khả thi của các phương án huy động vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư công; việc xác định sơ bộ chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác vận hành dự án; về tiến độ dự kiến thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư hoặc phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án; về hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và phát triển bền vững.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, do vai trò rất quan trọng của Dự án đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; quy mô đầu tư dự án rất lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thời gian thực hiện dài qua nhiều thời kỳ, để thực hiện thành công và sớm hoàn thành toàn bộ dự án như tiến độ dự kiến, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và căn cứ Kết luận số 49, Bộ Giao thông vận tải đề xuất các nhóm cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Về nội dung này, Hội đồng thẩm định đề nghị rà soát kỹ lưỡng, làm rõ các cơ chế, chính sách thật sự cần thiết đối với dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính khả thi thực hiện.
|
Đại diện Bộ Xây dựng phát biểu. Ảnh: MPI |
Tại phiên họp, đại diện UBND các tỉnh/thành phố có dự án đường sắt tốc độ cao đi qua như Hà Nam, Bình Thuận, Thanh Hóa, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Trị, Nghệ An, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,… và đại diện các Bộ, ngành bày tỏ thống nhất cao với các nội dung của báo cáo. Các ý kiến cũng đánh giá cao cơ quan thường trực Hội đồng đã làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình có báo cáo đầy đủ toàn diện về các vấn đề liên quan; đồng thời, tập trung cho ý kiến vào các nội dung cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh nhấn mạnh vấn đề liên quan đến hướng tuyến và cho rằng, hướng tuyến đi qua tỉnh Nam Định sẽ góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh cũng như các tỉnh lân cận thuộc khu vực Nam đồng bằng sông Hồng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng bày tỏ cơ bản thống nhất với các báo cáo được trình bày tại phiên họp; đồng thời đề nghị bổ sung nội dung đánh giá liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn, Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 28/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện Ủy ban Quản lý Nhà nước tại doanh nghiệp bày tỏ nhất trí và cho rằng, các báo cáo được nghiên cứu chi tiết và công phu; nhấn mạnh, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề cập một cách tổng thể và toàn diện trong việc nâng cấp mạng lưới đường sắt hiện hữu cũng như xây dựng mạng lưới cao tốc mới trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giảm chi phí logistics, đóng góp vào tăng trưởng quốc gia. Đồng thời nhấn mạnh thêm các nội dung liên quan về quy mô bố trí đất cho các nhà ga của 20 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua; về xây dựng đô thị đường sắt cao tốc; phát triển ngành cơ khí đường sắt và sản phẩm ngành đường sắt.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận. Ảnh: MPI |
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao trách nhiệm của các thành viên Hội đồng; đề nghị các thành viên tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tập trung cao nhất để góp ý cho đề án, trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời nhấn mạnh, đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới nên cần các Bộ, ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo đơn vị chủ trì xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; tiếp tục rà soát, tính toán, cập nhật các số liệu đảm bảo sự thống nhất, khả thi và chịu trách nhiệm về các số liệu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến các nội dung cần nghiên cứu, thuyết minh làm rõ hơn về hướng tuyến, phải đặt trên tình huống độc lập khách quan, vì lợi ích tổng thể và hiệu quả dự án; về diện tích nhà ga tại các địa phương có dự án đường sắt đi qua; về bảo dưỡng duy tu và vận hành, chi phí, tính hiệu quả: phải tính toán và báo cáo đầy đủ; về tiến độ; về công nghiệp hóa, nội địa hóa./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư