(MPI) - Chiều ngày 25/10/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì buổi làm việc về dự án đường vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Việc thực hiện dự án đường vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, các đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh, liên kết và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả các tuyến đường này; phát huy được vai trò, tiềm năng, thế mạnh và chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển lẫn nhau giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận với vai trò là đô thi trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa.
Đồng thời, tạo trục giao thông quan trọng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa từ các khu công nghiệp, khu đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngược lại; Kết nối các đô thị trong vùng, khu công nghiệp trong vùng, tạo liên kết vùng, phát triền kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; giảm áp lực giao thông khu vực cho khu vực trung tâm đô thị.
Dự án có phạm vi đầu tư: Điểm đầu là ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha; Điểm cuối là nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Tổng chiều dài dự án khoảng 206,72 km, trong đó: đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài khoảng 18,23 km; qua tỉnh Đồng Nai khoảng 46,08 km; qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,41 km; qua thành phố Hồ Chí Minh khoảng 16,70 km; qua tỉnh Long An khoảng 78,3km.
Tại buổi làm việc, đại diện thành phố Hồ Chí Minh trình bày các nội dung liên quan của dự án; các địa phương đã thông tin, báo cáo về tình hình triển khai và dự kiến phương án triển khai dự án theo tình hình của mỗi địa phương. Đại diện các địa phương cũng bày tỏ mong muốn dự án sớm được triển khai nhằm tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai và tận dụng các khu vực thuận lợi cho phát triển đô thị, tạo nguồn vốn dễ đầu tư phát triền; Tạo bước đột phá về hạ tầng, thúc đầy phát triền kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Trên cơ sở ý kiến, Bộ trưởng nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sự cần thiết, chủ trương thực hiện dự án đã rõ; đồng thời nhấn mạnh đến mục tiêu của dự án và đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu các phương án đầu tư như BOT, BT, đầu tư công; bám sát tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phải nghiên cứu, đưa ra cơ chế để đảm bảo tính hấp dẫn đầu tư, đảm bảo tính khả thi, hài hòa vì sự phát triển của vùng động lực, vì cực tăng trưởng và vì sự đóng góp cho phát triển lâu dài.
Bộ trưởng cũng đề nghị, các địa phương liên quan, đặc biệt là tỉnh Long An và tỉnh Đồng Nai phải nghiên cứu, tính toán cụ thể các phương án dựa trên các cơ sở, yếu tố mới, sau đó lựa chọn phương án tối ưu nhất, gửi thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp để khẩn trương hoàn thiện báo cáo và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Báo cáo phải được xây dựng theo tinh thần tiến công, quyết liệt, tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư, đảm bảo mục tiêu nhưng vẫn phải đảm bảo được các quy định và đảm bảo lợi ích; Phải tính toán, nghiên cứu các phương án kỹ lưỡng, khẩn trương và báo cáo phương án với các cách thức thực hiện cụ thể, từ đó sẽ đưa ra phương án tối ưu nhất theo tinh thần, yếu tố mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, theo chức năng, thẩm quyền, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương với tinh thần bàn làm nhưng phải khả thi, đảm bảo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và lãnh đạo các địa phương dự họp cảm ơn những ý kiến, gợi ý của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và khẳng định, tiếp tục phối hợp để khẩn trương hoàn thiện các nội dung dự án; nhấn mạnh, đây là dự án lớn, quan trọng và rất tiềm năng không chỉ cho các địa phương trong vùng mà còn là cho vùng, tác động lan tỏa, tạo liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như phát triển kinh tế - xã hội cả nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư