Thứ hai, 00/00/2023
°

Tỉnh An Giang cần tập trung thu hút các ngành công nghiệp chế biến để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị

Ngày 26/11/2024 - 11:52:00 | 397 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Tham dự và phát biểu tại Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã cung cấp những thông tin về định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ cũng như những tiềm năng hợp tác đầu tư tại tỉnh An Giang.

Hội nghị diễn ra ngày 26/11/2024 tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng; cùng đại diện các bộ, ngành, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Baoangiang

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, chủ đề của Hội nghị “An Giang: Không gian mới - Giá trị mới” mang tính chiến lược không chỉ đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của cả nước. Hội nghị là cơ hội và là sự khởi đầu cho giai đoạn, thời kỳ phát triển mới với một số các dự án có tính động lực, lan tỏa được trao chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị.

Đặc biệt, với sự hiện diện của đông đảo nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp; là thông điệp khẳng định vị trí, vai trò và sự hấp dẫn của tỉnh An Giang trong khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022, trong đó xác định đây là vùng có vị trí chiến lược, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Đây không chỉ là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản mà còn là vùng trọng điểm quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì tỉnh An Giang có vị trí chiến lược, tiềm năng, năng động về kinh tế và giữ vai trò về liên kết vùng; là một trong những tỉnh dẫn đầu về phát triển kinh tế của Vùng. Với vị trí và vai trò của mình trong vùng, An Giang đã trở thành vị trí giao thương quan trọng của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á; có vai trò quan trọng trong kết nối các tỉnh, thành phố lân cận như Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và đặc biệt là kết nối với thành phố Hồ Chí Minh để thúc đẩy giao thương trong khu vực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, với vai trò, vị trí quan trọng trong Vùng, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra thì việc đầu tư và phát triển tỉnh An Giang rất quan trọng, thiết yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như chiến lược phát triển tổng thể của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Để có định hướng trong việc đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh An Giang cũng như để tỉnh An Giang xúc tiến, quảng bá hình ảnh của mình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, cần nhìn nhận rõ tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trong đó có những điểm nổi bật, trụ cột như có vựa lúa lớn nhất của cả nước; trung tâm sản xuất thủy sản hàng đầu cả nước; phát triển thương mại biên giới thông qua cửa khẩu biên giới, trong đó có cửa khẩu quốc tế, quốc gia và đặc biệt là kết nối với nước bạn Campuchia; trung tâm du lịch văn hóa sinh thái nổi tiếng.

Để phát huy mạnh mẽ lợi thế của tỉnh An Giang, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có sự ưu tiên nguồn lực trong việc phát triển kết cấu hạ tầng. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách trung ương đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, huy động ODA cho các dự án trong Vùng. Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn cho các dự án vùng, đặc biệt là các dự án về chống biến đổi khí hậu, hạn chế những tác động của thiên tai; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cấp các đường quốc lộ, đầu tư các dự án đường ven biển, an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, để phát huy lợi thế nêu trên, bên cạnh bên tập trung vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế như thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển du lịch, thương mại,… tỉnh An Giang cần tập trung thu hút các ngành công nghiệp chế biến để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa.

Theo đó, cần tập trung đầu tư vào các ngành trọng điểm để xây dựng hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ hơn nữa như ngành chế biến gạo và sản phẩm từ gạo; ngành chế biến trái cây rau củ thông qua các công nghệ cao, bảo quản; chế biến thủy sản đông lạnh; chế biến thực phẩm tiện lợi, đóng hộp; chế tạo máy móc nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp; sản xuất bao bì, vật liệu đóng gói và thu hút các dự án công nghệ cao vào lĩnh vực này để có hệ sinh thái đối với ngành công nghiệp tại tỉnh An Giang.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đồng hành cùng tỉnh An Giang. Theo đó, một là, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các bộ, ngành và tỉnh An Giang để đồng hành trong việc triển khai kế hoạch hành động của quốc gia về tăng trưởng xanh để góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam đạt mức phác thải ròng bằng 0 vào năm 2050; đồng lòng cùng tỉnh An Giang để tích cực vận động các nhà tài trợ, các tổ chức song phương, đa phương để có những khoản vay ưu đãi để hỗ trợ tỉnh An Giang nói riêng và các tỉnh trong khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung để thực hiện triển khai các dự án chiến lược, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai là, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ về khả năng cân đối nguồn lực ở mức độ hợp lý để tỉnh An Giang có thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là để hoàn thành các dự án mang tính trọng điểm, mang tính kết nối nhằm tiếp tục tạo ra không gian mới để cho phát triển; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ các đề xuất của tỉnh An Giang trong việc xây dựng và phát triển một số khu công nghiệp mang tính trọng điểm.

Ba là, đồng hành cùng tỉnh An Giang để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công trên địa bàn, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ là dùng đầu tư công để kích hoạt, dẫn dắt đầu tư tư.

Bốn là, đồng hành cùng tỉnh An Giang để tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thay đổi cách xúc tiến đầu tư đối với hoạt động đầu tư của tỉnh An Giang. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đại diện xúc tiến đầu tư ở một số địa bàn và Bộ sẽ đồng hành cùng tỉnh An Giang để kết nối các nhà đầu tư trọng điểm, các nhà đầu tư chiến lược vào nghiên cứu khả năng đầu tư tại tỉnh; lồng ghép chương trình xúc tiến đầu, các danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh vào trong chương trình thu hút đầu tư quốc gia, trong chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với tỉnh An Giang để kết nối với các địa phương trong nước cũng như một số địa phương của các nước có cùng tiềm năng lợi thế để phát triển. Cùng với đó là, đồng hành cùng tỉnh An Giang, cùng các nhà đầu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại tỉnh An Giang.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư chiến lược thực hiện một số dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư theo định hướng Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đã chụp hình lưu niệm cùng các doanh nghiệp được trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác