I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm 2024 ước tăng 9,27% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng toàn nền kinh tế trong 9 tháng qua, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,46%, đóng góp 5,13 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung; khu vực dịch vụ ước tăng 7,40%, đóng góp 2,45 điểm; khu vực lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,11%, đóng góp 1,53 điểm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,21%, mức đóng góp 0,16 điểm.
Cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 9 tháng năm 2024 tiếp tục có sự dịch chuyển giữa các khu vực so với cùng kỳ năm trước theo xu hướng khu vực công nghiệp - xây dựng ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn chiếm 43,59% trong 9 tháng năm 2024; khu vực dịch vụ chiếm 30,53%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,46%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
2.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Trong tháng 9/2024, tỉnh tập trung chỉ đạo, theo dõi sản xuất cây trồng vụ Mùa, tính đến thời điểm ngày 15/9, trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 23.916 ha, giảm 3,19% (- 787 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
- Diện tích lúa gieo trồng 10.465 ha, giảm 1,44% (-153 ha) so với cùng kỳ năm trước (trong đó lúa mùa gieo trồng 7.571 ha, giảm 2,90% so với cùng kỳ). Hầu hết, lúa được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, lúa đã cấy phát triển tương đối tốt; giống sản xuất lúa vụ Mùa năm nay tập trung vào các giống trung ngắn ngày, chủ lực gồm Đài thơm 8, OM5451; OM 4900, THU801;
- Cây bắp gieo trồng 2.832 ha, tăng 0,96% (+27 ha) so cùng kỳ; Khoai lang gieo trồng 134 ha, tăng 97,06% (+66 ha); Khoai mỳ 4.460 ha, giảm 5,55% so với cùng kỳ;
- Cây mía gieo trồng 98 ha, giảm 2,00% (-2 ha), diện tích cây mía của tỉnh nhỏ lẻ, được trồng chủ yếu làm nguyên liệu chế biến nước giải khát;
- Rau các loại gieo trồng 2.472 ha, giảm 11,40% (-318 ha) so cùng kỳ;
- Đậu các loại gieo trồng 149 ha, giảm 12,35% (-21 ha) so cùng kỳ.
Đối với cây lâu năm: ước tính toàn tỉnh hiện có 436.688 ha cây lâu năm, giảm 0,72% (-3.158 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó:
- Cây ăn quả các loại 17.279 ha, tăng 16,04% (+2.389 ha) so với cùng kỳ. Diện tích các loại cây ăn quả tăng, nguyên nhân chủ yếu do chuyển đổi từ một số diện tích cây cà phê, tiêu, cao su đã già cỗi và một số diện tích từ cây hàng năm sang trồng cây ăn trái.
- Cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh 419.006 ha, giảm 1,31% (-5.574 ha) so với cùng kỳ năm 2023. Chia ra: cây điều hiện có 149.520 ha (-2.433 ha), sản lượng ước đạt 153.113 tấn (-42.144 tấn); cây hồ tiêu hiện có 12.878 ha (-709 ha), sản lượng ước đạt 22.616 tấn (-874 tấn); cây cao su 242.588 ha (-2.410 ha), sản lượng ước đạt 257.430 tấn (+7.157 tấn); cây cà phê 14.020 ha (-23 ha), sản lượng cà phê chưa có thu.
Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì theo dõi diễn biến dịch bệnh và xử lý kịp thời khi có phát sinh trên cây trồng do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức độ nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.
b. Chăn nuôi
Ước tính tháng 9/2024, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt 2.310 nghìn con, tăng 19,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: tổng đàn trâu đạt 12,1 nghìn con, giảm 2,58%; đàn bò đạt 39,1 nghìn con, giảm 2,85%; đàn lợn đạt 2.258,8 nghìn con, tăng 20,42% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng sản lượng thịt hơi gia súc xuất chuồng trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 259.053 tấn, tăng 29,55% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: sản lượng thịt trâu hơi ước đạt 1.081 tấn, tăng 1,69%; thịt bò hơi 2.553 tấn, tăng 2,70%; thịt lợn hơi 255.419 tấn, tăng 30,04% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi gia cầm phát triển theo chiều hướng khá tốt, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ. Tính chung 9 tháng năm 2024, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 74.207 tấn, tăng 12,25%; sản lượng trứng gia cầm đạt 285,8 triệu quả, giảm 1,21% so với cùng kỳ năm 2023.
Toàn tỉnh vẫn duy trì 88 trại gia cầm (80 trại gà và 8 trại vịt) có 59 trại chăn nuôi công nghệ chuồng lạnh, kín, tự động hoặc bán tự động (chiếm 67% số trại gia cầm), còn lại là trại hở, bán nuôi thả.
Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm tương đối ổn định. Các loại dịch bệnh như Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, bệnh Dại động vật, Dịch tả lợn cổ điển, Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn…không phát sinh.
2.2. Lâm nghiệp
Về trồng rừng, các đơn vị được giao trồng rừng đang khẩn trương triển khai trồng rừng, lũy kế đến tháng 9 toàn tỉnh ước trồng được 1.005 ha (+100 ha) so với cùng kỳ.
Về khai thác: Tính chung 9 tháng năm 2024 khai thác được 66.298 m3 gỗ, tăng 21,56% so với cùng kỳ; lượng củi khai thác 11.681Ste, tăng 11,95% so với cùng kỳ. Lượng gỗ và củi khai thác được hoàn toàn là rừng trồng.
2.3. Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có 1.104 ha. Lũy kế 9 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 1.528 tấn, giảm 3,75% (-60 tấn). Chia ra: Sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên đạt 174 tấn, giảm 17,92% (-38 tấn); sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.354 tấn, giảm 2,80% (-39 tấn).
Tính đến nay, tình hình dịch bệnh trong nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa xảy ra.
2.4. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới
Số huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới/huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới là 3/11 huyện (thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, thị xã Bình Long); Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới 73/86 xã; Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 21/86 xã.
3. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 năm 2024 ước tính tăng 2,66% so tháng trước và tăng 16,83% so với tháng cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,30% so với tháng trước, tăng 15,65% so với cùng kỳ năm trước; Tương ứng: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những bước chuyển khá tích cực khi tăng lần lượt 2,54%, tăng 17,02%; Tình hình sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định đã tạo đà cho nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng lần lượt 5,87%, tăng 12,96%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,52%, tăng 14,06%.
Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 17,08% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá ấn tượng thể hiện sự nỗ lực, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, quyết sách đúng đắn của Chính phủ, Chính quyền tỉnh nhà. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 12,13% so với cùng kỳ năm trước; Tương ứng: ngành công nghiệp chế biến tăng 17,51%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,26%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,80%.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp tháng 9/2024 tăng 3,61% so với tháng trước, tăng 8,58% so với tháng cùng kỳ năm trước, trong đó: lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước ổn định so với tháng trước và giảm 0,76% so với cùng kỳ năm trước; Tương ứng: Lao động doanh nghiệp ngoài Nhà nước (+0,16%) và (+0,30); Lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (+4,28%) và (+10,32%).
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,05% so với cùng kỳ, riêng ngành khai khoáng có chỉ số sử dụng lao động tăng khá cao so với cùng kỳ (+18,02%), ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm nhẹ (-0,03%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí (+0,35%); Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+1,89%) so với cùng kỳ năm trước.
4. Tình hình hoạt động doanh nghiệp
4.1. Tình hình phát triển doanh nghiệp
Trong tháng có 100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 560,45 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm có 860 doanh nghiệp đăng ký thành lập (đạt 78,18% kế hoạch), với số vốn đăng ký là 12.248,47 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 9 số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 12.446 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 204.812,56 tỷ đồng (đã trừ doanh nghiệp và trừ vốn giải thể).
* Xu hướng sản xuất kinh doanh
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2024 cho thấy: Có 22,03% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 25,42% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 52,54% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV/2024, có 32,20% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 32,20% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 32,20% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có 55,93% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 50,85% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 52,54% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; 40,68% số doanh nghiệp cho rằng khó khăn về tài chính; 33,90% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lậc hậu; 37,29% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 35,59% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 30,51% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng trong nước cao;…
4.2. Kim ngạch xuất, nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu: Trong tháng 9/2024 ước đạt 512,30 triệu USD, tăng 5,72% so với tháng trước và tăng 25,13% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm ước đạt 3,68 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 80,82% so với kế hoạch năm.
Kim ngạch nhập khẩu: Trong tháng 9/2024 ước đạt 325 triệu USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 12,07% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm ước đạt 2,32 tỷ USD, tăng 14,96% so với cùng kỳ, đạt 81% so với kế hoạch năm 2024.
5. Hoạt động dịch vụ
5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2024 ước tính đạt 7.724,49 tỷ đồng, tăng 2,86% so với tháng trước và tăng 16,81% so với cùng kỳ. Ước quý III năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 22.605,49 tỷ đồng, tăng 4,62% so với quý trước, tăng 14,68% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 65.360,30 tỷ đồng, tăng 13,52% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 9 năm 2024 ước tính 6.263,55 tỷ đồng, tăng 2,67% so với tháng trước, tăng 16,52% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng doanh thu bán lẻ ước đạt 53.376,55 tỷ đồng, tăng 13,76% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu lưu trú, ăn uống tháng 9 năm 2024 ước đạt 709,85 tỷ đồng, tăng 2,10% so với tháng trước, tăng 14,57% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng doanh thu lưu trú, ăn uống ước đạt 5.987,85 tỷ đồng, tăng 10,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: dịch vụ lưu trú ước đạt 214,41 tỷ đồng, tăng 11,66% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 5.773,44 tỷ đồng, tăng 10,60% so với cùng kỳ.
- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 9 năm 2024 ước đạt 2,38 tỷ đồng, tăng 5,71% so với tháng trước, tăng 83,33% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 18,08 tỷ đồng, tăng 54,90% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu dịch vụ khác ước tháng 9 năm 2024 đạt 748,71 tỷ đồng, tăng 5,25% so với tháng trước, tăng 21,46% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng doanh thu dịch vụ khác ước đạt 5.977,82 tỷ đồng, tăng 14,26% so với cùng kỳ năm trước.
5.2. Giao thông vận tải
Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát tháng 9/2024 ước đạt 275,83 tỷ đồng, tăng 1,60% so với tháng trước, tăng 11,62% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng doanh thu ước đạt 2.401,12 tỷ đồng, tăng 16,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Vận tải hành khách: Trong tháng, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 627,00 ngàn hành khách, tăng 1,65% so với tháng trước và tăng 8,90% so với cùng kỳ; Số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 140,98 triệu hành khách.km, tăng 1,76% và tăng 13,24%; doanh thu ước tính đạt 153,11 tỷ đồng, tăng 1,66% và tăng 9,84%.
Lũy kế 9 tháng, số lượt hành khách vận chuyển đạt 5.537,10 ngàn lượt hành khách, tăng 8,11% so với cùng kỳ năm trước; Số lượt hành khách luân chuyển đạt 1.228,52 triệu lượt hành khách.km, tăng 11,88%; doanh thu đạt 1.351,81 tỷ đồng, tăng 14,49%.
Vận tải hàng hóa: Trong tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 192,25 ngàn tấn, tăng 1,78% so với tháng trước và tăng 13,40% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 27,68 triệu tấn.km, tăng 1,85% và tăng 18,37%; doanh thu ước tính đạt 111,46 tỷ đồng, tăng 1,55% và tăng 12,80%.
Lũy kế 9 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1.648,70 ngàn tấn, tăng 16,06% so với cùng kỳ năm trước; Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 240,10 triệu tấn.km, tăng 23,05%; doanh thu đạt 958,99 tỷ đồng, tăng 18,94%.
Hoạt động hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát: Trong tháng, doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải ước tính đạt 4,26 tỷ đồng, tăng 2,57% so với tháng trước và tăng 24,92% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu hoạt động bưu chính chuyển phát ước tính đạt 7,01 tỷ đồng, tăng 0,43% so với tháng trước và tăng 27,36% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, hoạt động hỗ trợ vận tải ước tính đạt 33,98 tỷ đồng, tăng 17,10% so với cùng kỳ; hoạt động bưu chính chuyển phát ước tính đạt 56,35 tỷ đồng, tăng 27,35% so với cùng kỳ năm trước.
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT
1. Hoạt động ngân hàng
Tình hình thực hiện lãi suất: Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nên kinh tế; đồng thời, tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. NHNN đã yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm (nếu có) Website của ngân hàng để khách hàng có thê thông tin tham khảo khi tiếp cận vốn vay.
Huy động vốn: Đến cuối tháng 9/2024, huy động vốn trên địa bàn ước đạt 58.200 tỷ đồng, tăng 0,13% (+76 tỷ đồng) so với tháng trước và tăng 6,26% (+3.429 tỷ đồng) so với cuối năm 2023.
Hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng toàn ngành tính đến cuối tháng 9/2024 ước đạt 126.200 tỷ đồng, giảm 0,67% (-853 tỷ đồng) và tăng 4,91% (+5.905 tỷ đồng) so với cuối năm 2023.
2. Bảo hiểm
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tính đến ngày 31/8/2024 là 919.035 người, tăng 2,30% so với tháng trước và tăng 1,90% so với cùng kỳ năm trước, đạt 65,8% kế hoạch được giao.
Tổng số thu tính đến ngày 31/8/2024 là 2.839,61 tỷ đồng, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 65,8% so với kế hoạch. Trong đó: Bảo hiểm xã hội bắt buộc 1.936,49 tỷ đồng, đạt 67,5% kế hoạch; Bảo hiểm xã hội tự nguyện 31,59 tỷ đồng, đạt 49,5% kế hoạch; Bảo hiểm y tế 730,33 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch; Bảo hiểm thất nghiệp 141,18 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch.
Tổng số chi tính đến ngày 31/8/2024 là 1.871,21 tỷ đồng, bao gồm: Chi bảo hiểm xã hội 1.395,56 tỷ đồng; chi bảo hiểm y tế 344,12 tỷ đồng; chi bảo hiểm thất nghiệp 131,52 tỷ đồng.
3. Đầu tư và xây dựng
3.1. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội
Tính chung 9 tháng năm 2024, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 25.596,48 tỷ đồng, tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn khu vực Nhà nước đạt 3.293,57 tỷ đồng, chiếm 12,87% tổng vốn, giảm 16,57% so với cùng kỳ; Khu vực ngoài Nhà nước đạt 16.181,83 tỷ đồng, chiếm 63,22%, tăng 5,12%; Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6.121,08 tỷ đồng, chiếm 23,91%, tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ (+ 38,83%) do có các doanh nghiệp FDI lớn đầu tư mua sắm máy móc trang thiết bị không qua xây dựng cơ bản, sửa chữa nâng cấp tài sản cố định với giá trị cao như công ty Haohua...
3.2 Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước
Trong tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 9 tháng ước tính đạt 3.097,45 tỷ đồng, đạt 55,55% kế hoạch năm, tăng 11,52% so với cùng kỳ năm trước, gồm có: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 2.548,80 tỷ đồng, bằng 55,48% kế hoạch năm, tăng 38,21%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 548,65 tỷ đồng, bằng 55,88% kế hoạch năm và giảm 41,22%.
Giải ngân vốn đầu tư công: Công tác đầu tư công trên địa bàn tiếp tục được lãnh đạo tỉnh và các cấp sở, ban, ngành quan tâm, đôn đốc thực hiện nhằm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công tính đến thời điểm ngày 25/9/2024 là 1.486,28 tỷ đồng, đạt 26,8% so với chỉ tiêu trung ương giao và đạt 26,7% so với kế hoạch năm tỉnh giao.
3.3. Xây dựng
Tính chung 9 tháng năm 2024, Giá trị sản xuất theo giá hiện hành ngành xây dựng ước thực hiện được 12.841,32 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh nghiệp nhà nước ước đạt 50,53 tỷ đồng, tăng 1,22% so với cùng kỳ; Doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 6.374,86 tỷ đồng, giảm 9,04%; so với cùng kỳ; Loại hình khác ước đạt 4.873,25 tỷ đồng, tăng 6,15% so với cùng kỳ.
3.4. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng thu hút được 01 dự án với số vốn đăng ký là 4 triệu 700 ngàn USD; Tính chung 9 tháng đầu năm thu hút được 18 dự án, số vốn thu hút được là 167,03 triệu USD (bao gồm cấp mới và điều chỉnh tăng), đạt 41,75% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay số dự án trên địa bàn tỉnh là 424 dự án với vốn đầu tư là 4,40 tỷ USD.
4. Thu, chi ngân sách
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2024 ước 7,123.76 tỷ đồng, đạt 55,92% so với dự toán HĐND tỉnh thông qua, giảm 8,60% so với cùng kỳ, trong đó: Thu nội địa 6.060,37 tỷ đồng, đạt 52,89% dự toán và giảm 10,99% so với cùng kỳ; Thu từ hải quan 1.058,34 tỷ đồng, đạt 82,55% và tăng 7,87%.
Chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 8.628,07 tỷ đồng, đạt 51,61% HĐND tỉnh thông qua và giảm 13,67% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.299,22 tỷ đồng, đạt 58,60% dự toán và giảm 37,46% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 5.320,09 tỷ đồng, đạt 60,66% và tăng 12,87% so cùng kỳ năm trước.
5. Giá cả thị trường
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,02% so với tháng trước; tăng 2,42% so với tháng 12/2023 và tăng 2,80% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,23% so với quý cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,02% của CPI tháng 09/2024 so với tháng trước, có 06 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 04 nhóm hàng giảm và 01 nhóm hàng giữ giá ổn định.
- Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
+ Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,76% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, cùng với đó vụ lúa hè thu sắp kết thúc cũng ảnh hưởng đến nguồn cung gạo, so với tháng trước chỉ số giá nhóm gạo tăng 3,29%; Giá thịt gia súc tăng 0,79%, Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 0,90%, Giá quả tươi và chế biến tăng 1,25% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng...
+ Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,37% chủ yếu một số mặt hàng như: Giá gas tăng 1,65% so với tháng trước, Giá điện sinh hoạt tăng 0,84% do nhu cầu sử dụng tăng. Bên cạnh đó, Giá dầu hỏa giảm 7,23% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; Giá nước sinh hoạt giảm 1,78% do thời tiết không còn nắng gắt, mưa nhiều nên nhu cầu sử dụng của người dân giảm.
+ Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,25% chủ yếu do giá ở các nhóm hàng đồ trang sức do biến động giá vàng trong nước tăng.
+ Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21% do nhu cầu sử dụng tăng.
+ Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,02%, nhiều cửa hàng, siêu thị đã kết thúc các chương trình khuyến mãi giảm giá, lượng hàng mới nhập về chi phí tăng đẩy giá tăng.
+ Nhóm giáo dục tăng 0,02%, nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập chuẩn bị vào năm học mới 2024-2025.
- Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước là:
+ Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,07% do nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm.
+ Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,07%.
+ Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,40%, siêu thị có chương trình khuyến mãi để kích cầu khách hàng.
+ Nhóm giao thông giảm 3,35% chủ yếu do ảnh hưởng điều chỉnh giá xăng, dầu trong tháng nên bình quân tháng 9/2024 giá xăng, dầu giảm 7,12%.
- Nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá ổn định so với tháng trước.
Trong 9 tháng năm 2024, chỉ số giá bình quân tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính có 10 nhóm hàng tăng giá so với bình quân cùng kỳ năm trước: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (+9,42%); Nhóm thuốc và dịch vụ y tế (+8,05%); Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+4,79%); Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (+3,77%); Nhóm nhà ở và vật liệu xây (+3,54%); Giao thông (+2,34%); Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch (+1,71%); Nhóm giáo dục (+0,33%); Nhóm bưu chính, viễn thông (+0,18%); Nhóm đồ uống và thuốc lá (+0,16%). Có 01 nhóm hàng giảm giá so với bình quân cùng kỳ năm trước: Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (-0,79%).
Chỉ số giá vàng: Tính đến ngày 24/9/2024, giá vàng tăng 1,61% so với tháng trước; tăng 38,03% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 28,49%.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Tại thị trường trong nước giá đồng USD giảm 1,71% so với tháng trước và tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2024, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,34% so với cùng kỳ năm trước.
III. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI
1.Lao động, việc làm và đời sống dân cư
1.1.Công tác lao động - việc làm
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý III năm 2024 ước 604.762 người, tăng 0,92% so với quý trước. Trong đó: Khu vực thành thị 190.015 người, chiếm 31,42%; Khu vực nông thôn 414.747 người, chiếm 68,58%. Lực lượng lao động nam 318.482 người, chiếm 52,66%; Lực lượng lao động nữ 286.280 người, chiếm 47,34% trong tổng số lực lượng lao động 15 tuổi trở lên.
Tỷ lệ thất nghiệp ước quý III năm 2024 của tỉnh chiếm 2,30% trong lực lượng lao động 15 tuổi trở lên.
Tình hình giải quyết việc làm: Trong quý III toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 6.735 lao động, (trong đó thu hút người lao động ngoài tỉnh là 1.050 lao động) tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho 4.409 lao động.
Về giáo dục nghề nghiệp: Trong quý III đã tuyển sinh cho 13.476 người, đào tạo nghề cho 12.446 người.
1.2 Công tác người có công
Công tác giải quyết hồ sơ: Trong thời gian qua đã giải quyết được 1.934 hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp và phụ cấp theo quy định (trong đó tiếp nhận tại trung tâm phục vụ hành chính công 571 hồ sơ và tiếp nhận tại Sở là 1.122 hồ sơ). Ước lượng hết quý III giải quyết được 2.050 hồ sơ.
1.3. Công tác an sinh xã hội
- Giảm nghèo: Ngành chức năng báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MQTG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, đề xuất thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030.
- Bảo trợ xã hội: Tổ chức lớp tập huấn đào tạo, tập huấn trực tuyến sử dụng hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội; Tham mưu, triển khai thực hiện Nghị định số 76/2024/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
- Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Tập huấn nghiệp vụ công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em trên địa bàn; tập huấn kiến thức kỹ năng phòng chống TNTT, xâm hại trẻ em, trẻ em trương tác an toàn lành mạnh trên mạng cho trẻ em; Xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tết Trung thu trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2024; Tổng hợp danh sách học sinh, sinh viên đề nghị Quỹ Thiện tâm hỗ trợ học bổng năm học 2024-2025.
1.4. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2024, Cơ sở cai nghiện ma túy đã tiếp nhận 24 học viên, tuyên truyền cho 1.460 lượt học viên, khám và điều trị các bệnh thông thường cho 6.120 lượt học viên, tổ chức cho 345 lượt gia đình và 325 lượt học viên thăm nuôi.
2. Giáo dục, đào tạo
Ngành giáo dục và đào tạo tập trung chỉ đạo tổ chức khai giảng và các hoạt động đầu năm học năm học 2024-2025; Hướng dẫn các nhiệm vụ chuyên môn năm học 2023-2024 của các cấp học, bậc học trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT;
Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 444 trường từ mầm non đến trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên với 8.115 lớp, 265.979 trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Chất lượng giáo dục đại trà ngày càng được củng cố và tăng cường: Tỷ lệ học sinh Tiểu học được đánh giá hoàn thành chương trình đạt 99,51%; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,9%; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,21%, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố (tăng 05 bậc so với năm 2023).
Tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có 207/390 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 53,07% so với tổng số trường.
3. Hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng
- Tình hình dịch bệnh:
+ Sốt xuất huyết (SXH): Tổng số mắc sốt xuất huyết trong tháng là 544 ca, tăng 307 ca so với tháng trước. Cộng dồn: 1.508 ca, giảm 47,8% so với cùng kỳ. Phát hiện 473 ổ dịch và xử lý 473 ổ dịch.
+ Tay chân miệng (TCM): Trong tháng ghi nhận 43 ca mắc, không có tử vong. So với tháng trước giảm 22 ca. Cộng dồn: ghi nhận 584 ca. So với cùng kỳ mắc tăng tăng 11,6%.
- Ngoài ra, trong tháng trên địa bàn tỉnh ghi nhận các bệnh: Tiêu chảy 52 ca, giảm 85 ca so với tháng trước. Cộng dồn 555 ca, tăng 78 ca so với cùng kỳ; Thủy đậu 3 ca mắc. Cúm 115 ca, giảm 53 ca so với tháng trước. Cộng dồn: 1.197 ca, giảm 262 ca so với cùng kỳ; Viêm gan virút B 12 ca, tăng 10 ca so với tháng trước. Cộng dồn: 86 ca, tăng 11 ca so với cùng kỳ; Các bệnh truyền nhiễm khác: chưa ghi nhận lây lan, bùng phát thành dịch.
- Tình hình khám, chữa bệnh:
Tổng số lượt khám, chữa bệnh 9 tháng năm 2024 là 1.720.737 lượt, giảm 5% so với cùng kỳ; Số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú là 573.599 lượt (bao gồm các bệnh viện, các phòng khám đa khoa tư nhân) giảm 26% cùng kỳ. Số lượt khám, chữa bệnh nội trú là 1.147.138 lượt, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 34,2%.
4. Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
- Lĩnh vực văn hóa
Công tác tuyên truyền: Toàn ngành tổ chức và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương. Kết quả, thực hiện in ấn và thi công trang trí được: 4.420m2 băng rôn; 11.250m2 pa-nô; 6.475m2 banner; treo hơn 9.600 lượt cờ các loại, tuyên truyền 426 giờ bằng xe tuyên truyền lưu động; viết bài đăng trên website của ngành và của các đơn vị.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Tổ chức Lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và truyền dạy về bảo tồn, phát huy kỹ thuật đan lát truyền thống của người M’nông tỉnh Bình Phước; Sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật về hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Bình Phước qua các nhiệm kỳ.
Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Tổ chức thành công Liên hoan Tuyên truyền lưu động tỉnh; chương trình nghệ thuật kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ với chủ đề “Khúc hát tri ân. Tham gia Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc toàn quốc, kết quả đạt: 01 Huy chương vàng, 02 Huy chương bạc và Giấy khen của Cục Văn hóa cơ sở.
Hoạt động thư viện: Tổ chức thành công Hội thi kể chuyện theo sách tỉnh Bình Phước lần thứ VII năm 2024 và Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Bình Phước lần thứ VI năm 2024.
- Lĩnh vực thể thao: Trong quý III, đội tuyển thể thao tỉnh tham dự 24 giải thể thao cấp khu vực và toàn quốc, kết quả đạt 27 HCV, 32 HCB, 54 HCĐ. Hỗ trợ các đơn vị tổ chức 11 giải với 107 lượt trọng tài.
- Lĩnh vực du lịch: Trong quý III, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan khoảng 514.510 lượt khách, tăng 9,05% so với quý trước và tăng 110,88% so với cùng kỳ năm 2023.
5. Trật tự an toàn xã hội
5.1. Tình hình cháy, nổ
Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào; Lũy kế 9 tháng toàn tỉnh xảy ra 10 vụ, giảm 28,57% so với cùng kỳ năm trước, làm 2 người chết và 1 người bị thương, thiệt hại tài sản các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục thống kê.
5.2. Tai nạn giao thông
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 01 vụ va chạm và 23 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 18 người chết, 10 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong tháng giảm 7,69%; số người chết tăng 12,50%, số người bị thương giảm 33,33%. Nguyên nhân chủ yếu do chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, đi sai phần đường, chuyển hướng không nhường đường và đã sử dụng rượu bia trong khi tham gia giao thông.
Tính chung 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 266 vụ tai nạn giao thông, làm 177 người chết, 151 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 13,64%; số người chết giảm 10,15%; số người bị thương giảm 3,21%.
6. Thiệt hại thiên tai
Trong tháng, trên địa bàn xảy ra 02 vụ thiên tai, làm hư hại 01 căn nhà và tổng giá trị thiệt hại ước tính là 330 triệu đồng. Ngay sau khi nhận được báo cáo của các địa phương, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, các đơn vị liên quan tiếp tục khắc phục thiệt hại để người dân sớm ổn định đời sống.
7. Môi trường
Trong tháng, lực lượng chức năng đã phát hiện 4 vụ vi phạm môi trường, đã tiến hành xử lý 4 vụ vi phạm, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước 4 triệu đồng. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là các hành vi vận chuyển lâm sản, khai thác đất, cát trái phép, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không xây dựng đề án bảo vệ môi trường, các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải, thực hiện không đủ các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường… Tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 158 vụ vi phạm về môi trường và tiến hành xử lý 99 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước 612 triệu đồng.
Cục Thống kê tỉnh Bình Phước