Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2024 của tỉnh Hà Nam

Ngày 03/04/2024 - 14:32:00 | 19 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX đã đề ra; trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, các yếu tố bên ngoài có cải thiện nhưng chưa bền vững và còn nhiều rủi ro. Ở trong nước, với những chỉ đạo quyết liệt và nhiều giải pháp mạnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy…Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rủi ro và thách thức từ bối cảnh quốc tế vẫn đang hiện hữu và kéo dài. Cơ hội và thách thức đan xen sẽ tác động trực tiếp đến các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp nối kết quả đạt được trong năm 2023, ngay từ những ngày đầu năm Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ; Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đồng thời tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong quý I như: tổ chức và đảm bảo tốt các điều kiện để Nhân dân đón Tết cổ truyền; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao phục vụ nhiệm vụ của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân trong những ngày đầu năm; chỉ đạo và hoàn thành tốt công tác gieo trồng, chăm sóc lúa và hoa màu vụ xuân; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… Kết quả thực hiện của từng ngành, lĩnh vực trong quý I/2024 cụ thể như sau:

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

- Trồng trọt

Nhờ định hướng tốt của ngành chức năng, lựa chọn giống cây trồng phù hợp, áp dụng những đổi mới kỹ thuật, tiến bộ khoa học trong sản xuất nên vụ đông năm nay đã đạt được kết quả tích cực so với vụ đông năm trước mặc dù diện tích gieo trồng bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng. Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng chủ yếu vụ đông năm 2023-2024 so với vụ đông năm trước: Ngô diện tích gieo trồng đạt 2.031 ha, giảm 0,1%, năng suất 54,4 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 11 nghìn tấn, tăng 0,5%; khoai lang 199,8 ha, giảm 17,2%, năng suất 125,6 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha, sản lượng 2,5 nghìn tấn, bằng 82,6%; đậu tương 386,8 ha, giảm 4,2%, năng suất 15,8 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha, sản lượng 612 tấn, giảm 3,2%; rau các loại gieo trồng được 4.670 ha, bằng 93,8%, năng suất 170 tạ/ha, tăng 3,1%, sản lượng 79,4 nghìn tấn, giảm 4,5%...Vụ xuân 2024 được gieo cấy đúng lịch thời vụ, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tính đến thời điểm 15/3/2024, tổng diện tích gieo trồng cây vụ xuân toàn tỉnh đạt 32.076 ha, giảm 3,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích gieo trồng lúa đạt 27.753,7 ha, giảm 3,3%, bằng 99,6% kế hoạch; diện tích cây màu đã trồng được 4.322,3 ha, giảm 7,8%, vượt 11,4% kế hoạch. Tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn tỉnh quý I/2024 phát triển tốt. Ước tính sản lượng cho thu hoạch của một số loại quả chủ yếu của tỉnh trong quý I như sau: cam 386,4 tấn, tăng 1,6%; chuối đạt 7.771,1 tấn, tăng 1,8%; xoài 148,4 tấn, tăng 2,7%; bưởi 492,3 tấn, tăng 4,2%... so với cùng kỳ năm trước.

-  Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh quý I/2024 nhìn chung ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Ước tính đến thời điểm 31/3/2024, tổng đàn trâu, bò đạt gần 37,3 nghìn con, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: đàn trâu 3,6 nghìn con, tăng 1,4%, đàn bò 33,7 nghìn con, tăng 0,7% (bò sữa 4,7 nghìn con, tăng 1,1%); đàn lợn 373 nghìn con, giảm 2,7%; đàn gia cầm 8,7 triệu con, giảm 1,3% (đàn gà 5,6 triệu con, giảm 0,7%) so với thời điểm 31/3/2023. Ước tính quý I năm 2024, sản lượng thịt lợn hơi đạt 18,1 nghìn tấn, tăng 0,7%; thịt gia cầm hơi đạt 6,2 nghìn tấn, tăng 1,9%; sản lượng thịt trâu, bò 648 tấn, tăng 3,2%. Công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được tăng cường và duy trì trong quý I.

b. Lâm nghiệp

-  Trồng cây phân tán

Thực hiện kế hoạch năm 2024, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn, tính đến thời điểm ngày 06/3/2024, toàn tỉnh đã trồng được 555,1 nghìn cây nhân dân, cây phân tán, cây xanh... đạt 50,5% kế hoạch.

-  Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng

Trong quý I, bám sát kế hoạch thực hiện năm 2024, tích cực triển khai thực hiện dự án trồng rừng tập trung (trồng lại sau khai thác) với diện tích rừng trồng mới tập trung sau khai thác là 8 ha, diện tích rừng được bảo vệ là 2.935,1 ha. Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, phòng cháy rừng. Quý I/2024, tình trạng khai thác bừa bãi, chặt phá rừng, cháy rừng không xảy ra trên địa bàn tỉnh.

-  Sản lượng khai thác gỗ và lâm sản khác

Ước tính sản lượng lâm nghiệp quý I năm 2024, gỗ khai thác (chủ yếu là từ rừng trồng) đạt 515,9 m3, giảm 2,7%; sản lượng củi khai thác đạt 80 ste, giảm 3,6%… so với cùng kỳ năm 2023.

c. Thủy sản

Tình hình sản xuất thủy sản trong quý I năm 2024 nhìn chung thuận lợi, không phát sinh dịch bệnh, nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết, diện tích nuôi thả và số lượng lồng bè nuôi vẫn được duy trì ổn định. Ước tính quý I/2024 so với cùng kỳ năm 2023, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch đạt 6.630 tấn, tăng 0,5%, trong đó: sản lượng nuôi trồng đạt 6.519 tấn, tăng 0,4%; sản lượng khai thác đạt 111 tấn, tăng 0,9%.

2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3 ước tăng 13,72% so với tháng tháng 2 và tăng 11,85% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 11,54% so với tháng trước và giảm 13,64%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,65% và tăng 12,64%; ngành SX và PP điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 20,87% và giảm 4,09%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý xử lý nước thải, rác thải tăng 3,09% và tăng 16,85%. Quý I/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc với sự gia tăng về số lượng đơn hàng, trong đó có nhiều đơn hàng lớn và dài hạn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Ước tính quý I năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 17,16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,07%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,86%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,14%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,29%. Có 17/26 ngành cấp II có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó một số ngành chủ lực như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 31,35%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 43,15%; sản xuất thiết bị điện tăng 40,18%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,72%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 17,28%. Có 9/26 ngành cấp II có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong đó một số ngành chủ lực như: Sản xuất xe có động cơ giảm 5,36%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 15,53%; dệt vải giảm 11,13%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước tính quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Dây điện các loại (+62,5%); linh kiện, thiết bị điện tử (+31,35%); Bia các loại (+131,53%); Quần áo may sẵn (+22,81%); Đồ chơi trẻ em (+16,78%); Thức ăn chăn nuôi (+5,81%); Thịt chế biến (+10,10%). Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm 2023 như: Nước giải khát (-15,17%); Vải các loại (-18,61%); Xi măng và clanke (-9,08%); xe gắn máy (-15,53%); Bình đun nước nóng (-36,71%).

3. Hoạt động của doanh nghiệp

a. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 15/3/2024, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới năm 2024 trên toàn tỉnh là 172 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký đạt 13.670,1 tỷ đồng, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và tăng gấp 7 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023; Có 395 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động, tăng 32,6% và 28 doanh nghiệp giải thể, phá sản, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm 2023.

b. Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động tại thời điểm cuối tháng 3 năm 2024 tăng 2,04% so với tháng trước và tăng 13,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chia theo ngành công nghiệp cấp I: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,56% và tăng 3,07%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,1% và tăng 13,49%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí đạt xấp xỉ tháng trước và tăng 2,14%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,3% và tăng 11,63%. Tính chung quý I/2024, chỉ số sử dụng lao động tăng 12,1% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số tăng như: chế biến thực phẩm; sản xuất da và các sản phẩm từ da; sản xuất giấy; sản xuất hóa chất; sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử; sản xuất thiết bị điện; sản xuất máy móc thiết bị…

c. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ tháng 3 tăng 15,42% so với tháng trước và tăng 11,61% so với cùng tháng năm trước. Tính chung quý I năm 2024, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp tăng 22,88%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ như: Sản xuất trang phục tăng 27,82%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 47,09%; Sản xuất kim loại tăng 88,09%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 43,8%; Sản xuất thiết bị điện tăng 63,3%; Công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 64,45%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ quý I giảm so với cùng kỳ như: Chế biến thực phẩm giảm 12,35%; Dệt vải giảm 24,66%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 9,29%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 12,34%; Sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 31,98%.

Chỉ số tồn kho: Tháng 3, chỉ số tồn kho tăng 22,01% so với tháng trước và tăng 0,89% so cùng tháng năm trước. So với cùng tháng năm trước một số sản phẩm có lượng tồn kho tăng cao như: sữa (gấp 2 lần); bia (+48%); nước giải khát (gấp 2,3 lần); vali, túi sách (gấp 2,7 lần); giày dép (+44,6%); clanke (gấp 2,3 lần); xi măng (+12,36%); sắt thép (gấp 2,8 lần); đồ chơi trò chơi (+33,24%). Bên cạnh đó nhiều sản phẩm có chỉ số tồn kho giảm như: quần áo sơ mi (- 15,03%); túi xách (-54,02%); sản phẩm bằng giấy (-33,98%); hóa chất (-27,7%); thuốc, hóa dược và dược liệu (-85,01%); túi siêu thị (-18,37%); linh kiện nhựa (- 15,6%); ăng ten các loại (-47,72%); xe máy (-49,07%); đồ giả kim hoàn (- 54,21%)...

d.  Xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý I năm 2024 cho thấy: Có 21,77% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I tốt hơn so với quý IV năm 2023; 38,71% doanh nghiệp đánh giá ổn định; và 39,52% đánh giá khó khăn hơn. Về khối lượng sản xuất 21,77% đánh giá tăng lên, còn lại là số doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và giảm đi. Về số lượng đơn đặt hàng, có 23,53% đánh giá tăng đơn đặt hàng mới và 24,63% đánh giá tăng đơn hàng xuất khẩu. Dự báo quý II năm 2024 so với quý I năm 2024, có 59,68% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên; 29,84% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và chỉ có 10,48% dự báo khó khăn hơn. Về khối lượng sản xuất, có 59,68% dự báo khối lượng sản xuất quý II năm 2024 cao hơn quý I; 27,42% dự báo ổn định, còn lại số doanh nghiệp dự báo giảm. Về số lượng đơn đặt hàng đã có 58,82% dự báo tăng số lượng đơn đặt hàng mới và 59,49% đánh giá tăng đơn hàng xuất khẩu. Trong dự báo xu hướng sản xuất kinh doanh quý II/2024, một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu có dự báo xu hướng tốt lên gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo khác; Sản xuất thiết bị điện; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và thiết bị quang học; Sản xuất trang phục. Một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu có xu hướng đi ngang gồm: Sản xuất đồ uống; Chế biến lương thực, thực phẩm. Trong khi đó, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác có dự báo xu hướng giảm.

4. Đầu tư, xây dựng

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh quý I năm 2024 ước tính đạt 9.823,4 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước ước đạt 997,4 tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư và tăng 18,5%; Vốn ngoài Nhà nước ước đạt 6.099,1 tỷ đồng, chiếm 62,1% và tăng 5,0%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2.726,8 tỷ đồng, chiếm 27,7% và tăng 13,0%. Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 3 năm 2024 ước đạt 350,5 tỷ đồng, tăng 23,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 159,9 tỷ đồng, giảm 14,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 162,7 tỷ đồng, tăng 91,6%; và vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 28,0 tỷ, tăng 132,3%. Tính chung quý I năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước thực hiện 891,1 tỷ đồng, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 12,2% kế hoạch năm 2024. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện 404,8 tỷ đồng, giảm 7,0% và đạt 11,5% kế hoạch năm; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện 410,7 tỷ đồng, tăng 75,9% và đạt 12,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã thực hiện 75,6 tỷ đồng, tăng 146,6% và đạt 14,3%. Năm 2024, tỉnh Hà Nam có 84 dự án thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chủ yếu là các dự án chuyển tiếp. Trong đó, một số công trình, dự án trọng điểm thực hiện trong quý I gồm:

-  Dự án ĐTXD Nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp TP Phủ Lý, tổng mức đầu tư 1.398,7 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2024 được giao là 350 tỷ. Dự kiến thực hiện 3 tháng năm 2024 đạt 58 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện hết tháng 3 năm 2024 ước đạt 544,2 tỷ đồng.

-   Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành QL21, địa phận huyện Kim Bảng (đoạn từ đường ĐH.05 huyện Kim Bảng đến nút giao đường T3 với QL21), tổng mức đầu tư 691,4 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2024 là 146 tỷ đồng. Dự kiến 03 tháng năm 2024 đạt 21 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện đến hết tháng 3 năm 2024 ước đạt 114,5 tỷ đồng.

-   Dự án ĐTXD tuyến đường vành đai T4 (đoạn tiếp nối với TP Phủ Lý đến đường ĐT.499B) huyện Thanh Liêm tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2024 là 134,8 tỷ đồng. Dự kiến 03 tháng năm 2024 đạt 19 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện đến hết tháng 3 năm 2024 đạt 245 tỷ đồng.

*Công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB: Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 02/2024 giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 693,8 tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết); số vốn giải ngân theo chương trình mục tiêu quốc gia lũy kế đến cuối tháng 02/2024 là 50 tỷ đồng. Các đơn vị được giao quản lý các công trình, dự án thường xuyên giám sát chặt chẽ và đôn đốc các nhà thầu đẩy mạnh tiến độ thực hiện các hạng mục của dự án, giám sát tiến độ và chất lượng, chú trọng những công trình, dự án lớn, quan trọng, kịp thời nghiệm thu và thanh toán đảm bảo đúng quy định của Kho bạc Nhà nước.

*Tình hình thu hút đầu tư: Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, từ ngày 01/01/2024 đến 29/02/2024, toàn tỉnh thu hút 11 dự án (bằng 220% so với cùng kỳ năm 2023) với tổng số vốn đăng ký là 19,3 triệu USD và 1.132,6 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh vốn 6 dự án với số vốn điều chỉnh tăng 27,02 triệu USD và tăng 1.834,4 tỷ đồng.

+ Đối với dự án FDI: thực hiện cấp mới 04 dự án với tổng vốn đăng ký 19,3 triệu USD, bằng 200% về số dự án và bằng 36% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023; thực hiện điều chỉnh 03 dự án với vốn đầu tư tăng 27,02 triệu USD.

+ Đối với dự án trong nước: thực hiện cấp mới 07 dự án với tổng vốn đăng ký 1.132,6 tỷ đồng, tăng 133,3% về số dự án và tăng 53,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; thực hiện điều chỉnh 03 dự án với số vốn điều chỉnh tăng 1.834,4 tỷ đồng.

5. Thu, chi ngân sách

a. Thu Ngân sách Nhà nước

Theo báo cáo của Sở Tài chính, thu cân đối ngân sách Nhà nước 3 tháng năm 2024 ước tính đạt 3.534 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 22,0% dự toán địa phương. Trong đó, thu nội địa đạt 3.112 tỷ đồng, tăng 2,6% và bằng 21,6%; thu hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 422 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ và đạt 25,0% dự toán địa phương.

b. Chi Ngân sách Nhà nước

Chi ngân sách địa phương tháng 3 và quý I năm 2024 đảm bảo cân đối các nhiệm vụ chi theo dự toán. Chi cân đối ngân sách Nhà nước quý I năm  2024 ước tính đạt 2.758 tỷ đồng, tăng 16,0% so với cùng kỳ năm trước và bằng 18,4% dự toán địa phương. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 743 tỷ đồng, giảm 42,7% và bằng 11,5% dự toán địa phương; chi thường xuyên ước đạt 2.004,8 tỷ đồng, tăng 85,8% và bằng 24,6% dự toán địa phương.

6. Kết quả hoạt động lĩnh vực ngân hàng, tín dụng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước thực hiện đến 31/3/2024 đạt 75,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với thời điểm 31/12/2023; dư nợ tín dụng toàn tỉnh ước đạt 72,5 nghìn tỷ đồng, giảm 0,5% so với thời điểm 31/12/2023; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 1,09%, tăng 0,1% so với thời điểm 31/12/2023. Mặt bằng lãi suất giữa các tổ chức tín dụng khá đồng đều và tuân thủ theo đúng quy định, định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

-  Đối với VND: Lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4-4,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng từ 5- 6%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng từ 6-7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến trong khoảng 7-9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến trong khoảng 8-10%/năm.

-  Đối với USD: Lãi suất huy động là 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và cá nhân. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 4-5%/năm đối với ngắn hạn; từ 5- 6%/năm đối với trung và dài hạn.

7. Thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2024 có mức tăng khá (+10,1%) so với cùng kỳ, tăng chủ yếu ở những nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn như lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; gỗ và vật liệu xây dựng… Du lịch lữ hành tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tốt. Số lượt khách du lịch đến với Hà Nam không ngừng tăng qua các năm, kéo theo doanh thu du lịch năm sau cao hơn năm trước. Giá cả hàng hóa tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Hoạt động vận tải thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và lưu chuyển hàng hóa.

a. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3/2024 ước đạt 4.357,4 tỷ đồng, giảm 2,0% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng tháng năm 2023. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.497,7 tỷ đồng, giảm 1,9% so với tháng trước và tăng 9,8% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 243 tỷ đồng, giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 0,4% so cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 191,9 tỷ đồng, giảm 3,8% so với tháng trước và gấp gần 4 lần so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 424,8 tỷ đồng, giảm 1,1% so tháng trước và tăng 22,2% so cùng kỳ.

Do sức mua tập trung nhiều vào tháng 2 (tháng có Tết Nguyên đán) nên tháng 3 tổng mức bán lẻ hàng hoá giảm so với tháng trước. Hầu hết các nhóm hàng đều có tốc độ tăng thấp và giảm. Trong tháng 3, có 6/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu giảm so với tháng trước với mức giảm từ 1,2% - 9,5%.

Tính chung quý I năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 13.054,6 tỷ đồng, tăng 10,1% so với quý I/2023. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 10.584,2 tỷ đồng, tăng 6,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 754 tỷ đồng, tăng 8,0%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 429 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 1.287,4 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Quý I/2024, có 06/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Lương thực, thực phẩm (+16,0%); Hàng may mặc (+6,6%); Đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+6,1%); Xăng, dầu các loại (+5,4%); Vật phẩm văn hóa, giáo dục (+5,1%); Nhiên liệu khác (+4,8%). Có 06/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu giảm so cùng kỳ là: Gỗ và vật liệu xây dựng (-0,3%); Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (-0,4%); Dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (-0,5%); Phương tiện đi lại (trừ ô tô con kể cả phụ tùng) (-1,9%); Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) (-4,2%); Hàng hóa khác (-9,4%).

b. Giá cả

Tháng 3/2024 là thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng giảm kéo theo giá cả một số mặt hàng trên địa bàn tỉnh giảm nhẹ trong tháng. Vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,11% so với tháng trước. Cụ thể, chỉ số giá các nhóm hàng trong tháng so với tháng trước như sau: Có 03/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm: Đồ uống và thuốc lá (-0,13%); Văn hóa, giải trí và du lịch (-0,24%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,65%). Có 03/11 nhóm hàng hóa có chỉ số ổn định: Thuốc và dịch vụ y tế; Bưu chính viễn thông; Giáo dục. Có 05/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+0,40%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,22%); Giao thông (+0,19%); May mặc, mũ nón và giày dép (+0,18%); Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,06%).

Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 3 năm 2024 so với tháng trước biến động cùng chiều nhau: Giá vàng tăng 4,80%; giá đô la Mỹ tăng 0,74%.

Tháng 3/2024 so với cùng tháng năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,59%; chỉ số giá vàng tăng 23,03%; giá đô la Mỹ tăng 4,15%. So với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,56%; chỉ số giá vàng tăng 8,91%; giá đô la Mỹ tăng 1,63%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2024 tăng 3,56% so với cùng quý năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng: Thuốc và dịch vụ y tế (+8,52%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+4,71%); Hàng hóa và dịch vụ khác (+4,39%); Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+4,16%); May mặc, mũ nón và giày dép (+3,13%); Đồ uống và thuốc lá (+3,01%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,36%); Văn hóa, giải trí và du lịch (+1,04%); Giao thông (+0,58%). Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ bình quân quý I năm 2024 so với bình quân cùng kỳ 2023 biến động cùng chiều tăng: Giá vàng tăng 18,37%; giá đô la Mỹ tăng 3,95%.

c.  Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3/2024 ước đạt 604,2 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 0,4% so cùng kỳ năm 2023, trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 37 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 3,9% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 563 tỷ đồng, tăng 2,7% so tháng trước và tăng 0,3% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ hỗ trợ ước đạt 4,2 tỷ đồng, giảm 12,7% so với tháng trước và giảm 13,1% so cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2024, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.788,8 tỷ đồng, tăng 2,0% so cùng kỳ năm 2023. Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 3/2024 ước đạt 586 nghìn HK, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 42,8 triệu lượt HK.km, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2024, khối lượng vận chuyển hành khách đạt 1,8 triệu HK, tăng 1,0% và khối lượng luân chuyển hành khách là 128,5 triệu lượt HK.km, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2023. Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 5,4 triệu tấn, tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 243,8 triệu tấn.km, tăng 5,0% so với tháng trước và tăng 2,8% so cùng kỳ năm 2023. Quý I/2024, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 15,7 triệu tấn, tăng 0,4% và khối lượng luân chuyển hàng hóa là 700,3 triệu tấn.km, tăng 0,2% so với cùng kỳ 2023.

II.  MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, giải quyết việc làm và đời sống dân cư

-  Lao động và giải quyết việc làm:

Công tác lao động và giải quyết việc làm luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm. Trong quý I/2024 ước tính lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của tỉnh Hà Nam là 478.219 người, trong đó: lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 85.908 người (chiếm tỷ lệ 17,96%); công nghiệp và xây dựng 248.414 người (chiếm 51,95%); dịch vụ 143.897 người (chiếm 30,09%). Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam, trong quý I/2024 toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 6.587 người (đạt 26,3% KH năm), trong đó lao động nữ là 3.848 người; XKLĐ là 136 người; giải quyết việc làm thêm 6.175 người. Tư vấn việc làm cho 4.134 lượt người; giới thiệu việc làm cho 1.534 lượt người; có 215 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng; tổ chức 03 phiên sàn giao dịch việc làm.

-  Công tác đảm bảo an sinh xã hội và đời sống dân cư:

Trong quý I/2024, công tác chăm lo đảm bảo đời sống cho các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo… luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương quan tâm thực hiện tốt.

-  Tình hình thu nhập: Theo điều tra khảo sát mức sống, ước tính thu nhập bình quân đầu người/tháng trong quý I năm 2024 đạt 6.052,72 nghìn đồng, trong đó: khu vực thành thị đạt 7.013,79 nghìn đồng, khu vực nông thôn đạt 5.673,13 nghìn đồng.

2. Hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền

Các hoạt động Văn hóa thông tin, tuyên truyền trong quý I năm 2024 trọng tâm hướng vào các ngày kỷ niệm, như: kỷ niệm 27 năm ngày tái lập tỉnh Hà Nam (1/1/1997-1/1/2024); 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024); mừng Xuân Giáp Thìn 2024; kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024); 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024); 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024);… và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền cổ động trực quan, treo dựng pano, băng zôn,… tại trung tâm tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các trụ sở làm việc được thực hiện tốt. Tổ chức tốt các chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân năm 2024.

3. Thể dục thể thao và du lịch

-  Thể dục thể thao: Trong quý I, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo và phối hợp tổ chức thành công một số giải thể thao: Giải vật Mùa Xuân thượng võ tỉnh Hà Nam năm 2024; hỗ trợ Sở Giáo dục và Đạo tạo tổ chức các môn thể thao nằm trong nội dung Hội khỏe phù đổng tỉnh Hà Nam lần thứ VII năm 2024; hỗ trợ Sở Y tế tổ chức thành công Hội thao ngành Y tế tỉnh Hà Nam năm 2024...

-  Du lịch: Công tác quản lý nhà nước về du lịch được triển khai kịp thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị kinh doanh du lịch đảm bảo các hoạt động du lịch phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân năm 2024; tổ chức lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch năm 2024. Hướng dẫn, kiểm tra công tác phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan như: Khu du lịch Tam Chúc, đền Lảnh Giang, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, chùa Ninh Tảo…

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 03/3/2024 tổng số lượt khách du lịch đến Hà Nam ước đạt 2,76 triệu lượt, trong đó khách nội địa 2,72 triệu lượt, khách quốc tế 35,2 nghìn lượt.

4. Y tế

Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được ngành Y tế triển khai một cách chủ động, tích cực và đạt hiệu quả cao, tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, áp dụng những kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị; thường trực, cấp cứu, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, chăm sóc người bệnh; điều trị kịp thời cho bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong quý I/2024 trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra sai sót về chuyên môn, kỹ thuật trong khám chữa và điều trị bệnh.

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Trong quý I/2024, ngành Y tế đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh tổ chức tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024.

Tình hình bệnh truyền nhiễm : Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống bệnh tật tỉnh Hà Nam, tính từ 15 tháng 02 năm 2024 đến ngày 14 tháng 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh không có người mắc tay chân miệng; có 23 ca mắc thủy đậu; cúm 505 ca; tiêu chảy 266 ca ; có 01 ca mắc sởi ; 03 ca sốt xuất huyết Dengue. Tính chung trong quý I năm 2024 (tính từ 15/12/2023 đến 14/3/2024) trên địa bàn tỉnh có 08 người mắc quai bị, có 64 ca mắc thủy đậu, cúm 1.285 ca, tiêu chảy 573ca, có 45 ca bị sốt xuất huyết Dengue.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Theo số liệu của ngành Y tế tỉnh Hà Nam tính từ ngày 15 tháng 2 năm 2024 đến hết ngày 14 tháng 3 năm 2024 toàn tỉnh có 03 trường hợp bị nhiễm HIV mới, không có người chuyển thành AIDS và không có người tử vong do AIDS. Tính chung trong quý I năm 2024 số người nhiễm mới HIV phát hiện là 06 người, không có người chuyển thành AIDS, tử vong do AIDS 01 người.

5. Giáo dục

Trong quý I/2024 Ngành Giáo dục, Đào tạo tỉnh Hà Nam đã hoàn thành chương trình dạy học và đánh giá, xếp loại học kỳ 1 năm học 2023-2024; triển khai thực hiện chương trình giáo dục học kỳ 2; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học; lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp THCS; lớp 10, lớp 11 cấp THPT. Toàn ngành đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11 theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, học viên; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, hạnh phúc; triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2023-2024 tỉnh Hà Nam có 60/91 thí sinh dự thi đạt giải, trong đó có: 02 giải nhất (môn Tin học và môn Lịch sử), có 12 giải nhì, 20 giải ba và 26 giải khuyến khích.

6. An ninh, trật tự

Tình hình an ninh trật tự trong quý I năm 2024 luôn được giữ vững; ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu của Công an tỉnh, trong quý I năm 2024 (tính từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/03/2024), trên địa bàn tỉnh xảy ra 72 vụ tai nạn và va chạm giao thông (tăng 16 vụ so cùng kỳ năm 2023), hậu quả làm chết 33 người (tăng 04 người so với cùng kỳ năm 2023), bị thương 51 người (tăng 11 người so với cùng kỳ năm 2023). Tính riêng trong tháng 3 (từ ngày 15/2/2024 đến ngày 14/3/2024), trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ tai nạn va chạm giao thông (tăng 14 vụ so với cùng kỳ năm 2023), so với tháng 2/2024 tăng 08 vụ, hậu quả làm chết 07 người (so với cùng kỳ năm 2023 không có sự thay đổi), so với tháng 2/2024 giảm 07 người, bị thương 24 người (tăng 12 người so cùng kỳ năm 2023), tăng 10 người so với tháng 2/2024.

7. Tình hình vi phạm môi trường

Công tác xử lý vi phạm: Theo báo cáo của Công an tỉnh Hà Nam, trong quý I/2024 trên địa bàn tỉnh xảy 150 vụ vi phạm môi trường, số vụ đã xử phạt 147 vụ, số tiền xử phạt 698,75 triệu đồng. Tính riêng trong tháng 3/2024 trên địa bàn tỉnh Hà Nam xảy ra 04 vụ vi phạm môi trường, đã xử phạt 04 vụ, tổng số tiền xử phạt 100,5 triệu đồng.

8. Tình hình thiệt hại thiên tai

Trong quý I năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hà Nam không xảy ra thiệt hại thiên tai.

III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VÀ GIẢI PHÁP

Kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam quý I/2024 tiếp tục chuyển biến tích cực và có nhiều khởi sắc: Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 17,16%, cao hơn so với mức tăng 5,04% của cùng kỳ năm 2023; thu ngân sách được đảm bảo; thương mại, dịch vụ phát triển ổn định; du lịch lữ hành tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tốt; cung ứng hàng hóa trước, trong và sau Tết ổn định, giá cả hàng hóa trong tầm kiểm soát… Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp sẽ có những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội trong nước và của tỉnh, do đó để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong các quý tiếp theo các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung cao công tác chỉ đạo, điều hành, nghiêm túc quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động. Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

Hai là, tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, cải cách hành chính theo hướng quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả. Xúc tiến kêu gọi đầu tư, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể có thế mạnh của địa phương; đa dạng hóa các hình thức thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án hoạt động hiệu quả.

Ba là, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024. Tăng cường các giải pháp chống thất thu, phát triển nguồn thu, giảm nợ đọng thuế; quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách.

Bốn là, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp, quan tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Năm là, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tổ chức tốt hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bảo đảm gắn với thực tiễn, hoạt động thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Nắm bắt sát tình hình thị trường giá cả, cung cầu hàng hóa, diễn biến thị trường, quản lý chặt chẽ giá cả trên thị trường.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác