(MPI) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 29/11/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu với kết quả 444/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,69% tổng số đại biểu Quốc hội.
|
Ảnh: MPI |
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 119 điều, khoản và 03 Phụ lục của 04 Luật; bổ sung 01 điều mới và bỏ 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, đến nay, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý lược bỏ cơ bản các nội dung quy định cụ thể, chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, tạo thuận lợi cho việc phân cấp, phân quyền, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Việc xây dựng Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Quan điểm của xây dựng luật là tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Những quy định sửa đổi phải được xác định rõ ràng nội dung sửa đổi và đánh giá tác động cụ thể; bảo đảm tính độc lập, ổn định, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật. Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư