Thứ hai, 00/00/2023
°

Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu

Ngày 07/11/2024 - 14:58:00 | 774 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SEMIExpo Viet Nam 2024 với chủ đề Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc. Đây là Triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và giao NIC phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: MPI

Tham dự và phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho biết, Việt Nam với lợi thế lớn là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt liên tục trong nhiều năm, có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có đam mê sáng tạo đang là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Nhận thức rõ về cơ hội này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, sự kiện sẽ là một nền tảng kết nối các doanh nghiệp Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp bán dẫn để chúng ta hợp tác rộng hơn, cùng tiến xa hơn, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung, tạo đà vững chắc cho Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ.

Ông KC Ang, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi Lễ, ông KC Ang, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, Chủ tịch khu vực châu Á, Global Foundries cho rằng, SEMIExpo Viet Nam 2024 là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn cho thấy vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những năm gần đây, Việt Nam có sự phát triển vững vàng và nhanh chóng đối với ngành này. Đồng thời khẳng định, SEMI luôn cam kết thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông KC Ang nhấn mạnh đến hệ sinh thái ngành bán dẫn là thiết kế mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo và cung cấp dịch vụ lắp ráp thử nghiệm; cho rằng, xét từ góc nhìn ngành công nghiệp  bán dẫn thì Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như cường quốc bán dẫn trong khu vực, đạt tốc tăng trưởng kép rất ấn tượng. Những kết quả đạt được là nhờ vào sự đầu tư chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam đã chứng tỏ tiềm năng to lớn để đóng góp vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu; trở thành trung tâm năng động cho đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, Việt Nam nắm giữ nhiều lợi thế ưu điểm và Chính phủ Việt Nam luôn có những cam kết vững chắc về hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đưa ra tầm nhìn, mục tiêu rõ ràng với các giai đoạn cụ thể để đạt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn nhằm giải quyết được vấn đề thiết hụt nguồn nhân lực và tài năng trong ngành này.

Việt Nam có vị trí chiến lược; có lợi thế về dân số trẻ, tiếp cận công nghệ nhanh; có chi phí lao động có tính cạnh tranh tốt; thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn giúp Việt Nam khẳng định được vị thế của mình, là quốc gia ngày càng có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn khu vực và toàn cầu.

Theo ông KC Ang, qua việc tổ chức Triển lãm cho thấy nỗ lực và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, từ đây có thể thấy được những cải cách, chuyển đổi để biến Việt Nam trở thành hình mẫu, là nơi có bối cảnh tốt để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tại Lễ khai mạc, đại biểu được nghe các bài trình bày từ các bộ, ngành Việt Nam, tổ chức quốc tế chia sẻ về thúc đẩy chuyển đổi số tạo động lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; Tổng quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam và những cơ hội cho ngành bán dẫn; Triển vọng thị trường ngành công nghiệp bán dẫn - Dự báo năng lực sản xuất toàn cầu; Phát triển hệ sinh thái bán dẫn: từ Brainport Eindhoven đến Việt Nam; Định hình tương lai của sự đổi mới trong ngành công nghiệp bán dẫn. Các ý kiến đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng như những cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Campuchia và Lào phát biểu. Ảnh: MPI

Trình bày tổng quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam và những cơ hội cho ngành bán dẫn, bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Campuchia và Lào đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh củaViệt Nam; ngày càng nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã có mặt và đẩy nhanh quá trình hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời cho rằng, đây là thời điểm then chốt để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Bà Mariam Sherman cũng đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc quyết tâm và ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhấn mạnh đến các yếu tố cần có cho hành trình của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, bà Mariam Sherman cho rằng có bốn yếu tố chính đó là tăng cường hội nhập toàn cầu; sản xuất theo thương mại xanh; chuyển giao tri thức; phát triển nguồn nhân lực. Theo đó Bà đã có những đánh giá và đưa ra khuyến nghị đối với từng yếu tố và nhấn mạnh, con đường phía trước của Việt Nam rất rõ ràng; chắc chắn Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đề ra, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời khẳng định, trong hành trình này cần có sự cam kết của các bên liên quan và WB cam kết đồng hành, hỗ trợ để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng.

Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành địa, phương, đối tác đã chứng kiến và thực hiện Công bố các hợp tác giữa NIC với SEMI và các đối tác nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ buổi Lễ đã diễn ra Tọa đàm: Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Qua đó, các diễn giả sẽ có những chia sẻ, thảo luận và đánh giá về bối cảnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay cũng như tiềm năng, lợi thế của Việt Nam cho các doanh nghiệp bán dẫn thế giới; mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia các công đoạn của ngành công nghiệp này; khẳng định tinh thần hợp tác và sự đồng hành của cộng đồng bán dẫn thế giới với sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, cùng nhau hướng đến một tương lai phát triển nhanh và bền vững./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác