(MPI) - Chiều 11/12/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Cuộc họp diễn ra dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, dự thảo Nghị định có 06 Chương và 45 Điều. Việc ban hành Nghị định là hết sức cần thiết nhằm kịp thời cụ thể hóa các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đầu tư; củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; ổn định môi trường đầu tư; đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia trong nước và nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao.
Về đối tượng áp dụng, Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư áp dụng đối với Quỹ, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam đáp ứng tiêu chí và điều kiện tại Nghị định này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Đối tượng áp dụng hỗ trợ đầu tư gồm: Doanh nghiệp công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển. Tiêu chí xác định doanh nghiệp cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đang được quy định tại pháp luật công nghệ cao.
Do đó, việc áp dụng hỗ trợ cho đối tượng này sẽ không gây xáo trộn so với quy định hiện hành. Phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế dài hạn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế, đặc biệt trong các ngành nghề lĩnh vực công nghệ cao đang là xu hướng mới trên thế giới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy việc đưa hoạt động trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) về Việt Nam để nâng cao nền tảng công nghệ gốc, phát triển nhân lực khoa học công nghệ tại Việt Nam. Tập trung nguồn lực nhằm thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên; tránh ưu đãi dàn trải, tạo sự đột phá để đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam, hạn chế tối đa tác động đến ngân sách Nhà nước.
Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư; đồng thời tập trung đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sử dụng Quỹ cần đảm bảo thực hiện các chính sách một cách minh bạch; cụ thể về đối tượng và mức hỗ trợ, tránh phát sinh cơ chế xin - cho dẫn đến khiếu nại...
Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đã đề ra các nhiệm vụ đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; phân biệt ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau; xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D).
Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội đã: “Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành...”.
Kết luận số 97-KL/TW ngày 05/10/2024 của Hội nghị lần thứ X Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII về kinh tế - xã hội 2024-2025 đặt ra nhiệm vụ, giải pháp: “bổ sung, hoàn thiện tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới” (Mục II.1). Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XV ngày 21/10/2024 đã đặt ra yêu cầu đối với công tác xây dựng pháp luật, theo đó: “Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể… chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật”./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư