(MPI) - Báo cáo tại Hội nghị lần thứ năm của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đang có xu hướng chậm lại, thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước; để phát huy sứ mệnh là một vùng động lực, một cực tăng trưởng của cả nước cần phải sớm đánh giá nguyên nhân và có các giải pháp khắc phục kịp thời.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn |
Hội nghị diễn ra chiều ngày 02/12/2024, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng. Tham dự Hội nghị có Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương vùng Đông Nam Bộ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khu vực Đông Nam Bộ hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu cơ sở hạ tầng, ngập úng, ứng phó với biến đổi khí hậu,… trong khi tiềm năng dư địa, lợi thế còn nhiều nhưng chưa khai thác hết. Hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, giao thông kết nối giữa các địa phương với Thành phố Hồ Chí Minh chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Giải ngân đầu tư công chưa đạt tiến độ yêu cầu, các vướng mắc về giải ngân đầu tư công còn chậm tháo gỡ.
Công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Hạ tầng giao thông kết nối cảng đang là điểm nghẽn; chưa hình thành được hệ sinh thái dịch vụ logistic đa dạng tại vùng Đông Nam Bộ nhằm đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa của cả vùng gồm: trung tâm phân phối, các depot cho xe tải, công rỗng, cảng cạn,…; dịch vụ hải quan, kiểm tra chuyên ngành, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực,…
Về tình hình thực hiện kết luận của Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngày 10/8/2024, Hội đồng điều phối vùng đã có Phiên họp lần thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra tại Hội nghị lần thứ ba và triển khai kế hoạch hoạt động của Vùng trong các tháng còn lại của năm 2024; ban hành Thông báo kết luận số 74/TB-HĐĐPĐNB thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, trong đó giao các bộ, địa phương thực hiện 05 nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, về rà soát, sửa đổi các Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát các điểm bất cập để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Luật này về cơ bản khắc phục được những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục thống nhất với quy định tại các Luật, Nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành và luật hóa một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được áp dụng và phát huy hiệu quả, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước đến năm 2030, năm 2045 và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.
Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, hoàn thiện Luật sửa đổi 04 luật (gồm Luật PPP, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Theo đó, Luật PPP sửa đổi sẽ tháo gỡ một số bất cập, hạn chế về lĩnh vực đầu tư; quy mô vốn đầu tư tối thiểu thực hiện dự án PPP; loại hợp đồng BT; tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP; nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chia sẻ giảm doanh thu; thẩm quyền quyết định nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chia sẻ giảm doanh thu; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án PPP; thẩm quyền thẩm định báo cáo NCKT dự án PPP thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các thủ tục trong quá trình chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng và triển khai dự án sau khi ký kết hợp đồng; thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng O&M; áp dụng Luật PPP đối với dự án đã ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành; xử lý các vướng mắc đối với các dự án BT chuyển tiếp.
Về sơ kết 2 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 7167/BKHĐT-KTĐPLT ngày 06/9/2024 gửi các bộ, ngành, địa phương để xây dựng báo cáo phục vụ sơ kết thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng; trên cơ sở đó Bộ sẽ xây dựng báo cáo tổng thể về sơ kết 2 năm thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 06 vùng kinh tế - xã hội, trong đó có Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý IV năm 2024.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Về tiến độ chuẩn bị các Đề án, dự án lớn trong vùng và liên vùng như Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trong đó có nội dung về thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính để triển khai thực hiện; giao Ban cán sự Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu ban hành các văn bản cụ thể theo thẩm quyền, đầu tư nguồn lực tương xứng để triển khai thực hiên các nội dung của Đề án; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của Thành phố trong triển khai thực hiện Đề án.
Đề án nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển khu vực Cái Mép Hạ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đang hoàn thiện hồ sơ Đề án để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan trong vùng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cửa ngõ Sài Gòn, ngày 16/7/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo số 5590/BC-BKHĐT báo cáo hồ sơ thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cửa ngõ Sài Gòn; hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện lại theo ý kiến của các bộ, ngành liên quan đến chuyển đổi rừng, đánh giá tác động môi trường, tiêu chí về công nghệ sử dụng trong dự án và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.
Về tiến độ thực hiện Dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, UBND TP Hồ Chí Minh đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 7515/TTr-UBND ngày 23/11/2024.
Ccác dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đều đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Trong đó dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước đã được phê duyệt quyết định đầu tư và có thể triển khai ngay khi được giao vốn kế hoạch năm 2025; các dự án còn lại đang được UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư để triển khai trong năm 2025.
Về tình hình triển khai các nhiệm vụ năm 2024 của Hội đồng vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, tại Quyết định số 93/QĐ-HĐĐPĐNB ngày 09/8/2024, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đã giao 29 nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ thực hiện trong năm 2024, trong đó có 11 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, 17 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương trong vùng và 01 nhiệm vụ thường xuyên về tiếp tục triển khai hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đến nay có 02 nhiệm vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ; 04 nhiệm vụ dự kiến hoàn thành trong quý IV/2024 và 22 nhiệm vụ đề xuất tiếp tục thực hiện trong năm 2025.
Về tình hình triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ, tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã đề ra 30/35 nhiệm vụ, đề án cụ thể cần trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các năm 2023, trong đó có 03 nhiệm vụ, đề án được các cơ quan chủ trì hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023; 27 nhiệm vụ chuyển sang tiếp tục thực hiện trong năm 2024, trong đó đã có 01 đề án do UBND tỉnh Tây Ninh chủ trì đã hoàn thành.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ như còn nhiều nhiệm vụ chưa được các Bộ, địa phương hoàn thành theo tiến độ do các Đề án đều mang tính định hướng phát triển dài hạn, cần có ý kiến tham vấn của các tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm; công tác lấy ý kiến nhiều bộ, ngành còn chậm trả lời, nhiều nội dung đề án đề xuất cơ chế chính sách chưa có quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành, cần thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động.
Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm còn chậm do còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; nguồn vật liệu đất đắp, cát,… chưa đáp ứng nhu cầu dẫn đến công tác giải ngân còn chậm, khó hoàn thành theo kế hoạch.
Nguồn lực triển khai các dự án còn khó khăn (nhất là các dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư), không huy động đủ nguồn lực để thực hiện toàn bộ các công trình, dự án mà cần phân kỳ đầu tư trong các kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn sau.
Các nội dung kết nối để đưa sản phẩm vào chuỗi giá trị toàn cầu, hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành, liên kết trong việc đào tạo và sử dụng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng... còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Về dự kiến kế hoạch hoạt động của hội đồng vùng năm 2025, trong đó về công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, phổ biến thông tin về Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 154/NQ-CP, các chương trình/kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và áp dụng nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng để đạt hiệu quả cao nhất.
Về tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, các bộ, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã giao trong năm 2024 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trong năm 2025, trong đó tập trung rà soát đẩy nhanh tiến độ các Đề án đã quá thời hạn giao tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính Phủ.
Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt một số dự án trọng điểm đã có chủ trương đầu tư và đã giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai trong năm 2025; nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với các dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Các Bộ cần nghiên cứu đề xuất các chuyên đề liên kết vùng thông qua các một số lĩnh vực lớn trong phát triển vùng Đông Nam Bộ như kết nối hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, logistic, cảng biển,… đã được định hướng tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị để thảo luận tại các Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng, không làm riêng lẻ như hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến tình hình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính liên kết vùng, nhằm thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đã được phê duyệt như Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Dự án Xây dựng Nhà ga Hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng; kết luận của Chủ tịch Hội đồng vùng Đông Nam Bộ tại Hội nghị lần thứ tư và các nhiệm vụ tại Chương trình hành động của Chính phủ theo đúng tiến độ.
Các Bộ, địa phương tập trung giải ngân số vốn đã được giao, sớm đưa nguồn vốn hấp thụ vào nền kinh tế, đồng thời nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất vùng quan trọng, cấp bách theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo quy hoạch Vùng để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030, trong đó dành nguồn vốn phù hợp để làm công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 để triển khai thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030.
Tiếp tục triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng một cách thiết thực, hiệu quả, theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, nâng cao vai trò điều phối, liên kết của Hội đồng điều phối vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố, khắc phục các điểm nghẽn phát triển. Các Bộ nghiên cứu đề xuất các chuyên đề triển khai liên kết vùng để thực hiện trong 2025.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 98/2023/QH15, sớm xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành phố.
Các địa phương có nguồn thu lớn cần tập trung nguồn lực cùng với nguồn ngân sách trung ương tập trung cho các dự án để tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng vùng giai đoạn tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư