Thứ hai, 00/00/2023
°

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế vĩ mô tháng 01 cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục trong xu hướng phục hồi

Ngày 01/02/2024 - 10:57:00 | 1139 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ thàng 01/2024 diễn ra sáng ngày 01/02/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 01 cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục trong xu hướng phục hồi. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả phát triển KTXH nước ta thời gian qua, dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng năm 2024. Công tác chăm lo đời sống người dân, chuẩn bị đón Tết được tập trung triển khai, bảo đảm tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 đạt được những kết quả tích cực, tạo đà để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển cả năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 tăng 3,37% so với cùng kỳ, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, nhất là hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán, cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế trong dịp Tết; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.

Tổng vốn FDI đăng ký tháng 01 tăng mạnh 40,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 2,36 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới tăng 66,9%; vốn thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6%, là tín hiệu cho thấy nước ta đang tranh thủ được cơ hội từ những thành tựu đối ngoại, ngoại giao trong năm 2023 và tháng đầu năm 2024.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01 tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ. Trong tháng 01, có gần 27,3 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt; tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 02 Luật, 01 Nghị quyết về đất đai, các tổ chức tín dụng và một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện 03 CTMTQG, cơ bản giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực.

Các khó khăn, vướng mắc, bất cập tiếp tục được tập trung tháo gỡ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, chủ động ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ… để thực hiện ngay từ đầu năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra tiến độ nhiều công trình, dự án trọng điểm, động viên, khích lệ, yêu cầu nhà thầu thi công xuyên Tết, “3 ca, 4 kíp” để phấn đấu đạt và vượt tiến độ. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt .

Tiếp tục thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ; đã ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam để đẩy nhanh xây dựng Chính phủ số.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội và chuẩn bị các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm được triển khai tích cực, có nhiều đổi mới theo đúng Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí Thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, chủ động, tích cực và hiệu quả. Trong tháng 01, đã tổ chức tiếp đón thành công 05 đoàn đối ngoại cấp cao, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với các nước láng giềng, đối tác chiến lược. Thủ tướng Chính phủ đã tham dự thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), thăm chính thức Hungary và Rumani, cùng nhiều hoạt động xúc tiến hợp tác, đầu tư bên lề. Qua đó, đã nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, khẳng định rõ nét công tác ngoại giao kinh tế theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội... trong năm 2024. Thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, đời sống người dân. Nhiều thách thức, yêu cầu lớn, cấp bách cũng đã và đang đặt ra để tranh thủ, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới từ các xu thế lớn toàn cầu, thành tựu đối ngoại, ngoại giao kinh tế của nước ta thời gian qua. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả, toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động, linh hoạt ứng phó, thích ứng với tình hình; thúc đẩy các động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, nhằm phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch năm 2024; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược, các giải pháp trong trung và dài hạn...

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của từng bộ, cơ quan; trong đó, lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hàng vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, găm hàng trước, trong và sau Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Các bộ, cơ quan chủ động xây dựng các văn bản quy định và triển khai công việc cụ thể được giao, bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 01/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội.

Khẩn trương xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật đã được Quốc hội thông qua, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật giao dịch điện tử... Bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai công việc, nhất là các dự án Luật, Nghị quyết, nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Theo đó, tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen...

Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để đầu tư các dự án lớn trong các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Tiếp tục tập trung xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường cao tốc trong năm 2024.

Cùng với đó, rà soát, triển khai cụ thể hóa các điều ước, thỏa thuận quốc tế, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp mới, toàn diện và đột phá để khai thác tối đa thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới từ những thành tựu đối ngoại, ngoại giao kinh tế của đất nước.

(Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Tiếp tục xử lý từng bước chắc chắn, tháo gỡ triệt để những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ được giao và giải quyết, xử lý, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc có tính liên ngành.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tập trung rà soát, kiên quyết bãi bỏ các quy định, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn, khả năng áp dụng của doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy hiệu quả các Tổ công tác của bộ, địa phương về cải cách thủ tục hành chính; cơ chế Tổ công tác, Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương.

Đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; thực hiện Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát tình hình, chủ động phương án ứng phó với các tình huống phát sinh. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, bảo đảm hiệu quả các chính sách.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, triệt để tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp bách, cần thiết để ưu tiên cho chi đầu tư phát triển; tập trung phân bổ số tăng thu NSTW năm 2023 cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương và an sinh xã hội.

Chủ động tính toán, chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước định giá, các dịch vụ công, tránh điều hành giật cục, bị động; đánh giá kỹ tác động, chủ động điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân; chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác