Thứ hai, 00/00/2023
°

Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ngày 02/02/2024 - 16:01:00 | 833 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BKHĐT về Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quy chế ban hành kèm theo Thông tư quy định cụ thể, người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền của cơ quan, đơn vị, tổ chức ban hành, phát hành tài liệu hoặc tạo ra vật chứa bí mật nhà nước có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước. Việc ủy quyền xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải được thể hiện trong nội quy bảo vệ bí mật nhà nước hoặc quy chế làm việc hoặc văn bản phân công công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền. Cấp phó được ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng, trước pháp luật và không được ủy quyền tiếp cho người khác. Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào Danh mục bí mật nhà nước thuộc các lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành và quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Quy chế nêu rõ thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Theo đó, người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật" bao gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ, trừ người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ "Tối mật" gồm: Những người quy định nêu trên; Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; Người đứng đầu Cục, Vụ và tương đương thuộc Tổng cục Thống kê.

Người được giao thực hiện việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải là cán bộ, công chức, viên chức hoặc người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước.

Sau khi được người có thẩm quyền cho phép, người được giao nhiệm vụ tiến hành việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước theo đúng số lượng được cho phép và tiêu hủy ngay bản dư thừa, bản hỏng.

Phương tiện, thiết bị sử dụng để sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu. Việc sao, chụp điện mật thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ

Việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở trong nước phải được người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý bí mật nhà nước cho phép. Việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở nước ngoài phải được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Thứ trưởng được ủy quyền cho phép bằng văn bản và phải báo cáo Trưởng đoàn công tác.

Người mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phải có văn bản xin phép người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Văn bản xin phép mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác trong nước, nước ngoài phải nêu rõ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác; tên loại, trích yếu nội dung, độ mật của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mục đích sử dụng; thời gian, địa điểm công tác; biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước.

Trong thời gian mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ, nếu phát hiện bí mật nhà nước bị lộ, bị mất, người mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, Trưởng đoàn công tác để kịp thời có biện pháp xử lý và khắc phục hậu quả.

Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước mang ra khỏi nơi lưu giữ phải chứa, đựng, vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý bí mật nhà nước quy định và phải bảo vệ trong thời gian mang ra khỏi nơi lưu giữ. Khi kết thúc nhiệm vụ phải báo cáo người có thẩm quyền cho phép mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ về việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước và nộp lại cơ quan, đơn vị.

Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức nước ngoài

Thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước độ "Tuyệt mật". Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước độ "Tối mật", độ "Mật" thuộc phạm vi quản lý.

Bí mật nhà nước chỉ được cung cấp, chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ có liên quan đến bí mật nhà nước.

Cơ quan, tổ chức nước ngoài đề nghị cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước phải có văn bản gửi cơ quan, đơn vị chủ trì chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ có liên quan đến bí mật nhà nước. Văn bản đề nghị phải ghi rõ: Tên cơ quan, tổ chức, người đại diện cơ quan, tổ chức; quốc tịch, số Hộ chiếu, chức vụ của người đại diện; bí mật nhà nước đề nghị cung cấp, chuyển giao; mục đích sử dụng, cam kết bảo vệ bí mật nhà nước và không cung cấp, chuyển giao cho bên thứ ba nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên cung cấp, chuyển giao.

Cá nhân nước ngoài đề nghị cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước phải có văn bản gửi cơ quan, đơn vị chủ trì chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ có liên quan đến bí mật nhà nước. Văn bản đề nghị phải ghi rõ: Họ và tên; số Hộ chiếu, địa chỉ liên lạc; bí mật nhà nước đề nghị cung cấp, chuyển giao; mục đích sử dụng, cam kết bảo vệ bí mật nhà nước và không cung cấp, chuyển giao cho bên thứ ba nếu không có sự đồng ý của bên cung cấp, chuyển giao.

Cơ quan, đơn vị chủ trì chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ có liên quan đến bí mật nhà nước có trách nhiệm chuyển đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định như trên đến người có thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước. Trường hợp từ chối cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước, người có thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Mẫu văn bản đề nghị cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BCA.

Chế độ thông tin, báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước

Định kỳ hằng năm và năm năm (05 năm) một lần, các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết tình hình, công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo thông báo, hướng dẫn của Văn phòng Bộ và gửi báo cáo về Văn phòng Bộ để tổng hợp, báo cáo Bộ Công an.

Báo cáo đột xuất được thực hiện ngay sau khi xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước hoặc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; khi có đoàn công tác, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền về công tác bảo vệ bí mật nhà nước hoặc theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan. Thời gian chốt số liệu trong chế độ báo cáo hằng năm tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo hằng năm: Các đơn vị gửi báo cáo định kỳ hằng năm cho Văn phòng Bộ chậm nhất vào ngày 16/12 của năm báo cáo hoặc thời hạn khác theo yêu cầu của Bộ Công an.

Nội dung báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước gồm phân tích, đánh giá tình hình liên quan đến công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Kết quả thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước; ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, thực hiện. Tình hình, số liệu các vụ lộ, mất bí mật nhà nước; nguyên nhân và việc xử lý, khắc phục hậu quả. Dự báo tình hình; dự kiến công tác trọng tâm bảo vệ bí mật nhà nước và đề xuất, kiến nghị. Nội dung liên quan khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2024, thay thế Thông tư số 07/2020/TT-BKHĐT ngày 30/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác