Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 12 và năm 2023

Ngày 03/01/2024 - 14:38:00 | 399 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 12/2023

Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tháng 12/2023 có 13.250 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 155.051 tỷ đồng, tăng 23,0% về số doanh nghiệp và tăng 44,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 12/2023, có 6/06 vùng trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2022: Đồng bằng Sông Hồng (4.060 doanh nghiệp, tăng 22,5%); Trung du và miền núi phía Bắc (682 doanh nghiệp, tăng 33,5%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.494 doanh nghiệp, tăng 2,8%); Tây Nguyên (324 doanh nghiệp, tăng 5,2%); Đông Nam Bộ (5.724 doanh nghiệp, tăng 29,4%); Đồng bằng Sông Cửu Long (966 doanh nghiệp, tăng 27,3%).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12/2023 là 78.457 người, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 12/2023 ghi nhận có 6.393 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 12/2023, cả nước có 14.355 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có:

- 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022;

- 8.687 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2022;

- 1.866 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2022.

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2023 đạt 217.706 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2017-2022 (173.919 doanh nghiệp).

Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 là 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 (132.764 doanh nghiệp). Số vốn đăng ký thành lập trong năm 2023 đạt 1.521.259 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 là 3.557.901 tỷ đồng (giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.521.259 tỷ đồng (giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2022). Có 46.019 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong năm 2023 (giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 2.036.642 tỷ đồng (giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022). Vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp trong năm 2023 đạt 9,55 tỷ đồng, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có: Giáo dục và đào tạo (tăng 27,0%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 16,8%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 14,1%); Vận tải kho bãi (tăng 11,8%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 11,8%); Khai khoáng (tăng 9,0%); Xây dựng (tăng 8,4%); Thông tin và truyền thông (tăng 5,8%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 5,6%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 5,0%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 4,2%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 2,0%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 1,5%);

Các lĩnh vực ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022 gồm có: Hoạt động dịch vụ khác (giảm 3,2%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 9,3%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 17,0%); Kinh doanh bất động sản (giảm 45%) …

Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 144.460 doanh nghiệp (chiếm 90,7%, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2022), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 119.487 doanh nghiệp, chiếm 75% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,3% so với năm ngoái. Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 38.031 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,9% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1.776 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Có 3/6 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2022:

Trung du và miền núi phía Bắc (7.880  doanh nghiệp, tăng 13,7%); Đông Nam Bộ (67.980 doanh nghiệp, tăng 13,2%); Đồng bằng Sông Hồng (49.377 doanh nghiệp, tăng 8,6%). Các khu vực còn lại ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2022: Đồng bằng Sông Cửu Long (11.381 doanh nghiệp, giảm 1,3%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (18.690  doanh nghiệp, giảm 6,9%) và Tây Nguyên (3.986 doanh nghiệp, giảm 10,8%).

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 là 1.052.575 lao động, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 là 58.412 doanh nghiệp, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,4 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 (41.154 doanh nghiệp).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 10/17 lĩnh vực, cụ thể: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (537 doanh nghiệp, tăng 15,2%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (287 doanh nghiệp, tăng 14,3%); Kinh doanh bất động sản (2.270 doanh nghiệp, tăng 9,1%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (994 doanh nghiệp, tăng 9,0%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (4.239 doanh nghiệp; tăng 4,2%); Thông tin và truyền thông (1.170 doanh nghiệp, tăng 3,4%); Khai khoáng (439 doanh nghiệp, tăng 1,6%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (6.827 doanh nghiệp, tăng 1,6%); Giáo dục và đào tạo (1.480 doanh nghiệp, tăng 0,5%); Xây dựng (7.618 doanh nghiệp; tăng 0,4%);

Các lĩnh vực còn lại ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm, gồm có: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (805 doanh nghiệp, giảm 0,7%); Vận tải kho bãi (2.801 doanh nghiệp, giảm 1,0%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (20.884 doanh nghiệp, giảm 5,5%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (3.036 doanh nghiệp, giảm 9,0%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (459 doanh nghiệp, giảm 10,4%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (3.018 doanh nghiệp, giảm 10,5%); Hoạt động dịch vụ khác (1.548 doanh nghiệp, giảm 11,6%).

Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong năm 2023 có 172.578 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,6%), cụ thể:

- Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 89.060 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 41.387 doanh nghiệp (chiếm 46,5%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 78.764 doanh nghiệp (chiếm 88,4%, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022).

- Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 65.480 doanh nghiệp, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 57.554 doanh nghiệp (chiếm 87,9%, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2022).

- Số doanh nghiệp giải thể là 18.038 doanh nghiệp, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 8/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 12.295 doanh nghiệp (chiếm 68,2%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 15.568 doanh nghiệp (chiếm 86,3%, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2022).


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác