I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Về sản xuất nông nghiệp (tính đến ngày 15/11/2023)
1.1. Trồng trọt
1.1.1. Sản xuất vụ đông 2023 - 2024
Vụ Đông năm 2023-2024, toàn tỉnh đặt mục tiêu gieo trồng trên 12.506 ha cây trồng các loại, với năng suất, sản lượng, giá trị tương đương hoặc tăng hơn so với vụ Đông năm 2022. Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa Mùa để chủ động xây dựng kế hoạch xuống giống, tận dụng tối đa diện tích để gieo trồng cây vụ Đông. Cùng với đó là tổ chức kiểm tra, tu bổ, nạo vét các kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo tiêu thoát nước tốt, khắc phục tình trạng cây vụ Đông bị ngập úng khi gặp mưa lớn; chủ động xây dựng khung lịch thời vụ và phương án sản xuất vụ đông phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, tính toán, bố trí tỷ lệ hợp lý giữa nhóm cây ưa ấm và nhóm cây ưa lạnh, đa dạng hóa các nhóm cây khác nhau và trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ; chú trọng mở rộng diện tích nhóm đối tượng phục vụ chế biến, có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: Khoai tây, ngô ngọt, ớt, cà chua, bí xanh, rau đậu các loại,… góp phần nâng cao năng suất và sản lượng lương thực của địa phương, phấn đấu đạt sản xuất vụ đông đạt thắng lợi.
Tiến độ đến ngày 15/11/2023 tại các địa phương trong tỉnh bà con nông dân đã gieo trồng được một số cây trồng vụ đông trên đất ruộng 2 vụ, kết quả như sau: Cây ngô lấy hạt đã trồng 5.446 ha, đạt 119,8% kế hoạch, tăng 3,07% so với cùng kỳ; cây ngô làm thức ăn gia súc 3.328 ha, đạt 103,34%, tăng 1,01%,...
1.1.2. Cây lâu năm
- Diện tích cây chuối hiện có trên địa bàn tỉnh 2.152 ha, giảm 3,25% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt trên 18.625 tấn, tăng 6,72%; sản lượng chuối chủ yếu được tiêu thụ tại các thị trường như Hà Nội, Vĩnh Phúc và nhiều địa phương khác trong cả nước.
- Cây chè hiện có 8.211 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 68.015 tấn, giảm 0,29% so với cùng kỳ.
1.2. Tình hình sinh vật gây hại
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các đợt không khí lạnh với nền nhiệt thấp về đêm và sáng sớm, ban ngày nắng hanh, đã tạo điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát triển gây hại nhất là ở cây ngô đông, một số diện tích đã bị các loại sâu xám, sâu xanh, sâu khoang, sâu keo, gây hại,... cây chè bị nhiễm rầy xanh nhẹ, bọ trĩ, bọ xít, nhện đỏ; cây cam xuất hiện nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng gây hại,...
Tình hình sinh vật hại trên cây lâu năm: Cây chè (ra búp), rầy xanh, nhện đỏ, bọ trĩ, bọ xít muỗi tiếp tục gây hại, bệnh đốm nâu, thối búp phát sinh gây hại, búp chè tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang; cây có múi (quả non) nhóm nhện nhỏ (nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng) gây hại tăng, tỷ lệ hại phổ biến 3-4%, nơi cao 15-20% trên số lá, quả. Bệnh thán thư, nhện lông nhung, bệnh chổi rồng gây hại rải rác. Cây lâm nghiệp (vườn ươm 1-5 tuổi): Sâu nâu ăn lá gây hại rải rác, bệnh chết héo tiếp tục gây hại rải rác, tỷ lệ hại nơi cao 3-5% số cây.
Trước tình hình sinh vật gây bệnh, gây hại trên các loại cây trồng trên, ngành chức năng đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch phòng trừ kịp thời, không để bệnh hại lây lan, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân thực hiện việc gieo trồng, chăm sóc đúng khung thời vụ; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại cây trồng, kịp thời hướng dẫn cách phòng trừ, giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
1.3. Về chăn nuôi
1.3.1. Về số lượng đàn gia súc, gia cầm
Đàn trâu 88.899 con, giảm 1,61% (giảm 1.457 con) so với cùng kỳ năm 2022; đàn bò 39.004 con, tăng 1,52% (tăng 584 con); đàn lợn 564.364 con, tăng 1,45% (tăng 8.066 con); đàn gia cầm 7.067 nghìn con, tăng 3,48% (tăng 237 nghìn con).
1.3.2. Về sản phẩm đàn gia súc, gia cầm
Đàn trâu sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 700 tấn, tăng 9,08% (tăng 58,21 tấn) so với cùng kỳ năm 2022; đàn bò đạt 127 tấn, tăng 9,65% (tăng 11,7 tấn); đàn lợn đạt 5.609 tấn, tăng 7,99% (tăng 415,08 tấn); đàn gia cầm 1.556 tấn, tăng 6,87% (tăng 100 tấn).
Đánh giá chung, tình hình chăn nuôi trong tháng trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đàn gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển khá, đảm bảo nguồn cung cho thị trường, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ổn định và không có biến động lớn, giá lợn giống có có xu hướng tăng nhẹ là tín hiệu cho thấy người chăn nuôi đang tích cực tái đàn, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm, giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tuy nhiên, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn có diễn biến phức tạp, nguy cơ phát sinh lan rộng vẫn rất cao, nhiều địa phương xuất hiện các ổ dịch, trong khi đó, thị trường tiêu thụ chậm, giá lợn xuống thấp nên nhiều trang trại, gia trại gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, tình hình thời tiết cuối năm thời tiết diễn biến bất thường, các đợt rét đậm, rét hại, mưa phùn và độ ẩm cao có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, vì vậy, ngành chức năng đã tập trung chỉ đạo các địa phương chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm đủ các loại vắc - xin theo đúng quy định, chủ động nguồn thức ăn trong những tháng đông giá rét; cùng với đó là khuyến khích người chăn nuôi tận dụng sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để giảm chi phí, cũng như không sử dụng thức ăn kém chất lượng, và các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, bảo đảm chất lượng sản phẩm chăn nuôi khi xuất bán.
1.4. Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ
1.4.1. Công tác phòng chống và điều trị bệnh
- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Trong tháng, bệnh xuất hiện rải rác tại 10 hộ/06 thôn tren địa bàn của 02 xã tại huyện Na Hang là xã Đà Vị, xã Hồng Thái; tại huyện Yên Sơn là xã Hoàng Khai; số lợn tiêu huỷ 63 con, với tổng trọng lượng trên 846 kg; để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ngành chức năng đã tập trung chỉ đạo các địa phương tập trung quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; theo đó, người chăn nuôi ở các địa phương vùng đã xuất hiện ổ dịch, phun thuốc tiêu độc, khử trùng 1 lần/ngày tại vùng dịch, 1 lần/tuần tại các xã bị uy hiếp; thực hiện vệ sinh, khử trùng chuồng trại chăn nuôi thường xuyên. Riêng các hộ có lợn bị nhiễm bệnh không vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng; dịch chưa qua 21 ngày tuyệt đối không được tái đàn.
- Tại các huyện, thành phố đã xuất hiện rải rác một số bệnh trên đàn gia súc như: Tụ huyết trùng, viêm phổi, tiêu chảy trên đàn trâu, bò đã điều trị khỏi 135/135 con; đàn lợn xuất hiện các bệnh Tụ, dấu, tiêu chảy, viêm phổi, phù đầu đã điều trị khỏi 885 con, chết 22 con.
1.4.2. Công tác tiêm phòng: Các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục thực hiện công tác tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm, kết quả tiêm phòng như sau: Đàn trâu LMLM: 24.047con, THT: 42.866 con; đàn bò LMLM: 16.486 con, THT: 22.867 con; đàn lợn LMLM: 14.454 con, THT: 275.517, dịch tả: 278.968 con.
1.4.3. Công tác kiểm dịch vận chuyển và công tác kiểm soát giết mổ
- Kiểm dịch vận chuyển ngoại tỉnh: Đã kiểm tra và cấp trên 217 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển, trong đó: 48 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển 25.021 con gia súc, gia cầm và 169 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển 3.111.280 kg sản phẩm động vật chế biến làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hà Giang, Nam Định,... Kiểm tra 154 lượt phương tiện vận chuyển đủ thủ tục, trong đó: 46 chuyến vận chuyển 14.925 con gia súc, 104 chuyến vận chuyển 110.260 con gia cầm và 04 chuyến vận chuyển 36.550 kg sản phẩm động vật.
- Công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y: Các huyện, thành phố duy trì công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn, đã kiểm tra, đóng dấu: 1.144 con trâu, bò và 5.114 con lợn.
1.5. Về sản xuất lâm nghiệp
1.5.1. Công tác trồng rừng
Diện tích rừng trồng tập trung toàn tỉnh tính đến ngày 15/11/2023 là 11.303 ha, tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán là 811,42 nghìn cây.
1.5.2. Khai thác gỗ rừng trồng
Sản lượng gỗ khai thác ước trên 1.080.464 m3 gỗ¬, tăng 5,26% so với cùng kỳ năm 2022, gỗ khai thác chủ yếu là gỗ rừng trồng nguyên liệu (Do diện tích rừng chủ yếu đã đến tuổi khai thác, các chủ rừng đẩy nhanh tiến độ khai thác, đảm bảo cung ứng sản lượng gỗ phục vụ nhu cầu thị trường); sản lượng củi đạt 823.040 Ste, tăng 1,49%.
1.5.3. Công tác quản lý bảo vệ rừng
Hiện nay, tình trạng thời tiết khô hanh, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cháy rất cao, đặc biệt là ở một số huyện trọng điểm về cháy rừng. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, ngành chức năng và các địa phương cùng các chủ rừng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; huy động lực lượng truy quét các điểm nóng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuần tra kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật có thể xảy ra.
Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy 0,04 ha; số vụ chặt phá rừng là 03 vụ, diện tích rừng bị phá 0,28 ha; kiểm tra, phát hiện 10 vụ vi phạm hành chính Luật bảo vệ và phát triển rừng, thu nộp ngân sách 72,4 triệu đồng.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 6,44% so với kỳ trước, tăng 3,12% so với cùng kỳ, cụ thể như sau: Ngành khai khoáng tăng 10,06%, tăng 12,78%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,21%, tăng 2,73%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 6,63%, tăng 3,95%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,61%, giảm 4,09%,...
Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước, tăng so với cùng kỳ, cụ thể như sau: Sản xuất trang phục tăng 16,97%, tăng 13,45%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 5,88%, tăng 20%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,69%, tăng 15,3%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 40,63%, tăng 6,77%,… Tuy nhiên, cũng một số ngành có chỉ số giảm so với tháng trước như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 11,24%; giấy và sản phẩm từ giấy giảm 0,85%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,63%,…
- Tính chung trong 11 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3,23% so với cùng kỳ năm trước, chia theo từng ngành kinh tế cấp I như sau:
+ Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,52%, nguyên nhân do một số ngành chế biến tăng như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 58,76%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 32,75%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,67%; chế biến thực phẩm tăng 18,34%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 29%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,97%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 8,13%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 6,66%,...
+ Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,41%, nguyên nhân: Do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của hộ gia đình và doanh nghiệp ngày càng tăng.
+ Ngành khai khoáng giảm 1,78%, do sản lượng khai thác khoáng hóa chất và khoáng phân bón giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do giá bán các sản phẩm phân bón giảm, sản lượng tiêu thụ khó do thiếu đơn hàng, dẫn đến lượng hàng tồn kho nhiều, ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp nên các nhà máy chỉ duy trì sản xuất ở mức trung bình.
+ Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 27,24%, do thời tiết khô hạn kéo dài, ượng mưa ít hơn so với trung bình nhiều năm, lưu lượng nước về hồ rất thấp, dẫn đến các nhà máy thủy điện bị thiếu nước để vận hành đạt công suất thiết kế dẫn đến tổng lượng điện sản xuất giảm 37,05% so cùng kỳ.
2.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Trong tháng, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Điện thương phẩm đạt 102 triệu Kwh, tăng 1,73%; điện sản xuất đạt 95 triệu Kwh, tăng 10,93%; bột giấy đạt 8.449 tấn, tăng 5,61%; hàng may mặc xuất khẩu đạt 2.001 nghìn sản phẩm, tăng 29,87%; gỗ tinh chế đạt 3.908 m3, tăng 3,4%,…. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm công nghiệp giảm so với tháng cùng kỳ như: Bột Felspat nghiền đạt 17.600 tấn, giảm 35,27%; xi măng đạt 110.000 tấn, giảm 6,95%; giấy đế xuất khẩu đạt 700 tấn, giảm 44,24%; nước máy thương phẩm đạt 660 nghìn m3, giảm 4,74%; giầy da đạt 680 nghìn đôi, giảm 6,85%; thép cây, thép cuộn đạt 24.207 tấn, giảm 12,53%,....
Tính chung trong 11 tháng, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện thương phẩm tăng 4,54%; bột ba rít tăng 89,93%; giấy đế xuất khẩu tăng 4,69%; nước máy thương phẩm tăng 0,87%; giấy in viết, photo thành phẩm tăng 9,19%; giầy da tăng 10,38%; gỗ tinh chế tăng 8,02%; thép cây, thép cuộn đạt tăng 28,94%,… Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Điện sản xuất giảm 37,05%; chè chế biến giảm 2,83%; bột felspat nghiền giảm 12,58%; xi măng giảm 23,59%; bột giấy giảm 12,2%; hàng may mặc xuất khẩu giảm 22,93%,...
Đánh giá chung, tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất ổn định với nhiều kết quả tích cực; các ngành chức năng đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định và phát triển; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án công nghiệp, trọng điểm, sớm hoàn thành và đưa vào sản xuất, nhằm gia tăng sản lượng và đóng góp thêm các sản phẩm công nghiệp mới và có phương án bù đắp các sản phẩm thiếu hụt, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu sản xuất công nghiệp theo kế hoạch. Tuy nhiên, chi phí đầu vào, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay mặc dù đang giảm dần nhưng còn ở mức cao, trong khi đó thị trường đầu ra bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, một số lĩnh vực chỉ mới có tín hiệu phục hồi đơn hàng từ đầu quý III, IV năm 2023... đã tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động.
3. Kết quả thu ngân sách nhà nước trong tháng
3.1. Kết quả thu ngân sách
- Tổng thu nội địa trong tháng ước thực hiện là 500 tỷ đồng, lũy kế đạt 2.458 tỷ đồng, đạt 77,8% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
- Số thu nội địa trừ tiền sử dụng đất và xổ số ước thực hiện là 226 tỷ đồng, lũy kế đạt 1.809 tỷ đồng, đạt 76,5% dự toán, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
3.2. Các nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách nhà nước
Nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thu chủ yếu do thực hiện các chính sách giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển doanh nghiệp; tiến độ triển khai một số dự án chậm, chưa thực hiện so với kế hoạch; tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất và số thu tiền sử dụng đất còn đạt thấp.
3.2.1. Tăng thu
Số thu từ khu vực Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ thuế thu nhập cá nhân; thu phí, lệ phí; thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền sử dụng đất; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt khá so với cùng kỳ,....
3.2.2. Giảm thu
- Do hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nên số thu từ khu vực Doanh nghiệp nhà nước trung ương; Doanh nghiệp nhà nước địa phương; kinh tế ngoài quốc doanh còn đạt thấp.
- Một số doanh nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh có số nộp thấp so với cùng kỳ như: Công ty Thủy điện Tuyên Quang - Chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam kê khai nộp thuế trong 11 tháng đầu năm 2023 ước sản lượng giảm 484 triệu kwh so với cùng kỳ, tương ứng số nộp NSNN giảm 33 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên cơ khí hóa chất 13 nộp thuế giảm 14,6 tỷ đồng; Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa (Công ty CP năng lượng Thành An T&T) nộp thuế giảm 10 tỷ đồng; Viettel Tuyên Quang - Chi nhánh tập đoàn công nghiệp - Viễn thông quân đội giảm thuế GTGT là 4,6 tỷ đồng,…
4. Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý
4.1. Tình hình thực hiện Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước
- Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 11 đạt 660 tỷ đồng, tăng 18,25% so với tháng trước, tăng 19,4% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 525 tỷ đồng, tăng 14,32%, tăng 23,13%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 129 tỷ đồng, tăng 36,77%, tăng 6,84%; vốn ngân sách cấp xã đạt 6 tỷ đồng, tăng 31,81%, tăng 5,77%.
- Tính chung, trong 11 tháng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.980 tỷ đồng, đạt 75,37% kế hoạch, tăng 28,26% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 3.407 tỷ đồng, đạt 74%, tăng 29,13%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 541 tỷ đồng, đạt 85,67%, tăng 24,07%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 32 tỷ đồng, đạt 70,87%, tăng 12,63%.
4.2. Về công tác giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2023, Tuyên Quang được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công là 6.954,57 tỷ đồng, trong đó vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 1.302,89 tỷ đồng; vốn được phân bổ, giao theo kế hoạch năm 2023 là 5.651,68 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng số vốn vốn đầu tư công đã giải ngân được là trên 2.858 tỷ đồng, đạt 41,09% kế hoạch, trong đó: Nguồn vốn kế hoạch năm 2023 giải ngân được 2.304 tỷ đồng, đạt 40,76%; nguồn vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 giải ngân được 554 tỷ đồng, đạt 42,52%.
5. Hoạt động thương mại, dịch vụ, giá cả và tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng
Thị trường hàng hóa trong tháng 11 và 11 tháng khá sôi động và duy trì xu hướng tích cực; nguồn cung các hàng hóa được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa vào dịp lễ, tết cuối năm của người dân, các nhóm hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng dần khi bước vào giai đoạn chuyển mùa; các hệ thống phân phối bán lẻ triển khai thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng tiêu dùng trong dịp cuối năm nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Các mặt hàng thuộc nhóm nhiên liệu năng lượng giá điều chỉnh theo giá thế giới; giá các mặt hàng khác không có nhiều biến động.
Tỉnh đã tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu tiêu thụ nhằm đẩy mạnh kết nối, tiếp cận thị trường và người tiêu dùng, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông sản của tỉnh, cùng với đó là nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các chủ sở hữu OCOP, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm của tỉnh một cách ổn định, bền vững.
Tổ chức khai mạc Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023 với quy mô trên 65 gian hàng cùng sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và các chủ thể OCOP trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm OCOP tham gia tại Hội chợ đều là các sản phẩm đã được cấp chứng nhận từ 3 sao trở lên, bao gồm các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và mang thương hiệu đặc trưng của từng vùng, miền trong tỉnh đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, mua sắm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 2.913 tỷ đồng, giảm 2,41% so với tháng trước, tăng 21,36% so với tháng cùng kỳ. Tính chung trong 11 tháng, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước ước đạt 27.080 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ.
5.1. Doanh thu bán lẻ hàng hóa
Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 11 ước đạt 2.596 tỷ đồng, tăng 1,74% so với tháng trước, tăng 21,92% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm hàng tăng so với tháng trước, tăng so với cùng kỳ, cụ thể như sau: Lương thực, thực phẩm đạt 999 tỷ đồng, tăng 1,83%, tăng 22,28%; may mặc đạt 162 tỷ đồng, tăng 0,55%, tăng 39,1%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) đạt 57 tỷ đồng, tăng 6,86%, tăng 7,85%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) đạt 95 tỷ đồng, tăng 0,92%, tăng 43,76%,… Tuy nhiên, cũng có một số nhóm hàng giảm so với cùng kỳ như: Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình giảm 7,22%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục giảm 18,26%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 4,9%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) giảm 12,03%,…Tính chung trong 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 23.962 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ.
5.2. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác
- Trong tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 205 tỷ đồng, tăng 1,31% so với tháng trước, tăng 12,07% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 21 tỷ đồng, tăng 1,15%, tăng 34,9%; dịch vụ ăn uống đạt 184 tỷ đồng, tăng 1,33%, tăng 9,99%. Tính chung trong 11 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.106 tỷ đồng, tăng 27,33%.
- Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng ước đạt 0,47 tỷ đồng, tăng 1,31% so với tháng trước, tăng 60,34% so với cùng kỳ. Tính chung trong 11 tháng doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 3 tỷ đồng, tăng 28,76%.
- Doanh thu nhóm dịch vụ khác trong tháng ước đạt 111 tỷ đồng, giảm 0,54% so với tháng trước, tăng 21,56% so với cùng kỳ. Trong đó: Dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 4 tỷ đồng, tăng 0,56%, tăng 50,97%; giáo dục và đào tạo ước đạt 3 tỷ đồng, tăng 0,03%, tăng 91,56%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 4 tỷ đồng, tăng 8,82%, tăng 59,46%,…. Tuy nhiên, cũng có một số nhóm hàng giảm so với tháng trước như: Dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ đạt 19 tỷ đồng, giảm 0,31%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí đạt 33 tỷ đồng, giảm 4,3%,... Tính chung trong 11 tháng, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.009 tỷ đồng, tăng 35,45%.
5.3. Giá cả
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,22% so với tháng 12 năm trước và giảm 0,31% so với tháng trước. Tính chung trong 11 tháng, CPI bình quân tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 06 nhóm tăng giá, 05 nhóm giảm giá, so với tháng trước.
Trong 06 nhóm hàng tăng so với tháng trước, bao gồm những nhóm hàng sau: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,1%, do nhu cầu tiêu thụ các loại bia, nước giải khát và thuốc lá của người dân tăng nhẹ; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng nhẹ 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,33% do đang vào thời điểm giao mùa nền nhiệt độ giảm về đêm và sáng sớm, ban ngày thì nắng nóng dẫn đến xuất hiện các bệnh liên quan đến đường hô hấp, cảm cúm, dị ứng, sốt xuất huyết,… có chiều hướng gia tăng khiến nhu cầu sử dụng thuốc và dịch vụ y tế tăng; giao thông tăng 0,01% do giá nhóm phụ tùng ô tô, xe máy, xe đạp và dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng; giáo dục tăng 0,05% do nhu cầu tiêu dùng các loại văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,51%.
Có 05 nhóm hàng giảm thì nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,78%, giảm chủ yếu ở nhóm thịt gia súc, gia cầm giảm do giá thịt hơi xuất bán giảm và nhu cầu tiêu thụ của người dân thấp chuyển sang tiêu dùng các loại thực phẩm khác do tâm lý lo ngại về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc đã xuất hiện rải rác ở một vài địa phương trong tỉnh; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,53% do nhu cầu mua sắm các loại quần áo may sẵn, mũ nón và giày dép của người dân giảm; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,44% do tiêu thụ điện sinh hoạt của người dân giảm; bưu chính viễn thông giảm 0,01%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,29%.
- Chỉ số giá vàng tăng 11,19% so với cùng kỳ năm trước, tăng 10,62% so với tháng 12 năm trước, tăng 3,9% so với tháng trước. Tính chung trong 11 tháng, tăng 2,54% so với cùng kỳ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 1,12% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,81% so với tháng 12 năm trước, giảm 0,09% so với tháng trước. Tính chung trong 11 tháng, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
5.4. Tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa
Một trong những điểm tích cực về hoạt động xuất, nhập khẩu trong tháng là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ; kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 20 triệu USD, tăng 42,74% so với tháng cùng kỳ. Tính chung trong 11 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 221 triệu USD, đạt 92,16% kế hoạch, giảm 3,26% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 134 triệu USD, đạt 89,66%, giảm 11,58%, nhập khẩu ước đạt 87 triệu USD, đạt 96,33%, tăng 13,26%, cụ thể của các nhóm hàng chính như sau:
- Giá trị xuất khẩu trong tháng ước đạt 13 triệu USD, tăng 37,02% so với cùng kỳ. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: Chè xuất khẩu ước đạt 430 tấn, tăng 29,21%; hàng dệt, may đạt 1.000 nghìn sản phẩm, tăng 37,58%; phong bì đạt 380 nghìn sản phẩm, tăng 47,5%; antimony thỏi đạt 38 tấn, tăng 65,22%,… Tuy nhiên, cũng có một số nhóm xuất khẩu giảm so với cùng kỳ như: Giấy đế xuất khẩu đạt 250 tấn, giảm 55,57%; đũa gỗ xuất khẩu đạt 2.600 nghìn đôi, giảm 62,67%,… Tính chung trong 11 tháng, một số nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Chè xuất khẩu tăng 28,77%; bột barit tăng 92,34%; phong bì tăng 21,43%; atimony thỏi tăng 30,19%,…
- Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 8 triệu USD, tăng 53,69% so với tháng cùng kỳ. Một trong những tín hiệu vui trong tháng là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng, cho thấy những dấu hiệu trong phục hồi trong sản xuất công nghiệp. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu vải may mặc, phụ liệu may mặc, phụ liệu khác đạt 5 triệu USD, tăng 78,43% so với cùng kỳ; máy móc, thiết bị, phụ tùng, hàng hóa khác đạt 3 triệu USD, tăng tới 27,44%,...
Đánh giá chung, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do kinh tế toàn cầu đã có những dấu hiệu phục hồi kinh tế tích cực, ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, EU và Trung Quốc tỷ lệ lạm phát có chiều hướng hạ nhiệt khiến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tiếp tục đạt tín hiệu khả quan,…. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu do sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ gặp khó do thiếu hụt đơn hàng, lượng hàng tồn kho ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu chính nên kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh còn đạt thấp so với cùng kỳ.
6. Vận tải hàng hóa và hành khách
Trong tháng, sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa cũng như doanh thu từ hoạt động vận tải trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng khá, do nhu cầu đi lại của người dân trong và ngoài tỉnh tăng cao vào những tháng cuối năm, mặt khác các công trình xây dựng đang dần đi vào giai đoạn hoàn thiện, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh tăng đã góp phần làm tăng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng. Các đơn vị vận tải đã tăng cường các phương tiện, bảo đảm việc vận chuyển hành khách và hàng hóa được thông suốt, đầy đủ và an toàn.
6.1. Doanh thu vận tải tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải
- Doanh thu vận tải trong tháng ước đạt 390 tỷ đồng, tăng 6,01% so với tháng trước, tăng 35,92% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 63 tỷ đồng, tăng 2,82%, tăng 32,11%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 326 tỷ đồng, tăng 6,64%, tăng 36,68%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 0,41 tỷ đồng, tăng 9,52%, tăng 34,52%,…
- Tính chung trong 11 tháng, doanh thu vận tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 3.462 tỷ đồng, tăng 27,72% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 600 tỷ đồng, tăng 31,26%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 2.856 tỷ đồng, tăng 26,96%; dịch vụ hỗ trợ vận tải kho bãi đạt 4 tỷ đồng, tăng 43,14%,…
6.2. Vận tải hành khách và hàng hóa
- Khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1 triệu lượt hành khách, tăng 4,86% so với tháng trước, tăng 50,04% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 80 triệu lượt hành khách.km, tăng 4,5%, tăng 28,5%. Tính chung trong 11 tháng, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 11 triệu lượt hành khách, tăng 47,64% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 770 triệu lượt hành khách.km, tăng 19,89%.
- Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 2 triệu tấn, tăng 6,45% so với tháng trước, tăng 38,22% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 134 triệu tấn.km, tăng 6,55%, tăng 32,68%. Tính chung trong 11 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 19 triệu tấn, tăng 25,51% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.196 triệu tấn.km, tăng 21,83%.
7. Về du lịch
Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội Hiệp hội du lịch tỉnh Tuyên Quang và chương trình hợp tác phát triển du lịch tại tỉnh Nghệ An; thực hiện quảng bá văn hóa và du lịch tỉnh Tuyên Quang trên nhãn tem và phong bì phổ thông và truyền thông Poster tại các điểm bưu cục, bưu điện văn hóa xã tại các huyện, thành phố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá du lịch trên trang: https://mytuyenquang.vn.
Trong tháng, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã thu hút 70.000 lượt khách du lịch; tổng thu từ khách du lịch đạt 89 tỷ đồng (nâng tổng số 11 tháng năm 2023, thu hút được 2,6 triệu lượt khách du lịch đạt 103% kế hoạch, tăng 11,3% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.120 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, tăng 30% so với cùng kỳ).
II. LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Công tác lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp
Giải quyết việc làm cho người lao động là là giải pháp quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Vì thế, thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp người lao động tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong tháng, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 835 lao động; ước thực hiện 11 tháng có 22.265 lượt lao động được tạo việc làm, đạt 100,3% kế hoạch, bằng so với cùng kỳ. Trong đó: Lao động làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh là 13.822 người; Lao động đi làm việc các tỉnh, thành phố 7.466 người; lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng 977 người.
Thực hiện kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động. Duy trì thực hiện công tác công tác quản lý người lao động là người nước ngoài đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
2. Công tác đảm bảo chế độ người có công với cách mạng, bảo trợ, an sinh xã hội và phòng chống các tệ nạn
- Duy trì thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công; đẩy mạnh thực hiện các phong trào, hoạt động "đền ơn, đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn". Triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội, thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do tai nạn rủi ro.
Trong tháng Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh đã tiếp nhận 10 học viên (Cai nghiện bắt buộc 09 học viên, 01 học viên đang trong thời gian chờ thủ tục vào cai nghiện bắt buộc); cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện cho 15 học viên. Luỹ kế từ đầu năm đến nay Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh đã tiếp nhận 100 học viên (Cai nghiện bắt buộc 98 học viên, cai nghiện tự nguyện 04 học viên); cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện cho 66 học viên; thanh lý hợp đồng cai nghiện tự nguyện 03 học viên. Tại thời điểm báo cáo Cơ sở đang quản lý 170 học viên (có mặt 164 học viên; trốn cai 05 học viên; đi viện 01 học viên).
3. Hoạt động giáo dục và đào tạo
Trong tháng, các trường học trên địa bàn tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982 - 2023) đây cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với các nhà giáo; tri ân những người đã góp công sức, tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Nhân dịp này, Cấp ủy, chính quyền các địa phương và ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hoạt động tuyên dương, khen thưởng cho các tập thể, các cá nhân có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo.
4. Hoạt động y tế
Hiện nay, do thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm nên tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy). Cùng với sự gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết, một số bệnh khác như cúm mùa, tay chân miệng cũng đang vào thời điểm tăng theo mùa.
Để chủ động kiểm soát, phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, tập trung tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, không để xảy ra dịch chồng dịch, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện sớm, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
5. Hoạt động văn hoá - thể dục, thể thao
- Lĩnh vực văn hoá: Tiếp tục triển khai các bước chuẩn bị đầu tư dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; tổ chức phục dựng bảo tồn Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày xã Trung Hà (huyện Chiêm Hóa). Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân được triển khai sâu rộng.
- Về thể dục thể thao: Chuẩn bị các điều kiện tổ chức giải đua xe đạp địa hình tỉnh Tuyên Quang mở rộng năm 2023; tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XIII, khu vực I năm 2023 tại tỉnh Cao Bằng; tham gia giải Đua thuyền Rowing và Canoeing vô địch quốc gia năm 2023 tại thành phố Hải Phòng và giành được 02 Huy chương Bạc ở nội dung Canoing thuyền đôi nữ cự ly 200m và 500m,…. Duy trì hoạt động 6 lớp đội tuyển năng khiếu với 30 vận động viên; 07 lớp đội tuyển trẻ với 68 vận động viên; 03 lớp đội tuyển tỉnh với 20 vận động viên.
6. Một số hoạt động khác
- Trong tháng, tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm xây dựng xã, phường, thị trấn; cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị. Sau 1 năm triển khai, tại các địa bàn thí điểm xây dựng điển hình đã chuyển biến rõ nét, an ninh chính trị được giữ vững ổn định, không có tội phạm hoạt động manh động, hoạt động theo dạng xã hội đen và không để xảy ra vụ việc về cháy nổ, tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn.
- Tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã long trọng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023, kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam trong không khí vui tươi, phấn khởi. Đây là Ngày hội lớn thường niên đã được các cấp ngành và chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm tổ chức chu đáo, đảm bảo trang trọng, vui tươi, thắm tình đoàn kết, tương thân tương ái.
7. Tình hình an toàn giao thông và phòng chống cháy, nổ
7.1. Về an toàn giao thông
Tiếp tục tăng cường triển khai công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi toàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe; vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định; vi phạm chở hàng quá tải trọng; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện và hiện tượng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, khu vực trung tâm thành phố, trung tâm huyện, tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông.
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 04 người và làm bị thương 7 người. So với tháng trước tăng 9,09% về số vụ tai nạn, tăng 33,33% số người chết, số người bị thương giảm 50%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 33,33%, số người chết giảm 42,86%, số người bị thương giảm 61,11%.
Tính chung trong 11 tháng, toàn tỉnh đã xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 47 người và làm bị thương 134 người. So với cùng kỳ năm trước, tăng 83,13% số vụ tai nạn giao thông, tăng 51,61% về số người chết, tăng 91,43% số người bị thương.
7.2. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 đợt thiên tai (vào đêm ngày 15/11 rạng sáng ngày 16/11) đã gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của người dân tại huyện Sơn Dương, cụ thể như sau:
Thiệt hại về người: Không có.
Nhà bị thiệt hại một phần từ 30% - 50%: 01 nhà bị tốc mái.
Thiệt hại về nông, lâm nghiệp và thủy sản: Mưa lón đã làm thiệt hại trên 54,4 ha ngô, rau màu; 3,1 ha cây ăn quả bị gãy đổ. Ước giá trị thiệt hại trên 417 triệu đồng.
7.3. Thiệt hại do cháy, nổ
Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào.
Cục thống kê tỉnh Tuyên Quang