Thứ hai, 00/00/2023
°

Xây dựng nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Ngày 26/02/2024 - 19:48:00 | 3335 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Phát biểu tại cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Ban Soạn thảo đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến để đưa ra các cơ chế, chính sách đảm bảo tính khả thi, thiết thực, hiệu quả, tạo ra động lực để thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh, bứt phá trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì cuộc họp. Ảnh: MPI

Cuộc họp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 26/02/2024 với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Phó Trưởng Ban Soạn thảo cùng đại diện các bộ, ngành liên quan là thành viên Ban Soạn thảo, Ban Tổ Biên tập. Về phía thành phố Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND Thành phố Lê Trung Chinh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng như sự tham gia, phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành trong quá trình nghiên cứu, xây dựng nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; đồng thời, đánh giá cao sự tham gia của các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng Dự thảo. Đây là cơ hội cho Đà Nẵng, bởi sự phát triển của Đà Nẵng không chỉ riêng cho địa phương mà sứ mệnh của Đà Nẵng là để Đà Nẵng bật lên, lan tỏa và dẫn dắt kinh tế vùng miền Trung đi lên.

Đồng thời nhấn mạnh đến chủ trương, đường lối, định hướng của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với phát triển thành phố Đà Nẵng; cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cũng như chủ trương, định hướng đã rõ. Điều quan trọng là làm thế nào để đưa ra được các cơ chế, chính sách phù hợp với hệ thông thống pháp luật chung của cả nước nhưng cũng phải đảm bảo phù hợp với điều kiện, đặc thù của thành phố Đà Nằng để khai thác các tiềm năng, lợi thế, tạo ra động lực, yếu tố mới đảm bảo tính khả thi, thiết thực, hiệu quả; các chính sách phải đi vào cuộc sống.

Đà Nẵng là thành phố lớn, có vị trí, vai trò rất quan trọng. Vậy, làm thế nào để Thành phố này đóng góp xứng đáng cho nền kinh tế, mang tính dẫn dắt, lan tỏa không phải dừng lại cho riêng Đà Nẵng mà phải cho cả vùng, cho đất nước, là vấn đề được Bộ trưởng đặt ra. Đồng thời cho rằng, bên cạnh nhận diện những khó khăn, thách thức thì Đà Nẵng có nhiều cơ hội, thuận lợi bởi vì ngoài việc các chủ trương, chính sách đã được ban hành cho Thành phố, hiện nay có các quy hoạch như quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch riêng của thành phố Đà Nẵng. “Như vậy, cơ sở pháp lý, thực tiễn đã rõ và là những thuận lợi tốt để Đà Nẵng phát triển”, Bộ trưởng nêu rõ.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng gợi mở một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu, thảo luận như lĩnh vực trung tâm tài chính, cơ chế chính sách để thu hút trong lĩnh vực này; ngành công nghiệp bán dẫn, đây cũng là xu hướng và là cơ hội, các trung tâm nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, chuyên gia trong lĩnh vực này; các lĩnh vực về cảng biển, khu phí phi thuế quan, khu đô thị mới;...

Bộ trưởng cho biết, thực tế nhiều chính sách khi xây dựng mất nhiều thời gian, tốn công sức nhưng thực hiện khó, hiệu quả không cao. Do đó, thành phố Đà Nẵng khi đề xuất cơ chế, chính sách cần đi vào trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, khả thi. Hiện nay, nhiều địa phương đã có cơ chế, chính sách đặc thù, đây là cơ sở thuận lợi để thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, kế thừa và đề xuất các chính sách mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Thành phố để phát huy lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách trình cấp có thẩm quyền xem xét nhưng quan trọng nhất phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả, và khả thi,  và đi vào cuộc sống.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Trình bày tóm tắt về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trên cơ sở các chính sách đã được Quốc hội ban hành áp dụng cho các địa phương và thực tiễn, Thành phố,  Đà Nẵng đề xuất 27 chính sách, trong đó có 11 chính sách tương tự hoàn toàn đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác và 10 chính sách có điều chỉnh, bổ sung. 6 chính sách được đề xuất mới theo thực tế của Thành phố như thí điểm thành lập Khu thương mại tự do thành phố Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; cho phép thực hiện thí điểm bổ sung dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; cơ chế tuyển dụng, tiền lương, tiền công, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…; HĐND thành phố quyết định việc cho phép thành phố Đà Nẵng là địa bàn được thử nghiệm có kiểm soát (Sanbdox) qua sử dụng công nghệ chuỗi khối…; việc đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định các chính sách hỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể của Thành phố.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các ủy viên Ban soạn Soạn thảo, Tổ biên Biên tập là đại diện các bộ, ngành cho rằng, hồ sơ trình xin ý kiến được chuẩn bị công phu, đầy đủ; bày tỏ ủng hộ cách tiếp cận của thành phố Đà Nẵng khi tập trung xây dựng những chính sách rất đặc thù, sát với mục tiêu phát triển của Thành phố. Đồng thời tập trung thảo luận, cho ý kiến vào một số cơ chế, chính sách cụ thể, đặc biệt là các chính sách đề xuất mới theo thực tế của Thành phố như thí điểm thành lập khu thương mại tự do; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính; cơ chế tuyển dụng, tiền lương, tiền công, hỗ trợ, đào tạo và thu hút nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; thử nghiệm có kiểm soát (sandbox);…

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao ý kiến trách nhiệm, thẳng thắn của các đại biểu với mục tiêu xây dựng Nghị quyết không chỉ riêng cho thành phố Đà Nẵng mà vì sự phát triển của cả vùng, cả nước theo tình tinh thần của Bộ Chính trị. Các ý kiến cũng ủng hộ cao các cơ chế, chính sách, bám sát tinh thần của Nghị quyết 43, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, phù hợp với bối cảnh, định hướng mới theo các quy hoạch; đề xuất các chính sách mới như bán dẫn, trung tâm tài chính, khu thương mại tự do; .

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng nhấn mạnh đến các cơ chế, chính sách cụ thể được đề xuất tại Dự thảo và cho biết, sau cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với thành phố Đà Nẵng, các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền theo quy định với các cơ chế, chính sách để giải quyết các điểm nghẽn, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra.

Thay mặt thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cảm ơn những ý kiến gợi mở của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng như các ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu tại cuộc họp. Các ý kiến gợi mở nhiều vấn đề mới có giá trị để Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị quyết. Đồng thời làm rõ thêm các vấn đề được đại biểu quan tâm như trung tâm tài chính; nguồn nhân lực cho ngành chất lượng cao, trong đó có ngành bán dẫn; cơ chế đầu tư hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đầu tư chíp; cảng biển và sân bay quốc tế;…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2024 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định rõ các mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, phát triển thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác