Thứ hai, 00/00/2023
°

Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam 2024

Ngày 29/02/2024 - 12:44:00 | 7063 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Ngày 29/02/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Siemens EDA tổ chức Hội nghị phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam năm 2024. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và bà Nina Lin, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN và Đài Loan, Siemens EDA. Tại Hội nghị, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Siemens EDA đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông đã nhấn mạnh đến tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50,000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.

Việt Nam còn có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trên thế giới trong ngành bán dẫn. Đồng thời thành lập NIC và 03 khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, các cơ chế chính sách đầu tư cao nhất sẵn sàng chào đón các tập đoàn, doanh nghiệp đến đầu tư.

Thứ trưởng cho biết, tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 07/8/2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển Nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

“Việc NIC ký MoU với Siemens EDA và trao bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch bán dẫn của Siemens cho các trường đại học là hoạt động thiết thực,” Thứ trưởng nhấn mạnh. Sự hợp tác giữa khối Nhà nước - doanh nghiệp, Nhà nước - viện trường và doanh nghiệp - viện trường ngày càng đi vào chiều sâu, từng bước phát triển nguồn nhân lực bán dẫn thông qua các chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ công cụ, phần mềm, kỹ thuật, góp phần đạt được mục tiêu 50,000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030.

Phó Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN và Đài Loan, Siemens EDA Nina Lin phát biểu. Ảnh: MPI

Bà Nina Lin đánh giá cao về chiến lược và các chính sách mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt ngành công nghiệp điện tử bán dẫn; nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng cho sự hợp tác giữa Siemens và Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam để hỗ trợ tăng tốc đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp cũng như phát triển công tác đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Siemens EDA sẵn sàng hợp tác với các cơ quan Việt Nam, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử bán dẫn. Bà Nina Lin cũng cho biết, Siemens EDA sẽ tài trợ bộ phần mềm thiết kế chip và bo mạch tiên tiến nhất của Siemens cho Việt Nam thông qua NIC và sẽ cung cấp các dịch vụ đào tạo và đồng hành cùng NIC trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn nói riêng và ngành công nghiệp điện tử bán dẫn nói chung.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Siemens EDA. Ảnh: MPI

Tại Hội nghị, ông Lincoln Lee, Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật khu vực ASEAN và Đài Loan, Siemens EDA đã giới thiệu bộ giải pháp công nghệ toàn diện của Siemens EDA về thiết kế và sản xuất các loại chip bán dẫn, bo mạch điện tử với sự tham gia mạnh mẽ của AI nhằm giúp các doanh nghiệp thiết kế nhanh hơn các sản phẩm điện tử phức tạp hơn và thông minh hơn.

Cũng nhân sự kiện này, NIC và Siemens EDA đã trao các phần mềm tài trợ cho các trường đại học tiêu biểu có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn mà Chính phủ đã giao.

Vị trí địa chiến lược quan trọng cùng việc chuyển dịch sản xuất và xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đã mang tới cho Việt Nam cơ hội trở thành nhân tố then chốt trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đang là thách thức với Việt Nam. Việc NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Siemens EDA bắt tay gỡ nút thắt nhân lực sẽ góp phần hiện thực hóa giấc mơ “bán dẫn” của Việt Nam và nâng tầm hệ sinh thái bán dẫn quốc gia./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác