Thứ hai, 00/00/2023
°

Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu

Ngày 01/03/2024 - 12:04:00 | 5412 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Ảnh minh họa.

Nghị định gồm 12 chương, 135 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, bao gồm: Khoản 6 Điều 6 về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; Khoản 6 Điều 10 về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; Khoản 3 Điều 15 về chi phí trong lựa chọn nhà thầu; Khoản 4 Điều 19 về năng lực, kinh nghiệm của thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định; Khoản 2 Điều 20 về các hình thức lựa chọn nhà thầu khác; Khoản 7 Điều 23 về chỉ định thầu; Khoản 4 Điều 29 về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; Khoản 4 Điều 36 về kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án; Khoản 2 Điều 39 về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Khoản 8 Điều 43 về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu; Khoản 1 và khoản 5 Điều 50 về lựa chọn nhà thầu qua mạng; Khoản 7 Điều 53 về mua sắm tập trung; Khoản 3 và khoản 4 Điều 55 về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; Khoản 4 Điều 67 về ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn; Khoản 6 Điều 70 về sửa đổi hợp đồng; Khoản 2 Điều 84 về trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu; Khoản 4 Điều 86 về thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu; Khoản 5 Điều 87 về xử lý vi phạm; Khoản 4 Điều 88 về xử lý tình huống trong đấu thầu.

Các biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, bao gồm: Đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu; Thẩm quyền quyết định việc mua sắm đối với dự toán mua sắm; Công khai thông tin trong hoạt động đấu thầu; Quản lý nhà thầu.

Nghị định quy định cụ thể về chi phí trong lựa chọn nhà thầu. Trong đó, chi phí lập, thẩm định hồ sơ như sau: Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2 triệu đồng và tối đa là 30 triệu đồng.

Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,06% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2 triệu đồng và tối đa là 30 triệu đồng; Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3 triệu đồng và tối đa là 60 triệu đồng; Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2 triệu đồng và tối đa là 60 triệu đồng.

Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3 triệu đồng và tối đa là 60 triệu đồng.

Đối với các gói thầu có nội dung tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm của cùng chủ đầu tư hoặc các gói thầu phải tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì các chi phí: lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính tối đa bằng 50% mức chi phí quy định; trường hợp phải tổ chức đấu thầu lại một phần của gói thầu (đối với gói thầu chia phần) thì chi phí được tính tối đa bằng 50% mức chi phí theo giá trị ước tính của phần tổ chức đấu thầu lại.

Trường hợp tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì phải tính toán, bổ sung chi phí lựa chọn nhà thầu vào dự án, dự toán mua sắm phù hợp với thực tế của gói thầu. Trường hợp đấu thầu quốc tế, chi phí dịch tài liệu được tính phù hợp với giá thị trường, bảo đảm hiệu quả của gói thầu.

Nghị định cũng quy định, chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu được tính theo tỷ lệ phần trăm so với giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị như sau: Giá dự thầu dưới 50 tỷ đồng, tỷ lệ 0,03% nhưng tối thiểu 5 triệu đồng; Giá dự thầu từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng, tỷ lệ 0,025% nhưng tối thiểu là 15 triệu đồng; Giá dự thầu từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng, tỷ lệ 0,02% nhưng tối thiểu là 25 triệu đồng; Giá dự thầu từ 200 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ 0,015% nhưng tối thiểu là 40 triệu đồng và tối đa là 60 triệu đồng.

Về hoàn trả chi phí giải quyết kiến nghị: Trường hợp kiến nghị của nhà thầu được kết luận là đúng, các tổ chức, cá nhân liên đới có trách nhiệm chi trả cho nhà thầu có kiến nghị số tiền bằng chi phí giải quyết kiến nghị mà nhà thầu có kiến nghị đã nộp.

Trường hợp kiến nghị của nhà thầu được kết luận là không đúng, nhà thầu không được hoàn trả chi phí giải quyết kiến nghị.

Tại Nghị định, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các điều, khoản được giao theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định này và các nội dung cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đấu thầu; Tổng hợp, quản lý cơ sở dữ liệu về nhà thầu; chất lượng hàng hóa đã được sử dụng; danh sách nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu; danh sách nhà thầu nước ngoài trúng thầu; Hướng dẫn về quản lý và sử dụng các chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; thực hiện việc cắt giảm chi phí lựa chọn nhà thầu qua mạng căn cứ tình hình phát triển đấu thầu qua mạng từng thời kỳ.

Đồng thời, ban hành mẫu hồ sơ đấu thầu gồm: mẫu kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu; mẫu kế hoạch lựa chọn nhà thầu; mẫu hồ sơ mời quan tâm, mẫu hồ sơ mời sơ tuyển; mẫu hồ sơ mời thầu; mẫu hồ sơ yêu cầu; mẫu hồ sơ mua sắm trực tuyến, chào giá trực tuyến; mẫu báo cáo đánh giá; mẫu báo cáo thẩm định; mẫu kiểm tra hoạt động đấu thầu, mẫu báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu và các mẫu khác trong đấu thầu.

Chỉnh sửa các biểu mẫu dưới dạng webform trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bên tham gia vào hoạt động lựa chọn nhà thầu qua mạng, giảm thủ tục hành chính, tăng cường tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các điều khoản sau đây hết hiệu lực thi hành: Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Các Điều 69, 70, 71, 72, 73, 75, 76, 77 và 78 của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Các điểm b, c khoản 2 và các điểm b, c khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/52018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.

Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Đấu thầu được xác định theo quy định của pháp luật thương mại về cách thức xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, pháp luật về công nghệ thông tin đối với sản phẩm phần mềm công nghệ thông tin. Quy định tại điểm b khoản 5 Điều 5 của Nghị định này có hiệu lực cho đến khi pháp luật thương mại có quy định về cách thức xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Đối với việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phần kinh phí được giao khoán của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm cả nhiệm vụ khoán chi từng phần và nhiệm vụ khoán chi đến sản phẩm cuối cùng), tổ chức, cá nhân chủ trì chịu trách nhiệm thực hiện việc mua sắm mà không phải áp dụng quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định này nhưng phải bảo đảm chế độ hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Đối với việc mua sắm không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cá nhân, tổ chức tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì cá nhân, tổ chức đó tự quyết định việc mua sắm bảo đảm đầy đủ chứng từ, hóa đơn mà không phải áp dụng quy trình, thủ tục quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định này.

Đối với việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thông qua mua trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân thì tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện mua gom trực tiếp hàng hóa, dịch vụ từ hộ gia đình, cá nhân mà không phải áp dụng quy trình, thủ tục quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định này.

Việc công khai thông tin về kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu, chất lượng hàng hóa đã được sử dụng theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Nghị định này được thực hiện đối với các gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15.

Việc xác định danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật của gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm phục vụ cho việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật chưa có quy định, chủ đầu tư quyết định việc thành lập hội đồng hoặc giao một đơn vị trực thuộc để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyên môn./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác