(MPI) - Chiều ngày 14/3/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về đề xuất xây dựng Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đưa ra mục tiêu: Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, thực hiện quyền tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đưa ra các mục tiêu về phát triển doanh nghiệp như sau: Đến năm 2030, phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn… Đến năm 2045, một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp…
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra định hướng: Tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, DNNN và doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội Đảng XIII thông qua đã đưa ra quan điểm về phát triển DNNN như sau: Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, thực hiện quyền tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế…
Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 giao: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp tư nhân có vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2024.
Tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 26/2/2020 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017 của Chính phủ đã giao: Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.
Tham gia ý kiến về việc xây dựng Đề án, các đại biểu là đại diện các bộ, ngành như Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp,..., và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều cho rằng, các nội dung đề xuất đã bám sát chủ trương, đường lối cũng như bối cảnh, tình hình mới.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể liên quan đến tên Đề án; hình thức thực hiện; phạm vi, đối tượng, các cơ chế, chính sách có tính mới, đột phá góp phần đảm bảo tính tổng thể, thống nhất, bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Các đại biểu cũng đã đưa ra các ý kiến, đề xuất cụ thể liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình và cho rằng, việc xây dựng và ban hành Đề án sẽ phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực, tạo sự dẫn dắt, góp phần thực hiện mục tiêu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến phát biểu, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án. Đồng thời đề nghị đơn vị được giao chủ trì nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện đề cương Đề án.
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, các ý kiến tham gia đều thống nhất cơ sở chính trị, chủ trương, quan điểm của Đảng đã rõ, xuyên suốt từ Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030;… và mới đây là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đưa ra các mục tiêu về phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó là các văn bản của Chính phủ đều khẳng định xây dựng và phát triển doanh nghiệp dẫn dắt, có quy mô lớn.
Do vậy, việc xây dựng Đề án đảm bảo phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước và phù hợp với các quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan; phát triển đội ngũ doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt các doanh nghiệp còn lại, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để góp phần nâng cao năng lực cạnh trạnh quốc gia để thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Vấn đề quan trọng bây giờ là lựa chọn các tiêu chí, đối tượng, quy mô phù hợp. Bên cạnh các chính sách ngành nghề truyền thống, có những chính sách đối với một số, ngành lĩnh vực mới nổi.
Theo đó, cần phải nghiên cứu đến các ngành, lĩnh vực lĩnh vực trong bối hiện nay nhưng phải gắn với chủ trương, định hướng của Đảng như phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, giảm khí phát thải; công nghiệp chế biến chế tạo, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia hướng tới phát triển xanh và bền vững; ngân hàng, tài chính;…
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng nhấn mạnh các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung liên quan đến nội dung, phạm vi đối tượng; về cơ chế, chính sách;…và mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư