Nhìn chung, trong tháng tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn phát triển ổn định, năm nay Tết Nguyên đán Giáp Thìn rơi vào tháng 02/2024 (năm 2023 Tết Nguyên đán rơi vào tháng 01/2023) nên hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp giảm hơn cùng kỳ nhưng tình hình tiêu thụ hàng hoá lại có phần tăng hơn so với cùng kỳ. Vì vậy, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh cũng có mức tăng giảm khác nhau. Cụ thể so cùng kỳ năm trước: Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1,14%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,03%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp giảm 16,05%, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi tăng 21,08%,…. Kết quả hoạt động của từng ngành, lĩnh vực như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Hiện tại ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung chỉ đạo theo dõi tình hình sản xuất vụ lúa Đông xuân 2023 -2024 và các loại cây trồng khác phấn đấu đạt các chỉ tiêu theo kế hoạch đã phân bổ. Chỉ đạo các trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào trong canh tác đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ Đông xuân. Thực hiện tốt công tác dự báo; theo dõi cập nhật tình hình thời tiết thủy văn, hạn mặn để có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn người dân phòng tránh kịp thời.
1.1. Nông nghiệp
1.1.1. Trồng trọt
Lúa Đông xuân: Hiện nay đã xuống giống dứt điểm được 74.392,2 ha, đạt 100,26% kế hoạch tỉnh (71.200 ha), giảm 1,47% so với tiến độ cùng kỳ (bằng 1.109 ha) riêng địa bàn Thị xã Long Mỹ diện tích xuống giống được 10.052,8 ha, có tăng nhẹ so với cùng kỳ (0,001%). Hiện tại trà lúa đang phát triển tốt, trổ chín, ít sâu bệnh, dự báo năng suất sẽ tương đương các năm trước. Điều đáng phấn khởi là giá lúa năm nay cao hơn năm trước đã tạo động lực cho nông dân tích cực chăm sóc để tăng sản lượng, kéo theo tăng lợi nhuận cho người trồng lúa. Các giống lúa sử dụng chủ yếu là RVT chiếm 14,19%, Đài Thơm 8 chiếm 55,82%, OM18 chiếm 16,26%, OM5451 chiếm 6,65%, ST24 chiếm 2,65%, còn lại chiếm 4,43% gồm các giống khác như: ST25, IR50404, Jasmine85, …
Mía niên vụ 2023-2024: Diện tích gieo trồng đạt 3.064,2 ha, đạt 97,28% kế hoạch tỉnh (3.150 ha) tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy, giảm 6,74% so với cùng kỳ (bằng 221,5 ha). Nguyên nhân do chuyển đổi sang cây rau màu và cây lâu năm.
Cây ngô: Diện tích gieo trồng hiện có 852,2 ha, so cùng kỳ năm trước giảm 1,41% (bằng 12,15 ha); năng suất đạt 59,34 tạ/ha, giảm 5,52% (bằng 3,47 tạ/ha); sản lượng 02 tháng được 3.063,13 tấn, so cùng kỳ năm trước giảm 19,4% (bằng 737,06 tấn). Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi.
Cây rau các loại: Diện tích gieo trồng hiện có 8.503,95 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,71% (bằng 304,37 ha). Ước sản lượng 02 tháng năm 2024 được 59.602,08 tấn, tăng 0,65% (bằng 384,48 tấn). Nguyên nhân tăng so cùng kỳ do người dân tăng diện tích gieo trồng để cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán năm 2024 để kiếm thêm thu nhập.
Một số cây lâu năm ăn quả chủ yếu của Tỉnh so với cùng kỳ như sau:
- Cây dứa (khóm): Diện tích hiện có 3.215,75 ha, tăng 3,25% (bằng 101,2 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng 02 tháng năm 2024 ước được 5.689,32 tấn, tăng 8,71% (bằng 456,03 tấn) so với cùng kỳ.
- Cây bưởi: Diện tích hiện có 1.697 ha, tăng 1,63% (bằng 27,16 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng ước được 4.148,15 tấn, tăng 4,07% (bằng 162,37 tấn) so với cùng kỳ.
- Cây mít: Diện tích hiện có 10.051,83 ha, tăng 1,14% (bằng 113,23 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng 02 tháng năm 2024 ước được 17.369,84 tấn, tăng 12,93% (bằng 1.988,31 tấn) so với cùng kỳ.
- Cây chanh không hạt: Diện tích hiện có 2.879,25 ha, tăng 3,24% (bằng 90,35 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng 02 tháng năm 2024 ước được 1.957,85 tấn, tăng 3,07% (bằng 58,26 tấn) so với cùng kỳ.
- Cây mãng cầu: Diện tích hiện có 713,36 ha, giảm 0,93% (bằng 6,68 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng 02 tháng năm 2024 ước được 504,07 tấn, tăng 3,54% (bằng 17,25 tấn) so với cùng kỳ. Do diện tích thu hoạch tăng và năng suất được cải thiện.
1.1.2. Chăn nuôi
Trong tháng lực lượng thú y thường xuyên thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và tiêm phòng một số bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm như: Dịch tả heo, bệnh lở mồm long móng, dịch tả vịt,… Bên cạnh đó, còn thực hiện tốt công tác tiêu độc, sát trùng trên các chuyến xe, tàu vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; giám sát vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, ước tính đến tháng 02/2024, số đầu con gia súc, gia cầm so với cùng kỳ cụ thể như sau:
- Đàn trâu, bò: Đàn trâu ước được 1.237 con, giảm 7,69% (bằng 103 con) so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do đa số diện tích đất trồng lúa đều sử dụng cơ giới hóa thay cho sức cày kéo của trâu, môi trường nuôi ngày càng bị thu hẹp. Đàn bò ước được 4.159 con, tăng 10,26% (bằng 387 con) so với cùng kỳ.
- Đàn heo (tính cả heo con chưa tách mẹ): Ước được 145.267 con, tăng 1,05% (bằng 1.516 con) so với cùng kỳ. Trong đó: Heo thịt 102.849 con, tăng 1,29% (bằng 1.312 con). Nguyên nhân tổng đàn heo trên địa bàn tăng là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, những hộ nuôi nhỏ lẻ đã tái đàn trở lại, những hộ nuôi quy mô gia trại, trang trại tiếp tục sản xuất, tái đàn và mở rộng quy mô chuồng trại. Ngành chức năng của tỉnh luôn chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn heo đúng theo thời điểm để phù hợp với tình hình thực tế địa phương cũng như rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi. Từ đó tổng đàn từng bước được khôi phục góp phần tăng về số lượng và chất lượng.
- Đàn gia cầm được 4.494,35 ngàn con, tăng 2,5% (bằng 109,59 ngàn con) so với cùng kỳ. Trong đó: Đàn gà 1.867,27 ngàn con, tăng 8,25% (bằng 142,33 ngàn con) so cùng kỳ. Nhìn chung đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay đã nuôi ổn định.
1.2. Lâm nghiệp
Diện tích đất rừng của tỉnh được giữ ổn định, diện tích rừng trồng phân tán trong dân trên địa bàn tỉnh tăng và ngày càng được chú trọng về trữ lượng, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về kinh tế - xã hội, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Công tác bảo vệ rừng tiếp tục được theo dõi, giám sát, chủ động ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra cháy rừng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật trên các địa bàn huyện, xã có rừng; kiểm tra việc thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng của chủ rừng và các địa phương.
Ước thực hiện tháng 02/2024, không có diện tích rừng trồng mới tập trung, tình hình sản xuất lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc và bảo vệ rừng. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước khoảng 1.348,28 m3, tăng 4,92%; sản lượng củi khai thác ước khoảng 5.898,44 ste, tăng 1,40% so với cùng kỳ.
Tính chung 02 tháng năm 2024, số cây lâm nghiệp trồng phân tán được 133,64 ngàn cây, so với cùng kỳ tăng 1,86% (bằng 2,44 ngàn cây). Sản lượng gỗ khai thác ước khoảng 2.659 m3, tăng 4,38% (bằng 111,57 m3); sản lượng củi khai thác ước khoảng 11.835,19 ste, tăng 1,34% (bằng 157,05 ste) so với cùng kỳ.
1.3. Thủy sản
Trong tháng 02/2024, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước tính được 73,89 ha, tăng 1,16% (bằng 0,85 ha) so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 02 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi thủy sản ước được 2.005,74 ha, giảm 0,11% (bằng 2,15 ha) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Diện tích nuôi cá được 1.865,49 ha, giảm 0,19% (bằng 3,5 ha). Trong đó, diện tích nuôi cá thát lát được 51,77 ha, tăng 2,07% (bằng 1,05 ha) so cùng kỳ; diện tích nuôi tôm được 97,05 ha, tăng 1,04% (bằng 01 ha) tập trung nhiều ở huyện Long Mỹ (Nuôi tôm sú); diện tích nuôi thủy sản khác được 43,20 ha, tăng 0,82% (bằng 0,35 ha); Thể tích nuôi lươn được 4.591 m3, tăng 3,89% (bằng 172 m3) so cùng kỳ.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 02/2024 ước được 5.644,06 tấn, tăng 2,94% (bằng 161,07 tấn) so với cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đầu năm 2024, ước được 11.498,35 tấn, tăng 2,47% (bằng 276,66 tấn) so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng so với cùng kỳ là do thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh trên thủy sản ít xảy ra, mô hình nuôi luân canh trong ruộng lúa và nuôi lồng bè, bể bồn đem lại thêm thu nhập cho người dân. Cụ thể như sau:
- Sản lượng thủy sản khai thác ước được 535,70 tấn, tăng 7,39% (bằng 36,87 tấn) so với cùng kỳ. Do hộ khai thác nội địa tập trung khai thác thủy sản khác (lươn, ếch…) đang có chiều hướng có lợi nên tăng mạnh.
- Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước được 10.962,65 tấn, tăng 2,24% (bằng 239,79 tấn) so cùng kỳ. Trong đó sản lượng cá thát lát thu hoạch được 168,85 tấn, tăng 2,18% (bằng 3,6 tấn) so cùng kỳ; sản lượng lươn thu hoạch được 102,8 tấn, tăng 3,93% (bằng 3,89 tấn) so với cùng kỳ. Hiện tại, hai sản phẩm này đang được người dân mở rộng diện tích vì đem lại thu nhập tương đối ổn định.
2. Sản xuất công nghiệp
Ước thực hiện tháng 02/2024, giá trị sản xuất công nghiệp: Tính theo giá so sánh 2010 được 2.694,49 tỷ đồng, giảm 18,77% so với tháng trước và giảm 2,76% so với cùng kỳ năm trước; tính theo giá hiện hành được 4.540,39 tỷ đồng, giảm 19,67% so với tháng trước và giảm 1,62% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm nhiều so với tháng trước và cùng kỳ năm trước là do các doanh nghiệp và cơ sở cá thể công nghiệp nghỉ từ 07 đến 09 ngày để người lao động được vui xuân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nên ước giá trị sản xuất tháng 02/2024 giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Ước thực hiện 02 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp:
- Tính theo giá so sánh 2010, được 6.011,68 tỷ đồng, tăng 12,26% so với cùng kỳ năm trước.
- Tính theo giá hiện hành, được 10.192,61 tỷ đồng, tăng 13,85% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
+ Khu vực kinh tế nhà nước, có 2 doanh nghiệp đóng góp giá trị sản xuất ước được 1.723,43 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,91% trong toàn ngành và giảm 10,17% so với cùng kỳ.
+ Khu vực kinh tế tư nhân, có 348 doanh nghiệp, hợp tác xã và trên 4.237 cơ sở cá thể công nghiệp, đóng góp giá trị sản xuất ước được 6.608,32 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 64,83% trong toàn ngành và tăng 20,51% so với cùng kỳ.
+ Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có 11 doanh nghiệp và đóng góp giá trị sản xuất ước được 1.860,86 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,26% trong toàn ngành và tăng 20,04% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp ước thực hiện 02 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh có tăng trưởng, nhưng vẫn có một số ngành nghề phát triển chưa bền vững do bị tác động về thị trường xuất khẩu và một số yếu tố khác như: Điện, giá xăng, dầu biến động khó lường trong những tháng vừa qua. Do vậy, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để triển khai nhiều giải pháp mang tính phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần có kế hoạch và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp đang đầu tư sớm đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch của doanh nghiệp đã đề ra như: Công ty TNHH Thức ăn Tôm Xanh Minh Phú (sản xuất thức ăn chăn nuôi); Công ty CP Tập đoàn Masan (sản xuất mì ống, bún, gia vị các loại…), Công ty TNHH MTV Sunpro Steel (sản xuất thép),… để giá trị sản xuất công nghiệp đạt và vượt kế hoạch năm 2024 của tỉnh đã đề ra.
Đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Dự tính tháng 02/2024, chỉ số sản sản xuất công nghiệp giảm 11,84% so với tháng trước và giảm 1,14% so với cùng kỳ. Cụ thể từng ngành như sau:
- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Giảm 10,90% so với tháng trước và tăng 1,31% so với cùng kỳ. Trong đó:
+ Ngành sản xuất chế biến thực phẩm, giảm 18,60% so với tháng trước và tăng 12,21% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thủy sản (chiếm tỷ trọng trên 38,84% trong ngành chế biến thực phẩm) giảm 24,42% so với tháng trước và tăng 23,90% so với cùng kỳ (Nguyên nhân tăng cao so với cùng kỳ là do tình hình năm nay thuận lợi hơn so với cùng kỳ như: Thị trường xuất khẩu truyền thống ổn định, người lao động trở lại nơi làm việc sau khi nghỉ Tết đạt 100% so với cùng kỳ, nguồn nguyên liệu ổn định,…); Chế biến và bảo quản rau quả giảm 0,85% so với tháng trước và tăng 18,88% so với cùng kỳ năm trước,... Vì vậy, đã làm chỉ số sản xuất ngành chế biến thực phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước.
+ Ngành sản xuất đồ uống, giảm 12,48% so với tháng trước và tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do các nhà máy tăng sản lượng sản xuất để phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán và các mùa Lễ hội đầu năm 2024, nên sản lượng sản xuất nước ngọt (cocacola, 7 up,…) dự tính được 5,29 triệu lít, giảm 28,70% so với tháng trước và tăng 43,84% so với cùng kỳ; sản lượng sản xuất nước có vị hoa quả (cam, táo,…) dự tính được 19,48 triệu lít, giảm 10,66% so với tháng trước và tăng 7,36% so với cùng kỳ. Vì vậy, đã làm chỉ số ngành sản xuất đồ uống tăng so với cùng kỳ.
+ Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, giảm 24,47% so với tháng trước và tăng 32,81% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do những tháng cuối năm các công ty hoạt động trong ngành sản xuất giày da ký được các hợp đồng với số lượng lớn, nên các doanh nghiệp tăng sản lượng vào những ngày trước Tết Nguyên đán và cho công nhân đi làm sớm hơn các doanh nghiệp ngành khác, để hoàn thành các hợp đồng đã ký. Vì vậy, chỉ số sản xuất dự tính tăng cao so với cùng kỳ.
+ Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, giảm 10,49% so với tháng trước và tăng 55,58% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp hoạt động ngành sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh tăng sản lượng sản xuất để phục vụ bà con nông dân chăm sóc tốt vụ lúa Đông xuân đang trong giai đoạn đồng, trổ, nên ước chỉ số sản xuất tháng này tăng so với cùng kỳ.
+ Ở chiều ngược lại một số ngành ảnh hưởng Tết Nguyên đán và thị trường xuất khẩu nên một số ngành giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 21,84% so với tháng trước và giảm 29,27% so với cùng kỳ; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 5,73% so với tháng trước và giảm 16,64% so với cùng kỳ,… nên làm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng thấp (1,31%) so với cùng kỳ năm trước.
- Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí: Giảm 28,36% so với tháng trước và giảm 33,93% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 tạm dừng hoạt động 5 đến 7 ngày để người lao động được vui xuân đón Tết Nguyên đán, cũng như bảo dưỡng các tổ máy, nên sản lượng sản xuất dự tính được 303 triệu kwh, giảm 30,06% so với tháng trước và giảm 36,40% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, chỉ số sản xuất giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
- Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: giảm 0,05% so với tháng trước và tăng 5,92% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do Công ty Cổ phần Cấp Thoát nước – CTĐT Hậu Giang đã đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch, phục vụ tốt việc sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cho người dân, nhất là trước và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua. Vì vậy, sản lượng sản xuất nước sạch sinh hoạt tháng 02/2024 tăng 125,80 ngàn M3 so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 5,83% so với cùng kỳ.
Dự tính 02 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 9,78% so với cùng kỳ. Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng 85,49% trong toàn ngành và tăng 10,87% so với cùng kỳ (tăng chủ yếu do một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như: Sản xuất chế biến thực phẩm, chiếm tỷ trọng 40,73% trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng 23,33% so với cùng kỳ; sản xuất đồ uống, chiếm tỷ trọng 12,29% trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng 21,59%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, chiếm tỷ trọng 14,21% trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng 64,85% so với cùng kỳ), nên làm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ; Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, chiếm tỷ trọng 13,76% trong toàn ngành và giảm 6,47% so với cùng kỳ (nguyên nhân do trong tháng 02/2024 Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 tạm dừng vận hành từ 07 đến 09 ngày để bảo dưỡng các tổ máy, nên chỉ số sản xuất 02 tháng giảm so với cùng kỳ); Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,82% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh trong 02 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ như: Sản lượng sản xuất tôm đông lạnh tăng 24,71%; sản lượng nước mắm tăng 111,34%; sản lượng sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 8,34%; sản lượng sản xuất nước uống có vị hoa quả tăng 23,19%; sản lượng sản xuất giày dép các loại tăng 65,08%.
Tình hình lao động: Tính đến thời điểm tháng 02/2024, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 3,02% so với cùng kỳ. Tính chung 02 tháng năm 2024 tăng 2,80% so với cùng kỳ. Trong đó, các ngành sử dụng nhiều lao động nhưng tăng so với cùng kỳ như: Sản xuất trang phục tăng 31,50% (do Công ty may Nhà Bè mở rộng quy mô nhà máy); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,16%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 8,97%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 3,10%,.... Vì vậy, đã làm chỉ số chung của toàn ngành tăng so với cùng kỳ năm trước.
3. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Trong tháng (tính từ ngày 18/01/2024-16/02/2024), toàn tỉnh có 59 hồ sơ đăng ký thành lập mới (bao gồm 42 doanh nghiệp và 17 đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh)), với tổng số vốn đăng ký là 379,40 tỷ đồng; có 53 hồ sơ đăng ký tạm ngừng hoạt động (trong đó có 49 doanh nghiệp, tổng vốn 25 tỷ đồng); có 23 hồ sơ đăng ký giải thể (trong đó có 08 Doanh nghiệp, tổng vốn là 15,05 tỷ đồng).
Tính từ đầu năm đến nay, có 138 hồ sơ đăng ký thành lập mới (trong đó gồm 101 doanh nghiệp và 37 đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh), với tổng số vốn đăng ký là 479,40 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 46,29% về số lượng doanh nghiệp và tăng 400,4% về số vốn điều lệ; có 146 hồ sơ đăng ký tạm ngừng hoạt động (trong đó có 118 doanh nghiệp, tổng vốn là 64 tỷ đồng), không có doanh nghiệp đăng ký hoạt động trước hạn; có 106 hồ sơ đăng ký giải thể (trong đó có 16 doanh nghiệp, tổng vốn là 84,10 tỷ đồng; chấm dứt hoạt động 90 đơn vị trực thuộc), so cùng kỳ tăng gấp 13 lần về số doanh nghiệp và tăng gấp 6 lần về vốn điều lệ.
4. Vốn đầu tư
Kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 26.108,94 tỷ đồng, bao gồm các nguồn như sau:
- Vốn ngân sách nhà nước: 6.937,69 tỷ đồng.
- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn: 5.200,75 tỷ đồng.
- Các nguồn vốn khác như: Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước là 13.970,50 tỷ đồng.
Ước tính tháng 02/2024, vốn đầu tư thực hiện được 1.756,20 tỷ đồng, bằng 93,19% so với tháng trước và bằng 112,60% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 375,90 tỷ đồng; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện được 330,10 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khối lượng thực hiện được 1.050,20 tỷ đồng. Nguyên nhân vốn ngân sách giảm so với tháng trước là do trong tháng này hầu hết các doanh nghiệp, các công trình dự án đều ngưng hoạt động trên dưới 7 ngày để đón Tết Nguyên đán năm 2024 nên làm cho vốn đầu tư phát triển không tăng.
Ước tính 02 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện được 3.640,75 tỷ đồng, bằng 109,15% so với cùng kỳ năm trước và đạt 13,94% so với kế hoạch năm. Chia ra:
- Vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 779,79 tỷ đồng, bằng 142,75% so với cùng kỳ năm trước và đạt 11,24% so với kế hoạch năm.
- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện được 720,36 tỷ đồng, bằng 186,53% so với cùng kỳ năm trước và đạt 13,85% so với kế hoạch năm.
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khối lượng thực hiện được 2.140,60 tỷ đồng, bằng 89,08% so với cùng kỳ năm trước và đạt 15,32% so với kế hoạch năm.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo mục tiêu đề ra, các chủ đầu tư cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
- Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án được giao kế hoạch năm 2024.
- Chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn.
- Phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất các cấp và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công theo quy định.
- Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
- Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán,… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
- Cơ quan được giao nhiệm vụ lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi có đất thu hồi, bằng nhiều hình thức đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai, bồi thường và hỗ trợ, tái định cư cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới các đối tượng có đất bị thu hồi, trước hết là cán bộ, đảng viên, quần chúng gương mẫu nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để kịp thời tạo quỹ đất sạch thực hiện triển khai dự án.
5. Tài chính, tín dụng
5.1. Tài chính
Ước tính tháng 02/2024, tổng thu Ngân sách nhà nước được 1.137,07 tỷ đồng, luỹ kế được 2.580,79 tỷ đồng, đạt 21,09% dự toán Trung ương, đạt 19,06% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó:
- Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn được 573,17 tỷ đồng, luỹ kế được 1.464,98 tỷ đồng, đạt 23,31% dự toán Trung ương, đạt 19,53% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bao gồm:
+ Thu nội địa: 513 tỷ đồng, luỹ kế được 1.366,67 tỷ đồng, đạt 23,64% dự toán Trung ương và đạt 20,10% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
+ Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 60,17 tỷ đồng, luỹ kế được 98,32 tỷ đồng, đạt 19,55% dự toán Trung ương và đạt 14,05% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
- Trung ương trợ cấp được 557,91 tỷ đồng, luỹ kế được 1.115,81 tỷ đồng, đạt 18,74% dự toán Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Ước tính tháng 02/2024, tổng chi Ngân sách địa phương là 1.080,45 tỷ đồng, luỹ kế 1.860,86 tỷ đồng, đạt 16,45% dự toán Trung ương giao, đạt 15% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó:
- Chi xây dựng cơ bản: 437,18 tỷ đồng, luỹ kế 833,61 tỷ đồng, đạt 13,71% dự toán Trung ương giao, đạt 12,14% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
- Chi thường xuyên: 633,28 tỷ đồng, luỹ kế 1.026,26 tỷ đồng, đạt 20,23% dự toán Trung ương giao, đạt 19,12% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
5.2. Tín dụng ngân hàng
Đến ngày 31/01/2024, tổng vốn huy động toàn địa bàn là 22.228 tỷ đồng, giảm 2,19% so với cuối năm 2023. Vốn huy động đáp ứng được 54,82% cho hoạt động tín dụng. Huy động đối với kỳ hạn dưới 12 tháng đạt 12.401 tỷ đồng (chiếm 55,79% tổng huy động), kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đạt 9.827 tỷ đồng (chiếm 44,21% tổng huy động). Hiện, lãi suất huy động không kỳ hạn đến dưới 1 tháng phổ biến từ 0,1-0,5%/năm; từ 01 tháng đến dưới 06 tháng phổ biến từ mức 2,6-3,1%/năm; từ 06 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến từ 3,9-4,2%/năm; từ 12 tháng trở lên phổ biến từ 4,8-5,3%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 02/2024, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn đạt 22.050 tỷ đồng, giảm 2,97% so với cuối năm 2023.
Đến ngày 31/01/2024, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là 40.545 tỷ đồng, tăng trưởng 1,34% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 20.938 tỷ đồng (chiếm 51,64% tổng dư nợ); dư nợ cho vay trung, dài hạn là 19.607 tỷ đồng (chiếm 48,36% tổng dư nợ). Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,0%/năm; các lĩnh vực khác lãi suất cho vay bình quân từ 8,5 - 13%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 02/2024, dư nợ đạt 40.719 tỷ đồng, tăng trưởng 1,77% so với cuối năm 2023.
Nợ quá hạn đến cuối tháng 01/2024 là 979 tỷ đồng, chiếm 2,41%/tổng dư nợ; nợ xấu là 503 tỷ đồng, chiếm 1,24%/tổng dư nợ; nợ cần chú ý là 476 tỷ đồng, chiếm 48,62%/tổng nợ quá hạn. Phấn đấu đến cuối tháng 02/2024, tỷ lệ nợ xấu toàn địa bàn vẫn duy trì dưới mức 3%/tổng dư nợ theo mục tiêu đã đề ra.
Dư nợ một số Đề án, Chương trình, Chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chính quyền địa phương tính đến cuối tháng 01/2024 đạt được kết quả sau:
- Cho vay thu mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng dư nợ 2.798 tỷ đồng, giảm 1,06% so với cuối năm 2023.
- Cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản dư nợ 4.169 tỷ đồng, tăng trưởng 8,77% so với cuối năm 2023.
- Cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 68/QĐ-TTg dư nợ 6,21 tỷ đồng, giảm 2,05% so với cuối năm 2023.
- Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP dư nợ 16,03 tỷ đồng, giảm 3,02% so với cuối năm 2023.
- Chương trình cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Thông tư số 25/2015/TT-NHNN dư nợ 228 tỷ đồng, giảm 0,44% so với cuối năm 2023.
- Các chương trình tín dụng chính sách dư nợ đạt 4.133 tỷ đồng, tăng trưởng 1,25% với cuối năm 2023.
- Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh có dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất 56,99 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 1,73 tỷ đồng.
- Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 37 khách hàng, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 771,93 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (bao gồm gốc và lãi) là 417,03 tỷ đồng.
- Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và Chương trình tín dụng 15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thủy sản đến thời điểm hiện tại trên địa bàn chưa phát sinh dư nợ.
6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
6.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Trong tháng 02/2024, nhiều công trình sự kiện đón mừng năm mới được khẩn trương hoàn thành nhằm phục vụ cho người dân đón Tết. Các hoạt động bán buôn bán lẻ hàng hóa và các loại hình dịch vụ khác theo đó bắt đầu trở nên sôi động hơn, các sản phẩm hàng hóa trên thị trường dồi dào, đầy đủ chủng loại đa dạng, giá cả được bình ổn tạo thuận lợi cho người dân mua sắm. Các nhà hàng, quán ăn, các khu vui chơi giải trí,… được trang trí rực rỡ thu hút khách hàng đến ăn uống, vui chơi. Ước tính tháng 02/2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu các loại hình dịch vụ khác thực hiện được 5.088,04 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 104,06% và so với cùng kỳ năm trước tăng 20,03%. Cụ thể như sau:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước thực hiện được 3.717,47 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 4,04% và so với cùng kỳ tăng 18,85%. Đóng góp vào mức tăng chung của hoạt động bán lẻ chủ yếu là các nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 19,11%, hàng may mặc các loại tăng 37,88%, đồ dùng gia đình tăng 20,77%, xăng dầu tăng 26,17%, vàng bạc đá quý tăng 23,32% so cùng kỳ. Các hàng hóa lương thực, thực phẩm bánh kẹo, đường đậu, đồ dùng trang thiết bị gia đình, hàng may mặc là những nhưng mặt hàng được dự doán sẽ có mức tiêu thụ nhiều trong tháng do đây là những mặt hàng thiết yếu được người dân ưu tiên tiêu dùng trong dịp Tết đến xuân về. Các sản phẩm này nhìn chung trong năm có sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, nhiều sản phẩm sáng tạo mới được bán trên thị trường giúp người dân thuận tiện lựa chọn mua sắm.
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành thực hiện được 617,60 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 102,48% và so với cùng kỳ năm trước tăng 26,39%. Trong đó:
+ Ngành lưu trú ước tính được 25,71 tỷ đồng, so tháng trước bằng 100,01% và so với cùng kỳ tăng 54,43%.
+ Ngành ăn uống ước tính được 591,89 tỷ đồng, so tháng trước bằng 102,59% và so cùng kỳ năm trước tăng 25,40%.
- Doanh thu các ngành dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) thực hiện được 752,97 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 5,45% và so với cùng kỳ năm trước tăng 21%. Trong tháng tết hầu hết các loại hình dịch vụ đều có mức sụt giảm so với tháng trước do số ngày hoạt động trong tháng ít hơn và không có động lực tăng trưởng cao trong tháng Tết. Riêng các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ cho nhu cầu người dân có mức tăng trưởng cao 16,43% do trong dịp Tết nhu cầu vui chơi các dịch vụ của người dân ở mức cao. Do đó nhìn chung tổng doanh thu các ngành dịch vụ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương.
Ước tính 02 tháng năm 2024, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành thực hiện được 9.977,68 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 113,74%. Ba nhóm ngành mũi nhọn trong 02 tháng đầu năm đều có tốc độ tăng trưởng cao, tăng hai con số so với cùng kỳ đã góp phần đưa tổng doanh thu chung có mức tăng cao. Cụ thể:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện được 7.290,41 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 112,14%. Cơ cấu các nhóm hàng góp phần vào sự tăng trưởng không có nhiều thay đổi. Lương thực, thực phẩm vẫn là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu bán lẻ và có giá trị tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tăng 10,98%; hàng may mặc tăng 15,87%; đồ dùng gia đình tăng 10,46%; vàng bạc kim loại quý tăng 16,65%. Nhìn chung mức tiêu thụ sản phẩm và không khí đón Tết 2024 diễn ra có phần kém nhộn nhịp so với năm 2023. Tuy lượng sản phẩm dồi dào đa dạng về chủng loại nhưng người dân lại thận trọng trong chi tiêu do cân đối về thu nhập, nên các hoạt động mua bán diễn ra không sôi động như mong đợi làm ảnh hưởng đến doanh thu bán lẻ hàng hóa chung.
- Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành thực hiện được 1.220,26 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 20,64%. Trong đó: Ngành lưu trú, ước tính được 51,42 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 47,63%; ngành ăn uống, ước tính được 1.168,84 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 19,68%.
- Doanh thu ngành dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) được 1.467,01 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước có mức tăng 16,46%.
6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Ước thực hiện tháng 02/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 82.065 nghìn USD so với tháng trước bằng 97,71% và so với cùng kỳ năm trước bằng 83,95%. Tết Nguyên đán diễn ra trong tháng 02 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không được thường xuyên liên tục và có số ngày sản xuất kinh doanh ít hơn nhiều so với tháng trước. Vì vậy làm cho giá trị xuất nhập khẩu trong tháng giảm. Cụ thể:
- Xuất khẩu ước thực hiện được 62.994 nghìn USD, so với tháng trước bằng 99,65% và so với cùng kỳ năm trước bằng 108,18%.
- Nhập khẩu ước thực hiện được 19.071 nghìn USD, so với tháng trước bằng 91,82% và so với cùng kỳ năm trước bằng 48,26%.
Ước thực hiện 02 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 174.451 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 111,76% và so với kế hoạch năm đạt 13,76%. Chia ra:
- Xuất khẩu ước thực hiện được 126.211 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 144,20% và so với kế hoạch năm đạt 15,63%.
- Nhập khẩu ước thực hiện được 39.842 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 64,21% và so với kế hoạch năm đạt 9,53%.
- Uỷ thác xuất khẩu ước thực hiện được 50 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 98,04% và so với kế hoạch năm đạt 15,15%.
- Dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước thực hiện được 8.348 nghìn USD so với cùng kỳ năm trước bằng 129% và so với kế hoạch năm đạt 19,78%.
Những tháng đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu hàng hóa trực tiếp trên địa bàn tỉnh tăng khá cao so với cùng kỳ (tăng 44,20%) chủ yếu là do các nhóm hàng có giá trị lớn tăng cụ thể: nhóm hàng giày dép các loại (chiếm 42,98% tổng giá trị xuất khẩu) tăng 145,19%; hàng hóa khác (chiếm 34,01% tổng giá trị xuất khẩu) tăng 73,71%.
6.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
Hoạt động vận chuyển của các ngành vận tải và dịch vụ vẫn duy trì mức tăng trưởng nhưng ở mức không cao do doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa chung được dự ước sẽ giảm so với tháng trước (Chủ yếu các doanh nghiệp vận chuyển nghỉ Tết). Ước thực hiện tháng 02/2024, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi được 154,16 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,38% và so với cùng kỳ năm trước tăng 21,08%. Trong đó:
- Doanh thu đường bộ thực hiện được 90,02 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 102,37% và so với cùng kỳ năm trước bằng 133,31%.
- Doanh thu đường thủy thực hiện được 31,10 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 99,14% và so với cùng kỳ năm trước bằng 101,61%.
- Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 33,04 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 105,66% và so với cùng kỳ năm trước bằng 113,20%.
Ước thực hiện 02 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi được 304,74 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 117,22%. Trong đó:
- Doanh thu đường bộ thực hiện được 177,95 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 123,24%.
- Doanh thu đường thủy thực hiện được 62,47 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 101,97%.
- Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 64,32 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 118,42%.
6.3.1. Vận chuyển - luân chuyển hàng hóa
Ước thực hiện tháng 02/2024, toàn tỉnh vận chuyển được 500,17 nghìn tấn hàng hóa các loại (81.415,53 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 97,54% (95,75%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 102,55% (97,92%). Trong đó:
- Đường bộ thực hiện được 122,59 nghìn tấn (19.312,52 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 97,57% (97,79%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 108,12% (106,29%).
- Đường sông thực hiện được 377,58 nghìn tấn (62.103,01 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 97,53% (95,13%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 100,87% (95,58%).
Ước thực hiện 02 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh vận chuyển được 1.012,94 nghìn tấn hàng hóa các loại (166.443,62 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 103,03% (121,22%). Chia ra:
- Đường bộ thực hiện được 248,23 nghìn tấn (39.060,76 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 103,84% (104,07%). Hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng doanh thu vận chuyển hàng hóa, hiện đã có mức doanh thu gấp hơn 1,8 lần so với vận tải đường thủy.
- Đường sông thực hiện được 764,71 nghìn tấn (127.382,87 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 102,77% (127,67%).
6.3.2. Vận chuyển - luân chuyển hành khách
Ước thực hiện tháng 02/2024, toàn tỉnh thực hiện được 2.531,82 nghìn lượt hành khách (51.591,23 nghìn HK.km), so với tháng trước bằng 101,72% (105,19%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 102,13% (112,46%). Trong đó:
Đường bộ vận chuyển được 219,26 nghìn lượt hành khách (44.373,33 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 105,95% (105,62%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 116,73% (113,12%).
- Đường sông vận chuyển được 2.312,57 nghìn lượt hành khách (7.217,90 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 101,34% (102,66%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 100,93% (108,55%).
Ước thực hiện 02 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh thực hiện được 5.020,80 nghìn lượt hành khách (100.635,19 nghìn HK.km), so với cùng kỳ năm trước bằng 95,42% (102,08%). Chia ra:
- Đường bộ vận chuyển được 426,21 nghìn lượt hành khách (86.386,55 nghìn HK.km), so với cùng kỳ năm trước bằng 108,08% (102,81%).
- Đường sông vận chuyển được 4.594,59 nghìn lượt hành khách (14.248,63 nghìn HK.km), so với cùng kỳ năm trước bằng 94,40% (97,89%).
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giáo dục
Trong tháng, ngành Giáo dục tập trung vào một số công tác chuyên môn sau:
- Thông báo danh mục sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
- Thành lập Nhóm Huấn luyện viên, Vận động viên các đội tuyển cấp tỉnh tập luyện chuẩn bị tham dự Hội khoẻ Phù Đổng khu vực V năm 2024 tại tỉnh Bến Tre.
- Triển khai Chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030.
- Triển khai Quyết định số 421/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt bổ sung sách giáo khoa lớp 9 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông; Quyết định số 434/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sách giáo khoa môn ngoại ngữ 2 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
- Thông báo kết quả thi học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông năm học 2023-2024. Kết quả đạt 01 giải ba và 05 giải khuyến khích.
7.2. Văn hóa, thể thao
Trong tháng, toàn hệ thống thực hiện công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động Mừng Đảng quang vinh – Mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024; kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2024)... Kết quả: in và lắp mới 6.038m2 pano, 11.100 cờ các loại, 250 băng rol.
Tổ chức Hội thi Nghệ thuật quần chúng tỉnh Hậu Giang năm 2024 tại Công viên Xà No và Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang. Kết quả: Giải nhất huyện Long Mỹ; Giải nhì huyện Vị Thuỷ; Giải ba huyện Châu Thành A và thị xã Long Mỹ; Giải Khuyến khích thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 12 giải tập thể xuất sắc và 14 giải sáng tác, dàn dựng, tiết mục và cá nhân xuất sắc trong hội thi.
Tổ chức biễu diễn chương trình nghệ thuật, chiếu phim phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với 18 suất diễn, 22 buổi chiếu phim, phục vụ 20.200 lượt người xem.
Hoạt động thư viện: Triển lãm, giới thiệu báo Xuân của Trung ương và địa phương, đọc trực tuyến trên website http://baoxuanhaugiang.vuc.vn; Tổ chức các hoạt động trong Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024 được khai mạc vào ngày 05/02 và phục vụ đến ngày 19/02/2024 tại Thư viện tỉnh Hậu Giang, thu hút khoảng 4.450 lượt người đọc sách, tham quan.
Hoạt động Bảo tàng: Triển lãm hình ảnh phục vụ Hội báo xuân Giáp Thìn năm 2024 và Lễ kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2024) với các chuyên đề: Thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng tỉnh Hậu Giang năm 2023; Bản đồ và tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý;… Tiếp 20 đoàn khách tham quan tại các di tích Chiến thắng Chương Thiện tai thành phố Vị Thanh; Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Đền thờ Bác Hồ; Chiến thắng Tầm Vu; Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ Tiểu đoàn Tây Đô, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ,.... Khách đến xem triển lãm và tham quan các di tích, xem trên kênh Youtube Bảo tàng, nhà truyền thống huyện, phòng truyền thống các xã văn hóa đạt 25.685 lượt người.
Lĩnh vực thể dục thể thao: Tổ chức các giải thể thao “Mừng Đảng quang vinh - Mừng xuân Giáp Thìn” năm 2024, gồm 5 giải: giải Aerobic tỉnh, giải Quần vợt tỉnh, giải Đua thuyền rồng tỉnh, giải Lân Sư Rồng tỉnh Hậu Giang mở rộng và giải kickboxing tỉnh Hậu Giang mở rộng. Tham gia giải vô địch Cờ vua nhanh và chớp các nhóm tuổi Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng năm 2024 tại Đồng Tháp, đạt 02 Huy chương vàng, 04 Huy chương bạc và 04 Huy chương đồng.
7.3. Lao động và an sinh xã hội
Trong tháng, giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 2.235 (3.252) lao động, đạt 21,68% kế hoạch năm. Trong đó đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 37(84) lao động, đạt 11,21% kế hoạch.
Giáo dục nghề nghiệp: Đào tạo nghề cho 3.411 (3.991) người. Trong đó: Cao đẳng 52 (52) người; Trung cấp: 359 (359) người; Sơ cấp và dưới 03 tháng: 3.000 (3.580) người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,77%.
Lĩnh vực người có công với cách mạng: Tiếp nhận mới 182(439) hồ sơ các loại (kỳ trước chuyển sang 24 hồ sơ). Đã xét giải quyết 177(437) hồ sơ. Trong đó, đạt 166(416) hồ sơ, không đạt 11(21) hồ sơ. Còn 29 hồ sơ đang trong thời gian xem xét, giải quyết. Giới thiệu 05(09) trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ra Hội đồng Giám định y khoa tỉnh khám giám định tỷ lệ bị nhiễm chất độc hóa học.
Lĩnh vực Bảo trợ xã hội: Toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 41.104 (81.455) lượt đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 23.239,8 (45.788,4) triệu đồng. Hỗ trợ mai táng phí cho 182(317) trường hợp với số tiền 1.310,4(2.282,4) triệu đồng; trợ giúp khẩn cấp cho 08(09) trường hợp với số tiền 131,6(151,6) triệu đồng.
Lĩnh vực Phòng, chống tệ nạn xã hội: Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nội bộ và ra dân được 65 (118) cuộc với 1.645 (2.605) lượt người tham dự. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội qua hình thức phát thanh được 37 (67) cuộc với 236 (361) phút tuyên truyền. Tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh tại thời điểm báo cáo là 756 người; số người nghiện đang có mặt tại cơ sở cai nghiện là 199 người.
7.4. Y tế
Trong tháng, có 26 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết, tăng 07 ca so với tháng trước, cộng dồn là 45 ca, giảm 154 ca so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng có 96 ca mắc mới, giảm 216 ca so với tháng trước, cộng dồn là 414 ca, tăng 345 ca so với cùng kỳ; bệnh sởi, bệnh dịch lạ, bệnh viêm gan do vi rút, quai bị và các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận ca mắc trên địa bàn.
Chương trình tiêm chủng mở rộng: Số trẻ dưới 1 tuổi được miễn dịch đầy đủ trong tháng là 00 trẻ, cộng dồn là 679 trẻ, đạt 6,6%. Tiêm ngừa uốn ván trên thai phụ (VAT2 (+)TP) trong tháng là 00 thai phụ, cộng dồn là 792 thai phụ, đạt 8,7%. Tiêm Sởi - Rubella (Sởi 2) trong tháng là 00 trẻ, cộng dồn là 12 trẻ, đạt 0,1%. Tiêm mũi 3 Viêm não Nhật Bản trong tháng là 00 trẻ, cộng dồn là 75 trẻ, đạt 0,7%.
Chương trình phòng chống HIV/AIDS: Số nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng 09 ca, cộng dồn là 18 ca (tăng 15 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 2.051 ca (số đang quản lý 1.101 ca); số bệnh nhân AIDS phát hiện trong tháng 00 ca, cộng dồn là 00 ca (tương đương cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.048 ca; Số bệnh nhân tử vong do AIDS trong tháng 00 ca, cộng dồn là 00 ca (tương đương với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 616 ca. Số người hiện đang điều trị Methadone 62 người, tổng số bệnh nhân quản lý điều trị ARV là 1.038 bệnh nhân. Tổng số lượt khám phát thuốc trong tháng là 658 lượt, cộng dồn là 1.353 lượt.
Kết quả thực hiện khám chữa bệnh đến tháng 02/2024: Tổng số lần khám là 144.829 lượt, cộng dồn là 284.467 lượt, đạt 18,44% kế hoạch, tăng 17,01% so với cùng kỳ. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 9.899 lượt, cộng dồn là 20.296 lượt, đạt 15,19% kế hoạch, tăng 19,42% so với cùng kỳ. Số ngày điều trị trung bình là 6,47 ngày, tăng 0,62 ngày so với cùng kỳ. Tổng số tai nạn ngộ độc, chấn thương là 1.614 trường hợp, giảm 110 trường hợp so với cùng kỳ.
7.5. Tai nạn giao thông
Trong tháng 02/2024, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 10 người, bị thương 11 người. So với tháng 01/2024, số vụ tăng 09 vụ, số người chết tăng 05 người và số người bị thương tăng 05 người. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ giảm 06 vụ, số người chết giảm 12 người, số người bị thương tăng 09 người. Nguyên nhân do không đi đúng phần đường 03 vụ, không chú ý quan sát 02 vụ, không quan sát 02 vụ, vượt sai 01 vụ, không nhường đường 01 vụ, không chấp hành biển báo cấm 01 vụ và chưa rõ nguyên nhân 08 vụ.
Trong 02 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/02/2024), toàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 15 người, bị thương 17 người. So cùng kỳ năm 2023, số vụ giảm 04 vụ, số người chết giảm 15 người, số người bị thương tăng 14 người.
7.6. Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Tình hình thiên tai: Trong tháng, xảy ra 5 vụ sạt lở, sụt lún đất, với chiều dài sạt lở là 99m, chiều rộng là 21,7m, tổng diện tích mất đất là 443,10m2, ước giá trị thiệt hại là 708 triệu đồng. So với tháng trước, không xảy ra thiên tai. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ sạt lở tăng 01 vụ, ước giá trị thiệt hại tăng 652 triệu đồng.
Tình hình môi trường: Trong tháng không phát sinh số vụ vi phạm môi trường. Tính chung 02 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện và xử lý 06 vụ vi phạm môi trường, với số tiền xử phạt là 15 triệu đồng.
Về công tác phòng, chống cháy, nổ luôn được các ngành chức năng quan tâm thực hiện, định kỳ có kiểm tra, hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh và các đơn vị hành chính, sự nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Vì vậy, tính từ đầu năm đến nay không xảy ra trường hợp cháy, nổ trên địa bàn./.
Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang