(MPI) - Tọa đàm trực tuyến với các doanh nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản lần thứ 48 đã được tổ chức vào chiều ngày 21/3/2024 nhằm tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa doanh nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản với các địa phương Việt Nam cũng như giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp.
|
Tọa đàm trực tuyến với các doanh nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản lần thứ 48 tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tới quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa tỉnh Aichi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua, nhiều cuộc tọa đàm thường niên đã được tổ chức để cập nhật về tình hình đầu tư, kinh doanh kịp thời nhất. Thông qua Aichi Support Desk được thành lập từ năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tích cực hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tỉnh Aichi đang hoạt động tại Việt Nam.
Đầu tư của doanh nghiệp tỉnh Aichi ngày càng tăng về cả số lượng cũng như quy mô, chất lượng dự án. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn của Aichi như Toyota Motor Corp, Denso, Mitsubishi Aireaft, Brother Industries,… cũng đã có nhiều hoạt động đầu tư tại Việt Nam; nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Aichi cũng có các hoạt động tương tự và thu được nhiều kết quả rất tốt.
Ông Nguyễn Anh Tuấn hy vọng rằng thông qua buổi tọa đàm, đầu tư của các doanh nghiệp tỉnh Aichi được tăng cường về quy mô cũng như đa dạng hơn trong các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Trong năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 20,18 tỷ USD (tăng 62,2% so với cùng kỳ) với 3.188 dự án (tăng 56,6%). Nhật Bản cũng là quốc gia đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam trong năm vừa qua với 302 dự án cấp mới và tổng số vốn đăng ký đạt 6.566,04 triệu USD. Về số lượng dự án đăng ký mới, đầu tư Nhật Bản dẫn đầu năm 2018 là Công nghiệp chế biến, chế tạo, năm 2019 là hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và từ năm 2020 là bán buôn và bán lẻ.
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đánh giá Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 trên thế giới và đứng thứ 1 khu vực châu Á; Moody và S&P cũng đánh giá Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia của châu Á có cải thiện về chỉ số tín dụng dài hạn ở mức ổn định, tích cực; Ngân hàng SHBC cũng cho rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Tại Tọa đàm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu khái quát về ưu đãi đầu tư đặc biệt theo Luật Đầu tư và Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt và một số giải pháp Chính phủ Việt Nam đang thực hiện như tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo, triển khai hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ người dân, doanh nghiệp./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư