Thứ hai, 00/00/2023
°

Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/05/2024 - 17:30:00 | 1440 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Ngày 28/5/2024 đã diễn ra Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Văn Thụy cho biết, Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm về lĩnh vực môi trường, từ đó giúp Hội đồng thẩm định có cơ sở thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo cơ sở khoa học và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo Báo cáo ĐMC được trình bày tại Hội thảo, quy hoạch là công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp thành phố Hồ Chí Minh sử dụng để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch thành phố nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Thành phố để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

ĐMC là công cụ, cũng là căn cứ quan trọng để thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, điều hành, xây dựng các văn bản hoạch định phát triển, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, hằng năm. Đây cũng là công cụ định hướng và căn cứ pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài Thành phố tìm kiếm cơ hội phát triển trên địa bàn trong thời kỳ tới. Vì vậy, ĐMC nhằm đánh giá xu thế biến đổi tài nguyên môi trường dưới tác động của phát triển kinh tế - xã hội khi thực hiện Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ mới, từ đó đề xuất ra các giải pháp bảo vệ môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Các trụ cột phát triển kinh tế chủ yếu của thành phố Hồ Chí Minh dựa trên các ngành thương mại - dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, xây dựng hiện đại, kinh tế biển bền vững, gắn với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn.

Phấn đấu tỷ lệ che phủ xanh là khoảng 40%; Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 16%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch là 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị; Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%. Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 90%. Phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050.

Báo cáo cũng nêu ra các thách thức quản lý môi trường đối với thành phố Hồ Chí Minh đó là ngập lụt đô thị; nguồn nước; ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu. Các vấn đề môi trường chính của thành phố là ô nhiễm môi trường không khí; ô nhiễm môi trường kênh rạch; ô nhiễm môi trường do chất thải rắn; ngập lụt đô thị; suy giảm chất lượng và mực nước ngầm; hạ tầng cơ sở bảo vệ môi trường.

Tham gia ý kiến đối với Báo cáo ĐMC của Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch và các chuyên gia, ủy viên phản biện đã đóng góp ý kiến vào các vấn đề như sự phù hợp của các phương pháp đánh giá môi trường chiến lược và phương pháp khác được sử dụng để thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Sự phù hợp về phạm vi đánh giá môi trường chiến lược và thành phần môi trường, di sản thiên nhiên có khả năng bị tác động bởi quy hoạch.

Đồng thời cho ý kiến về sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường; sự phù hợp của kết quả nhận dạng các vấn đề môi trường chính. Đánh giá, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện quy hoạch. Sự phù hợp, tính khả thi của các giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính. Nội dung tham vấn và việc tiếp thu kết quả tham vấn để hoàn thiện đánh giá môi trường chiến lược.

Các ý kiến góp ý cho rằng, Báo cáo đã thể hiện đầy đủ các nội dung của Báo cáo ĐMC; đồng thời đề nghị rà soát, bổ sung các văn bản cơ sở pháp lý của quy hoạch, của ĐMC; bổ sung một số lĩnh vực của phần hiện trạng; bổ sung đánh giá một số vấn đề môi trường của Thành phố đang gặp phải; bổ sung đề xuất cụ thể một số giải pháp, đặc biệt là vấn đề sụt lún, lấn biển, biến đổi khí hậu; phân tích giải pháp để duy trì xu hướng tích cực giảm thiểu xu hướng tiêu cực; năng lực ứng phó thảm họa, sự cố lớn về môi trường...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cảm ơn các ý kiến tham gia góp ý rất sâu sắc, cụ thể và khẳng định, Thành phố sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn thiện Báo cáo ĐMC của quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định, có chất lượng và đúng tiến độ để trình lên các cấp./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác