Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024

Ngày 28/05/2024 - 16:49:00 | 131 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 98.825 doanh nghiệp, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2019-2023 (83.109 doanh nghiệp).

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng năm 2024 là 64.758 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2019-2023 (56.604 doanh nghiệp). Số vốn đăng ký thành lập trong 5 tháng năm 2024 đạt 601.220 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2024 là 1.268.105 tỷ đồng (giảm 9,0% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, số vốn đăng dký của doanh nghiệp thành lập mới là 601.220 tỷ đồng (tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023). Có 18.567 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 5 tháng năm 2024 (giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2023), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 666.885 tỷ đồng (giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2023). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng năm 2024 đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Có 10/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có: Vận tải kho bãi (tăng 20,8%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 11,2%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 9,4%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 7,9%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 6,2%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 4,5%); Kinh doanh bất động sản (tăng 2,2%); Xây dựng (tăng 2,1%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (tăng 1,1%); Thông tin và truyền thông (tăng 0,8%).

Các ngành còn lại có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Giáo dục và đào tạo (giảm 2,7%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (giảm 4,5%); Khai khoáng (giảm 5,8%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 7,2%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 9,8%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 15,1%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (giảm 16,2%) …

Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 59.729 doanh nghiệp (chiếm 92,2%, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 48.685 doanh nghiệp, chiếm 75,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,6% so với năm ngoái. Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 15.443 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 630 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,0% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Có 5/6 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2023: Trung du và miền núi phía Bắc (3.407 doanh nghiệp, tăng 12,0%); Đông Nam Bộ (27.475 doanh nghiệp, tăng 8,4%); Đồng bằng Sông Cửu Long (4.662 doanh nghiệp, tăng 4,7%); Tây Nguyên (1.710 doanh nghiệp, tăng 2,7%); Đồng bằng Sông Hồng (19.984 doanh nghiệp, tăng 0,6%).

Khu vực còn lại có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (7.520 doanh nghiệp, giảm 1,0%).

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng năm 2024 là 426.381 lao động, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2023.

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng năm 2024 là 34.067 doanh nghiệp, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,3 lần mức bình quân giai đoạn 2019-2023 (26.504 doanh nghiệp).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 11/17 lĩnh vực, cụ thể: Kinh doanh bất động sản (1.529 doanh nghiệp, tăng 24,7%); Thông tin và truyền thông (811 doanh nghiệp, tăng 15,9%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (2.637 doanh nghiệp, tăng 8,6%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (488 doanh nghiệp, tăng 6,8%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.955 doanh nghiệp; tăng 5,8%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (175 doanh nghiệp, tăng 4,8%); Hoạt động dịch vụ khác (1.024 doanh nghiệp, tăng 4,5%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.732 doanh nghiệp, tăng 3,2%); Vận tải kho bãi (1.608 doanh nghiệp, tăng 2,6%); Xây dựng (4.336 doanh nghiệp; tăng 2,0%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (11.923 doanh nghiệp, tăng 1,9%).

Các ngành còn lại ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm, cụ thể: Khai khoáng (244 doanh nghiệp, giảm 3,2%); Giáo dục và đào tạo (850 doanh nghiệp, giảm 4,1%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (302 doanh nghiệp, giảm 4,7%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.681 doanh nghiệp, giảm 5,9%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (510 doanh nghiệp, giảm 8,3%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (262 doanh nghiệp, giảm 11,2%).

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong 5 tháng năm 2024 có 97.299 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 67,9%), cụ thể:

- Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 66.072 doanh nghiệp, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 5 tháng năm 2024 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 29.169 doanh nghiệp (chiếm 44,1%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 59.078 doanh nghiệp (chiếm 89,4%, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2023).

- Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 23.262 doanh nghiệp, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 20.386 doanh nghiệp (chiếm 87,6%, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2023).

- Số doanh nghiệp giải thể là 7.965 doanh nghiệp, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 13/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 5 tháng năm 2024 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 5.621 doanh nghiệp (chiếm 70,6%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 6.951 doanh nghiệp (chiếm 87,3%, tăng 10,0% so với cùng kỳ năm 2023).

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5/2024

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tháng 5/2024 có 13.207 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 93.224 tỷ đồng, tăng 9,2% về số doanh nghiệp và giảm 10,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 5/2024, có 5/06 vùng trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2023: Đồng bằng Sông Hồng (4.210 doanh nghiệp, tăng 5,5%); Trung du và miền núi phía Bắc (593 doanh nghiệp, tăng 5,3%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.506 doanh nghiệp, tăng 0,8%); Đông Nam Bộ (5.665 doanh nghiệp, tăng 15,4%); Đồng bằng Sông Cửu Long (923 doanh nghiệp, tăng 12,3%). Các vùng ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2023: Tây Nguyên (310 doanh nghiệp, giảm 3,4%).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2024 là 72.579 người, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 5/2024 ghi nhận có 6.749 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 5/2024, cả nước có 11.391 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có:

- 5.303 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2023;

- 4.550 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2023;

- 1.538 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác