(MPI) - Ngày 11/7/2024, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc dẫn đầu đã thực hiện một số hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tặng quà các gia đình chính sách tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ tại huyện Bắc Mê. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đến thăm hỏi và tặng quà một số gia đình thương binh, liệt sĩ tại huyện Bắc Mê nhân dịp 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Đoàn đã trực tiếp đến thăm và tặng quà gia đình bà Ma Thị So là vợ liệt sĩ tại thôn Nà Cắp, xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Bà So có chồng là liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Đoàn cũng đến thăm và tặng quà gia đình thương binh Đặng Văn Sái và Hoàng Trung Tình tại xã Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang; gia đình bệnh binh Lã Văn Lâm tại thôn Nà Lá, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Trong đó nhiều thương binh, bệnh binh tham gia chiến đấu trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam.
Tại các gia đình thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc thay mặt đoàn ân cần hỏi thăm, chúc sức khỏe và bày tỏ biết ơn sâu sắc tới công lao, sự hy sinh, mất mát của các thương binh, bệnh binh, vợ liệt sĩ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn biết ơn và tri ân sự hy sinh xương máu của các thương binh, các anh hùng liệt sĩ trong những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời mong muốn các gia đình đoàn kết, gương mẫu để động viên con cháu thi đua phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; tích cực tham gia các phong trào hoạt động tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng quà cho 45 thương, bệnh binh của huyện Bắc Mê. Ảnh: MPI |
Cũng trong sáng 11/7, tại Hội trường Trung tâm huyện Bắc Mê, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tặng quà cho 45 thương, bệnh binh của huyện Bắc Mê. Đoàn cũng tặng quà cho 20 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Bắc Mê.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất coi trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, đây cũng là một hình thức để giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, lan tỏa tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Bộ cũng dành nhiều hoạt động tri ân tới các gia đình chính sách tại tỉnh Hà Giang, nơi địa đầu tổ quốc; một trong những nơi ác liệt nhất trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của các thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Thứ trưởng mong muốn các em cố gắng rèn luyện, vươn lên trong học tập, giúp đỡ gia đình.
|
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia Căng Bắc Mê. Ảnh: MPI |
Cũng trong ngày 11/7, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đến thăm và dâng hương ở Khu di tích lịch sử Quốc gia Căng Bắc Mê - di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp - tọa lạc trên sườn núi Rồng thuộc địa bàn thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Căng Bắc Mê được người Pháp xây dựng trước năm 1938 trong thời gian chiếm đóng Hà Giang.
Trong tiếng Pháp, “căng” có nghĩa là đồn lính, trại lính. Nơi đây được xây dựng gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà thông tin được người Pháp xây dựng nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang.
Năm 1938, khi phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển thì thực dân Pháp biến nơi này thành địa điểm giam giữ cán bộ cách mạng, chúng chuyển một số tù nhân chính trị từ Sơn La, Hỏa Lò, Phú Thọ… lên đây giam giữ.
Trong thời gian từ năm 1939 đến 1942, thực dân Pháp đã sử dụng Căng Bắc Mê làm nơi giam tù chính trị. Lúc đông nhất, số lượng tù chính trị bị giam tại đây lên tới gần 300 người, trong đó có các đồng chí: Trần Cung, Trần Các, Trần Hiệu, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Nguyên Hồng, Hoàng Bắc Dũng, Phan Bội (Hoàng Hữu Nam), Hoàng Vọng Bình, Lương Nhân, Hà Kế Tấn, Lê Giản… và một số nữ tù nhân chính trị như Nguyễn Thị Thoa, Trần Thị Khánh, Nguyễn Thị Sửu, Lê Thị Sói… Hiện nay, di ảnh của các đồng chí vẫn được trưng bày tại Di tích.
Đến cuối năm 1945, Căng Bắc Mê được giải phóng cùng với thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư