Thứ hai, 00/00/2023
°

Chính phủ ban hành Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Ngày 19/07/2024 - 15:03:00 | 1979 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Ngày 18/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2024/NĐ-CP về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 (Luật Hợp tác xã 2023), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Hợp tác xã năm 2023 đã có những bước cải cách đáng kể theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường bằng việc cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường "hậu kiểm", tạo sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp.

Luật Hợp tác xã 2023 đã giao Chính phủ quy định chi tiết một số quy định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gồm: Khoản 3 Điều 41; Khoản 2 Điều 44; Khoản 3 Điều 47; Khoản 4 Điều 48; Khoản 7 Điều 50; Khoản 5 Điều 55; Khoản 4 Điều 96; Khoản 8 Điều 98; Khoản 4 Điều 99; Khoản 2 Điều 103; Khoản 5 Điều 104; Khoản 5 Điều 107.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Hợp tác xã năm 2023, đồng thời khắc phục bất cập trong quy định pháp luật và hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tạo tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Việc xây dựng Nghị định nhằm mục đích hướng dẫn, quy định chi tiết, đầy đủ các nội dung về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được giao tại Luật Hợp tác xã năm 2023 nhằm nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào cuộc sống.

Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký hợp tác xã theo hướng cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Trước đây, việc đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã và Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT ngày 08/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT. Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT và đặc biệt là Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT với quy định về liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hợp tác xã đã tạo ra những cải cách đột phá trong lĩnh vực đăng ký hợp tác xã, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được cộng đồng hợp tác xã đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành các văn bản nêu trên đã bộc lộ một số bất cập. Cụ thể là một số quy định về thành phần hồ sơ còn phức tạp, không thực sự cần thiết hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về hợp tác xã (ví dụ: yêu cầu nộp lại bản gốc/bản chính giấy chứng nhận đăng ký đã được cấp khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký mới; yêu cầu nộp lại con dấu và bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể; yêu cầu nộp Giấy xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu của hợp tác xã trong hồ sơ đăng ký giải thể tự nguyện…); Thiếu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp tục kinh doanh trở lại của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các đơn vị phụ thuộc; Phương thức đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã qua mạng thông tin điện tử chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Từ các vấn đề nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng và hoàn thành Nghị định nhằm thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ được giao tại Luật Hợp tác xã năm 2023 đồng thời khắc phục bất cập trong quy định pháp luật hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tạo tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển.

Một số điểm mới tại dự thảo Nghị định gồm: Một là, quy định cụ thể về cơ quan đăng ký kinh doanh đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012 thì hợp tác xã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện; trong khi đó, liên hiệp hợp tác xã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

Tại Luật Hợp tác xã năm 2023, khoản 3 Điều 41 Luật này giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ quan đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, Luật Hợp tác xã năm 2023 đã bổ sung quy định về các đối tượng tổ hợp tác phải đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật, căn cứ Quyết định số 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định quy định cơ quan đăng ký kinh doanh đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện bao gồm Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội (ví dụ thành phố Thủ Đức).

Hai là, thực hiện Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và quy định tại khoản 4 Điều 114 Luật Hợp tác xã năm 2023, Nghị định đã bổ sung quy định về việc sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Theo đó, trường hợp người thực hiện thủ tục đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kê khai số định danh cá nhân thì có thể cắt giảm được phần lớn thông tin cá nhân phải kê khai trên cơ sở khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Ba là, sửa đổi quy định về đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã qua mạng điện tử theo hướng người nộp hồ sơ sử dụng tài khoản định danh điện tử và chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử để đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên môi trường điện tử, bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.

Bốn là, bổ sung quy định về việc xử lý các trường hợp thực hiện không đúng quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục hoặc thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thay đổi là giả mạo hoặc thông tin kê khai trong hồ sơ không trung thực, không chính xác; về việc chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị yêu cầu thay đổi tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quyền đề nghị thu hồi hoặc hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã khi xác định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là giả mạo; quy định tình trạng pháp lý của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Năm là, bám sát quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị định và đảm bảo tính tương thích với các quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ hợp tác quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã, Nghị định quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký tổ hợp tác trong các trường hợp sau: (i) đăng ký thành lập tổ hợp tác; (ii) đăng ký thay đổi nội dung đăng ký tổ hợp tác; (iii) đăng ký chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã; (iv) thông báo tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trở lại; (v) thu hồi, khôi phục Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác; (vi) chấm dứt hoạt động tổ hợp tác. Bên cạnh đó, các quy định chung về cơ quan đăng ký kinh doanh; sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký; ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký; đăng ký trên môi trường điện tử; ghi ngành, nghề kinh doanh; tên trùng, tên gây nhầm lẫn; tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký… cũng được áp dụng đối với tổ hợp tác tương tự như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định các tổ hợp tác đã đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định này thì không phải thực hiện thủ tục thông báo tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác nhằm tránh việc tổ hợp tác phải thực hiện trùng lặp thủ tục hành chính tại hai cơ quan./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác