(MPI) - Thực hiện Quyết định số 378/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định liên ngành đã họp, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp.
Tham dự phiên họp có đại diện các bộ, ngành là thành viên, gồm: Giao thông vận tải; Tư pháp; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Công an; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Về phía địa phương có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh tham dự phiên họp.
|
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị Trịnh Đức Trọng trình bày dự thảo thẩm định của cơ quan thường trực Hội đồng. Ảnh: MPI |
Tại phiên họp, đại diện UBND tỉnh Thái Bình đã trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư; Thường trực Hội đồng thẩm định (Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo thẩm định.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình với chiều dài khoảng 60,9 km, tổng mức đầu tư 19.784,55 tỷ đồng, trong đó, trên địa bàn tỉnh Nam Định 27,6 km, trên địa bàn tỉnh Thái Bình 33,3 km. Điểm đầu Dự án tại Km 19+300 tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Điểm cuối tại khoảng Km80+200 tại nút giao giữa quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Quy mô đầu tư: Đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường bề cao tốc (TCVN 5729:2012), 04 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường nền=24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h. Địa điểm thực hiện: tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình; Dự kiến thời gian thực hiện Dự án: Từ năm 2023 đến năm 2027.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Tham gia ý kiến, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào nội dung cụ thể của hồ sơ như sự phù hợp với căn cứ pháp lý; đánh giá sự phù hợp của báo cáo nghiên cứu khả thi đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các ý kiến cho rằng, dự án phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, quy hoạch tỉnh Thái Bình, tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng và Dự án đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Các ý kiến cũng tập trung đánh giá tác động của việc thực hiện dự án đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án; sự phù hợp với các mục tiêu tổng thể và mục tiêu cụ thể; lợi thế của việc đầu tư theo PPP; hiệu quả kinh tế - xã hội; nguồn thu và khả năng thu hồi vốn; sự phù hợp của các nội dung về lựa chọn nhà đầu tư; kế hoạch triển khai dự án, cơ chế giám sát và quản lý dự án;…
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện tỉnh Thái Bình, Nam Định cảm ơn ý kiến góp ý của các bộ, ngành; làm rõ hơn các nội dung còn băn khoăn và khẳng định, đây là dự án quan trọng của hai địa phương; nếu đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung Bộ. Xác định được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Dự án, các địa phương nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến được Hội đồng thẩm định nêu; mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành trong quá trình hoàn thiện Báo cáo.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm; nhấn mạnh đến các nội dung cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ; rà soát, thống nhất thông tin, số liệu báo cáo; rà soát, tính toán mức giá, điều chỉnh giá theo quy định của Luật PPP; các chỉ tiêu tài chính; khả năng cung ứng các nguồn vật liệu xây dựng;…
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Thái Bình và cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư nhằm từng bước hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Kết nối đường bộ cao tốc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh; tạo động lực phát triển các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đáp ứng kịp thời khi có sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu trong khu vực; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư