Tình hình kinh tế - chính trị thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, xung đột Nga - Ucraina và phản ứng của các nước lớn; chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước ảnh hưởng rõ nét đến sản xuất, kinh doanh, của Việt Nam nói chung và Tiền Giang. Với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ đầu năm 2024 Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng địa phương; chỉ đạo, điều hành sâu sát, tập trung và có hiệu quả hơn, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các ngành các cấp; tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục phát triển ổn định, một số chỉ tiêu tăng trưởng hơn cùng kỳ năm trước.
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP):
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 32.976 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) tăng 5,56% so với 6 tháng đầu năm 2023, quí I tăng 4,47%, quí II tăng 6,63%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,32%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,07% và khu vực dịch vụ tăng 6,59% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,73% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,86% so cùng kỳ. Trong 5,56% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,19%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,04%, khu vực dịch vụ đóng góp 1,99% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,34%. GRDP nếu tính theo giá hiện hành đạt 63.784 tỷ đồng.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,32% so với 6 tháng đầu năm 2023 (cùng kỳ tăng 1,7%); trong đó nông nghiệp tăng 3,73%. Hạn mặn năn nay đến sớm hơn và xâm nhập sâu hơn cùng kỳ của các năm trước; Nhưng công tác phòng chống hạn mặn được chủ động, triển khai thực hiện ngay từ rất sớm, nông dân tuân thủ theo lịch thời vụ đã khuyến cáo, nên hầu hết diện tích gieo trồng đã được thu hoạch, tránh được tác động của hạn mặn. Trà lúa Đông Xuân năm nay phát triển tốt, chính thức xuống giống được 44.883 ha, đạt 100,4% kế hoạch và giảm 6,9% so cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 70,2 tạ/ha, tăng 0,6% so cùng kỳ (tăng 0,4 tạ/ha); sản lượng thu hoạch 315.030 tấn, đạt 100,8% kế hoạch và giảm 6,3% so cùng kỳ; Nhưng do diện tích gieo sạ giảm 3.319,3 ha, chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp là 57,92 ha, cây hàng năm khác 659,33 ha, cây lâu năm 2.577,23 ha, nuôi thủy sản 01 ha và không sản xuất là 23,8 ha. Diện tích gieo trồng giảm hầu hết ở các huyện trong đó: TX. Gò Công giảm 142,44 ha, TX Cai Lậy giảm 72,89 ha, Tân Phước giảm 23,2 ha, Cái Bè giảm 1.835 ha, Cai Lậy giảm 446,57 ha, Châu Thành giảm 365,1 ha, Chợ Gạo 24,27 ha, Gò Công Tây giảm 285,11 ha và Gò Công Đông giảm 124,7 ha; Nên sản lượng lúa thu hoạch giảm 6,3% so cùng kỳ.
Lĩnh vực chăn nuôi, dịch bệnh còn xảy ra ở một số địa phương, gây tâm lý lo lắng cho người nuôi, giá bán sản phẩm đầu ra không tăng, trong khi giá thức ăn nằm ở mức cao, nên người nuôi lãi không nhiều, không kích thích nông dân tập trung đầu tư, nên tổng đàn giảm so cùng kỳ. Ước đến thời điểm 01/6/2024 tổng đàn gia súc gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 120 nghìn con, giảm 3,03%, đàn lợn 290 nghìn con, giảm 5% và đàn gia cầm 16,57 triệu con, tăng 2,53% so cùng kỳ.
Ngành thủy sản tăng 1,23% so cùng kỳ, sản lượng nuôi trồng và khai thác đều tăng, sản lượng nuôi trồng tăng 1,2% và sản lượng khai thác tăng 5%.
Khu vực công nghiệp - xây dựng: tăng 7,07% so với 6 tháng đầu năm 2023; trong đó công nghiệp tăng 6,19%. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do tác động của hậu dịch Covid-19, kinh tế thế giới suy giảm, cuộc chiến giữa Nga và Ucraina làm cho giá nhiên liệu tăng, lạm phát tăng cao. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu hồi phục tích cực, tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước, quí I tăng 4,99%, quí II tăng 7,32% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng là do trong kỳ có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động; một số ngành cùng kỳ giảm, nhưng năm nay bắt đầu tăng trở lại; các ngành có chỉ số sản xuất tăng khá như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 19,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 71,56%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,36%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 24,06% so với cùng kỳ, do nhà nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 05/2023 ... Tuy nhiên cũng có một số ngành giảm hoặc tăng thấp, làm chậm đà tăng trưởng của ngành công nghiệp như: Sản xuất trang phục giảm 19,82%; dệt giảm 3,11%; Sản xuất đồ uống giảm 3,94% ...
Ngành xây dựng tăng 11,71%, là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2024. Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp từng bước khôi phục, ổn định trở lại nên tái đầu tư mở rộng sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương đang được triển khai thi công, cộng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đã góp phần làm cho hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng khá so cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ: tăng 6,73% so cùng kỳ; tất cả các ngành trong khu vực này đều tăng, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trong kỳ tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tăng khá như: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 8,74%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 16,24%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 7,51%; Hoạt động động vận tải kho bãi tăng 14,93%, so với cùng kỳ, do có 02 hãng taxi mới đi vào hoạt động trên địa bàn là Saigon taxi và Xanh SM; việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông làm cho nhu cầu sử phương tiện vận tải công cộng tăng, đã thúc đẩy dịch vụ vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh tăng. Trong khu vực dịch vụ ngành nghệ thuật vui chơi và giải trí có tốc độ tăng thấp nhất, chỉ tăng 0,32% so cùng kỳ, trong đó hoạt động xổ số chỉ bằng 99,36% so cùng kỳ (chiếm tỷ trọng 70,6% trong ngành nghệ thuật vui chơi và giải trí). Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,86% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 37,6% (cùng kỳ 38,4%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 27% (cùng kỳ 27,1%); khu vực dịch vụ chiếm 29,7% (cùng kỳ 28,8%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,7% tương đương so cùng kỳ.
2. Tài chính - Ngân hàng:
a. Tài chính:
Thu ngân sách nhà nước: Trong những tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn thách thức như: thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, khó lường; các yếu tố chi phí đầu vào tăng; lạm phát, lãi suất ngân hàng và tỷ giá tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân; Tuy nhiên các ngành, các cấp thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nên thu ngân sách của tỉnh tăng so cùng kỳ. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 thu được 13.428 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 6.078 tỷ đồng, đạt 69,1% dự toán và tăng 23,1% so cùng kỳ; thu nội địa 5.943 tỷ đồng, đạt 69,7% dự toán, tăng 24,4% so cùng kỳ (trong đó, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.730 tỷ đồng, đạt 83,2% dự toán năm và tăng 22,6% so với cùng kỳ; thu từ khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh là 1.094 tỷ đồng, đạt 90,4% dự toán, tăng 87,1% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 1.175 tỷ đồng, đạt 64,2% dự toán, tăng 16,7% so cùng kỳ.
Chi ngân sách nhà nước: Tổng chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 là 9.553 tỷ đồng, đạt 64,6% kế hoạch và tăng 25,3% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 2.801 tỷ đồng, đạt 57,4% dự toán, giảm 0,6%; chi hành chính sự nghiệp 3.775 tỷ đồng, đạt 45,2% dự toán và tăng 20,5% so cùng kỳ.
b. Ngân hàng:
Kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, rủi ro bất ổn thị trường tài chính tăng cao, nhiều quốc gia tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Hoạt động tiền tệ ổn định, mức lãi suất tiếp tục giữ nguyên tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế; đồng thời tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Ước tính đến cuối tháng 6/2024 vốn huy động đạt 100.651 tỷ đồng, tăng 3.769 tỷ, tăng 3,9% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 101.994 tỷ đồng, tăng 1.966 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2023.
Nợ xấu: đến cuối tháng 6/2024, ước tính là 2.031 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,99%, tăng 0,38% so với cuối năm 2023.
Quỹ tín dụng nhân dân: đến cuối 5/2024, tổng nguồn vốn huy động đạt 1.661 tỷ đồng, tăng 115 tỷ, tăng 7,5%. Tổng dư nợ cho vay đạt 1.190 tỷ đồng, tăng 45 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2023, đã giải quyết cho vay 4.570 lượt thành viên vay vốn. Nợ xấu, số dư 5,3 tỷ đồng, chiếm 0,45% tổng dư nợ và tăng 0,11% so cuối năm 2023.
3. Giá cả, lạm phát:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,21% (khu vực thành thị tăng 0,16%; khu vực nông thôn tăng 0,23%) so tháng 5/2024, tăng 5,14% so tháng 6/2023. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,52% so cùng kỳ năm trước.
So với tháng 05/2024, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 09 nhóm tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1% (trong đó: thực phẩm tăng 1,35%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,78% và lương thực giảm 0,14%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,71%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,41%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; bưu chính viễn thông tăng 0,03%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,29% và hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,11%. Có 01 nhóm giảm: nhóm giao thông giảm 2,79%. Riêng nhóm giáo dục có chỉ số giá ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm 2024 so cùng kỳ tăng 4,52%; Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tăng chủ yếu: giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023; tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh tăng mức bán lẻ điện bình quân (theo QĐ 2941/QĐ-BCT ngày 09/11/2023); giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu tăng. Ngoài ra còn một số yếu tố khác tác động đến chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 như: giá vàng và tỷ giá Đô la Mỹ tăng cao; căng thẳng địa chính trị của một số nước trên thế giới Nga- Uraina, biển đỏ….
Một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhiều trong 6 tháng năm 2024 so cùng kỳ như: nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng 7,45%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 7%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,05%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,74%;...
4. Đầu tư và Xây dựng:
Tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình chuyển tiếp, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ, đấu thầu đưa vào chuẩn bị khởi động xây dựng các công trình mới, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kịp thời, đây là nguồn lực quan trọng để khôi phục kinh tế - xã hội.
Ngày 24/3/2024, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư. Tại Hội nghị, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, Chủ trương nghiên cứu dự án cho 10 dự án đầu tư. Đồng thời, tỉnh Tiền Giang cũng đã giới thiệu 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực như: Phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án); thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án); công nghiệp (12 dự án); kết cấu hạ tầng: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án) và nông nghiệp (3 dự án).
Vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 6 tháng đạt 20.683 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch, tăng 11,7% so cùng kỳ; trong đó: vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 12.644 tỷ đồng, tăng 16,9%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.045 tỷ đồng, bằng 88,2%, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước 5.994 tỷ đồng, tăng 11,3% so cùng kỳ.
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện đạt 2.216 tỷ đồng, đạt 44,7% kế hoạch, bằng 87,3% so cùng kỳ; gồm có: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.844 tỷ đồng, bằng 89,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 319 tỷ đồng, bằng 97,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 54 tỷ đồng, tăng 36,6% so cùng kỳ.
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:
Theo số liệu báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ước thực hiện sáu tháng đầu năm có 424 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 47,6% kế hoạch và tăng 4,2% so cùng kỳ (trong đó, có 25 doanh nghiệp phát triển từ hộ kinh doanh); vốn đăng ký 2.771 tỷ đồng, tăng 2,4% so cùng kỳ, bình quân vốn đăng ký mới 1 doanh nghiệp là 6,5 tỷ đồng/doanh nghiêp. Có 383 đơn vị trực thuộc thành lập mới (gồm 89 chi nhánh, 270 địa điểm kinh doanh, 24 văn phòng đại diện), giảm 2,8% so cùng kỳ. Có 45 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn, giảm 34,8%; 54 doanh nghiệp hoàn tất giải thể, giảm 1,8% và 95 đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động, giảm 46,4% so cùng kỳ. Ngược lại, có 197 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 16,9% so cùng kỳ. Lũy kế đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có 6.085 doanh nghiệp và 5.103 đơn vị trực thuộc hoạt động.
6. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản:
Tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 được duy trì ổn định, hàng hóa nông sản đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Công tác phòng chống hạn mặn mùa khô 2023 - 2024 đã được chủ động thực hiện ngay từ rất sớm nên nguồn nước phục vụ dân sinh, trồng trọt và chăn nuôi được đảm bảo, các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
a. Nông nghiệp:
* Trồng trọt:
Cây lương thực có hạt: 6 tháng đầu năm 2024, gieo trồng được 107.276 ha, đạt 94,2% kế hoạch, giảm 9,1% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 440.448 tấn, đạt 62,8% kế hoạch, giảm 8,6% so cùng kỳ chủ yếu là do diện tích gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 giảm 6,9%; trong đó: cây lúa gieo sạ 105.871 ha, thu hoạch 64.863 ha với sản lượng 436.147 tấn, đạt 62,9% kế hoạch.
- Cây lúa:
+ Vụ Đông Xuân 2023 - 2024 chính thức gieo trồng được 44.883 ha, đạt 100,4% kế hoạch, giảm 6,9% (giảm 3.319 ha) so cùng kỳ; năng suất thu hoạch bình quân đạt 70,2 tạ/ha, tăng 0,6% (tăng 0,4 tạ/ha) so cùng kỳ, vùng lúa phía đông năng suất bình quân đạt 67,2 tạ/ha, phía tây là 73,6 tạ/ha; thu hoạch 100% diện tích với sản lượng 315.030 tấn, giảm 6,3% (giảm 21.287 tấn) do diện tích gieo trồng giảm 6,9% so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng giảm do chuyển đổi 2.577,2 ha đất trồng lúa sang đất cây lâu năm, 659,3 ha trồng cây hàng năm khác, 57,9 ha đất phi nông nghiệp (xây dựng, cơ sở hạ tầng,..), 23,8 ha không sản xuất và một ha đất nuôi trồng thủy sản. Diện tích gieo trồng giảm hầu hết ở các huyện, trong đó: huyện Cái Bè giảm 1.835 ha, huyện Cai Lậy 446,6 ha, huyện Châu Thành giảm 365,1 ha, huyện Gò Công Tây giảm 285,1 ha, TP. Gò Công giảm 142,4 ha, Gò Công Đông giảm 124,7 ha, TX. Cai Lậy giảm 72,9 ha, huyện Chợ Gạo 24,3 ha, huyện Tân Phước giảm 23,2 ha. Vụ Đông Xuân 2023- 2024 được triển khai thực hiện sớm hơn so cùng kỳ để né hạn mặn trong mùa khô, và thời tiết thuận lợi cho sản xuất, nguồn nước đầy đủ, chất lượng nước tốt giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt,…
+ Vụ Hè Thu (gồm Xuân Hè và Hè Thu): tính đến giữa tháng Sáu, gieo cấy được 27.888 ha, nâng diện tích gieo trồng vụ lúa Hè Thu đạt 60.988 ha, giảm 10,7% cùng kỳ. Tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do thời tiết nắng nóng, thiếu nước và mưa đến muộn. Do lúa hè thu sinh trưởng trong điều kiện nắng nóng, nền nhiệt cao nên các địa phương đã khuyến cáo nông dân chọn gieo trồng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và tuân thủ lịch xuống giống. Diện tích thu hoạch chủ yếu là lúa Xuân hè với 19.980 ha chủ yếu ở các huyện phía tây gồm: Cai Lậy 5.864 ha, Cái Bè 5.069 ha, Tân Phước 4.791 ha, thị xã Cai Lậy 2.991 ha và Châu Thành 1.265 ha), giảm 12,7% so cùng kỳ (giảm 2.898 ha); năng suất bình quân ước đạt 60,6 tạ/ha, giảm 1,6% (giảm 01 tạ/ha); sản lượng đạt 121.117 tấn, giảm 14,1% (giảm 19.803 tấn), nguyên nhân là do năng suất giảm 1,6% và diện tích thu hoạch giảm 12,7% (chuyển đổi đất lúa sang đất vườn: trồng sầu riêng, mít…) làm sản lượng lúa Xuân Hè giảm.
- Cây ngô: tính đến giữa tháng 6 năm 2024, gieo trồng được 1.405 ha, giảm 4,6% so cùng kỳ (giảm 68 ha) do chuyển đổi sang trồng cây lâu năm; thu hoạch 1.203 ha, giảm 6,9% (giảm 89 ha) so cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 36,1 tạ/ha, tăng 0,3% so cùng kỳ với sản lượng 4.341 tấn, giảm 6,6% (giảm 309 tấn) so cùng kỳ do quá trình đô thị hóa và chuyển sang trồng cây lâu năm dẫn đến diện tích gieo trồng giảm.
Cây rau đậu các loại: tính đến giữa tháng 6, tiến độ gieo trồng được 35.065 ha, giảm 0,5% so cùng kỳ; thu hoạch 31.022 ha, tăng 0,1% với sản lượng 663.986 tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại gieo trồng 34.905 ha, giảm 0,5%, thu hoạch 30.900 ha, tăng 0,2% với sản lượng 663.615 tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ, tương ứng tăng 13.446 tấn. Diện tích rau màu của tỉnh được trồng ở 11 huyện, thành phố và thị xã, nhưng tập trung nhiều nhất ở: TP Gò Công, huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông; các loại rau màu có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng được người dân canh tác thường xuyên như: rau muống, bầu, mướp, bí xanh, mướp đắng (khổ qua), dưa leo, cải các loại, hành lá, dưa hấu và các loại rau cải ngắn ngày khác.
Cây lâu năm: thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó, tập trung vào phát triển cây ăn trái. Ở các huyện phía Đông, nông dân đã chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái như: Thanh long, bưởi da xanh... Ở các huyện phía Tây, người dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, mít Thái… Do đó, diện tích cây ăn trái không ngừng tăng. Nhiều loại trái đã được xây dựng thương hiệu, xuất khẩu đi các nước như: Sầu riêng, thanh long, vú sữa, xoài cát Hòa Lộc… Tổng diện tích trồng cây lâu năm ước tính đến tháng 6 năm 2024 đạt 109.107 ha, đạt 102,4% kế hoạch (kế hoạch 106.595 ha), tăng 2,3% (tăng 2.474 ha) so cùng kỳ; trong đó diện tích cây ăn quả là 85.528 ha, chiếm 78,4% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 2,1% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch cây lâu năm ước tính 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.079.772 tấn, đạt 53% kế hoạch (kế hoạch 2.036.960 tấn), tăng 4,4% so cùng kỳ (tăng 41.770,5 tấn); trong đó sản lượng cây ăn quả ước đạt 903.823 tấn, tăng 4% so cùng kỳ (tăng 34.724 tấn).
* Chăn nuôi: ước thời điểm 01/6/2024 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 120 ngàn con, giảm 3,0%; đàn lợn 290 ngàn con, giảm 5%; đàn gia cầm 16,6 triệu con, tăng 2,5%. Đàn bò giảm do thịt bò cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu chính ngạch ngày càng rẻ, lại phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhiều người, làm chăn nuôi bò trở nên khó khăn, không thu hút người chăn nuôi đầu tư phát triển sản xuất; Đàn lợn giảm do chi phí giá cho con giống cao, dịch bệnh xảy ra ở nhiều địa phương, nguồn vốn hạn hẹp, hiệu quả chăn nuôi lợn thấp nên việc tái đàn nhìn chung vẫn còn chậm; Chăn nuôi gia cầm tăng do giá gia cầm đầu ra ổn định, người nuôi có lãi và dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó ngành du lịch đang dần phục hồi, các nhà hàng và bếp ăn công ty tiêu thụ ổn định trở lại.
* Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi: Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang:
Bệnh cúm gia cầm: trong 6 tháng, ghi nhận 02 đàn gia cầm tại xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây và xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành đã xác định dương tính với vi rút cúm A/H5N1, đã tiêu hủy 2.121 con.
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: trong 6 tháng, ghi nhận 51 hộ có lợn mắc bệnh với số lượng 774 con/tổng đàn 2.234 con tại 21 xã/08 huyện (Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Tân Phú Đông); đã tiêu hủy 1.623 con với khối lượng 74,7 tấn.
Bệnh viêm da nổi cục: trong 6 tháng, ghi nhận 05 hộ có bò bệnh tại 04 xã/03 huyện (Chợ Gạo, Gò Công Tây và Tân Phú Đông) với 05 con bò bệnh/tổng đàn 23 con.
b. Lâm nghiệp:
Tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 1.640 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), trong đó rừng phòng hộ 1.322 ha (huyện Gò Công Đông 380 ha; huyện Tân Phú Đông 890 ha và huyện Tân Phước 52 ha), rừng sản xuất 318 ha.
Cây phân tán: ước 6 tháng đầu năm thực hiện trồng mới được 127,6 ngàn cây phân tán, giảm 12,6% so cùng kỳ. Người dân trồng cây phân tán xung quanh bờ kênh, trên những tuyến đường đi ở huyện ở Cái Bè, Tân Phước, Chợ Gạo, Thị xã Gò Công, Gò Công Đông. Các loại cây chủ yếu được trồng là cây bạch đàn cao sản và tràm bông vàng.
Khai thác gỗ: ước tính 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác gỗ được 15.283 m3, bằng 93,6% so cùng kỳ. Các loại gỗ được khai thác chủ yếu từ các loại cây như: Bạch đàn cao sản, dầu gió, tràm lanh.
Khai thác củi: ước 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh khai thác được 65.335 Ste củi các loại bằng 90,3% so cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác giảm do hộ dân chỉ khai thác một số cây ăn quả đã già không cho trái, cho ít trái chuyển sang trồng cây ăn quả như: sầu riêng, mít, chanh, dừa, cam, bưởi, khóm (dứa).
c. Thủy hải sản:
Diện tích nuôi trồng thủy sản các loại 6 tháng, thả nuôi 12.546 ha, giảm 1,7% so cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi tôm đạt 5.972 ha, tương đương so cùng kỳ; diện tích nuôi cá đạt 3.554 ha, giảm 0,9% so cùng kỳ; thủy sản khác đạt 3.020 ha, giảm 5,9% so cùng kỳ.
Sản lượng thủy sản thu hoạch 6 tháng đạt 145.908 tấn, tăng 2,4%; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 98.384 tấn, tăng 1,2%; sản lượng khai thác 47.524 tấn, tăng 5%.
d. Nông thôn mới:
Ước tính đến cuối tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có 138/138 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đã trừ 04 xã thuộc thành phố Gò Công: Long Hưng, Long Chánh, Long Hòa, Long Thuận, đã được chuyển thành phường), trong đó có 12 xã nông thôn mới nâng cao (kế hoạch 10 xã), bình quân đạt được 12,3 tiêu chí; Xã nông thôn mới kiểu mẫu phấn đấu đạt 09 xã (kế hoạch 07 xã). Huyện nông thôn mới: huyện Tân Phước đạt 03/04 điều kiện, đạt 09/09 tiêu chí; huyện Tân Phú Đông đạt 02/04 điều kiện, đạt 03/09 tiêu chí; huyện nông thôn mới nâng cao: huyện Chợ Gạo đạt 05/09 tiêu chí và huyện Gò Công Đông đạt 03/09 tiêu chí.
7. Sản xuất công nghiệp:
Tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng hơn so cùng kỳ, nhưng vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp sản xuất ngành: đồ uống; dệt; sản xuất trang phục đang gặp khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm.
Chỉ số công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 9,26% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,02%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 24,06%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,38% so cùng kỳ.
Sản phẩm sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2024: Có 35/51 sản phẩm tăng so cùng kỳ: dây thép không gỉ tăng 74,9%; điện thương phẩm tăng 14,7%; nước uống được tăng 12%; bóng thể thao khác tăng 11,9%; thức ăn cho gia súc tăng 7,4%; thức ăn cho thủy sản tăng 6%;... Có 16/51 sản phẩm giảm so cùng kỳ: bia đóng chai giảm 18,1%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên giảm 17,6%; Túi xách giảm 11,1%; Giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 4,3%;…
* Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:
- Chỉ số tiêu thụ 6 tháng đầu năm tăng 9,9%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 29,1%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 86,48%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic tăng 38,59%; sản xuất kim loại tăng 2,64%;…Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ: dệt giảm 7,4%; sản xuất trang phục giảm 21,31%; sản xuất da giảm 5,93%, trong đó sản xuất giày dép giảm 4,11%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 24,87%;...
- Chỉ số tồn kho tháng 6/2024 so với tháng trước tăng 4,89% và tăng 7,02% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 64,76%, trong đó chế biến, bảo quản thủy sản tăng 56,22%; sản xuất da tăng 0,52%, trong đó sản xuất giày dép tăng 4,84%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 30,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,23%;... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: dệt giảm 41,66%, trong đó sản xuất hàng may sẳn giảm 62,93%; sản xuất trang phục giảm 30,58%; sản xuất kim loại giảm 37,32%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẳn giảm 48,41%; sản xuất thiết bị điện giảm 44,35%, trong đó sản xuất mô tơ điện giảm 45,76%; chế biến, chế tạo khác giảm 20,66%, trong đó sản xuất đồ chơi, trò chơi giảm 20,66%;…
Tình hình hoạt động các khu - cụm công nghiệp:
- Khu công nghiệp: Đến cuối tháng 6/2024, tổng số dự án đầu tư tại các khu công nghiệp là 112 dự án (trong đó có 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư là 2,6 tỷ USD và 4.487 tỷ đồng. Diện tích đất cho thuê đạt 551,4/1.116 ha, chiếm tỷ lệ 49,4% diện tích đất công nghiệp cho thuê.
- Cụm công nghiệp:
Số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 68 dự án (trong đó: có 6 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 0,2 tỷ USD và 998,2 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 45,7 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 58,9%.
8. Thương mại, dịch vụ:
a. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:
Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường dồi dào, các đơn vị phân phối lớn đã chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu và hàng hóa khác phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp lễ, Tết Nguyên đán. Giá cả thị trường được kiểm soát, mặc dù một vài mặt hàng có tăng hoặc giảm giá nhưng ở mức biến độ không lớn.
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024, đạt 44.221 tỷ đồng, đạt 49,7% kế hoạch, tăng 9,7% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 34.030 tỷ đồng, tăng 8,5%; lưu trú, ăn uống 4.444 tỷ đồng, tăng 28,7%; du lịch lữ hành 117 tỷ đồng, tăng 39%; dịch vụ tiêu dùng 5.630 tỷ đồng, tăng 3,9% so cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến tăng 4,97% so cùng kỳ.
b. Xuất - Nhập khẩu: (Theo báo cáo Sở Công Thương)
Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gây gắt hơn; xung đột Nga - Ucraina tiếp tục kéo dài, đặc biệt là xung đột tại Biển Đỏ, dải Gaza leo thang gia tăng rủi ro với an toàn hàng hải, chuỗi cung ứng hàng hóa đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp do các hãng vận tải biển tăng giá cước vận tải để bù đắp chi phí gia tăng do chuyển hướng tàu khỏi Biển Đỏ. Xuất khẩu đối mặt với các thách thức, nhưng nhờ các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả như sau:
* Xuất khẩu:
Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có nhiều khởi sắc và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước 2.966 triệu USD, đạt 59,32% kế hoạch, tăng 10,9% so cùng kỳ; trong đó: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 88,6%, tăng 53% so với cùng kỳ.
Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong 6 tháng đầu năm 2024.
- Nhóm hàng nông, thuỷ sản ước đạt 252,6 triệu USD, chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thủy sản xuất ước đạt 69.183 tấn, tăng 5,12% ; giá trị xuất đạt 164,59 triệu USD, tăng 7,9% so cùng kỳ; gạo ước đạt 81.218 tấn, giảm 24,2% và giá trị đạt 52,2 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ; hàng rau quả đạt 17.527 tấn, tăng 85,3% và giá trị đạt 35,8 triệu USD, tăng 88% so cùng kỳ.
- Sản phẩm công nghiệp: nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, chiếm 80,3% tổng kim ngạch và tăng 32% so với cùng kỳ. Trong đó, kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) ước đạt 733,18 triệu USD, tăng 27,7%; may mặc đạt 502,4 triệu USD, tăng 38,6%; giày dép các loại đạt 455,5 triệu USD, tăng 19,2%; sắt thép và sản phẩm từ sắt thép ước đạt 246,5 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ;…
Thị trường xuất khẩu chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2024 như: Hoa Kỳ chiếm 21,1% là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh; tiếp đến là thị trường Nga, chiếm 12%; Ấn Độ chiếm 10,4%; Trung Quốc chiếm 7,2%; Đức chiếm 5,1%;….tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
* Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.500 trệu USD, đạt 60% kế hoạch, tăng 6,5% so cùng kỳ; trong đó: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 95,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước chiếm 4,5%, trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: kim loại thường khác (kể cả nguyên liệu đồng) chiếm 38,6%; sắt thép các loại chiếm 14,7%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày, túi xách chiếm 13,5%, vải nguyên liệu chiếm 7,7%, còn lại nguyên vật liệu (thức ăn gia súc, nguyên liệu dược phẩm, hạt nhựa…).
c. Vận tải:
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện 1.424 tỷ đồng, tăng 19,4% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 383 tỷ đồng, tăng 23,4% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 907 tỷ đồng, tăng 19,4% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 587 tỷ đồng, tăng 20,8%; vận tải đường thủy thực hiện 702 tỷ đồng, tăng 20,4%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 135 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ.
Vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2024 đạt 9.457 ngàn hành khách, tăng 15,1% và luân chuyển 273.748 ngàn hành khách.km, tăng 29,6% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 3.886 ngàn hành khách, tăng 34,3% và luân chuyển 267.370 ngàn hành khách.km, tăng 30,2% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 5.571 ngàn hành khách, tăng 4,6% và luân chuyển 6.378 ngàn hành khách.km, tăng 9,8% so cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 đạt 8.858 ngàn tấn, tăng 21,4% và luân chuyển 1.696.840 ngàn tấn.km, tăng 20,1% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 1.260 ngàn tấn, tăng 12,2% và luân chuyển được 299.516 ngàn tấn.km, tăng 22,5% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 7.598 ngàn tấn, tăng 23,1% và luân chuyển 1.397.324 ngàn tấn.km, tăng 19,6% so cùng kỳ.
* Phương tiện giao thông: Trong tháng đăng ký mới 2.869 chiếc mô tô xe máy, 299 chiếc ô tô, 17 chiếc xe đạp điện và 03 xe khác. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh 1.520.350 chiếc, trong đó mô tô xe máy: 1.458.838 chiếc, 58.568 xe ô tô, 162 xe ba bánh, 509 xe đạp điện, 957 xe khác và 1.309 xe lam.
d. Du lịch:
Trong những tháng đầu năm là thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và nhiều ngày lễ như: Giỗ Tổ mùng 10/3, dịp Lễ kỷ niệm chiến thắng giải phóng miền Nam 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5, bên cạnh đó năm nay số ngày nghĩ dài nên hoạt động du lịch tăng.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, ước lượng khách du lịch đến tỉnh 820 ngàn lượt, đạt 49,7% kế hoạch, tăng 19% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 262 ngàn lượt, tăng 31,1%. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 4.562 tỷ đồng, tăng 29% so cùng kỳ; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 97%.
e. Bưu chính viễn thông:
Doanh thu bưu chính, viễn thông 6 tháng đầu năm 2024, đạt 1.872 tỷ đồng, tăng 4,4% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính 164 tỷ đồng, tăng 5,1%; doanh thu viễn thông 1.708 tỷ đồng, tăng 4,9%; Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, không ngừng đầu tư nâng cấp phát triển mạng lưới, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng … nhằm thu hút khách hàng tham gia sử dụng.
Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 6 năm 2024 là 132.256 thuê bao; thuê bao điện thoại bình quân đạt 7,39 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Tổng số thuê bao Internet trên mạng ước tính đến tháng 6 năm 2024 là 396.406 thuê bao; mật độ Internet bình quân ước đạt 22,14 thuê bao/100 dân.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, giải quyết việc làm:
Tư vấn và giới thiệu việc làm:
Từ đầu năm đến nay thực hiện tư vấn nghề, việc làm, pháp luật lao động và tư vấn khác cho 11.323 lượt lao động, giảm 13,5% so cùng kỳ, đạt 56,6% kế hoạch; Trong đó: tư vấn nghề cho 362 lượt lao động; tư vấn việc làm cho 1.371 lượt lao động; tư vấn việc làm cho 9.308 lượt lao động thất nghiệp; tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 282 lượt lao động. Giới thiệu việc làm cho 1.417 lượt lao động, tăng 17,6% so cùng kỳ, trong đó có 425 lao động có được việc làm ổn định, tăng 3,4%
Trong 6 tháng, tư vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho 476 lượt lao động, giảm 38,4% so với cùng kỳ; có 52 lao động đăng ký tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ; có 248 người xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Nhật Bản là 205 lao động, Đài Loan: 30 lao động…, đạt 49,6% kế hoạch, tăng 9,7% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng, ghi nhận 10.370 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 2,8% so với cùng kỳ; có 8.452 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 13,2% so với cùng kỳ, với tổng số tiền chi trả tương đương 207 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 02 vụ ngừng việc tập thể tại 02 doanh nghiệp (01 doanh nghiệp FDI và 01 doanh nghiệp dân doanh). Được sự hướng dẫn của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức cuộc đối thoại với người lao động nên các vụ ngừng việc đã được giải quyết ổn thỏa và tình hình sản xuất đã hoạt động bình thường.
Tình hình lao động thiếu việc làm và thất nghiệp:
Theo kết quả sơ bộ điều tra lao động việc làm quý II năm 2024, lao động thiếu việc làm chiếm tỷ lệ 7,23%, tăng 0,08 điểm phần trăm so quý trước và tăng 0,47 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước (từ 6,76% năm 2023 lên 7,23% năm 2024), tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 7,41%, giảm 3,21 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (từ 8,42% năm 2023 xuống 7,41% năm 2024). Tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 7,14%, tăng 1,55 điểm phần trăm so quý trước và tăng 1,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (từ 6,07% năm 2023 lên 7,14% năm 2024). Tình trạng thiếu việc làm quý II năm 2024 chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 67,83% trong tổng số số lao động thiếu việc làm của tỉnh).
Tỷ lệ lao động thất nghiệp trong quý II năm 2024 là 1,36% tăng 0,01 điểm phần trăm so quý trước và giảm 0,15 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước (từ 1,51% năm 2023 xuống 1,36% năm 2024). Tỷ lệ thất nghiệp chia theo khu vực thì khu vực thành thị là 2,73%, tăng 0,38 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (từ 3,54% năm 2023 xuống 2,73% năm 2024). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn là 0,73%, giảm 0,17 điểm phần trăm so quý trước và tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (từ 0,63% năm 2023 lên 0,73% năm 2024). Tỷ trọng thất nghiệp ở khu vực thành thị chiếm 63,64% so với tổng số lao động thất nghiệp của toàn tỉnh và tỷ trọng số lao động thất nghiệp khu vực thành thị trong quý II năm 2024 giảm 7,2 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động thiếu việc làm chiếm 7,19%, tăng 0,16 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước (từ 7,03% lên 7,19%). Tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 9,02%, giảm 0,09 điểm phần trăm (từ 9,11% xuống 9,02%) và tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 6,36%, tăng 0,22 điểm phần trăm (từ 6,14% lên 6,36%). Tỷ lệ thất nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 là 1,36%, giảm 0,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ (từ 1,61% xuống 1,36%). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,54%, giảm 0,68 điểm phần trăm (từ 3,22% xuống 2,54%) và tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn là 0,81%, giảm 0,1 điểm phần trăm (từ 0,91% năm 2023 xuống 0,81% năm 2024). Tỷ trọng thất nghiệp ở khu vực thành thị chiếm 59,09% so với tổng số lao động thất nghiệp của toàn tỉnh.
2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:
Kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 có mức tăng khá, tăng 5,56% so cùng; tình trạng khang hiếm đơn hàng đã giảm, doanh nghiệp quay lại hàng sản xuất, công nhân có việc làm ổn định, thu nhập của người làm công ăn lương tăng so cùng kỳ. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, năm nay chịu tác động của hạn mặn, nông dân phải thu hẹp sản xuất, một số diện tích phải tạm ngưng sản xuất để tránh hạn, mặn. Do điều kiện sản xuất không thuận lợi nên chi phí sản xuất tăng, tuy nhiên xuất khẩu nông sản trong kỳ thuận lợi nên giá bán các loại sản phẩm trồng trọt tăng so cùng kỳ nhất là sầu riêng, mít, thanh long, lúa ... Nông dân vẫn có lãi. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt có xảy ra ở một số thời điểm, ở một số địa phương. Các ngành, các cấp đã đưa ra các giải pháp phù hợp hỗ trợ nhân dân vượt qua khá khăn. Nhìn chung đời nhân dân 6 tháng đầu năm 2024 ổn định, thu nhập có tăng, tăng từ 5 đến 15% so với năm 2023
Tổ chức thăm, tặng quà, trợ cấp cho người có công, người cao tuổi, hộ nghèo và các đơn vị tập trung trong dịp Tết năm 2024, cụ thể sau:
- Tặng quà của Chủ tịch nước (nguồn kinh phí Trung ương), số lượng 35.866 người, số tiền 10,9 tỷ đồng (gồm: 469 người, mức quà 600.000 đồng/người; 35.397 người, mức quà 300.000 đồng/người).
Hỗ trợ quà Tết từ ngân sách tỉnh cho 4.925 hộ nghèo, tổng kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng; Quỹ Thiện Tâm tặng quà Tết Giáp Thìn năm 2024 cho 1.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 780 triệu đồng tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phước, Châu Thành và thị xã Cai Lậy; Công ty TNHH nhà máy Bia Heineken Việt Nam tổ chức tặng quà Tết Giáp Thìn năm 2024 cho 150 hộ nghèo, hộ cận nghèo; với kinh phí 150 triệu đồng tại huyện Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phú Đông,...
- Trợ cấp của tỉnh (nguồn kinh phí địa phương) là 26,7 tỷ đồng, với số lượng 67.696 người (gồm: 35.866 người, mức quà 300.000 đồng/người; 31.746 người, mức quà 500.000 đồng/người; 84 người, mức quà 1.000.000 đồng/người).
- Tổ chức18 Đoàn lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thăm 85 hộ gia đình chính sách tiêu biểu và 48 đơn vị tập trung, kết hợp với tham người cao tuổi và trao quà cho hộ nghèo, tổng số tiền là 815 triệu đồng (gồm: 85 hộ chính sách mức quà tặng tiền mặt 2.000.000đ/hộ, kèm túi quà 1.000.000đ/phần, 48 đơn vị tập trung mức quà tiền mặt từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ/đơn vị, kèm túi quà 2.000.000đ/phần).
- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, thân nhân người có công với cách mạng 325 căn (xây mới 85 căn, sửa chữa 240 căn). Hiện nay, các huyện, thành phố, thị xã đang triển khai thực hiện dự kiến hoàn thành trước ngày 27/7/2024 chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
3. Hoạt động giáo dục:
Sau khi tổ chức xong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào ngày 04, 05 và 06/6/2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và trang bị kiến thức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 vào ngày 26, 27 và 28/6/2024. Bên cạnh đó, các trường THPT cũng tập trung hỗ trợ học sinh có học lực yếu, kém để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi này.
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT năm 2024 toàn tỉnh vào các ngày 23 và 24/5/2024 theo lịch từng buổi thi của Bộ GDĐT nhằm đánh giá năng lực học sinh, giúp các em ôn tập kiến thức, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.
Tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THCS năm học 2023-2024 khóa ngày 27/3/2024 với 1.015 thí sinh dự thi. Kết quả đạt 597 giải (58,8%) trong đó có 25 giải nhất, 143 giải nhì, 173 giải ba và 256 giải khuyến khích.
Tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THPT năm học 2023-2024 khóa ngày 27/02/2024 với 1.496/1.500 thí sinh dự thi với 36 đơn vị dự thi. Kết quả có 824/1.496 (55,1%) thí sinh đạt giải. Trong đó, giải Nhất có 36 thí sinh (2,4%); giải Nhì: 193 thí sinh (12,9%); giải Ba: 251 thí sinh (16,8%); Khuyến khích: 344 thí sinh (23%). Các trường có nhiều học sinh đạt giải gồm: THPT Chuyên 157 giải, THPT Nguyễn Đình Chiểu 74 giải, THPT Chợ Gạo 68 giải, THPT Trương Định 62 giải, THPT Cái Bè 53 giải.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 tại tỉnh Tiền Giang. Kết quả Tiền Giang có 46/83 (55,4%) thí sinh đạt giải ở 9/9 môn thi trong đó: giải Nhì 04 thí sinh, giải Ba 12 thí sinh, giải Khuyến khích 30 thí sinh; xếp hạng 1/13 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hạng 32/69 đơn vị đăng ký dự thi toàn quốc (tăng 13 bậc so với năm học 2022-2023) và hạng 29/63 tỉnh thành. Các trường THPT có học sinh đạt giải gồm: THPT Chuyên (37 giải), THPT Nguyễn Đình Chiểu (04 giải), THPT Chợ Gạo (02 giải), THPT Trương Định (02 giải), THPT Cái Bè (01 giải).
4. Hoạt động y tế:
Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 được đảm bảo. Với mạng lưới y tế được quan tâm đầu tư, phát triển mạnh mẽ đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế chất lượng. Trong tháng 6, có 09/44 bệnh truyền nhiễm được ghi nhận, tăng 02 bệnh so với tháng trước. So với cùng kỳ cộng dồn có 06 bệnh tăng (Bệnh liên cầu lợn ở người, Lao phổi, Quai bị, Sốt rét, Tay - chân - miệng, Uốn ván khác); 08 bệnh giảm (Liệt mềm cấp nghi bại liệt, Sởi, Sốt xuất huyết Dengue, Thủy đậu, Tiêu chảy, Viêm gan vi rút C, Viêm não vi rút khác, covid-19); 30 bệnh tương đương hoặc không xảy ra ca mắc.
Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết trong 6 tháng ghi nhận 752 ca mắc, giảm 57,1% so cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong.
Phòng chống HIV/AIDS tính đến nay, toàn tỉnh có 6.943 người nhiễm HIV; 1.819 người chuyển sang AIDS; 1.346 người tử vong do AIDS.
Trong 6 tháng, xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Tân Phước tỉnh Tiền Giang.
Tính chung 6 tháng, tổng số lượt người khám bệnh là 2.322.093 lượt, tăng 6,9%; tổng số lượt người điều trị nội trú là 111.678 lượt, tăng 19%; công suất sử dụng giường bệnh bình quân tháng 6 đạt 88,9%.
5. Hoạt động văn hóa - thể thao:
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn diễn ra đúng theo kế hoạch thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân nhất là trong dịp lễ, tết.
Toàn tỉnh hiện có 460.611/486.271 hộ đạt 03 tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, đạt 96%, tăng 1,3% so với cùng kỳ; 1.005/1.005 ấp (khu phố) văn hóa, đạt tỷ lệ 100%; 170 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hoá (138 xã; 8 thị trấn; 24 phường); 69 chợ văn hóa; 18 công viên văn hóa; 951 con đường văn hóa, 569 cơ sở thờ tự văn hóa.
Hoạt động bảo tàng: trong 6 tháng, Bảo tàng Tiền Giang trưng bày các chuyên đề Mỹ Tho, Gò Công xưa và nay; Văn hóa trầu cau; Kỷ vật kháng chiến; Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử;....nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024, Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương; Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2024), Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) và 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2024). Sáu tháng đầu năm 2024, Bảo tàng và các di tích trực thuộc đón tiếp 85.371 lượt khách tham quan.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật: trong 6 tháng, thực hiện 33 buổi tuyên truyền lưu động có trên 09 nghìn lượt người xem; chiếu phim 44 buổi có trên 09 nghìn lượt người xem; 57 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ các ngày lễ kỷ niệm, buổi họp mặt, chương trình mừng Đảng - mừng Xuân,…có trên 70 nghìn lượt người xem; 138 suất nhạc nước tại Quảng trường Hùng Vương thu hút khoảng 97 nghìn lượt người xem.
Hoạt động thư viện: trong 6 tháng, tổ chức Hội báo Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại Thư viện tỉnh, Trại giam Mỹ Phước; Trại giam Phước Hoà và trưng bày góc sách Quảng Trường Hùng Vương với hơn 51 nghìn lượt sách báo lưu hành, phục vụ hơn 22 nghìn lượt bạn đọc. Trưng bày sách chuyên đề kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024). Sáu tháng đầu năm 2024, Thư viện tỉnh, huyện và phòng đọc cơ sở đã phục vụ hơn 248 nghìn lượt bạn đọc.
Hoạt động thể dục thể thao:
Trong 6 tháng, Tiền Giang tham dự 28 giải quốc tế, quốc gia và khu vực với kết quả đạt 71 huy chương các loại, trong đó có: 16 huy chương Vàng, 19 huy chương Bạc và 36 huy chương Đồng. Đặc biệt, vận động viên tỉnh Tiền Giang đạt 01 huy chương Đồng hạng cân 48kg tại giải Vô địch Boxing U22 và trẻ Châu Á tại Kazakhstan.
6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội (theo báo cáo của ngành Công an):
Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 được đảm bảo nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 và 01/5 năm 2024. Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 443 vụ, giảm 26 vụ so cùng kỳ năm 2023, làm chết 15 người, bị thương 88 người, tài sản thiệt hại khoảng 08 tỷ đồng; điều tra khám phá 362/423 vụ, đạt 85,6%, bắt xử lý 593 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá khoảng 1,8 tỷ đồng.
Phát hiện, xử lý 94 vụ, 122 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và xử lý hành chính 815 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy.
7. Trật tự an toàn giao thông (theo báo cáo ngành công an tỉnh, số liệu tính từ ngày 15/4/2024 đến 14/5/2024):
Giao thông đường bộ: tai nạn giao thông trong tháng xảy ra 19 vụ, giảm 10 vụ so tháng trước và giảm 01vụ so cùng kỳ; làm chết 14 người, giảm 05 người so tháng trước và giảm 03 người so cùng kỳ; bị thương 11 người, giảm 07 người so tháng trước và tăng 4 người so cùng kỳ. Cộng dồn đến tháng báo cáo xảy ra 131 vụ, tăng 21 vụ so cùng kỳ; làm 91 người chết, tăng 01 người so cùng kỳ và bị thương 69 người, tăng 04 người so cùng kỳ. Các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu vẫn do ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông như: điều khiển xe khi có rượu bia, phóng nhanh vược ẩu, không làm chủ tốc độ; không đi đúng phần đường, làn đường; không nhường đường, vượt đèn đỏ, thiếu quan sát…
Giao thông đường thủy: trong tháng không xảy ra vụ tai nạn. Cộng dồn đến tháng báo cáo, xảy ra 01 vụ, tăng 01 vụ so cùng kỳ; 01 người chết, tăng 01 người chết và không có người bị thương tương đương so cùng kỳ.
8. Tình hình cháy nổ, môi trường và thiên tai:
Cháy, nổ: 6 tháng đầu năm 2024, cháy ghi nhận 12 vụ, tăng 100% so với cùng kỳ; không gây thiệt hại về người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 2,8 tỷ đồng.
Lĩnh vực môi trường: trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ vi phạm môi trường đã được xử lý với tổng số tiền đã xử phạt trên 107 triệu đồng. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, có 08 vụ vi phạm, tăng 03 vụ vi phạm so cùng kỳ với tổng số tiền đã xử phạt trên 266 triệu đồng.
Tình hình thiên tai: 6 tháng đầu năm 2024, đã xảy ra 01 vụ xâm nhập mặn. Có 07 cơn lốc xoáy tại huyện Châu Thành, Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và Tân Phú Đông làm sập 07 căn, tốc mái 33 căn nhà, làm đổ ngã 261 cây ăn trái, làm rụng hư 142 tấn trái cây; có 12 vụ sạt lở đê với tổng chiều dài là 1.653 mét; tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 63 tỷ đồng.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2024
Để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trên cơ sở phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế khó khăn trong 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm 2024 cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:
Theo dõi tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm…; khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi cho đàn gia cầm. Thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nguyên liệu phục vụ sản phẩm thức ăn chăn nuôi, cơ khí, điện tử,...; ngành công nghiệp công nghệ cao, chuyển biến sâu, có giá trị
Thường xuyên rà soát kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...
Triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách về lãi suất, gói hỗ trợ lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.
Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, kịp thời nghiệm thu đưa vào sử dụng và quyết toán các công trình đã hoàn thành. Các ngành địa phương có công trình xây dựng tập trung theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị hồ sơ, thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ và triển khai thi công; thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng công trình, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.
Cục thống kê tỉnh Tiền Giang