Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2024 tỉnh Tuyên Quang

Ngày 29/05/2024 - 10:28:00 | 195 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

I.  PHÁT TRIỂN KINH TẾ 

1. Về sản xuất nông nghiệp (tính đến ngày 15/5/2024)

1.1. Trồng trọt

1.1.1. Sản xuất vụ xuân năm 2024

Tại thời điểm này, lúa xuân đang bước vào giai đoạn chín rộ, bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh tranh thủ điều kiện thời tiết nắng ráo, thuận lợi, tập trung tối đa nhân lực, huy động máy móc tiến hành thu hoạch nhanh gọn trong thời gian sớm nhất, để tránh hiện tượng thời tiết bất thường như mưa, bão gây ngập úng, thiệt hại đến năng suất, sản lượng lúa; với phương châm lúa chín đến đâu thu hoạch hết đến đó. Vụ Xuân năm nay, mặc dù thời tiết bất thuận song theo đánh giá của ngành chức năng ước tính năng suất lúa bình quân ước đạt khoảng 60 tạ/ha, tương đương với vụ xuân năm ngoái.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân thu hoạch nhanh gọn lúa xuân đảm bảo đúng tiến độ, theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng” để giải phóng diện tích đất chuẩn bị sản xuất cho vụ mùa 2024 trong khung thời vụ đạt kết quả cao. Kết quả cụ thể của một số cây trồng chính như sau:

Cây lúa đã cấy 18.420 ha, đạt 101,8% kế hoạch, giảm 0,46% (giảm 84,8 ha) so với cùng kỳ, (trong đó: Lúa lai 8.771 ha; lúa thuần 9.649 ha); cây ngô đã trồng 8.262 ha, đạt 102,7%, giảm 0,24% (giảm 24,6 ha); cây lạc 3.274 ha, đạt 98,7%, tăng 1,68% (tăng 53,9 ha); cây đậu tương 115 ha, đạt 99,8%, tăng 6,48% (tăng 6,8 ha); cây mía trồng mới, trồng lại là 950 ha, trong đó: Diện tích trồng mới là 731 ha, trồng lại là 219 ha.  p

1.1.2 Cây lâu năm

- Diện tích cây chuối hiện có trên địa bàn tỉnh 2.123 ha, giảm 4,88% (giảm 109,01 ha) so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 7.955 tấn, tăng 6,53% (tăng 487,75 tấn), sản lượng chủ yếu được thu mua của các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh và tiêu thụ tại các thị trường lân cận và các địa phương khác trong cả nước; cây vải diện tích hiện có 311 ha, sản lượng 1.764 tấn, giảm 0,49% (giảm 8,71 tấn) so với cùng kỳ.

- Cây chè hiện có 8.203 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 33.717 tấn, tăng 4,14% (tăng 1.340,06 tấn) so với cùng kỳ.

1.2. Tình hình sinh vật gây hại

- Cây hàng năm vụ xuân: Cây lúa xuân chính vụ (trỗ bông – phơi màu – chín sáp): Bọ xít dài, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn lá gây hại rải rác, tỷ lệ hại 3-5%.

- Cây lâu năm: Cây chè (ra búp): Nhện đỏ, rầy xanh, bọ cánh tơ, bệnh thối búp, bệnh chám xám phát sinh gây hại, tỷ lệ hại trung bình 3-6%. Cây nhãn, vải (hoa - quả non); bọ xít nâu gây hại, mật độ trung bình 1-2 con/cành, nơi cao 3-4 con/cành, non - trưởng thành. Cây cam, bưởi, chanh sâu vẽ bùa, bọ trĩ, bệnh ghẻ sẹo, bệnh loét, bệnh vàng lá, thối rễ tỷ lệ hại trung bình 10-12%.

- Cây lâm nghiệp (vườn ươm-1-5 tuổi): Sâu ăn lá gây hại rải rác, tỷ lệ hại nơi cao 1-2% số lá (sâu non). Bệnh chết héo gây hại rải rác trên cây keo 1-3 tuổi, nơi cao 3-5% số cây. Bệnh thán thư, bệnh vàng lá, khô cành, khô ngọn gây hại rải rác trên cây bạch đàn tuổi 1-2, tỷ lệ hại nơi cao 2-4% số cây.

1.3. Về chăn nuôi

1.3.1. Về số lượng đàn gia súc, gia cầm

Đàn trâu 87.840 con, giảm 2.53% (giảm 2.284 con) so với cùng kỳ năm 2023; đàn bò 40.684 con, tăng 2,62% (tăng 1.038 con); đàn lợn 580.282 con, tăng 3,17% (tăng 22.592 con); đàn gia cầm 7.352 nghìn con, tăng 1,75% (tăng 127 nghìn con).p

1.3.2. Về sản phẩm đàn gia súc, gia cầm

Đàn trâu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 791 tấn, tăng 6,19% (tăng 46,11 tấn) so với cùng kỳ; đàn bò đạt 237 tấn, tăng 6,38% (tăng 14,24 tấn); đàn lợn đạt 5.703 tấn, tăng 7,52% (tăng 398,74 tấn); đàn gia cầm đạt 1.856 tấn, tăng 7,17% (tăng 124,19 tấn).p

Đánh giá chung, tình hình chăn nuôi trong tháng trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, ngành chức năng đã quan tâm, chú trọng, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo đúng định kỳ, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết trong tháng nắng nóng, đan xen với các đợt mưa lớn trên diện rộng, các yếu tố môi trường thay đổi khó lường sẽ gây bất lợi cho sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Ngành chức năng đã khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên thu dọn, vệ sinh chuồng trại hàng ngày; thực hiện tiêu độc khử trùng trong và bên ngoài chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm xung quanh khu chăn nuôi, xử lý nơi khu trú, sinh sản của muỗi, côn trùng đốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch bệnh…

1.4. Về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong tháng

 1.4.1. Công tác phòng chống và điều trị

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Trong tháng toàn tỉnh đã ghi nhận 3 địa phương tái phát dịch tả lợn châu Phi là xã Phúc Yên (huyện Lâm Bình), Minh Hương (huyện Hàm Yên), Thượng Nông (huyện Na Hang), số lợn mắc bệnh là 116 con của 16 hộ chăn nuôi, tổng trọng lượng 3.779 kg. Toàn bộ lợn mắc bệnh đã được đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định về phòng chống dịch bệnh. Trước tình hình trên, ngành chức năng đã khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch, hỗ trợ thuốc, vôi bột cho các địa phương để tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng trại của các hộ gia đình chăn nuôi có dịch. Đồng thời tạm dừng hoạt động mua bán gia súc khu vực có dịch; thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại địa bàn có dịch và các xã có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm ngăn chặn dịch phát sinh lan rộng.

- Các bệnh truyền nhiễm khác: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xuất hiện rải rác các bệnh trên đàn gia súc như: Bệnh viêm phổi, bệnh ký sinh trùng đường máu, bệnh tiêu chảy, bệnh phù đầu...), phát hiện và điều trị khỏi: 1.176/1.209 con, chết 33 con (trong đó: Trâu, bò: 356/356 con; đàn lợn: 820/853 con chết 33 con). Ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên theo dõi công tác thú y trên địa bàn.

1.4.2. Công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật

 - Công tác kiểm dịch vận chuyển ngoại tỉnh: Đã kiểm tra cấp trên 191 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển trong đó (39 chuyến vận chuyển 11.031 con gia súc, gia cầm và 152 chuyến vận chuyển 2.984 tấn sữa tươi nguyên liệu); lũy kế cấp 1.119 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển trong đó (276 chuyến vận chuyển 71.049 con gia súc, gia cầm và 842 chuyến vận chuyển 16.206,5 tấn sữa tươi nguyên liệu và 01 chuyến vận chuyển 1.280 kg SPĐV chế biến làm Thức ăn chăn nuôi) đi các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hà Giang, Nam Định...

- Công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y: Trong tháng, đã kiểm tra, đóng dấu: 190 con trâu, bò và 4.728 con lợn; lũy kế từ đầu năm đến nay là 694 con trâu, bò và 25.012 con lợn.

1.5. Về sản xuất lâm nghiệp

 1.5.1. Công tác trồng rừng

Trong tháng, tranh thủ thời tiết mưa nhiều, thuận lợi cho việc trồng rừng, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã kịp thời hỗ trợ cây giống, đôn đốc, hướng dẫn người dân tiến hành xử lý thực bì, triển khai trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất, đảm bảo kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh đã trồng 5.984 ha rừng trồng tập trung, đạt 59,25% kế hoạch, giảm 13,31% (giảm 919 ha) cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán trồng được là 430 nghìn cây.

1.5.2. Khai thác gỗ rừng trồng

Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 472.173 m3 gỗ, giảm 10,24% (giảm 53.858 m3) so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng gỗ khai thác chủ yếu là gỗ rừng trồng nguyên liệu.p

1.5.3. Công tác quản lý bảo vệ rừng

Công tác quản lý, bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2024; tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho người dân nâng cao nhận thức về các chính sách quản lý bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc phá rừng, đốt rừng, triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Thường xuyên cảnh báo nguy cơ cháy rừng, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy rừng đối với các chủ rừng; tăng cường hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở, các chủ rừng tăng kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi xâm hại rừng.

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào; số vụ chặt phá rừng 4 vụ, diện tích rừng bị chặt phá 0,84 ha. Đã xử lý nghiêm 11 vụ vi phạm với 10,14 m3 gỗ các loại; phạt hành chính và bán thanh lý tài sản 21,1 triệu đồng (đã thu nộp ngân sách 17 triệu đồng).

3. Sản xuất công nghiệp

3.1. Chỉ số phát triển công nghiệp

- Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP trong tháng ước tính giảm 0,03% so với tháng trước, tăng 11,31% so với cùng kỳ, cụ thể của các ngành như sau: Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 37,93%, tăng 68,75%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,19%, tăng 2,74%; khai khoáng tăng 4,93%, giảm 1,74%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,49%, tăng 7,24%.

Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,67%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 63,80%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 17,85%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao tăng nhẹ 5,70%,... p

Tính chung trong 5 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước, Chia theo từng ngành kinh tế cấp I như sau:

+ Ngành khai khoáng giảm 2,79%, nguyên nhân từ đầu năm đến nay, do thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, giá bán các loại sản phẩm rất thấp và khó tiêu thụ, lượng hàng tồn kho nhiều dẫn đến sản lượng khai thác đá, cát, sỏi, đất sét, hóa chất và khoáng phân bón của các doanh nghiệp công nghiệp giảm so với cùng kỳ.

+ Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,19%, do một số ngành chế biến tăng như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 19,83%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 62,82%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 72,99%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,51%,...

+ Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,43% trong tháng trên địa bàn tỉnh xuất hiện các đợt mưa to kéo dài, lượng nước tích trữ tại các hồ thủy điện tăng, cùng vơi đó là ngành điện đã chủ động triển khai các giải pháp, phương án ứng phó, tăng cường kiểm tra củng cố hệ thống lưới điện và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng điện an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024.

+ Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,39%, do hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng.

3.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

Trong tháng, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện sản xuất đạt 134 triệu Kwh, tăng 80,70%; xi măng đạt 119.300 tấn, tăng 24,27%; thép cuộn đạt 27.000 tấn, tăng 38,02%; giày da đạt 921 nghìn đôi, tăng 21,17%; gỗ tinh chế đạt 4.788 m3, tăng 18,66%,…Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ như: Điện thương phẩm đạt 107 triệu Kwh, giảm 0,17%; bột ba rít đạt 1.200 tấn, giảm 84,32%; bột Felspat đạt 23.550 tấn, giảm 22,05%; may mặc xuất khẩu đạt 1.302 nghìn sản phẩm, giảm 20,23%; giấy đế xuất khẩu đạt 1.000 tấn, giảm 6,06%,…p

- Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện thương phẩm tăng 1,46%; đường kính tăng 54,38%; chè chế biến tăng 1,64%; xi măng tăng 5,91%; giấy đế xuất khẩu tăng 18,53%; bột giấy tăng 17,49%; giày da tăng 33,66%,...Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Điện sản xuất giảm 11,37%; bột ba rít giảm 59,94%; bột Felspat giảm 32,18%; hàng may mặc xuất khẩu giảm 3,90%,…

Đánh giá chung, sản xuất công nghiệp trong tháng tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, sản lượng và đơn hàng một số sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá; các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp sản xuất, da, giầy, xi măng,... Qua đó, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp chủ lực, có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất của ngành công nghiệp và tăng thu ngân sách địa phương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

4. Vốn đầu tư, xây dựng

4.1. Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 5 đạt 449 tỷ đồng, tăng 12,86% so với tháng trước, tăng 62,81% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 407 tỷ đồng, tăng 15,87%, tăng 67,45%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 41 tỷ đồng, giảm 8,65%, tăng 29,96%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 2 tỷ đồng, giảm 25,21%, tăng 8,89% so với cùng kỳ.

Tính chung trong 5 tháng, nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.631 tỷ đồng, tăng 49,27% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.442 tỷ đồng, tăng 49,13%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 176 tỷ đồng, tăng 54,83%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 13 tỷ đồng, tăng 8,48%.p

4.2. Hoạt động xây dựng

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2024, là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỉnh đã triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những chương trình, dự án hạ tầng trọng điểm, tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng đủ điều kiện khởi công mới các công trình, dự án. Chủ động đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, vật tư, máy thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng các công trình, dự án sớm hoàn thành trước tiến độ đề ra.

Năm 2024, Tuyên Quang được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công là  4.758,02 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách địa phương: 1.956,03 tỷ đồng; Vốn ngân sách trung ương: 2.801,9 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/5/2024, tổng số vốn đã giải ngân được 1.311,44 tỷ đồng, đạt 27,56% kế hoạch, trong đó: Nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân được 357,7 tỷ đồng, đạt 18,29%; nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân được 953,72 tỷ đồng, đạt 34,04%.

5. Thương mại và Dịch vụ

Trong tháng, thị trường hàng hóa sôi động do có nhiều ngày nghỉ lễ, nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng, nguồn cung hàng hóa, dồi dào, ổn định; các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, ngành chức năng, đã tăng cường xúc tiến các hoạt động thương mại, kích cầu trên địa bàn tỉnh, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước; tích cực kêu gọi người dân hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng hàng nông sản Tuyên Quang”, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 3.893 tỷ đồng, tăng 49,56% so với tháng trước, tăng 64,46% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước ước đạt 13.020 tỷ đồng, tăng 19,09% so với cùng kỳ.p

5.1. Doanh thu bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng ước đạt 2.326 tỷ đồng, tăng 1,19% so với tháng trước, tăng 11,89% so với tháng cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm hàng tăng so với tháng trước, tăng so với cùng kỳ, cụ thể như sau: Hàng may mặc đạt 137 tỷ đồng, tăng 1,08%, tăng 19,26%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 237 tỷ đồng, tăng 2,32%, tăng 8,46%; gỗ và vật liệu xây dựng đạt 237 tỷ đồng, tăng 5,46%, tăng 11,92%; xăng, dầu các loại đạt 281 tỷ đồng, tăng 5,93%, tăng 3,15%,…Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng giảm so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ như: Vật phẩm, văn hóa, giáo dục đạt 34 tỷ đồng, giảm 1,21%, tăng 81,99%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con đạt 76 tỷ đồng, giảm 7,46%, tăng 65,51%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) đạt 45 tỷ đồng, giảm 1,55%, tăng 49%,…Tính chung trong 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 11.453 tỷ đồng, tăng 18,85% so với cùng kỳ.

5.2. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác

- Trong tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 216,6 tỷ đồng, tăng 2,47% so với tháng trước, tăng 4,21% so với cùng kỳ. Trong đó: Dịch vụ lưu trú đạt 19,96 tỷ đồng, tăng 4%, tăng 14,10%; ăn uống đạt 196,72 tỷ đồng, tăng 2,37%, tăng 3,35%. Tính chung trong 5 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.019 tỷ đồng, tăng 13,22% so với cùng kỳ.

- Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng ước đạt 0,50 tỷ đồng, tăng 8,18% so với tháng trước, tăng 195% so với cùng kỳ. Tính chung trong 5 tháng, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 2,14 tỷ đồng, tăng 171,64% so với cùng kỳ.

- Doanh thu dịch vụ khác trong tháng ước đạt 107 tỷ đồng, giảm 8,97% so với tháng trước, tăng 33,47% so với cùng kỳ. Trong đó: Dịch vụ kinh doanh bất động sản đạt 5 tỷ đồng, tăng 1,52% so với tháng trước, tăng 86,82% so với cùng kỳ; sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình, tăng 2,78%, tăng 5,56%. Tính chung trong 5 tháng, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 546 tỷ đồng, tăng 33,47% so với cùng kỳ.

5.3. Giá cả

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng giảm 0,01% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,61% so với tháng 12 năm trước, tăng 3,75% so với tháng trước. Tính chung trong 5 tháng, CPI bình quân tăng 3,75% so với cùng kỳ.p

Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 7 nhóm tăng giá so với tháng trước, 3 nhóm giảm giá và 1 nhóm giữ nguyên so với tháng trước là nhóm Bưu chính viễn thông, cụ thể của các nhóm như sau:

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27%, do nhóm lương thực tăng 0,09%; nhóm thực phẩm tăng 0,34%, trong đó nhóm thịt lợn tăng 0,32%; thịt gia cầm tăng 0,81%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,05% do thời tiết nắng nóng nhu cầu tiêu thụ các loại rượu, bia của người dân tăng; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,27% do nhu cầu tiêu thụ các loại vải, quần áo may sẵn và giày dép của người dân tăng; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05% do nhu cầu mua sắm các thiết bị làm mát của người dân tăng khi thời tiết nắng nóng; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03% do thời tiết nắng, mưa đan xen, không khí nồm ẩm, xuất hiện các bệnh liên quan đến đường hô hấp, cúm, bệnh sởi, thủy đậu,… khiến nhu cầu sử dụng các loại thuốc điều trị tăng; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,4%, do trong tháng có nhiều ngày nghỉ lễ nhu cầu đi du lịch theo các tour du lịch của người dân tăng cao.

Nhóm giao thông giảm 1,39% do giá xăng, dầu điều chỉnh tại các kỳ điều hành giá của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam về mức giá bán lẻ xăng, dầu (xăng giảm 4,74%, dầu diesel giảm 5,07%); giáo dục giảm 0,01% do nhu cầu sử dụng các loại bút, văn phòng phẩm và đồ dùng học tập của học sinh giảm do chuẩn bị kết thưc năm học và chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,35%.

- Chỉ số giá vàng tăng 32,99% so với cùng kỳ năm trước, tăng 22,75% so với tháng 12 năm trước, tăng 2,43% so với tháng trước. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, giá vàng tăng 24,52% so với bình quân cùng kỳ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước, tăng 4,22% so với tháng 12 năm trước, tăng 0,97% so với tháng trước. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 5,28% so với bình quân cùng kỳ.

5.4. Tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 15,3 triệu USD, đạt 17% kế hoạch, giảm 33,48% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 9,8 triệu USD, giảm 38,64%; nhập khẩu ước đạt 5,5 triệu USD.

+ Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng tăng so với cùng kỳ như: Chè xuất khẩu ước đạt 602 tấn, tăng 13,5%; giấy đế xuất khẩu đạt 300 tấn, tăng 21,4%; phong bì đạt 400 nghìn sản phẩm, tăng 18,9%,…. Một số nhóm hàng giảm so với cùng kỳ như: Hàng dệt may đạt 920 nghìn sản phẩm, giảm 23,8%; đũa gỗ xuất khẩu đạt 2.000 nghìn đôi, giảm 20%; antimony thỏi đạt 38 tấn, giảm 2,6%.

+ Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong tháng tăng so với cùng kỳ như: Máy móc, thiết bị, phụ tùng, hàng hóa khác tăng 31,6%. p

 Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 93,7 triệu USD, đạt 36,03%  kế hoạch, giảm 1,91% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 45 triệu USD, giảm 21,77%, nhập khẩu ước đạt 26 triệu USD, giảm 31,58%. Một số mặt hàng xuất khẩu tiếp tục tăng so với cùng kỳ như: Chè (tăng 78,6%); giấy đế xuất khẩu (tăng 39,8%), phong bì (tăng 68,8%),... Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Bột giấy (giảm 49,9%); đũa gỗ xuất khẩu (giảm 53,2%).

6. Vận tải hàng hóa và hành khách

Là tháng có nhiều ngày nghỉ lễ, nhu cầu đi du lịch, lễ hội, về quê, thăm người thân của người dân, du khách tăng cao. Các đơn vị vận tải đang tích cực tăng cường phương tiện, nhân lực phục vụ nhu cầu đi lại của người dân phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của người dân; ngành chức năng đã chú trọng, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vi phạm nồng độ cồn, chở quá khổ, quá tải, quá số người quy định, phương tiện không bảo đảm an toàn khi lưu thông.

6.1. Doanh thu vận tải tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải

- Doanh thu vận tải trong tháng ước đạt 359 tỷ đồng, tăng 1,33% so với tháng trước, tăng 21,34% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 59 tỷ đồng, tăng 1,43%, tăng 11,54%; vận tải hàng hóa đạt 300 tỷ đồng, tăng 1,31%, tăng 23,43%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 0,43 tỷ đồng, tăng 1,40%, tăng 32,23%; hoạt động bưu chính, chuyển phát đạt 0,28 tỷ đồng, giảm 1,40%, tăng 49,02%.

- Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu vận tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 1.810 tỷ đồng, tăng 25,69% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách đạt 301 tỷ đồng, tăng 20,16%; vận tải hàng hóa đạt 1.506 tỷ đồng, tăng 26,85%; dịch vụ hỗ trợ vận tải kho bãi đạt 2,1 tỷ đồng, tăng 26,95%; bưu chính, chuyển phát đạt 1,3 tỷ đồng, tăng 34,29%.

6.2. Vận tải hành khách và hàng hóa

- Trong tháng khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1 triệu lượt hành khách, tăng 1,02% so với tháng trước, tăng 7,58% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 77 triệu lượt hành khách.km, tăng 0,95%, tăng 11,24%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 6 triệu lượt hành khách, tăng 7,58% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 391 triệu lượt hành khách.km, tăng 11,24%.p

- Khối lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng ước đạt 2 triệu tấn, tăng 4,55% so với tháng trước, tăng 25,22% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 132 triệu tấn.km, tăng 1,98%, tăng 29,02%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 10 triệu tấn, tăng 25,22% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 659 triệu tấn.km, tăng 29,02%.p

7. Về du lịch

- Tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2024 để thúc đẩy mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của các vùng, miền đặc biệt là du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, nhằm giới thiệu quảng bá về mảnh đất và con người Tuyên Quang, cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, giới thiệu về các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Trong tháng các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, thu hút được 455.000 lượt khách du lịch. Tổng thu từ khách du lịch đạt 583 tỷ đồng. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, thu hút được 1.567.500 lượt khách đạt 57% kế hoạch, tăng 1,6% so với cùng kỳ; tổng thu đạt 1.886 tỷ đồng; đạt 52.3% kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ).

II. LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI

1. Công tác lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp

- Tỉnh đã tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm năm 2024 với sụ tham gia của gần 1.600 người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Tham gia sự kiện có 23 đơn vị, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh với các gian hàng tư vấn, giới thiệu hàng chục nghìn vị trí việc làm cần tuyển dụng và học nghề thuộc lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, chế biến gỗ xuất khẩu, may mặc, du lịch, xuất khẩu lao động… Hoạt động trên nhằm giúp kết nối các đơn vị, doanh nghiệp với người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Từ đó tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, học nghề, góp phần giải quyết việc làm mới, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 và biểu dương công nhân lao động tiêu biểu giai đoạn 2022-02024.

- Trong tháng toàn tỉnh có 2.779 lao động; luỹ kế 5 tháng đầu năm đến nay toàn tỉnh có 13.107 lao động được tạo việc làm (Trong đó: Lao động làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh là 7.961 người; Lao động đi làm việc các tỉnh, thành phố 4.637 người; lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng 473 người), đạt 58,12% kế hoạch và đạt 104,68% so với cùng kỳ.p

2. Công tác đảm bảo chế độ người có công với cách mạng,  bảo trợ, an sinh xã hội và phòng chống các tệ nạn

2.1. Công tác đối với người có công với cách mạng

Duy trì thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho trên 6.800 người có công với cách mạng; triển khai rà soát hộ gia đình người có công với cách mạng còn có vướng mắc trong hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào, hoạt động "đền ơn, đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn", nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng.

2.2. Công tác bảo trợ, an sinh xã hội và phòng chống các tệ nạn

- Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội, thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, hỗ trợp kịp thời các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng thiên tai, tại nạn rủi ro. Duy trì trợ cấp hàng tháng cho trên 38.000 đối tượng bảo trợ xã hội.

- Trong tháng Cơ sở cai nghiện tỉnh đã tiếp nhận 07 học viên, cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện cho 11 học viên, đưa ra khỏi danh sách quản lý của Cơ sở cai nghiện 01 học viên đang trốn đã bị bắt tạm giam; lũy kế từ đầu năm đến nay, Cơ sở đã tiếp nhận 40 học viên; cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện cho 65 học viên; tại thời điểm báo cáo, Cơ sở cai nghiện đang quản lý 142 học viên (cai nghiện bắt buộc 140 học viên, cai nghiện tự nguyện 02 học viên), trong đó: Số có mặt 140 học viên; trốn cai 02 học viên.

3. Hoạt động giáo dục và đào tạo

 Các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và thi đại học năm 2024, với sự tham gia của trên 9.079 thí sinh; trong đó, số thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT là 1.547; thí sinh chỉ thi để tuyển sinh đại học, cao đẳng là 384; thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng là 8.695 thí sinh. Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6 đạt kết quả cao; hiện nay, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai cho học sinh khối 12 ôn thi tốt nghiệp và xây dựng nội dung chương trình bám theo chuẩn kiến thức kỹ năng để tổ chức ôn tập. Trong quá trình ôn tập thường xuyên đánh giá, phân loại học sinh theo trình độ và có phương án ôn tập thích hợp với năng lực, kiến thức của các em để điều chỉnh phương pháp ôn tập cho phù hợp, đạt hiệu quả cao.

4. Hoạt động y tế

- Trong tháng, thời tiết diễn biến phức tạp nắng nóng, xen kẽ các đợt mưa rào và giông lốc cục bộ có nơi mưa rất to, nguy cơ gia tăng, bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. Để chủ động phòng, chống các bệnh dịch truyền nhiễm bùng phát trong mùa hè, tỉnh đã đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch; chủ động theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng; kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch (nếu có), không để dịch bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch. Tính đến hết ngày 15-5, toàn tỉnh có 5 ca mắc nghi mắc sốt xuất huyết, 88 ca mắc tiêu chảy, 138 ca bị thủy đậu,  62 ca tay chân miệng...

- Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch theo quy định; tuyên truyền khuyến khích người dân thực hiện đeo khẩu trang tại những nơi đông người và khi đi lại, di chuyển trên các phương tiện công cộng.

 5. Hoạt động văn hoá - thể dục, thể thao

- Lĩnh vực văn hoá: Tỉnh đã tổ chức thành công các sự kiện quảng bá, thu hút khách du lịch đến với tỉnh như: Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La; Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ hội Hương sắc Na Hang (Lễ hội Hoa Lê); Lễ khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang 2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành,… Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được triển khai sâu rộng.

- Về thể dục thể thao: Tỉnh đã phối hợp với Tổng cục TDTT, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam tổ chức thành công giải cầu lông CLB các tỉnh, thành, ngành toàn quốc năm 2024 với sự tham gia của 25 đoàn đến từ 22 tỉnh, thành, ngành trong cả nước với trên 200 vận động viên thi đấu, tranh tài ở 5 nhóm tuổi nam và nữ. Kết thúc giải, Ban Tổ chức trao huy chương cho các vận động viên có thành tích thi đấu xuất sắc ở 5 nhóm tuổi (nhóm 1 từ 12 - 30 tuổi, nhóm 2 từ 31 - 40 tuổi, nhóm 3 từ 41 - 45 tuổi, nhóm 4 từ 46 - 50 tuổi và nhóm 5 từ 51 - 55 tuổi) và trao cúp Thành Công cho đoàn có thành tích thi đấu xuất sắc tại giải; tỉnh đã tổ chức thành công giải “Giải đua thuyền Kayak” tỉnh Tuyên Quang mở rộng năm 2024; Giải bóng đá Thiếu niên Nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2024. …

- Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, khu vực I (bao gồm các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc) được tổ chức tại thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ, đoàn Tuyên Quang có 64 VĐV tham gia thi đấu 5 môn gồm: đẩy gậy, điền kinh, cầu lông, bóng đá, kéo co. Kết quả, đoàn đã giành 25 huy chương, Trong đó môn điền kinh giành 16 huy chương gồm 6 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 6 Huy chương Đồng; môn cầu lông giành 4 huy chương gồm 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng; môn đẩy gậy giành 5 Huy chương Đồng. Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, năm 2024, Khu vực I đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi nhằm lan tỏa tinh thần thể thao cao thượng, lành mạnh trong các em học sinh, góp phần đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

6. Một số hoạt động khác

- Tỉnh đã khai trương Trung tâm Giám sát điều hành hành thông minh của  tỉnh Tuyên Quang. Trung tâm sẽ thu thập thông tin, số liệu kết nối đến cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị, địa phương giúp lãnh đạo tỉnh có các thông tin, dữ liệu trong điều hành, quy hoạch, định hướng phát triển. Đồng thời phục vụ công tác điều hành, xử lý các tình huống khẩn cấp trên địa bàn tỉnh nhanh chóng, chính xác, hiệu quả; cung cấp cơ sở dữ liệu, thông tin tổng hợp chung và chi tiết về lĩnh vực chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương, giúp lãnh đạo tỉnh quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đem lại hiệu quả cao, phục vụ tốt hơn đối với người dân và doanh nghiệp.

- Trong tháng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Trong báo cáo kết quả công bố, chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh Tuyên Quang đạt 65,45 điểm, tăng 2,59 điểm so với điểm PCI năm 2022, tăng 02 bậc so với năm trước và xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; xếp thứ 10/14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

7. Tình hình an toàn giao thông, thiên tai và phòng chống cháy, nổ

Trong dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, làm bị thương 4 người, không có trường hợp tử vong (so với cùng kỳ năm 2023, tăng 1 vụ, tăng 2 người bị thương). Ngành chức năng đã phát hiện, xử lý 534 trường hợp vi phạm. Trong đó, chủ yếu vi phạm tốc độ với 250 trường hợp; vi phạm nồng độ cồn với 116 trường hợp; 62 trường hợp không có giấy phép lái xe; các vi phạm khác như: chở hàng quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng; tránh, vượt sai quy định; dừng đỗ sai quy định; không đội mũ bảo hiểm,… Tổng số tiền phạt ước tính hơn 1,1 tỷ đồng.

Tỉnh tiếp tục triển khai đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe; vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định; vi phạm chở hàng quá tải trọng; phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, là những nơi thường xảy ra tai nạn giao thông.

7.1. Về an toàn giao thông trong tháng

Toàn tinh đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 4 người và làm bị thương 12 người. So với tháng trước số vụ tai nạn tăng 6,66%; số người chết giảm 33,34%; số người bị thương tăng 9,09%. So với tháng cùng kỳ số vụ tai nạn giao thông tăng 14,29%; số người chết giảm 42,86%; số người bị thương tăng 33,33%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 69 vụ tai nạn giao thông; làm chết 30 người và làm bị thương 55 người. So với cùng kỳ năm trước: Số vụ tai nạn giao thông giảm 2,82%; số người chết tăng 11,11%; số người bị thương giảm 3,51%.p

7.2. Về thiên tai, cháy, nổ

- Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các đợt mưa giông, lốc kèm theo mưa lớn và xuất hiện các hiện tượng  sét, mưa đá và gió giật mạnh đã gây ra những thiệt hại về tài sản hòa màu của người dân, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân, cụ thể như sau:

Thiệt hại về người: Không có.

Thiệt hại về nhà ở: 1.706 nhà bị tốc mái và hư hỏng nặng.

Thiệt hại về nông nghiệp và công trình giao thông: Giông lốc đã làm 506 ha lúa bị ảnh hưởng, 807,54 ha cây ngô, rau màu và cây hàng năm khác bị thiệt hại, 952,3 ha cây lâm nghiệp và 1,5 ha cây ăn quả bị thiệt hại; diện tích ao bị tràn bờ là 2.157 ha; 4 con gia súc và 600 con gia cầm bị thiệt hại,…. Ước tính tổng giá trị thiệt hại của các đợt thiên tai là 26.461 triệu đồng.

Theo dự báo, trong thời gian tới thời tiết có tiếp tục diễn biến phức tạp. Dự báo nắng nóng sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm, số đợt nắng nóng có khả năng nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ xảy ra các đợt thiên tai, lũ lụt và lũ quét, gây sạt lở đất, đá ở vùng có độ dốc, ngập úng ở vùng trũng. Các địa phương, người dân cần chủ động các biện pháp để chủ động ứng phó, phòng, tránh.p

- Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận vụ cháy nổ nào xảy ra.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác