Thứ hai, 00/00/2023
°

Tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Ngày 22/08/2024 - 20:11:00 | 1499 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Phát biểu tại Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 trong khuôn khổ Hội nghị Người Việt Nam toàn thế giới lần thứ 4 diễn ra ngày 22/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến định hướng phát triển đất nước thời gian tới, trong đó cần tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự Diễn đàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024. Ảnh: VGP

Về các yếu tố nền tảng, quan điểm, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, sau gần 40 năm Đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay".

Từ một nước bị chiến tranh tàn phá và sau gần 30 năm bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, tham gia 16 hiệp định thương mại tự do. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó với 30 nước là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế.

Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát khoảng 4%; các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nâng tầm, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Việt Nam đi đầu trong thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững, nhất là về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục. Với thế và lực mới, Việt Nam ngày càng chủ động đóng góp cho các quan tâm chung của toàn cầu, trong đó có các nỗ lực gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, cứu trợ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo.

Riêng về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, Việt Nam đang đạt nhiều thành tựu quan trọng; 100% xã, phường, thị trấn đã kết nối Internet băng thông rộng; chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đứng thứ 58 thế giới. Kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng gấp 11 lần đến năm 2030, đạt mức 220 tỷ USD.

Chúng ta khẳng định: Đạt được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân cả nước và hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài. Qua đó, tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào trong và ngoài nước về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về tương lai và cơ đồ đất nước; đồng thời khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta, bản sắc văn hóa, giá trị con người Việt Nam.

Về định hướng phát triển đất nước thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thực hiện 6 định hướng lớn. Một là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hai là, làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...).

Ba là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo chuyển biến thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững.

Bốn là, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hòa giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Năm là, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề nổi lên trên thế giới tác động tới Việt Nam; không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.

Sáu là, củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến quan điểm của Đảng, Nhà nước và sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Về "3 thông điệp" đối với bà con đồng bào ta ở nước ngoài: Thứ nhất, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quý giá của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Năm 2025 kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày thống nhất đất nước sẽ là dịp thúc đẩy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai.

Thứ hai, đất nước kỳ vọng vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc. Thành công của đồng bào cũng chính là thành công của đất nước - Đất nước tự hào về đồng bào ta ở nước ngoài.

Thứ ba, đất nước trân quý tình cảm, thấu hiểu khi nghe tâm tư nguyện vọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của bà con người Việt Nam ở nước ngoài dành cho quê hương. Chúng ta luôn nỗ lực để "nghe cho thấu, thấy cho rõ, hiểu cho hết" tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Nhấn mạnh về "3 định hướng" và "3 trọng tâm" trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng khẳng định, trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, phương, của cả hệ thống chính trị, của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy tối đa sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng, nguồn lực, động lực thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong thế giới ngày nay.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ luôn tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bà con về đất đai, nhà cửa, quốc tịch, cư trú, môi trường đầu tư, kinh doanh… Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua đã khẳng định cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo thuận lợi cao nhất cho các hoạt động đóng góp xây dựng đất nước, Thủ tướng nêu rõ.

Với tình yêu quê hương, đất nước, những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại tốt đẹp, chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, sẽ tiếp tục phát huy cao nhất bản lĩnh, trí tuệ, ngày càng phát triển vững mạnh, phát huy vai trò cầu nối Việt Nam với thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xứng đáng với truyền thống con Lạc, cháu Hồng, cùng nhau hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác