Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2024 tỉnh Lạng Sơn

Ngày 04/09/2024 - 13:50:00 | 102 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2024 ước tính đạt 3.127,9 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông và chuyên môn khoa học), tăng 11,85% so với cùng kỳ . Cộng dồn 8 tháng ước tính đạt 23.957,2 ỷ đồng, tăng 12,93% so với cùng kỳ.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

Trong tháng, có các đợt mưa rào, thuận lợi cho việc gieo trồng vụ Mùa, chăm sóc lúa, ngô và các loại cây rau màu. Hoạt động chăn nuôi được quan tâm, duy trì đàn vật nuôi; thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng vaccine và phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm giảm thiệt hại và hạn chế lây lan diện rộng ở các địa phương. Công tác bảo vệ, quản lý, phát triển rừng được thực hiện có hiệu quả. Lượng nước mưa bổ sung tại các sông, suối, ao hồ, thuận lời cho việc duy trì sản xuất nuôi trồng và khai thác thuỷ sản.

*  Trồng trọt

Cây lúa: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân tích cực xuống đồng gieo cấy lúa Mùa năm 2024, tập trung gieo cấy, sử dụng các giống lúa lai và lúa thuần có năng suất, chất lượng cao và thời gian sinh trưởng phù hợp với thời vụ của tỉnh như: Bao thai, DV 108, Nhị ưu, nếp các loại..., đây là những giống lúa có ưu điểm phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương cũng như cho năng suất và chất lượng tốt. Trong tháng 8, ước gieo cấy lúa vụ Mùa đạt 17.774,3 ha, tăng 2,33% so với cùng kỳ.

Cây ngô: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 4.062,5 ha, tăng 0,18% (+7,25 ha) so với cùng kỳ. 

Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 396,8 ha, tăng 0,64% (+2,54 ha) so với cùng kỳ.

Rau các loại: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 1.199,0 ha, tăng 0,32% (+3,82 ha) so với cùng kỳ. Hiện nay, diện tích trồng rau an toàn ngày càng mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao vì thị trường rau sạch đáp ứng được nhu cầu của người tiêu thụ, giá bán ổn định.

Ngày 29 - 30/7/2024, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn gây ngập úng một số diện tích cây trồng vụ Mùa. Trong đó, chủ yếu diện tích mạ, lúa lai mới gieo cấy và một phần nhỏ diện tích hoa màu. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kịp thời kiểm tra, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục, khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của đợt mưa, người dân nhanh chóng gieo lại, cấy bù phần diện tích lúa, mạ bị ngập, trôi; đảm bảo tiến độ, kế hoạch gieo cấy vụ Mùa.

*  Chăn nuôi

Trong kỳ báo cáo, trên địa bàn tỉnh bệnh dịch1 (TLCP) tiếp tục phát sinh  tại 863 hộ/108 thôn/118 xã/11 huyện, thành phố. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy  3.917 con với trọng lượng 154.415 kg. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 96/157xã/11 huyện, thành phố chưa qua 21 ngày.

Tổng đàn trâu: Ước tính số trâu hiện có 56.381 con, giảm 11,73% (-7.494 con) so với cùng kỳ; số trâu xuất chuồng là 1.245 con, giảm 2,93% (-38 con) so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng đạt 335,3 tấn. Do nhu cầu sử dụng sức kéo bằng gia súc giảm và môi trường chăn thả bị thu hẹp, xu hướng đàn trâu giảm mạnh so với các năm trước, hiện nay các hộ dân cư chủ yếu nuôi trâu bò vỗ béo, lấy thịt.

Tổng đàn bò: Ước tính số bò hiện có 28.848 con, giảm 1,68% (-493 con) so với cùng kỳ; số con xuất chuồng là 542 con, tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 118,0 tấn, tăng 3,75% (+4,27 tấn) so với cùng kỳ, do thực hiện chăn nuôi bò theo hướng nhốt chuồng, vỗ béo.

Tổng đàn lợn: Số con hiện có dự ước 165.762 con, giảm 5,18% (-9.059 con) so với cùng kỳ, tổng đàn lợn giảm do ảnh hưởng của dịch TLCP phát sinh và có xu hướng lây lan ra nhiều huyện, thành phố từ tháng 6. Công tác tái đàn sẽ được thực hiện, triển khai kịp thời khi môi trường chăn nuôi ổn định để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng thịt lợn vào dịp lễ, tết trong thời gian tới. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng đạt ước 2.471,62 tấn, tăng 4,8% (+113,29 tấn).

Tổng đàn gia cầm ước tính 4.973,6 nghìn con, tăng 3,35% (+161,4 nghìn con) so với cùng kỳ; trong đó, tổng đàn gà là 4.392,9 nghìn con, tăng 3,5% (+148,7 nghìn con) so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm là 1.675,0 tấn; trong đó, sản lượng gà hơi đạt 1.317,6 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 5.393,4 nghìn quả; trong đó, số lượng trứng gà đạt 4.534,1 nghìn quả.

1.2. Lâm nghiệp

Công tác trồng rừng được duy trì, sản phẩm gỗ có thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng được quan tâm, tình hình thời tiết được cập nhật thường xuyên…. Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng (giảm 13 vụ so với cùng kỳ). Diện tích trồng rừng ước thực hiện được 644,8 ha, giảm 1,39% (-9,1 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 117,7 nghìn m3, giảm 0,72% (-0,8 nghìn m3) so với cùng kỳ; củi khai thác ước đạt 84,5 nghìn ste, tăng 0,32% (+0,3 nghìn ste) so cùng kỳ.

1.3. Thủy sản

Trong tháng, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định. Thời tiết mưa rào, lượng nước tại các sông, suối, ao hồ tăng, tạo môi trường nước thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển nuôi trồng, khai thác thuỷ sản.

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 năm 2024

*  Chỉ số sản xuất công nghiệp so với tháng trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2024 tăng 0,49% so với tháng trước, chủ yếu tăng ở nhóm ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,15%, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 7,86%.

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,15%, trong đó: Khai thác than tăng 6,34%, do Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương dự kiến tăng sản lượng điện sản xuất cao hơn so với tháng trước, Công ty Than Na Dương tăng sản lượng khai thác nhằm đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất nhiệt điện.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự ước giảm 2,39%, chủ yếu giảm ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 18,22%, do sản xuất xi măng giảm (trong tháng Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành dự kiến bảo dưỡng máy móc sản xuất, giảm sản lượng sản xuất sản phẩm clanhke); nghành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (sản phẩm máy bơm chân không) giảm 32,43%, do Công ty TNHH Bảo Long nhận ít đơn hàng nên dự kiến giảm sản xuất.

Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng 7,86%, tăng chủ yếu ở điện sản xuất (13,28%) do Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương dự kiến sản lượng tăng hơn so tháng trước theo lệnh sản xuất của Tổng Công ty. Điện thương phẩm giảm 5,74% (-4,55 triệu KWh) so với tháng trước.

Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải có chỉ số sản xuất giảm 0,45%; do ngành hoạt động thoát nước và xử lý nước thải giảm 1,22%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu giảm 1,26% so với tháng trước

*  Chỉ số sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2024 so với cùng kỳ tăng 1,88%, tăng chủ yếu ngành công nghiệp khai khoáng tăng 31,63%, ngành cung cấp nước, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,17%.

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 31,63%, do hoạt động khai khoáng khác tăng 48,73%, trong năm 2024 tỉnh Lạng Sơn khởi công nhiều dự án xây dựng, nhu cầu đá xây dựng tăng.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,74%, do một số sản phẩm sản xuất tăng so với cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 29,73%, tăng chủ yếu ở sản phẩm chè do trong tháng 6, 7, chè thu hoạch chính vụ là nguồn nguyên liệu sản xuất trong tháng 8 tăng, sản phẩm chè gói có thương hiệu nên có đầu ra ổn định, nguyên liệu đảm bảo, doanh nghiệp tăng công suất sản xuất nên sản lượng tăng. Sản xuất đồ uống tăng 12,42%, tăng chủ yếu ở sản phẩm rượu trắng có độ cồn từ 25 độ trở lên. Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 33,11%, do nguyên liệu tại địa phương đáp ứng đủ cho quá trình sản xuất, nhu cầu tiêu thụ tăng, giá bán sản phẩm tăng. Sản xuất kim loại tăng 23,46%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 26,10%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,4%, sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 75,93%, các ngành này có chỉ số sản xuất tăng do các cơ sở sản xuất nhận được thêm đơn hàng nên tăng sản lượng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng.

Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 6,41%, giảm chủ yếu ở điện sản xuất (-7,59%, tương đương giảm 3,03 triệu Kwh), do Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia không huy động sản lượng điện từ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương dẫn đến Nhà máy dừng 01 tổ máy phát điện, nên sản lượng điện sản xuất giảm.

Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,17%: Hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,82%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 14,55%, do trong tháng mưa nhiều nên doanh nghiệp tăng công suất thoát và xử lý nước thải; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 4,3% so với cùng kỳ.

* Sản phẩm chủ lực của tỉnh

Sản phẩm ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự cộng dồn 8 tháng ước đạt 29,81 nghìn m3, tăng 8,41% so với cùng kỳ, do sự phát triển kinh tế rừng tại địa phương đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất gỗ bóc, các cơ sở chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết được nhiều đơn hàng nên sản lượng tăng so với cùng kỳ. Sản phẩm Xi măng Portland đen ước đạt 732,61 nghìn tấn, giảm 3,16%, clanhke xi măng dự ước đạt 442,87 nghìn tấn, giảm 8,9%, do trong những tháng đầu năm 2024 Công ty cổ phần Xi măng Hồng Phong hoàn thiện thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu cho Công ty cổ phẩn Gạch ngói Hợp Thành, nên nhà máy sản xuất cầm chừng; Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành giảm sản xuất sản phẩm clanhke do lợi nhuận mang lại từ sản xuất không cao như cùng kỳ năm trước, clanhke sản xuất chủ yếu phục vụ chế biến tiếp sản phẩm Xi măng Portland, mặt khác, doanh nghiệp thay phiên dừng lò để bảo dưỡng máy móc nên sản xuất giảm.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 8 năm 2024 giảm 4,32% so với cùng kỳ, chỉ số sử dụng lao động giảm chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do: Một số doanh nghiệp có sản phẩm khó tiêu thụ, giảm sản lượng sản xuất nên cắt giảm lao động, doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động thực hiện tinh giảm lao động theo kế hoạch của Tổng công ty.

3. Đầu tư, xây dựng

3.1. Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước

Trong tháng các ngành, các địa phương và các đơn vị chủ đầu tư đã bám sát chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức, triển khai, thực hiện và giải ngân các công trình, dự án kế hoạch năm 2024; đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án đã được chủ đầu tư chủ động phối hợp tốt với các địa phương bảo đảm mặt bằng thi công; đơn giá vật liệu xây dựng được điều chỉnh và cập nhật thường xuyên.   

Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước tháng 8 năm 2024 trên địa bàn đạt 372,7 tỷ đồng, tăng 2,95% (+10,7 tỷ đồng) so với cùng kỳ, tăng 5,82% so với tháng trước. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện được 227,4 tỷ đồng (chiếm 61,02% trong tổng số), tăng 9,15% so với tháng trước, giảm 13,70% (- 36,1 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện được 145,3 tỷ đồng, tăng 0,99% so với tháng trước, tăng 47,52% (+46,8 tỷ đồng) so với cùng kỳ.

Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2024 đạt  2.159,1 tỷ đồng, đạt 53,75% kế hoạch, giảm 2,71% (-60,0 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.299,7 tỷ đồng đạt 53,06% kế hoạch, giảm 15,26% (- 234 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 859,4 tỷ đồng, đạt 54,84% kế hoạch, tăng 25,38% (+173,9 tỷ đồng) so với cùng kỳ.

* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 - km18): Tổng mức đầu tư 1.214,51 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8 năm 2024 ước thực hiện được 967,6 tỷ đồng, đạt 79,67% kế hoạch.

Dự án Đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18, huyện Đình Lập: Tổng mức đầu tư 338,9 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8 năm 2024 ước thực hiện được 131,60 tỷ đồng, đạt 38,83% kế hoạch.

Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28), huyện Cao Lộc: Tổng mức đầu tư 299,7 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8 năm 2024 ước thực hiện được 273,0 tỷ đồng, đạt 91,09% so với kế hoạch.

Dự án Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT: Tổng mức đầu tư 5.000,0 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8/2024 ước thực hiện được 84 tỷ đồng đạt 1,68% kế hoạch.

3.2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Từ đầu năm đến hết tháng 7 năm 2024, toàn tỉnh có 798 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 122,91% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 6.134,7 tỷ đồng, tăng 109,36% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 478 doanh nghiệp, tăng 77,04% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp thông báo giải thể 95 doanh nghiệp, tăng 86,27% so với cùng kỳ.

4. Thương mại và dịch vụ

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ

Hoạt động thương mại và dịch vụ cung ứng hàng hóa diễn ra trên thị trường ổn định, các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Các ngành chức năng tiếp tục tập trung phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa; tăng cường công tác quản lý giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo các nghị quyết của Chính phủ, của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2024 ước tính đạt 3.127,9 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông và chuyên môn khoa học), tăng 11,85% so với cùng kỳ . Cộng dồn 8 tháng ước tính đạt 23.957,2 ỷ đồng, tăng 12,93% so với cùng kỳ.

* Bán lẻ hàng hóa

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 năm 2024 dự ước đạt 2.744,9 tỷ đồng, tăng 2,86% so với tháng trước. Hầu hết các nhóm hàng hóa trong tháng đều tăng so với tháng trước, trong đó: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 4,22%; nhóm hàng hóa khác tăng 5,26%; nhóm hàng may mặc tăng 13,47%; nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 20,77% do nhu cầu mua trang phục, đồng phục chuẩn bị năm học mới; nhóm đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,99% ....

Dự ước 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 20.957,1 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,46%, tăng chủ yếu ở các nhóm hàng hóa: Lương thực, thực phẩm tăng 16,39%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 20,95% và phương tiện đi lại, trừ ô tô con tăng 10,99%; xăng, dầu các loại tăng 22,61% do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân tăng cao;…

* Dịch vụ

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 8 năm 2024 ước đạt 234,4 tỷ đồng, tăng 3,66% so với tháng trước và tăng 20,34% so với cùng kỳ. Cộng dồn doanh thu ước đạt 1.848,5 tỷ đồng, tăng 13,79% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 2,4 tỷ đồng, tăng 9,11% so với tháng trước và tăng 28,04% so với cùng kỳ. Cộng dồn doanh thu ước đạt 16,5 tỷ đồng, tăng 15,60% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ khác tháng 8 năm 2024 ước đạt 146,0 tỷ đồng, tăng 4,25% so với tháng trước và giảm 10,67% so với cùng kỳ. Cộng dồn doanh thu ước đạt 1.135 tỷ đồng, giảm 10,42% so với cùng kỳ.

4.2. Hoạt động xuất nhập khẩu

Tình hình xuất nhập khẩu (XNK) qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong tháng 8 giảm so với tháng 7, do hàng hỏa nông sản của Việt Nam đã vào cuối vụ. Hoạt động XNK tại các của khẩu (Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Chi Ma, Tân Thanh) vẫn duy trì ôn định; Chi cục Hải quan Cốc Nam không phát sinh hàng hóa nhập khẩu chỉ phát sinh một số ít hàng hóa xuất khẩu; cửa khẩu Na Hình, Nà Nưa trong tháng không phát sinh hoạt động XNK.

Bên cạnh đó, phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện siết chặt việc kiểm địch đối với mặt hàng hoa quả, nông sản (đặc biệt là sầu riêng). Ngoài ra, từ ngày 01/8/2024 áp dụng phương thức mới về giao nhận hàng hóa xuất cảnh qua các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu Quốc tệ Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) phải tuân thủ các điều ước quốc tế gồm Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, các thông lệ quốc tế và quy định của nội luật Việt Nam.

Tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong tháng 8 năm 2024 của tất cả các loại hình XNK (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) đạt 5.004,15 triệu USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa XNK mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 386,15 triệu USD, giảm 0,8% so với tháng trước.

Lũy kế từ ngày đầu năm tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn của tất cả các loại hình XNK (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) đạt 35.072,19 triệu USD, tăng 28,86% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch hàng hóa XNK mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đạt 3.074,77 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Hành khách xuất nhập cảnh phát sinh trong tháng là 219.863 lượt (trong đó: Khách xuất cảnh là 112.319 lượt, khách nhập cảnh 107.544 lượt). Lũy kế từ đầu năm hành khách xuất nhập cảnh là 1.648.830 lượt (trong đó: Khách xuất cảnh 790.043 lượt, khách nhập cảnh 858.787 lượt).

Thu phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu đạt 53,23 tỷ đồng với 40.443 lượt phương tiện. Lũy kế từ đầu năm đạt 363,71 tỷ đồng với 284.470 lượt phương tiện.

4.3. Vận tải

Trong tháng 8 năm 2024, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh tăng so với tháng trước, vận tải hành khách nhất là hoạt động vận chuyển hành khách bằng taxi khi cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn. Bên cạnh đó sự phát triển của các hãng taxi trên địa bàn (taxi truyền thống; taxi điện) tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở kinh doanh vận tải, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hoạt động vận tải hàng hóa tăng do nhu cầu vận chuyển tăng khi các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng tăng do hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi cùng với việc phát triển nền tảng cửa khẩu số được triển khai thành công và hiệu quả, lưu lượng xe chở hàng thông quan qua cửa khẩu tăng.

Dự ước doanh thu vận tải, kho bãi tháng 8 đạt 219,3 tỷ đồng, tăng 2,57% so với tháng trước và tăng 12,47% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải kho bãi 8 tháng năm 2024 dự ước đạt 1.687,7 tỷ đồng, tăng 9,59% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 217 tỷ đồng, tăng 11,2%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 803,2 tỷ đồng, tăng 12,85%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 665,3 tỷ đồng, tăng 5,43%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 2,2 tỷ đồng, tăng 7,05% so với cùng kỳ.

5. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

5.1 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

* Chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước:

Tháng 8 năm 2024 chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh giảm 0,07%. Chỉ số giá tiêu dùng giảm chủ yếu ở nhóm giao thông giảm 2,1%, đồ uống và thuốc lá giảm 0,04%, cụ thể:

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,04% so với tháng trước do  mặt hàng bia lon giảm 0,68%.

Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,1%, do giá vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 4,09%; mặt hàng nhiên liệu giảm 5,81% (xăng giảm 5,8%, dầu diezel giảm 6,95%), giá xăng, dầu biến động tăng, giảm theo giá nhiên liệu thế giới, tính đến ngày 25 tháng 8 năm 2024 trong tháng có 4 kỳ điều chỉnh giá (ngày 01 tháng, ngày 08 tháng 8, ngày 15 tháng 8, ngày 22 tháng 8).

Bên cạnh đó 09 nhóm hàng tăng giá như:

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% so với tháng trước, trong đó: Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,43%, do một số mặt hàng như: Gạo tăng 0,66%; bột mì và ngũ cốc khác tăng 0,85%; lương thực chế biến tăng 0,09%,... Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,32%, tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như: Thịt lợn tăng 0,24%; thịt gia cầm tăng 0,21%; thịt chế biến tăng 0,58%; trứng các loại tăng 0,46%; dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 1,02%; thuỷ sản tươi sống tăng 0,02%; nhóm các loại rau tươi, khô và chế biến tăng 0,53% (do trong tháng một số loại rau củ thời điểm cuối, trái vụ thu hoạch và bị ảnh hưởng bởi thời tiêt mưa lớn).... Chỉ số giá nhóm ăn, uống ngoài gia đình tăng 0,01%, tăng chủ yếu là mặt hàng đồ ăn nhanh mang đi. 

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,31%, do nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,01%, nước sinh hoạt tăng 0,11%, điện sinh hoạt tăng 0,49%, giá gas và các loại chất đốt khác tăng 0,24%, dầu hoả là mặt hàng giảm mạnh 5,09%.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,03%, tăng chủ yếu ở nhóm văn phòng phẩm tăng 0,13% do chuẩn bị vào năm học mới, nhu cầu mua sắm các sản phẩm văn phòng phẩm tăng, giá cả mặt hàng có xu hướng tăng nhẹ so với tháng nghỉ hè của học sinh, sinh viên, các nhóm khác nhìn chung ổn định.

* Chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước:

Chỉ số giá tháng 8 năm 2024 so với cùng kỳ tăng 2,87 so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng có 09 nhóm tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống  tăng 3,77%; đồ uống và thuốc lá  tăng 4,64%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,66%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dụng tăng 4,3%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,96%; nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 11,19%; nhóm giáo dục tăng 0,75%; nhóm văn hoá, giải trí, du lịch tăng 0,71%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 4,03%. 02 nhóm hàng hóa giảm: Nhóm giao thông giảm 2,23% so với cùng kỳ; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02% so với cùng kỳ.

* Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2024:

So với cùng kỳ tăng 3,06%, nguyên nhân chính tác động tăng chỉ số giá trong 8 tháng năm 2024 là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi dẫn đến giá cả thịt lợn tăng, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm chế biến sẵn, và một phần tác động gián tiếp từ việc tăng lương, tăng các dịch vụ liên quan tiền lương, dịch vụ xã hội, dẫn đến việc tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Giá cả một số nhóm hàng tăng như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,65%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 4,23%; nhóm may mặc, mũ nón giầy dép tăng 0,84%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,22%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 3,29%; thuốc và dụng cụ y tế tăng 11,25%,  nhóm giao thông tăng 1,77% (tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 32 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu); nhóm giáo dục tăng 0,63%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,97%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,33%. Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông 8 tháng năm 2024 giảm 0,5% so với cùng kỳ.

5.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng: Tháng 8 năm 2024, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Trên xu hướng giá vàng trong nước tăng cao trong thời gian vừa qua, giá vàng trên địa bàn tăng 1,51% so với tháng trước, tăng 35,78% so với cùng kỳ, tăng 93,47% so với giá gốc 2019. Bình quân 8 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 25,85% so với cùng kỳ.

Trong tháng 8 năm 2024, đồng đô la Mỹ so với tháng trước giảm 0,49% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,31% và so với năm gốc năm 2019 tăng 8,81%. Bình quân 8 tháng đầu năm, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,83% so với cùng kỳ.

6. Tài chính, ngân hàng

6.1. Tài chính

- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 8 năm 2024 là 671,7 tỷ đồng, luỹ kế ước thực  hiện 8 tháng đầu năm là 6.576,6 tỷ đồng, đạt 89,1% so với dự toán Trung ương giao, đạt 87,9% so với dự toán tỉnh giao, tăng 28,8% so với cùng kỳ, trong đó:

Thu nội địa: 1.915,0 tỷ đồng, đạt 80,3% dự toán Trung ương giao, đạt 77,1% so với dự toán tỉnh giao, tăng 10,0% so với cùng kỳ. Do ngay từ đầu năm các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung tổ chức thực hiện tốt các Luật Thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, thực hiện rà soát từng nguồn thu, đánh giá tiến độ thu, từng sắc thuế. Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách giảm thuế, chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu; công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu và xử lý nợ thuế được tổ chức thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch, tập trung đối với các khoản nợ có khả năng thu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án chống thất thu.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 4.658,4 tỷ đồng, đạt 93,2% so với dự toán giao, tăng 39,0% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh qua địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi, thông suốt. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác thông tin trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để đề nghị thống nhất triển khai các nội dung thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa; đồng thời, phối hợp tổ chức triển khai phương án phân luồng, điều tiết phương tiện chở hàng hoá xuất, nhập khẩu đảm bảo khoa học, hợp lý để hoạt động thông quan hàng hoá luôn diễn ra với hiệu suất cao nhất.

Các khoản huy động, đóng góp: 3,2 tỷ đồng.

- Về chi ngân sách địa phương

Quản lý chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 8 tháng năm 2024 là 7.483,6 tỷ đồng, đạt 51,5% dự toán giao đầu năm, tăng 20,9% so với cùng kỳ, trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 6.108,5  tỷ đồng, đạt 53,7% dự toán giao đầu năm và tăng 18,3% so cùng kỳ. Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 1.375,0 tỷ đồng đạt 43,4% dự toán, tăng 34,2% so với cùng kỳ.

6.2. Ngân hàng

Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và pháp luật về hoạt động ngân hàng, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường huy động vốn, mở rộng đầu tư tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường khả năng, hấp thụ vốn cho nên kinh tế. Thực hiện giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Kết quả huy động vốn và cho vay ước thực hiện đến 31/8/2024: Tổng huy động vốn ước đạt 47.095 tỷ đồng, tăng 7,4% so với 31/12/2023. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 43.441 tỷ đồng, giảm 0,6% so với 31/12/2023.

Tình hình thực hiện lãi suất: Lãi suất của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được duy trì ổn định ở mức thấp phù hợp với thị trường và định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Lãi suất huy động bằng VND đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng dao động ở mức 0,1 - 0,2%/năm; đối với kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng dao động từ 2,7 - 4,25%/năm; kỳ hạn từ 06 tháng đến dưới 12 tháng dao động từ 3,5 - 5,2%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,95 – 5,7%/năm. Lãi suất huy động bằng USD tối đa đối với cá nhân và tổ chức là 0%/năm theo quy định của NHNN Việt Nam.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 05 lĩnh vực ưu tiên tối đa là 4,0%/năm; cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh phổ biến ở mức 7,0- 8,5%/năm; cho vay ngắn hạn khác phổ biến ở mức 8,2 - 10,0%/năm; cho vay trung, dài hạn sản xuất kinh doanh phổ biến ở mức 9,0 - 10,5%/năm; cho vay trung dài hạn khác phổ biến ở mức 9,2-11,0%/năm.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn áp dụng mức lãi suất riêng theo quy định; lãi suất cho vay thấp nhất là 3%/năm, lãi suất cho vay cao nhất là 9%⁄năm.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội

Giải quyết việc làm: Tổng số lượt người được tư vấn về chính sách pháp luật lao động, việc làm, định hướng nghề và giới thiệu việc làm là 2.481 lượt người, giảm 46,04% so với cùng kỳ; số người lao động được giới thiệu việc làm 162 lượt người; số lao động nhận được việc làm là 117 lượt người. Tổ chức Phiên giao dịch việc làm với chủ đề “Đồng hành và chia sẻ” dành cho người đã chấp hành xong án phạt tù; Phiên giao dịch việc làm bảo hiểm thất nghiệp tại 05 cụm xã huyện Chi Lăng năm 2024; số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 552 người, giảm 4,82% so với cùng kỳ, số tiền trợ cấp thất nghiệp theo Quyết định là 10.017 triệu đồng.

Giới thiệu 02 doanh nghiệp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn để phối hợp triển khai chương trình truyền thông, đào tạo, tư vấn, tuyển dụng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bảo đảm an sinh xã hội: Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 3.546 người có công và thân nhân với kinh phí 8.309,4 triệu đồng, trong đó chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho 1.037 người có công và thân nhân, kinh phí 2.474,2 triệu đồng. Luỹ kế chi trả trợ cấp từ tháng 01 đến tháng 8 cho 28.657 lượt người có công và thân nhân với kinh phí 67.121,6 triệu đồng, trong đó chi trả qua tài khoản cho 7.965 lượt người có công và thân nhân với kinh phí 18.964,9 triệu đồng. Lũy kế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân 954 hồ sơ.

7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng

Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn; đảm bảo thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh; tiếp tục duy trì kết quả thực hiện 02/04 chỉ tiêu đã đạt được 100% xã, phường, thị  trấn duy trì Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; đạt 33,6 giường bệnh trên 1 vạn dân, còn 02 chỉ  tiêu  11,4 bác sĩ trên 1 vạn dân và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,45%: ước đến hết năm 2024 đạt chỉ  tiêu giao.

Kết quả trong tháng 8 khám được 109.193 lượt, cộng dồn 08 tháng khám được 902.888 lượt, đạt 62,5%  kế hoạch năm, điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã 12.250 lượt, cộng dồn được 94.746 lượt, đạt  60,7%  kế hoạch năm, điều trị ngoại trú 10.992 lượt, cộng dồn được 91.536 lượt,  đạt 99,5%  kế hoạch năm.

Khám chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa ngoài công lập: Trong tháng khám được 32.366 lượt (cộng dồn 230.034 lượt), trong đó khám bảo hiểm y tế  27.056 lượt (cộng dồn 224.724 lượt); chuyển tuyến 1.226 lượt (cộng dồn 9.019 lượt); khám sức khỏe 2.539 lượt (cộng dồn 18.740), khám sức khỏe lái xe 1.634 lượt (cộng dồn 10.968 lượt).

Công tác tiêm chủng mở rộng: Tổng số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin là 932 trẻ (từ 01/7 đến 31/7/2024), cộng dồn 08 tháng là  5.138/5.493 trẻ, đạt tỷ  lệ  96,8%. Số trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B trong 24 giờ  sau sinh đạt 756/851 trẻ, cộng dồn 4.863/5.473 trẻ. Số phụ nữ có thai tiêm đủ AT2+ trong  tháng  là 374  người, cộng dồn được 4.131/5.493  người. Duy trì kết quả loại trừ  uốn ván sơ sinh theo quy mô huyện với tỷ  lệ  ≤ 1 trường hợp trên tổng số trẻ đẻ sống, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao.

Công tác giám định pháp y: Cơ bản hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ hỗ trợ cho công tác điều tra, tố tụng, đảm bảo sự  phối hợp chặt chẽ  giữa các đơn vị trong ngành.

7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch

Về nghệ thuật biểu diễn: Tổ chức được 04 buổi biểu diễn. Tính đến ngày 10/8/2024 đã thực hiện được 75/110 chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp.

Về thư viện: Trong tháng 8 năm 2024, thư viện đã thực hiện phục vụ bạn đọc tại chỗ 905 lượt độc giả, thực hiện luân chuyển sách 2.710 lượt, phục vụ phòng đa phương tiện 20 lượt, tại điểm luân chuyển thực hiện 935 lượt độc giả, luân chuyển 1.860 lượt sách, báo luân chuyển.

Về điện ảnh: Chiếu phim 138 buổi, thu hút trên 12.000 lượt người nghe, xem.  Tính đến thời điểm hiện tại các đội chiếu bóng lưu động đã chiếu được  1.091/1.670 buổi chiếu, đạt 65% kế hoạch năm 2024.

Về thể dục, thể thao: Tổ chức giải Bóng bàn, Cầu lông Thiếu niên Nhi  đồng tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 23 - 25/8/2024 tại  nhà thi đấu Thể  thao tỉnh, số 04 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Tuyển chọn vận động viên chuẩn bị tham dự giải Đua xe đạp địa hình tỉnh Bắc Kạn mở rộng năm 2024 trong khuôn khổ chương trình Du  lịch “Qua  những miền di sản Việt Bắc” lần  thứ XV - Bắc Kạn năm 2024. Tham gia Giải  vô địch các câu lạc bộ Karate quốc gia lần thứ XXIV năm 2024 từ 7/7 - 21/7 Bà Rịa Vũng Tàu (đạt 01 vàng, 02 bạc, 03 đồng); Đội Bóng đá U11 Lạng Sơn tham dự vòng Chung kết Giải vô địch  Bóng đá U11 toàn quốc Cúp Nestle Milo  năm 2024 từ ngày 6/7  –5/8/2024 tại  tỉnh Bắc Ninh; Giải vô địch Wushu trẻ quốc gia năm 2024 từ 18/7 - 28/7 tại  Thanh Hóa (đạt 03 huy chương vàng, 02 bạc, 11 đồng); Giải vô địch Kickboxing trẻ toàn quốc năm 2024 Từ ngày 19/7 - 31/7 tại Bình Định (đạt 02 bạc, 02 đồng); Giải vô địch trẻ Jujitsu quốc gia năm 2024 từ ngày 17/7-27/7 tại Bà Rịa Vũng Tàu (đạt 01 huy chương đồng); Giải vô địch trẻ và thiếu  niên Đẩy gậy quốc gia lần thứ III năm 2024 từ 7/8-16/8 tại Bắc Kạn. Cử huấn luyện viên tham gia hỗ trợ huấn luyện vận động viên tham dự Hội khỏe Phù đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 tại Hải Phòng.

Về du lịch: Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động lữ hành, các  doanh nghiệp lữ hành đã thực hiện nghiêm túc các quy định trong hoạt động  kinh doanh, tổ chức việc đưa, đón khách đảm bảo an toàn, an ninh. Trong tháng 8/2024 tiếp nhận và giải quyết  04 hồ  sơ cấp thẻ  hướng dẫn viên du lịch (02 hồ sơ hướng dẫn viên quốc tế và 02 hồ sơ hướng dẫn viên nội địa. Dự ước tổng lượng khách tháng 8 năm 2024 đạt 180.000 lượt khách (Khách quốc tế đạt 8.000 lượt khách, khách trong nước đạt 172.000 lượt khách). Lũy kế 8 tháng năm 2024 đạt 3.476.000 lượt khách, tăng 5,21% so với cùng kỳ.

7.4. Giáo dục

Tổ chức Hội nghị tổng kết, tuyên dương khen thưởng năm học 2023-2024; triển khai nhiệm vụ  năm học 2024-2025. Tập huấn, bồi dưỡng công tác giáo dục khuyết tật học hoà nhập năm 2024 và thực hiện dự toán, quyết toán, chi trả chế  độ, chính  sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong việc thực hiện giáo dục hoà nhập. Thông báo kết quả xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng IV lên hạng III năm 2024. Triển khai giao nhiệm vụ đào tạo sinh viên sư phạm ngành Giáo dục mầm  non, hệ cao đẳng theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP cho Trường cao đẳng sư phạm Lạng Sơn. Tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non giai đoạn 2023-  2025 (đợt 2). Tổ chức ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt cho học viên xóa mù chữ. Tham dự Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, kết quả Lạng Sơn là một trong 20 tỉnh toàn quốc đạt thành tích khá, xếp thứ 21/63 đoàn (tăng 11 bậc so với kỳ trước). 

7.5. Trật tự - An toàn giao thông

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tổ chức thực hiện các đợt cao điểm trấn áp các loại tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện 36 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 06 người, bị thương 28 người.

7.6. Môi trường

Trong tháng phát hiện 06 vụ vi phạm môi trường, giảm 17 vụ so với cùng kỳ, tăng 07 vụ so với tháng trước; khởi tố 01 vụ về tội hủy hoại rừng; xử phạt hành chính 01 vụ với số tiền phạt 1,5 triệu đồng, giảm 11,5 triệu đồng so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát hiện 151 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 113 vụ với tổng số tiền phạt là 466,3 triệu đồng.

7.7. Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng 8 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 01 vụ mưa lớn, làm chết 02 người do sạt lở  đất và ảnh hưởng 50 ngôi nhà. Diện tích lúa bị ảnh hưởng 447,8 ha, hoa màu 63,67 ha. Ước giá trị thiệt hại 8.600,0 triệu đồng.

[1] Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn.

[2] Nguồn: Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn.

[3] Nguồn: Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn.

[4] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn.

[5] Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn.

[6] Nguồn: Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn.

[7] Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.

[8] Nguồn: Công an tỉnh Lạng Sơn.


T8.2024.pdf Tải về

Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác