(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (lần thứ 5) diễn ra ngày 14/01/2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết, năm 2024, kinh tế - xã hội của Vùng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, luôn đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng trưởng kinh tế vượt mức bình quân chung cả nước và vượt vùng Đông Nam bộ; tiếp tục dẫn đầu về thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Với nhiều kết quả nổi bật đạt được về phát triển kinh tế nêu trên, có thể khẳng định vị thế, vai trò là vùng động lực, định hướng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của cả nước và “là một trong các vùng đi tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo các địa phương trong Vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của kế hoạch 05 năm là phải tăng tốc, bứt phá để thực hiện mục tiêu đề ra; đồng thời, cũng là tiền đề cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo “Đây đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”.
Ngay từ đầu năm, những thông điệp của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã khơi dậy nhiệt huyết, cho một quyết tâm đổi mới, nỗ lực hành động để tạo điểm tựa cho thế và lực của cả đất nước.
Về tình hình tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; các hoạt động của Hội đồng trong năm 2024, dự kiến kế hoạch hoạt động năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với tiềm năng, lợi thế vượt trội về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm của Vùng đạt khoảng 7,9% cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,09%); đứng thứ 2 trong 6 vùng kinh tế. Có 04 địa phương trong vùng tăng trưởng 2 con số, nằm trong Top 10 của cả nước, như: Hải Phòng 11,01%, Hà Nam 10,93%, Hải Dương 10,02%, Nam Định 10,01%.
Tổng thu NSNN của Vùng đạt 815,65 nghìn tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp cao nhất cả nước, tăng hơn 12,8% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, chiếm 40,1% tổng thu ngân sách cả nước. Trong đó: Hà Nội, Hải Phòng nằm trong nhóm 05 địa phương cao nhất nước; đặc biệt, Hà Nội lần đầu tiên vượt mốc 500 nghìn tỷ đồng.
Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 132 tỷ USD, là vùng dẫn đầu cả nước, chiếm gần 32,5% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước (405,53 tỷ USD).
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2024 có sự bứt phá mạnh mẽ, dẫn đầu cả nước với tổng vốn đăng ký đạt 20 tỷ USD, chiếm 52,6% cả nước. Trong đó: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội luôn nằm trong nhóm 05 địa phương cao nhất cả nước, đặc biệt tỉnh Quảng Ninh tăng vượt bậc, lần đầu tiên vươn lên đứng thứ 2 cả nước, đạt 2,29 tỷ USD, sau tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đăng ký gần 5,12 tỷ USD.
Vùng có 307,14 nghìn doanh nghiêp đang hoạt động chiếm 32,67% cả nước, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ). Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm đạt trên 48 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn 570,991 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,9% tổng số vốn cả nước.
Giải ngân vốn đầu tư công của vùng ước đạt 141,8/175,8 nghìn tỷ đồng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt gần 81% kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước (77,55%); một số địa phương nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Hải Phòng 99,67%; Thái Bình 99,09%, Hải Dương 95,11%, Vĩnh Phúc 90,54%; Ninh Bình 91,8%, Nam Định 159,36%.
Quy hoạch vùng, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Vùng và Quy hoạch 11/11 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hiện các địa phương đang tích cực xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch.
Nhiều dự án, công trình trọng điểm trong vùng được triển khai, xây dựng, tạo thuận lợi cho kết nối nội vùng, liên vùng, một số dự án giao thông lớn, trọng điểm đã hình thành hành lang kinh tế dọc theo các công trình, dự án như Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn đi trên cao); Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B Quảng Ninh - Lạng Sơn, đoạn qua tỉnh Quảng Ninh; nâng cấp, mở rộng nhà ga quốc tế T2 - CHKQT Nội Bài,...
Về hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Phiên họp lần thứ tư, Hội đồng điều phối vùng đã rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, đề án đã đề ra tại các Hội nghị trước đây và triển khai kế hoạch hoạt động của Vùng trong các tháng còn lại của năm 2024.
Theo đó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đã giao 18 nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng điều phối vùng thực hiện trong năm 2024, trong đó: 04 nhiệm vụ còn tồn đọng từ năm 2023 chưa hoàn thành; 14 nhiệm vụ thời gian trình cấp có thẩm quyền năm 2024.
Tính đến nay, có 06 nhiệm vụ đã hoàn thành; 11 nhiệm vụ, đề án do tính chất phức tạp chưa thể hoàn thành theo thời gian quy định và dự kiến báo cáo cấp có thẩm quyền cho tiếp tục triển khai trong năm 2025; 01 nhiệm vụ, đề án đến nay chưa triển khai.
Về khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ, Bộ trưởng nêu rõ, các nhiệm vụ, đề án đều mới, phức tạp, cần có ý kiến tham vấn của các tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm; Triển khai các dự án trọng điểm còn chậm, nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, dự án chưa bảo đảm; Chưa có nhiều mô hình liên kết giữa các địa phương trong vùng để hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành (như liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI,...). Kết cấu hạ tầng giao thông kết nối mặc dù có nhiều cải thiện nhưng chưa đồng bộ, hạ tầng ven biển còn yếu.
Về dự kiến kế hoạch hoạt động của Hội đồng vùng năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, những năm tới cả nước phải nỗ lực thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững, bao trùm, với mục tiêu tăng trưởng 2 con số”.
Vì vậy, nhiệm vụ của năm 2025 là rất nặng nề, vừa phải tăng tốc, bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và toàn khóa, vừa đẩy mạnh đột phá về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, vừa phải tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng nên cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các ngành, các cấp, các địa phương, trong đó có Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Để hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu các hoạt động dự kiến của Hội đồng vùng trong năm 2025. Thứ nhất là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ, các chương trình, kế hoạch hành động của bộ, địa phương bằng nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng để đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, bổ sung việc thực hiện quy hoạch Vùng, tỉnh. Đối với các địa phương chưa ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, cần khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành để làm cơ sở thực hiện.
Thứ ba, các bộ, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã giao trong năm 2024 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng năm 2025, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: rà soát đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đề án đã quá thời hạn giao tại Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 90/QĐ-HĐĐPĐBSH của Chủ tịch Hội đồng vùng trong năm 2024; Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng của vùng.
Các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu đề xuất các nhiệm vụ, đề án để giải quyết đối với một số vấn đề lớn trong phát triển Vùng ĐBSH, như kết nối hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng và quốc tế; Phát triển công nghiệp công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, robot, vật liệu mới thân thiện với môi trường,…; Thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn; hình thành các cụm liên kết theo chuỗi sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã; Tập trung phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế; Liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.
Cùng với đó, phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; Phát triển hệ thống đô thị trong vùng theo mạng lưới, phân bố hợp lý, thông minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tập trung phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước,… đây là những nhiệm vụ lớn được định hướng tại Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 14 của Chính phủ để các bộ, địa phương thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu tiến độ một số dự án quan trọng, liên kết vùng và cho biết, qua 12 tháng triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng đã có chuyển biến rõ rệt đặc biệt.
Theo Bộ trưởng, với mục tiêu đề ra “tăng trưởng kinh tế cả năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số”; trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024, dự kiến kế hoạch hoạt động năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, các bộ, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng và các nhiệm vụ tại Chương trình hành động của Chính phủ theo đúng tiến độ. Đối với các nhiệm vụ, đề án đề xuất không thực hiện, đề nghị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng theo đúng thẩm quyền.
Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 140/CĐ-TTg để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025. Các địa phương phải xác định mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới; chủ động, linh hoạt hóa giải khó khăn, thách thức, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội cho phát triển. Các địa phương đàu tàu trong vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương khác Vùng phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò là một trong hai đầu tàu dẫn dắt của cả nước.
Tiếp tục triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng một cách thiết thực, hiệu quả, theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, nâng cao vai trò điều phối, liên kết của Hội đồng điều phối vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố, khắc phục các điểm nghẽn phát triển. Tổ chức, phân công, điều phối các Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh để xây dựng các nội dung, kế hoạch triển khai các hoạt động của Hội đồng vùng trong năm.
Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh,…
Với vị trí là trung tâm lớn về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo lớn nhất của cả nước; Vùng cần xác định đây là động lực tăng trưởng trong năm 2025 và những năm tiếp theo, đề nghị các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thành phố Hà Nội tiếp tục cần phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Luật Thủ đô để xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đúng theo kế hoạch; tập trung các giải pháp tăng tốc, bứt phá, khẳng định vai trò trung tâm, động lực dẫn dắt vùng Đồng bằng sông Hồng, sẵn sàng tiến vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.
Về công tác quy hoạch, các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để làm căn cứ triển khai các chương trình, dự án trong giai đoạn 2026-2030./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư