Thứ hai, 00/00/2023
°

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 15/01/2025 - 09:19:00 | 242 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 94/QĐ-TTg ngày 14/01/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa.

Đầu tư hoàn thiện các dự án hạ tầng xã hội mang tính lan tỏa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Theo Kế hoạch, đối với dự án đầu tư công: tỉnh Phú Thọ ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển các khu vực động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế quan trọng, các ngành kinh tế có lợi thế đã được xác định tại Quy hoạch tỉnh; tập trung đầu tư các tuyến giao thông tạo ra không gian phát triển mới, các tuyến kết nối giao thông với các tỉnh trong vùng và các tỉnh lân cận, đặc biệt là thành phố Hà Nội; đầu tư mới, nâng cấp các tuyến đường tỉnh giai đoạn 2021-2030; phát triển đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng điện lực, hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án hạ tầng xã hội mang tính lan tỏa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đảm bảo an sinh xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng ngành du lịch, giáo dục, y tế, văn hóa; tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản (các di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh); các thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở y tế công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; tăng cường cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt chuẩn; cơ sở bảo trợ xã hội công lập; cơ sở cai nghiện; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực khoa học và công nghệ; các công trình, dự án cấp thoát nước; công trình thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt;...

Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo định hướng phát triển của tỉnh, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng giao thông; hạ tầng logistics, cảng, bến thủy nội địa; hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông; hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.

Thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường. Phát triển và giữ vững vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng trung du và miền núi phía Bắc; hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ. Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao (chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí lắp ráp hiện đại, máy nông nghiệp, thiết bị, dụng cụ y tế,...); phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; cơ cấu lại và nâng cao giá trị các sản phẩm công nghiệp truyền thống (hóa chất, giấy, phân bón, vật liệu xây dựng) theo hướng có chọn lọc để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, phát triển dịch vụ - đô thị, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bưu chính viễn thông có trọng tâm, trọng điểm; thu hút các dự án có quy mô lớn đầu tư vào Khu du lịch quốc gia Xuân Sơn, Khu du lịch quốc gia Đền Hùng và các khu du lịch cấp tỉnh tại các huyện Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tam Nông, Tân Sơn,... Phát triển du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng, hoạt động khoa học và công nghệ, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có giá trị cao;... tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, sự kiện (MICE), nghỉ dưỡng, sinh thái.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 800.000 tỷ đồng

Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 theo kịch bản tăng trưởng kinh tế 10,5% trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030 khoảng 800.000 tỷ đồng, trong đó vốn của khu vực Nhà nước sẽ được quyết định tại kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hằng năm và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.

Vốn ODA thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ODA; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn khu vực ngoài nhà nước phụ thuộc vào khả năng thu hút đầu tư của địa phương; cụ thể: (i) Vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước khoảng 140 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 17,5%; (ii) Vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước khoảng 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 62,5%; (iii) Thu hút vốn FDI khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,5 tỷ USD, chiếm khoảng 20%.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của tỉnh

Kế hoạch cũng nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước: Huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư các dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội; tập trung ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các dự án hạ tầng trọng điểm, liên vùng.

Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp: (i) Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (trọng tâm là phát triển công nghiệp) và thu hút các tập đoàn kinh tế trong nước (tập trung vào lĩnh vực phát triển du lịch, đô thị, dịch vụ thương mại, nông nghiệp công nghệ cao); (ii) Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp (y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ,...); (iii) Chú trọng huy động vốn đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), các dự án hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng logistics và khu du lịch, dịch vụ trọng điểm.

Ngoài ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của tỉnh và vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa về trình độ, kỹ năng, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức; đội ngũ công nhân lành nghề có tác phong công nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế của địa phương theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm hàng hóa có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác