Thứ hai, 00/00/2023
°

Diễn đàn quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam 2023: Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam

Ngày 30/11/2023 - 15:48:00 | 3383 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Tham gia thảo luận tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam 2023: Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam, các đại biểu cho rằng, tăng trưởng xanh là lựa chọn chiến lược, có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp Việt Nam tăng tốc trong thực hiện các mục tiêu phát triển.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Diễn đàn do Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 30/11/2023 với sự tham gia của diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương; Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; chuyên gia, nhà khoa học.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, tăng trưởng xanh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và Nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường. Đây là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế; là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định và thực thi chính sách.

Diễn đàn được nghe các bài nghiên cứu, tham luận về chuyển dịch xanh bao trùm từ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, địa phương sẽ cùng đóng góp tiếng nói chia sẻ quan điểm, kiến thức và đề xuất những biện pháp mới, có tính đột phá và thúc đẩy cao, nhằm đưa quá trình chuyển dịch xanh bao trùm Việt Nam vững vàng vượt qua mọi thách thức, giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu về Phát triển bền vững như cam kết tại Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

Chuyển dịch xanh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” là một trong những định hướng chủ chốt phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững. Để cụ thể hóa Chiến lược về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Việt Nam xác định rõ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển dịch trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: MPI

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là vấn đề mang tính toàn cầu. Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh cũng như những nội dung liên quan đến tăng trưởng bao trùm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định rất rõ phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm; tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng bền vững là những phương thức để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và tùy thuộc vào sự ưu tiên chính sách theo từng thời kỳ.

Khi nói đến tăng trưởng xanh không chỉ nói về vấn đề môi trường mà phải nhấn mạnh vấn đề kinh tế, xã hội; cần xác định rằng phát triển bền vững là vấn đề không phải của nhân loại mà cho cả các loài khác nữa. Những nội dung này cũng được xác định rõ trong Chương trình Nghị sự 2030, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Để triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Lê Việt Anh cho rằng, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Hiện các bộ, ngành đã ban hành kế hoạch hành động của riêng mình; lồng ghép các hoạt động tăng trưởng xanh trong chiến lược, quy hoạch của mình.

Liên quan đến can thiệp chính sách, ông Lê Việt Anh cho biết, đây là mục tiêu, hoạt động có giá trị thực chất nhất và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện triển khai bài bản và rõ ràng như thực hiện vai trò Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ đang triển khai 7 nhiệm vụ trong khuôn khổ quốc gia về chính sách, trong đó quan trọng nhất là xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia và phân loại xanh quốc gia. Đây là nhiệm vụ quan trọng liên quan đến các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội.

Theo đó, Bộ đang tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đối tượng liên quan để xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia và phân loại xanh quốc gia đảm bảo cơ sở vững chắc cho can thiệp chính sách hướng đích đã được Nhà nước, Chính phủ đặt ra rất rõ ràng. Đây là nỗ lực đòi hỏi sự kiên trì, sự tiếp cận bài bản từ rất nhiều khía cạnh, vừa đảm bảo sự hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Khi các chính sách này được ban hành là cơ sở quan trọng không chỉ đối với các can thiệp chính sách của Nhà nước mà còn là nội dung để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu rằng, nếu chúng ta có nỗ lực phù hợp với các tiêu chí đặt ra thì sẽ nhận được những ưu đãi, giúp doanh nghiệp có thêm động lực, nguồn lực để triển khai hoạt động tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng như kinh tế tuần hoàn.

Diễn đàn cũng được nghe các ý kiến từ góc nhìn quốc tế của Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski; Bà Dorsati Madani, Giám đốc Chương trình Tăng trưởng xanh của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam;… Các ý kiến đánh giá cao Việt Nam trong việc thực hiện thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời nhấn mạnh đến những thách thức hiện nay cần tập trung ưu tiên như vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chuyển đổi năng lượng xanh; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Cũng liên quan đến vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện tăng trưởng xanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thực hiện tăng trưởng xanh,  ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, trong chuyển đổi xanh, khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa là “xương sống”, quyết định sự thành bại của chuyển đổi xanh trong nền kinh tế. Do đó cần thay đổi nhận thức chuyển đổi xanh là con đường độc đạo là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Đây là vấn đề của các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chứ không chỉ là doanh nghiệp lớn. Đây cũng là “hộ chiếu” để tham gia thị trường trong nước và thế giới, tiếp cận mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có việc xuất bản hướng dẫn về phát triển xanh, nỗ lực kết nối các nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Duy Đông chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao và cảm ơn sự tham gia và đóng góp ý kiến của các đại biểu với các góc độ khác nhau, từ chuyên gia, nhà khoa học, các diễn giả từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán; khẳng định tiếp thu các ý để tham mưu trong quá trình triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách.

Trên cơ sở các tham luận và phát biểu, các đại biểu đều nhận định phát triển bền vững với trọng tâm tăng trưởng xanh, bao trùm, là vấn đề cấp thiết không chỉ của Việt Nam mà còn là xu hướng chung của toàn thế giới; tăng trưởng xanh là con đường hiệu quả để đạt các mục tiêu về phát triển bền bững.

Để tiến nhanh và đạt được mục tiêu phát triển bền vững như cam kết của Việt Nam tại Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc cần có chiến lược tổng thể cho quốc gia để thực thi; cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan; vấn đề thực thi nhanh hơn và mạnh mẽ hơn mới là quan trọng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án đã đề ra tại Chiến lược và Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, quá trình chuyển dịch xanh diễn ra trong bối cảnh nhiều xu hướng mới xuất hiện như tự động hóa, đổi mới sáng tạo, sự già hóa dân số… dẫn tới sự tái phân bổ lao động giữa các khu vực, lĩnh vực trong nền kinh tế. Điều này đòi hỏi chuyển đổi kỹ năng của người lao động để không đối tượng nào bị bỏ lại phía sau.

Về phía các doanh nghiệp, Thứ trưởng nêu rõ, doanh nghiệp là động lực và được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi nhưng cần phải quan tâm hơn nữa bởi đây là đối tượng đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Hiện nay, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% và có khoảng gần 5 triệu hộ kinh doanh.

Các địa phương có sự khác biệt về lợi thế so sánh và đặc điểm tự nhiên, dân số, trình độ phát triển, trình độ lao động. Do vậy cần có định hướng, chiến lược riêng để giúp khai thác các điểm mạnh và các lợi thế của địa phương; cần nghiên cứu có cơ chế chính sách, giải pháp để hỗ trợ cho các nhóm trên.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các đơn vị liên quan tiếp thu toàn bộ ý kiến tại Diễn đàn để tổng hợp báo cáo tham mưu cho lãnh đạo, đặc biệt là các kiến nghị cụ thể liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhóm yếu thế, các địa phương khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực hiện nhanh hơn tăng trưởng xanh, bao trùm; đảm bảo lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức liên quan, các đơn vị trong và ngoài nước để nghiên cứu các vấn đề về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm để tiếp tục tham mưu xây dựng các chính sách trình cấp có thẩm quyền nhằm thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia cũng như các cam kết của Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác